Gỡ các lực cản cho bệnh viện công: Không ai công việc đang ổn định, mức lương tốt lại rời đi cả

LAN ANH - DƯƠNG LIỄU 23/07/2022 07:51 GMT+7

TTCT - Theo các chuyên gia, hiện có nhiều lực cản khiến ngày càng nhiều y bác sĩ bỏ việc, rời bệnh viện công sang bệnh viện tư. Để giải quyết vấn đề này cần nhiều giải pháp từ các bộ ngành liên quan để có cơ chế cũng như hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các bệnh viện công giữ chân y bác sĩ giỏi,

Gỡ các lực cản cho bệnh viện công: Không ai công việc đang ổn định, mức lương tốt lại rời đi cả - Ảnh 1.

GS.TS Trần Bình Giang. Ảnh: NVCC

Mới tính tiền lương và chi phí trực tiếp, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định

Gần 10.000 y bác sĩ nghỉ việc, chuyển việc từ năm 2021 đến nay là vấn đề rất lớn đối với ngành y. Có người nói là những người đó không bỏ nghề, họ vẫn phục vụ nhân dân ở khối y tế tư nhân.

Nhưng có một thực tế không phải ai cũng đủ tiền vào khám chữa bệnh tại khối bệnh viện tư, trong khi khối bệnh viện công lập đang phục vụ dải bệnh nhân rộng hơn như người có thẻ bảo hiểm, người nghèo…

Bệnh viện tư chỉ thu hút những y bác sĩ giỏi. Theo thống kê năm 2021 của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, hiện lương bình quân của y bác sĩ ở TP.HCM và Hà Nội là 7,3 triệu đồng/người/tháng, không đảm bảo nhu cầu cuộc sống. 

Theo Luật lao động, y bác sĩ có quyền tìm chỗ làm việc có lương cao hơn. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý của bệnh viện công còn nhiều vướng mắc, hiện nay là khó khăn trong đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị. Bệnh viện chúng tôi đang thiếu vật tư kỹ thuật cao, bệnh nhân phải chờ…

Hiện 34 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải chờ danh mục đấu thầu tập trung và đàm phán quốc gia, nhưng danh mục này đến nay vẫn chưa có. Hỏi Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia thì trung tâm nói hiện chưa có, bệnh viện thì đang khó khăn, cần đảm bảo đủ thuốc điều trị.

Hậu quả của tình trạng này là nguy cơ bệnh viện công không còn thầy thuốc giỏi, người bệnh nói chung (xét trên phương diện rộng) không được bác sĩ giỏi điều trị nữa. 

Trước nay, những bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Trung ương Huế… vốn là những chiếc "máy cái" trong đào tạo nhân lực y khoa. Các bác sĩ về đây học không có máy móc tốt, không có thầy giỏi đào tạo về lâu dài sẽ ảnh hưởng chất lượng nhân lực nhiều thế hệ. Đây là điều tôi rất trăn trở.

Lý do chính dẫn đến việc y bác sĩ nghỉ việc, chuyển việc suy cho cùng là do lương. Nếu thù lao cho y bác sĩ ổn và có cơ chế để có đủ phương tiện máy móc, có hành lang pháp lý cho bệnh viện công vận hành, tạo môi trường làm việc thì sẽ giải quyết được vấn đề nhân lực tại bệnh viện công.

Hiện chi phí thuê người chăm sóc bên ngoài tại một số bệnh viện ở Hà Nội rất cao, người chăm sóc lại không có năng lực chuyên môn. Mỗi người đi bệnh viện luôn có 2 người nhà đi theo chăm sóc, tiền ăn ở đắt đỏ lại phải vạ vật ở Hà Nội suốt những ngày người thân nằm viện. 

Chúng tôi đã có đề án gửi Bộ Y tế về chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Chúng tôi có đủ đội ngũ nhân lực, chi phí lại rẻ hơn, nếu áp dụng mô hình này thì chi phí chung cho người bệnh sẽ giảm đi, còn bệnh viện có thêm nguồn thu để hỗ trợ cho y bác sĩ.

GS.TS Trần Bình Giang (giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

Chỉ mình ngành y tế giải quyết, sẽ còn tiếp tục loay hoay

Do chưa có đánh giá tổng thể nên chưa biết đâu là nguyên nhân trực tiếp, đâu là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng hàng ngàn y bác sĩ nghỉ việc, chuyển việc thời gian qua nhưng tôi cho rằng có một số nguyên nhân: mức lương hiện không đủ cho y bác sĩ yên tâm làm việc, chưa đủ đáp ứng nhu cầu bản thân và nuôi sống gia đình.

Do áp lực công việc, làm việc ở khu vực công, đặc biệt ở các khoa cấp cứu, hồi sức, tâm thần, giải phẫu bệnh… công việc nặng nhọc, khi có dịch bệnh lại được điều động đi chống dịch không quản ngày đêm, không quản hiểm nguy.

Tình trạng thuốc, vật tư tiêu hao…chưa đáp ứng được, ảnh hưởng đến điều trị cho bệnh nhân. Không đủ thiết bị, vật tư chăm sóc cho người bệnh đã ảnh hưởng đến tâm lý người hành nghề.

Bên cạnh đó là môi trường làm việc gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện công hiện chưa được đầu tư mạnh bằng bệnh viện tư, việc đánh giá năng lực, cống hiến của nhân viên đây đó còn chưa thật sự công bằng.

Cơ hội học tập, trau dồi năng lực chuyên môn, khả năng thăng tiến cũng là những vấn đề cần xem xét. Bệnh viện công dù là bác sĩ giỏi, có kỹ năng quản lý nhưng cần nhiều bước, nhiều điều kiện "cộng thêm" mới có cơ hội học tập, trau dồi kỹ năng, nhưng ở khu vực tư thì cơ hội nhiều hơn, cứ có năng lực, kinh nghiệm, có chuyên môn là được, dù là y bác sĩ trẻ.

Khâu quản trị ở bệnh viện công khác với bệnh viện tư, trong đó khu vực công lập tính viện phí, phương thức quản trị, kế hoạch phát triển phụ thuộc nhiều vấn đề, trong khi bệnh viện tư rõ ràng hơn.

Có ba giải pháp để giải quyết những rào cản trên. Thứ nhất là về chuyện nhân lực: Trước mắt phải "có thực mới vực được đạo", do vậy nên có mức thu nhập tương xứng hơn cho y bác sĩ công. 

Nhưng chỉ mình ngành y tế không thể làm được, phải có Quốc hội, Chính phủ, đơn vị cải cách tiền lương… để lương tương xứng với số năm đào tạo, năng lực và đặc thù làm việc vất vả của ngành y. Ngành y hiện được xem là ngành làm việc "đặc biệt", trong môi trường đặc biệt nhưng thu nhập thì chưa đặc biệt.

Thứ hai, cần làm ngay, là có đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế, trang bị đủ "vũ khí" cho thầy thuốc phát huy năng lực, người bệnh được hưởng chất lượng điều trị tốt

Thứ ba là đảm bảo môi trường làm việc an toàn, y bác sĩ "ra trận" phải có điểm tựa mới có thể yên tâm làm việc.

Các giải pháp này cần có sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, nếu để mình ngành y tế thì sẽ phải tiếp tục loay hoay trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Huy Quang (nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế)

Gỡ các lực cản cho bệnh viện công: Không ai công việc đang ổn định, mức lương tốt lại rời đi cả - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tuấn Hưng. Ảnh: NVCC

Thêm những ưu đãi cho y bác sĩ chuyên ngành đặc biệt

Các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, HIV, giải phẫu bệnh, hồi sức cấp cứu là nhóm vốn khó kiếm nhân lực, sau dịch COVID-19 càng khó hơn bởi đặc thù các chuyên ngành này vất vả, y bác sĩ có khi phải chăm lo từ miếng ăn giấc ngủ cho người bệnh nhưng thu nhập lại thấp. Từ năm 2011 chúng tôi đã đề nghị phụ cấp thâm niên nghề cho y bác sĩ làm việc trong nhóm chuyên ngành này nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa duyệt. Hiện ngành giáo dục, thanh tra, kiểm lâm… (10 ngành nghề) có phụ cấp thâm niên nghề, trong khi y tế không có.

Bệnh viện điều trị bệnh nhân chuyên khoa lao, phong, tâm thần cũng khó khăn vì không có nguồn thu, đặc biệt là bệnh viện ở địa phương, vì thế thu nhập của y bác sĩ cũng rất thấp.

Ông Nguyễn Tuấn Hưng (phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế)

Không ai công việc đang ổn định, mức lương tốt lại rời đi cả

Bộ Y tế đang xây dựng tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng và trình Chính phủ cho phép xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 56/2011-NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó nâng mức hưởng phụ cấp và ưu đãi theo nghề đã được quy định tại điều 3 nghị định 56 đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ 40-70% lên mức 100%.

Tuy nhiên đây chỉ là một trong nhiều vấn đề cần giải quyết. Thực trạng nhân viên y tế rời đi khỏi bệnh viện công rất cấp thiết. Các bộ, ngành cần có sự phối hợp để có cuộc cải tổ, đổi mới ngành y tế, đặc biệt các vấn đề pháp lý, quy chế, luật định để các bệnh viện có hoạt động tốt hơn, chất lượng cao hơn và thu nhập của nhân viên tốt hơn.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận