Gói hàng "ô dề", khách hàng chê

PHAN BẢO 18/03/2023 06:36 GMT+7

TTCT - Đóng gói sản phẩm quá mức không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người tiêu dùng mà còn có thể làm tổn hại đến lợi nhuận của công ty về lâu dài.

Người viết bài này từng nhận được một vỉ pin cỡ lòng bàn tay mua qua mạng nhưng được giao trong hộp carton to gấp 10 lần. Lên mạng thì thấy người mua đồ bên Mỹ cũng bị y chang. 

Tình trạng đóng gói quá mức (overpackaging hay excessive packaging) như thế này đang trở nên rất phổ biến trong thời đại mua hàng qua mạng hiện nay.

Ảnh: thepackaginginsider.com

Ảnh: thepackaginginsider.com

Theo định nghĩa của công ty dịch vụ kỹ thuật đóng gói Pioneer Packaging (Mỹ), đóng gói quá mức là tình trạng sản phẩm được "mặc" nhiều "lớp áo" không cần thiết, thường dễ thấy trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm và quần áo. 

Công ty sản xuất và thiết kế bao bì của Anh British Loose Leaf cho rằng: bất kỳ bao bì nào gây lãng phí cũng có thể xem như đóng gói quá mức. Giấy và nhựa không góp phần bảo vệ sản phẩm hoặc thêm bất cứ giá trị gì về mặt sáng tạo tinh tế và tính thẩm mỹ cũng được coi là đóng gói "lố".

Khách hàng chê

Kết quả nghiên cứu của công ty bao bì sản phẩm DS Smith ở Anh, do trang Packaging Europe dẫn lại năm 2022, cho thấy: 43% trong 2.000 người tiêu dùng được khảo sát không hài lòng với tình trạng đóng gói quá mức - nguyên nhân dẫn đến hơn 86.000 tấn khí thải CO2 có thể tránh được mỗi năm - và 32% muốn nhận được món hàng với bao bì đóng gói vừa vặn hơn.

Trong khi đó, 4/5 doanh nghiệp thừa nhận đã sử dụng bao bì không phù hợp với kích thước sản phẩm. Việc này dẫn đến hệ quả là có hơn 169.291 tấn bìa cứng, tương đương 39,4 triệu bảng Anh, cũng như 410 triệu mét vuông băng keo nhựa và 80 triệu mét khối vật liệu độn được sử dụng không cần thiết.

Hai năm trước đó, trong một khảo sát khác do Đại học Cal Polytechnic (California, Mỹ) hợp tác thực hiện với công ty đóng gói Pregis, 138 người tham gia thuộc gen Z được chia thành hai nhóm để thử mở hộp một cặp tai nghe Bluetooth có kích thước sản phẩm 9x12x5cm.

Thành viên nhóm A mở sản phẩm tai nghe đựng trong hộp bìa cứng kích thước 15x12,7x10cm, được bao bọc bằng một tấm đệm khí bơm hơi áp suất thấp có kích thước khoảng 38,5x15cm. Bao bì đóng gói nói chung không lớn hơn hộp sản phẩm là bao. Đối với nhóm B, bao bì vận chuyển có kích thước 35,5x25,4x15cm, bên trong còn có nhiều khoảng trống và 13 túi đệm 20x20cm để giữ cố định hộp tai nghe.

Sau đó, những người tham gia được yêu cầu đánh giá quá trình mở bao bì theo thang điểm từ 1 (rất tích cực) đến 7 (rất tiêu cực). Kết quả cho thấy nhóm B, nhóm được phát hộp bao bì to quá mức cần thiết, cho điểm trải nghiệm trung bình là 5,20, cao hơn so với số điểm 4,76 của nhóm A dù mỗi nhóm không biết bao bì nhóm kia trông như thế nào. Điều này có nghĩa là hộp đóng gói quá mức tạo ra trải nghiệm tổng thể đáng thất vọng hơn và được coi là kém hấp dẫn hơn so với hộp có bao bì phù hợp.

Hai cách đóng gói trong khảo sát của Đại học Cal Polytechnic.

Hai cách đóng gói trong khảo sát của Đại học Cal Polytechnic.

Bên cạnh đó, nhóm A cho rằng bao bì của họ bền vững hơn 38% so với nhóm B. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của những người tham gia về trách nhiệm xã hội của công ty. Những người nhận được sản phẩm đóng gói quá mức cho rằng thương hiệu ít có trách nhiệm với xã hội hơn 31%.

Bất ngờ hơn, một trong những phát hiện đáng ngạc nhiên nhất là khi những người tham gia được yêu cầu đoán giá của tai nghe Bluetooth trên. Nhóm A cho rằng món hàng trị giá khoảng 16,97 USD; còn nhóm B, sau khi hì hục mở lớp bao bì đóng gói quá khổ, đã hạ giá trị cảm nhận về món hàng xuống chỉ còn 15,84 USD - chênh lệch 7%.

Nhóm thực hiện khảo sát kết luận: đóng gói quá mức không chỉ tạo nên ấn tượng xấu về doanh nghiệp đối với trách nhiệm xã hội mà còn có thể làm giảm giá trị cảm nhận của sản phẩm, thúc đẩy khách hàng mua hàng của đối thủ cạnh tranh. Điều này có thể dẫn đến sụt giảm doanh số và lợi nhuận, và cuối cùng là khiến thương hiệu mất giá.

Cũng trong năm 2020, một khảo sát trực tuyến hơn 2.000 người trong độ tuổi 16 - 75 trên khắp Vương quốc Anh do công ty nghiên cứu thị trường Ipsos MORI thực hiện đã đi đến kết luận tương tự. Cụ thể, 58% người tiêu dùng Anh cho biết họ sẽ chuyển sang nhãn hiệu khác nếu nhãn hiệu đó sử dụng ít bao bì hơn khi mua sắm thực phẩm và đồ gia dụng hằng ngày.

Các doanh nghiệp nói gì?

Không ít thì nhiều, những nghiên cứu trên cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các công ty thương mại điện tử. Họ hẳn đã chú ý, nhưng có thay đổi hay không thì tùy.

Theo báo Press and Journal của Scotland, trong đợt phong tỏa đầu tiên vào năm 2020, người Anh đã chi 40,6 tỉ bảng mua các mặt hàng không thiết yếu qua mạng, khiến một số công ty lâm vào cảnh thiếu bìa carton đóng gói. 

Tuy nhiên, điều đó dường như không ngăn được nhiều công ty sử dụng các hộp quá lớn cho những mặt hàng kích thước nhỏ. Họ lấp đầy gói hàng với các hạt xốp và các vật liệu độn khác.

"Tôi hoàn toàn không phải một chiến binh sinh thái nhưng tôi biết khi nào không nên lạm dụng mọi thứ, thật đáng tiếc là Amazon không nhận thức được điều này" - anh Edward Jones phàn nàn với Press and Journal, sau khi nhận được một hộp carton lớn chứa giấy nâu, băng dính và có xốp hơi chỉ để bảo vệ một chai giấm táo nhỏ mà vợ anh đặt mua qua Amazon.

Đây là cách chai giấm táo của Edward Jones được đóng gói.

Đây là cách chai giấm táo của Edward Jones được đóng gói.

Đó không phải là gói hàng duy nhất Edward nhận được trong năm với tình trạng đóng gói quá mức. Điều này khiến anh bức xúc: "Việc đóng gói quá mức đang diễn ra quá thường xuyên và các công ty như Amazon nên nhận thức rõ hơn về biến đổi khí hậu và sức khỏe của hành tinh mỏng manh của chúng ta, nếu không sẽ phải đối mặt với những khoản phạt nặng nề".

Về phía doanh nghiệp, người phát ngôn của Amazon cho biết: "Amazon cam kết giảm chất thải bao bì và sử dụng ít vật liệu đóng gói hơn". Cụ thể, công ty này khuyến khích các nhà sản xuất đóng gói sản phẩm của họ bằng bao bì dễ mở, có thể tái chế 100% và sẵn sàng giao cho khách hàng mà không cần hộp của Amazon.

"Cho đến nay, Amazon đã giảm 36% trọng lượng của bao bì gửi đi và loại bỏ hơn 1 triệu tấn vật liệu đóng gói, tương đương với hơn 2 tỉ hộp vận chuyển" - người đại diện khẳng định.

Chỉ không rõ số liệu trên được tính toán như thế nào và liệu còn bao nhiêu khách hàng của Amazon ngỡ ngàng với những gói hàng to đùng trước cửa nhà như anh Edward.■

Anh đã có các quy định nhằm hạn chế lượng chất thải bao bì do mua sắm trực tuyến tạo ra, theo trang gov.uk.

Cụ thể, theo mục Nghĩa vụ nhà sản xuất mở rộng, doanh nghiệp cá nhân, công ty hoặc tổ chức (nhưng không phải là tổ chức từ thiện) có doanh thu hằng năm từ 1 triệu bảng Anh trở lên, tạo ra hơn 25 tấn bao bì trong một năm và thực hiện bất kỳ hoạt động đóng gói nào phải thu thập dữ liệu về số lượng bao bì của họ, báo cáo với Nhà nước và trả phí quản lý chất thải.

Quá trình thu thập và báo cáo dữ liệu bắt đầu từ tháng 1-2023, thời gian nộp phí bắt đầu từ năm 2024. Loại thuế này được sử dụng để tài trợ cho các quy trình tái chế và thu hồi nhằm giảm lượng bao bì thải ra.

Năm 2021, Cơ quan quản lý nhà nước về quy chế thị trường Trung Quốc cũng đưa ra quy định đóng gói với 31 mặt hàng thực phẩm (không quá 3 lớp bao bì) và 16 mặt hàng mỹ phẩm (không quá 4 lớp), theo FoodNavigator Asia.

Ví dụ đối với đồ ăn nhẹ làm từ yến mạch được gói riêng lẻ, lớp đầu tiên có thể là lớp bọc xung quanh món ăn, lớp thứ hai có thể là lớp bọc xung quanh tổng số đồ ăn nhẹ trong gói tổng thể và lớp thứ ba cuối cùng có thương hiệu sản phẩm có thể được thêm vào làm lớp bọc bên ngoài.

Còn với mỹ phẩm, chẳng hạn kem dưỡng ẩm, chai đựng kem là lớp đầu tiên, sau đó là lớp thứ hai cố định chai, lớp bên ngoài thứ ba và lớp bên ngoài cuối cùng thứ tư có tên thương hiệu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận