Giữ tinh thần "dấn thân yêu đời" của người Sài Gòn

PHẠM CÔNG LUẬN 02/01/2016 17:01 GMT+7

TTCT - Sài Gòn đã “vượt thoát” và phát triển được nhờ các “mối nối” làm nên giá trị của nó không bị đứt...

Thiếu nữ Sài Gòn năm 1960 -T.L.
Thiếu nữ Sài Gòn năm 1960 -T.L.

 Có không ít bạn trẻ hỏi tôi: “Vì sao anh chỉ thích viết về những câu chuyện xưa cũ ở Sài Gòn?”. Điều các bạn ấy muốn nói là Sài Gòn bây giờ mới thật đáng sống, phát triển hơn nhiều so với Sài Gòn cũ kỹ trong các bức ảnh xưa.

Lưu giữ và chia tay

Có lẽ những người trẻ và nhiều nhà quản lý đô thị hiện nay muốn Sài Gòn phát triển giống Singapore hay Bangkok. Một số kiến trúc cổ ở khu trung tâm đã hoặc sẽ bị đập đi để xây trung tâm thương mại, trụ sở mới. Nhưng tôi nghĩ rằng hơn bao giờ hết, Sài Gòn cũng cần phải giữ lại những gì đã tạo nên vẻ đẹp của nó trong quá khứ.

Tại hội thảo “Điều kiện trường tồn của doanh nghiệp” diễn ra đầu tháng 12-2015, giáo sư Namakayma Osamu, hiệu trưởng Trường ĐH Reitaku (Nhật) chia sẻ: “Trước đây, người Nhật từng cho rằng để tồn tại trong xu thế toàn cầu hóa thì làm cho nước Nhật trở nên giống nước Mỹ là được.

Nhưng giờ thì chúng tôi nhận ra đó sai lầm. Thực tế, càng toàn cầu hóa thì mỗi quốc gia lại càng phải giữ gìn giá trị riêng của mình, như vậy thế giới mới tồn tại và đứng vững được”. Điều đó khiến tôi liên tưởng đến thành phố của mình và hướng đi của nó trong tương lai.

Rõ ràng, Sài Gòn cần xây dựng giá trị riêng của mình, và bên cạnh việc dần tạo dựng giá trị mới, điều cần làm ngay là tìm lại, khôi phục, mài giũa những giá trị truyền thống. Chính các giá trị đó đã và sẽ tạo nên bản sắc riêng của đô thị có lịch sử hơn 300 năm này.

Đó không chỉ là những tòa nhà xưa rất đẹp nằm dưới các con đường rợp bóng cây, đình chùa miếu mạo rải rác khắp Chợ Lớn, Gia Định cũ mà còn là tinh thần “dấn thân yêu đời” (chữ của giáo sư Thanh Lãng) của người Sài Gòn từ bao đời nay.

Vì yêu đời mà dấn thân, vì yêu đời nên dấn thân và cảm thấy vui sướng. Yêu đời nên yêu người, sẵn sàng giúp đỡ người gặp khó khăn, mở tủ thuốc từ thiện, bơm vá xe cho người khuyết tật, mở quán cơm từ thiện giá rẻ, người nghèo mua gạo giúp người nghèo hơn mình...

Khi tìm tài liệu để viết bộ ba cuốn Sài Gòn, chuyện đời của phố, tôi thấy đầy ắp tinh thần cố gắng xây dựng một xã hội đầy chất nhân văn của người Sài Gòn xưa. Như chương trình “Thế giới của trẻ em” trên sóng truyền hình từ năm 1967 của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, một cố gắng trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh, để “...đem tiếng cười thơ ngây gắn trở về gương mặt hồn nhiên của trẻ thơ.

Bom đạn, hỏa tiễn đã phá nát thiên đàng tuổi thơ rồi. Bây giờ mình cố giữ một chút gì còn lại để thấy thế giới này còn... biết cười thật lòng”. Khi đọc những dòng tâm sự của ông, tôi thấy xúc động. Tôi tin rằng đó cũng là mong muốn của bà Kiều Hạnh khi làm chương trình ca nhạc thiếu nhi Tuổi xanh, đem lời ca tiếng nhạc trong sáng giúp trẻ thơ hướng thiện.

Đó cũng là tâm nguyện của ông Khai Trí, vợ chồng nhà văn Nhật Tiến và Đỗ Phương Khanh khi làm báo Thiếu Nhi, của ông Nguyễn Trường Sơn khi xây dựng Tủ sách Tuổi Hoa với vai trò cố vấn của nhà văn Minh Quân.

Họ lo lắng cho tâm hồn trẻ thơ thời chiến khi cha mẹ lo kiếm sống, khi không có mặt người cha ở nhà và lũ trẻ lớn lên bị cuốn vào cơn lốc tiêu thụ, lo sợ và chán chường cho tương lai, yêu cuồng sống vội.

Trên dưới nửa thế kỷ trước, Sài Gòn đã có trung tâm thương mại, siêu thị đông khách, vận hành không khác ngày nay. Người dân Sài Gòn đã tổ chức triển lãm và biểu diễn thời trang bằng hàng vải nội hóa. Họ tổ chức biểu diễn ca nhạc, diễn kịch, tuồng, thi hoa hậu.

Họ tổ chức tour tham quan thành phố, du lịch trong và ngoài nước. Họ lập trường đại học công và tư với nhiều ngành đào tạo. Họ làm tới đâu học tới đó, không biết thì cắp sách ra nước ngoài học, vừa làm vừa nghe ngóng tình hình chiến sự.

Người ở thành phố làm thay việc của thầy giáo, công nhân bị bắt lính phải ra chiến trường, vẫn dựng sạp biểu diễn cải lương khi chiến sự áp sát thành phố, xoay xở giấy in báo khi tăng giá, để con nít có báo mà đọc.

Đó chính là những di sản tinh thần của Sài Gòn một thời nhưng ngày càng bị thời gian vùi lấp. Chiến cuộc làm mất mát nhiều tư liệu, hình ảnh. Đến ký ức cũng không còn khi nhân chứng ra đi.

Tôi tiếc không gặp được nghệ sĩ Bắc Sơn để nghe kể nguyên do ông làm chương trình “Quê ngoại” đầy cảm xúc, với những ca khúc đậm chất quê hương như Em đi trên cỏ non, Còn thương rau đắng mọc sau hè, kịch bản tự nhiên, chân tình làm rơi nước mắt những cư dân tạm cư.

Tôi muốn tìm lại dấu vết dàn nhạc Đại hòa tấu Sài Gòn cuối năm 1959, ban nhạc Tiếng Tơ Đồng, ban thi văn Tao Đàn lừng danh, nhìn được hình ảnh ông già Louis Vidal thời Pháp thuộc làm hương cả làng Phú Nhuận, bận áo dài khăn đóng, nhai trầu, ăn nước mắm, lấy vợ Việt.

Hai mẹ con phơi nắng ở sân chung cư Thanh Đa -Trần Cương
Hai mẹ con phơi nắng ở sân chung cư Thanh Đa -Trần Cương

Dấn thân và yêu đời

Chẳng có nơi nào trên đất nước có nhiều người di cư đến như Sài Gòn. Nhưng rồi cũng từ Sài Gòn, trong nửa thế kỷ gần đây có rất nhiều người bỏ nó ra đi. Tôi tin rằng nếu không vì những biến động đã diễn ra, không người dân Sài Gòn nào, cố cựu hay ngụ cư, muốn ra đi cả. Khi rời xa, họ mang theo hiểu biết về cuộc sống của cư dân một thời. Nó mất hẳn luôn khi họ nằm xuống.

Bên cạnh những điều đó, có những điều được tiếp nối khi gặp những thử thách sau này. Thời kinh tế bao cấp sau 1975 khiến người Sài Gòn bỡ ngỡ và lo lắng ban đầu, nhưng họ lại một lần nữa “dấn thân, yêu đời”, nếu còn ở lại.

Họ sống tằn tiện, lấy vỏ xe làm dép, chế biến mực bút bi, dùng than thay xăng chạy xe, nghĩ ra và dạy nhau cách chế biến mì sợi, khoai lang, bột mì, bo bo, cá xô để sống qua ngày chờ lúc tươi sáng hơn. Họ ngạo nghễ đối diện khó khăn, đùm bọc nhau, không thích khoanh tay nhìn rồi than trách mà luôn xoay xở để khá hơn, luôn cho rằng “còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây”.

Lụt miền Trung, miền Tây năm 1978 có khó mấy vẫn gửi quần áo cũ, lương thực giúp đỡ người khác khổ hơn mình. Họ giữ giá trị của chất con người Sài Gòn - Gia Định “kiến nghĩa bất vi...”. Họ có ra đi thì không quên ngoảnh lại, nhanh chóng chuyển tiền của về giúp thân nhân và giúp vốn cho cả thành phố vực dậy kinh tế thời đổi mới.

Rồi thành phố lại tiếp tục bổ sung nhân lực là người tứ xứ, không đổ về vì chiến cuộc mà góp về những người ưu tú nhất của quê hương mình cho đất này. Với truyền thống đùm bọc đồng hương, thân nhân, họ hình thành những cộng đồng nhỏ những người cùng quê và hòa nhập vào đất Sài Gòn.

Tài năng, tính hiếu học, sự cần cù của họ là đóng góp quan trọng tạo nên sức mạnh thành phố, không khác chi nhóm dân cư miền Bắc vào năm 1954 và xa xưa hơn là nhóm người Minh Hương.

Cảng Sài Gòn năm 1951, tranh khắc của Patrick Manceau  -T.L.
Cảng Sài Gòn năm 1951, tranh khắc của Patrick Manceau -T.L.

 Những câu chuyện trên “tiếp sức” cho sức sống của Sài Gòn, khiến nó không bị hụt hẫng rồi mất dần để rồi chỉ còn vang bóng một thời. Sài Gòn đã “vượt thoát” được nhờ các “mối nối” làm nên giá trị của nó không bị đứt.

Tôi mong rằng sẽ có nhiều cuốn sách, bài báo viết về những tháng năm bi tráng ấy, không phải chiến đấu với kẻ thù mà là chiến đấu với cái nghèo, cái bó buộc của tư duy ấu trĩ, để khẳng định chất Sài Gòn. Và nên nhớ những hình ảnh, câu chuyện, ký ức của cuộc sống một thời mới vừa qua ấy cũng đang mất dần, mất dần...

Hiroike Chikuro, người sáng lập ĐH Reitaku, từng nói: “Người áp dụng cùng một phương pháp cho lập nghiệp và gìn giữ sự nghiệp thì sẽ mất nó. Lập nghiệp không cần đức, nhưng để giữ gìn sự nghiệp đó thì không có đạo đức không xong!”. Bất cứ cái gì muốn trường tồn đều phải có đạo đức làm cốt lõi. Còn là công đức, và phước đức.

Để gây dựng tầm vóc và giữ gìn sự trường tồn cho một thành phố như Sài Gòn cũng vậy, không có đức không xong. “Ôn cố tri tân”, có những giá trị nằm sẵn trên mảnh đất thành phố này, và những điều tốt đẹp trong bốn mươi năm qua đã chớm dậy đợi chúng ta tìm kiếm, đúc kết, để tiếp nối và hoàn thiện. Đó là quan niệm về thiện và ác, công bằng và trách nhiệm, lương tâm và lòng tự trọng...

Tìm tòi, lục lọi, giữ gìn ký ức, hình ảnh của Sài Gòn một thời đã qua, trăm năm trước hay chỉ mới vài chục năm trước, soi rọi mình trên dòng sông thời gian, từ đó tìm ra được những giá trị tinh thần, đạo đức của người Sài Gòn một thời là việc cần làm và nên làm.

Tìm thấy để tự hào về một nơi từng đáng sống, đã từng sống đàng hoàng, có tình có nghĩa. Từ niềm tự hào đó, chúng ta sẽ gắng sống đàng hoàng cho hôm nay và mai sau.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận