Gói kích thích kinh tế hậu dịch: Liệu lần này sẽ khác?

NAM MINH 13/11/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Gói kích thích kinh tế có thể giá trị rất lớn đang được thảo luận, nhưng nhiều băn khoăn đang đặt ra về mục tiêu thiết kế và hiệu quả.

Tương tự như các quốc gia khác, Việt Nam đang gấp rút nghiên cứu gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Một số tiền khổng lồ dự kiến sẽ được bơm vào nền kinh tế thông qua tất cả các kênh trọng yếu, từ đầu tư công cho đến cung ứng tín dụng giá rẻ cho doanh nghiệp và người dân. 

Nhưng liệu năng lực tài chính của khu vực công có tài trợ được số tiền này? Dòng tiền sẽ đến tay các doanh nghiệp đang khát vốn hay cuối cùng lại chảy vào thị trường chứng khoán, bất động sản và lọt vào tay số ít các doanh nghiệp có mối quan hệ tốt?

Ảnh: Foreign Policy

 

Quy mô là quan trọng...

Số tiền quy mô lớn đang chuẩn bị đổ vào nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đang nghiên cứu để tham mưu Chính phủ một số gói về kích thích kinh tế, hỗ trợ lãi suất với khoảng 20.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cũng thông báo sẽ tung ra gói hỗ trợ lãi suất khoảng 3.000 tỉ đồng, tương ứng dư nợ tín dụng tác động lên tới 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp kiệt quệ bởi đại dịch. 

Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, điều sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành xây dựng, từ đó lan tỏa sang các ngành khác, kích thích kinh tế tăng trưởng.

Chưa dừng lại ở đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ ngành cần nghiên cứu tăng quy mô gói kích thích kinh tế. 

Thực tế, gói kích thích kinh tế ở Việt Nam còn nhỏ, mới chi 1,7% GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực, như Philippines là 2,7%, Trung Quốc là 4,8%. Việt Nam không nhất thiết phải thiết kế gói hỗ trợ cao giống như một số nước, nhưng đúng là vẫn còn dư địa để tăng thêm quy mô.

Điều mà hầu hết các doanh nghiệp mong mỏi lúc này là được bơm một lượng tiền mới để phục hồi sản xuất và kinh doanh. 

Từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư cho phép giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp được phân loại đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng khó khăn vẫn còn đó.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dư địa cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện đã hết hoặc còn rất nhỏ. 

Tất cả những khoản nợ mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được cơ cấu nợ về bản chất là nợ dưới chuẩn. Do đó việc xem xét cho vay mới là khó khăn, đặc biệt khi doanh thu của doanh nghiệp giảm, tài sản đảm bảo thiếu. 

Vì vậy, cần cơ chế đặc biệt để các TCTD xem xét hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, cần nâng cao vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện năng lực tài chính của Chính phủ đang ở trạng thái thuận lợi để tung ra các khoản chi kích thích có quy mô lớn. 

Báo cáo mới nhất của Chính phủ cho biết nợ công năm 2020 đạt mức 45,08% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2021, nợ công ở mức 43,7% GDP. Tính ra quy mô nợ công vẫn còn khoảng cách tương đối lớn so với trần nợ công được quy định ở mức 60% GDP.

Nguồn thu ngân sách chưa thấy dấu hiệu hụt thu, nằm trong phạm vi an toàn để chi trả cho các khoản nợ tăng thêm. Bộ Tài chính cho biết 9 tháng đầu năm nay đã thu được hơn 1,077 triệu tỉ đồng, bằng 80,2% dự toán và tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2020.

... Nhưng hiệu quả mới là quyết định

Thị trường tài chính ngay lập tức phát tín hiệu tích cực giữa lúc Quốc hội và Chính phủ thảo luận về các gói kích thích kinh tế mới. 

Chỉ số VNIndex đóng cửa tuần thứ 44 của năm 2021 với 4 phiên tăng, 1 phiên giảm, có thêm 55,03 điểm, tương đương 3,96%, lập đỉnh mới 1.444,27 điểm. 

Thanh khoản tiếp tục cải thiện, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt con số ấn tượng: 26.040 tỉ đồng, tăng 19,95% so với tuần trước đó và 26,3% so với trung bình 5 tuần trước. Nhiều nhà đầu tư đang sôi nổi thảo luận về các lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế.

Trên thị trường bất động sản, giá nhà sơ cấp vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều chủ đầu tư đang kỳ vọng bất động sản sẽ vọt dậy sau thời gian dài giãn cách. 

Chính phủ sẽ gia tăng đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, hay nguồn kiều hối đổ về cuối năm sẽ lại đổ dồn vào nhà đất.

Tuy nhiên, xác định đúng đích đến của dòng tiền kích thích còn quan trọng hơn quy mô. 

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từng khuyến nghị chính sách phản ứng của chính phủ cần tập trung vào các mục tiêu quan trọng nhất: kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; và bảo vệ người lao động tại nơi làm việc. 

Khung chính sách hướng tới các mục tiêu cốt lõi đó sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục hậu COVID-19 bằng việc giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế trong tương lai.

Bài học của gói kích thích kinh tế trên diện rộng nhưng khó kiểm soát năm 2008 và hệ quả kéo dài đến vài năm sau đó vẫn còn nóng hổi. 

Việc triển khai đồng thời nhiều cơ chế hỗ trợ lãi suất cùng thực thi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng làm tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tăng ở mức cao, gây sức ép tăng lãi suất thị trường và lạm phát. Mức tăng tín dụng chỉ tính riêng năm 2009 đã là 37,85%.

Một nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Thế Anh, Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho thấy trung bình trong giai đoạn 2007 - 2012, tức sau khi gói kích thích kinh tế 2008 được tung ra, tỉ lệ lạm phát tăng trong khi tăng trưởng GDP lại giảm so với các con số tương ứng của giai đoạn 2001 - 2006.

Hơn thế nữa, sự bất ổn (được đo lường theo độ lệch chuẩn của các biến) trong giai đoạn 2007 - 2012 lớn gần gấp đôi so với các con số tương ứng của giai đoạn 2001 - 2006. Tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng đầu tư công liên tục được duy trì ở mức cao, đặc biệt là kể từ năm 2007. 

Các công cụ chính sách tiền tệ (đại diện bởi lượng cung tiền) và tài khóa (đại diện bởi tăng trưởng đầu tư công) cũng thay đổi thất thường hơn. Độ lệch chuẩn của tăng trưởng cung tiền và độ lệch chuẩn của đầu tư công đều tăng khoảng hơn 3 lần trong giai đoạn 2007 - 2012 so với 2001 - 2006.

Gói kích thích 2008 thực tế làm tăng lạm phát, trong khi hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dường như không tương xứng. 

Kiểm định nhân quả Granger trong nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Thế Anh cho thấy biến động chu kỳ của tăng trưởng cung tiền là nguyên nhân gây ra biến động chu kỳ của lạm phát với độ trễ từ 4 - 6 tháng.

Hoàn cảnh hiện nay khá giống năm 2008. Để đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế, nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật, Trung Quốc đều tích cực bơm tiền. Hệ quả là giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa gia tăng chóng mặt, gây nhiều bất ổn không mong muốn.

Hiện giá dầu thế giới vẫn chưa bớt nóng. Black Rock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, nhận định giá dầu thô có thể lên tới 100 USD/thùng và giữ ở mức cao trong suốt năm 2022. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì nhu cầu sụt giảm sẽ càng chật vật hơn nếu chi phí nguyên liệu đầu vào không bớt căng thẳng.

Vì vậy, thay vì đối tượng nhắm đến còn mập mờ - điều có thể làm gia tăng lạm phát và đổ tiền vào các thị trường có tính đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ..., người hoạch định chính sách có thể thay đổi và thiết kế sao cho dòng tiền hỗ trợ lần này gắn với các mục tiêu cụ thể như bảo vệ môi trường, giảm khí thải, tạo việc làm, hỗ trợ đào tạo hay cải thiện đời sống công nhân. 

Thậm chí nên đòi hỏi doanh nghiệp nhận sự hỗ trợ phải thay đổi mô hình, phát triển theo các xu thế mới đang nở rộ như đầu tư có trách nhiệm với xã hội (ESG), phát triển năng lượng tái tạo hay ứng dụng công nghệ cao.

Gói kích thích lần này cũng cần đảm bảo công bằng và khách quan trong chọn lựa doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tránh hiện tượng một số công ty có nguồn lực mạnh nhưng vẫn xin vay vốn để chi tiêu vào các dự án kém hiệu quả, gửi tiết kiệm ngân hàng, mang tiền cho các doanh nghiệp nhỏ khác vay kiếm chênh lệch hay phục vụ cho các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.

Chất lượng các khoản đầu tư công là vấn đề còn khó khăn hơn, nhất là với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. 

Bên cạnh đó, cần hướng tới các mục tiêu quan trọng khác gồm cải thiện các cân đối lớn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô hòng tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững và năng lực chống đỡ tốt hơn trước các cú sốc khu vực và thế giới trong các năm tới.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận