Giữ một dòng kênh

DUY KỲ - KHẢI ĐƠN 22/09/2012 10:09 GMT+7

TTCT - Con đường bên bờ kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM) giờ xanh ngắt những bãi cỏ, vườn hoa, mang lại không khí trong lành cho người dân sống trong khu vực. Nhưng niềm vui của họ chưa trọn vẹn bởi tệ nạn xả bẩn xuống dòng kênh đang hồi sinh này.

Sau cơn mưa, từ bờ kè Lê Văn Sỹ nhìn xuống, dòng kênh có hẳn một vệt rác màu trắng, toàn hộp cơm, ly nước giấy, bao nilông... - Ảnh: Lan Phương

Bà Lâm Thị Sang, 54 tuổi, ngụ P.7, Q.3, chậm rãi đẩy chiếc xe nôi chở đứa cháu sơ sinh trong buổi chiều muộn. Sống hàng chục năm cạnh dòng kênh, đây là lần hiếm hoi trong đời bà được cùng đứa cháu thật sự đi dạo gần những bãi cỏ xanh và nền vỉa hè lát gạch hoa màu đỏ.

Trẻ có sân chơi, già có chỗ thở

Bà Sang kể hồi còn nhỏ nước kênh rất sạch, chiều người ta ra tắm kênh như tắm sông. Khi những cư dân ồ ạt đến sống dọc bờ kênh, Nhiêu Lộc trở thành nhà vệ sinh công cộng, thành bãi rác nổi, nước kênh đặc sệt. “Giờ vẫn còn hôi nhưng bớt đặc rồi” - bà nói rồi nựng nịu đứa cháu nhỏ, đẩy chiếc xe đi chậm rãi, bên cạnh là những đứa bé 6-7 tuổi chạy xe đạp đuổi theo trêu bạn nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Dung, 73 tuổi, chiều nào cũng đi bộ nửa tiếng dọc bờ kênh, nhớ lại: “Tôi ở đây hơn 70 năm, làm thợ may, có cháu nội rồi. Từ xưa lúc nào cũng thấy rác rến tùm lum, chưa bao giờ bờ kè được như vầy!”. Bà vừa nói xong, những chiếc vòi tự động nhỏ xíu từ dưới đất nhô cao lên bắt đầu quay, hàng trăm tia nước tưới rợp bãi cỏ.

Từ 4g sáng đã có những người đi tập thể dục trên khắp các đoạn đi bộ dọc bờ kênh, nơi đang trở thành một công viên nhỏ của những người sống cả đời trong mùi hôi và sự nhọc nhằn. Chị Kim Oanh, một người dân ở tổ 12, P.7, Q.3, nói: “Ngày trước ở đây hết sức ô nhiễm. Tất cả sinh hoạt, rác thải của người dân xung quanh đều đổ hết xuống kênh. Họ vứt bỏ cả tấm trải giường, nệm đã hư hỏng... Rồi thì cầu tiêu công cộng tất cả đều trút xuống đây hết”.

Trên nhiều đoạn của bờ kênh Nhiêu Lộc bây giờ, người ta trồng nhiều vườn hoa, những bụi dương xỉ, bãi cỏ rộng. Chiều nào cũng có công nhân làm cỏ, bón phân, vun đất cho các vườn cây. Ở một số đoạn kênh thuộc P.2, Q.Phú Nhuận, người dân còn tự đem cây cảnh, chậu hoa ra đặt trước cửa nhà, phối với vườn hoa sát bờ kè tạo thành một mảng xanh dịu tuyệt đẹp dọc đường đi.

Bà Nguyễn Thị Thêu, 60 tuổi, vừa đi tập thể dục vừa nói: “Nhà ai cũng có thùng rác riêng để trước nhà. Như nhà tui không bao giờ vứt rác ra kênh nữa, một tháng đóng tiền rác 25.000 đồng mà!”.

Ông Nguyễn Hoàng Phi, 51 tuổi, nhà ở cạnh bờ kênh, góp chuyện: “Tôi sống bằng nghề buôn bán, rác hằng ngày cũng nhiều nhưng tôi để ngay cửa nhà, đóng tiền một tháng 30.000 đồng là có người đi gom”. 

Trong khi ông Phi đang nấu bún bò bán buổi chiều, túi rác bán hàng của nhà ông đã có nhân viên môi trường đến thu gom. Nhà ông Phi bị thấp xuống cả nửa mét sau khi bờ kè xây lên. “Nhưng giờ bán bún bò cũng đỡ hơn trước, nhiều người ăn hơn hẳn. Buổi sáng bán đến 8g là hết bún rồi” - ông nói.

Quán nhậu che kín vỉa hè sát bờ kênh, đoạn từ bờ kè Lê Văn Sỹ đến cuối dòng kênh gần khu vực đường Út Tịch - Ảnh: Lan Phương

Tiện tay thì quăng rác xuống!

Buổi chiều muộn, từ cầu Lê Văn Sỹ nhìn xuống dòng kênh, người ta dễ dàng nhìn thấy nước vẫn đen ngòm và rác nổi lềnh bềnh. Một ông lão hay tập thể dục buổi chiều trên đoạn kênh ở P.7, Q.3 kể: “Người ta vẫn lén lút đổ rác xuống kênh vào ban đêm, thường là rất khuya, có khi 1-2 giờ sáng. Ai bị bắt thì phải nộp phạt, nhưng người ta cứ lén lút thế”.

Ông Nguyễn Quang Tài ở đường Trần Quang Diệu (P.14, Q.3) bức xúc: “Người ta thường lén lút đổ rác, dẫn chó đi phóng uế xung quanh bãi cỏ. Chưa hết đâu, họ còn ném rác lên bãi cỏ xanh đẹp kia nữa chứ. Con kênh ngày xưa quá ô nhiễm rồi, giờ được sạch đẹp như thế này nhưng nếu người dân không thay đổi ý thức thì sớm muộn gì con kênh này cũng đầy rác như ngày trước thôi”.

Đúng như lời ông Tài kể, có người dắt cháu ra bờ kênh, cháu nhỏ mải chơi chạy lên bãi cỏ nhưng chưa chạy được bao xa đã té vào... bãi phân chó. Quá quen với ý nghĩ “rác ở ngoài thân”, nhiều người vẫn vô tư dắt chó đi vệ sinh ngay trên bãi cỏ, vườn hoa, nơi những người già tập thể dục và đám trẻ con vui chơi. Bờ kênh xinh đẹp từng ngày từng giờ vẫn phải chiến đấu với “mưu chước” xả rác của biết bao người như vậy.

Ở một quãng kênh khác, từ bờ kè Lê Văn Sỹ đến cuối dòng kênh ở quận Tân Bình, cả bờ Nhiêu Lộc phải “gánh” hàng ngàn quán nhậu, quán cà phê vỉa hè nhạc ồn ào. Mới 7g tối, tất cả vỉa hè hai bên con đường Trường Sa, Hoàng Sa ở quãng này đã ngập đầy khách ngồi nhậu. Các quán nhậu ở đây ngang nhiên bày bàn ghế hết hẳn phần vỉa hè. Khăn lạnh, hộp xốp đựng cơm, giấy ăn vứt bừa ngay trên vệ đường.

Không ai biết những đống rác ấy sẽ đi về đâu. Nhưng không khó để nhận ra vào sáng sớm, những hộp đựng cơm, chai nước trôi lều bều trên dòng kênh. Đó cũng là lúc những chiếc xuồng vớt rác hoạt động cật lực.

Trên chiếc xuồng đang trôi nặng nề, mấy anh công nhân cứ đưa vợt là vớt lên đủ loại rác, kiểu gì cũng có, đủ để đầy xuồng sau buổi sáng. Nhưng chỉ sau giờ cơm trưa, quay lại vớt rác tiếp có anh cười chua chát: “Một lúc là cũng đầy rác y như buổi sáng à!”.

Một công nhân Công ty Môi Trường Xanh mô tả công việc và thực trạng rác tại đây: “Một ngày chúng tôi có 3-4 người đi lượm rác từ cầu Kiệu đến hết con đường này, bắt đầu từ 7g sáng. Kết thúc phiên làm việc là 5g chiều, trung bình mỗi người thu khoảng một bao rác đầy, không tính lá cây. Ở đây chỗ nào cũng có treo biển cấm đổ rác nhưng không có ai ý thức chuyện đó cả. Có lần tôi thấy người chạy ra đổ rác, tôi có nói nhưng họ làm thinh, cầm cái bọc rác quăng ra rồi bỏ đi. Rác ở đây phần lớn do người ta đi qua tiện tay thì quăng xuống”.

Công nhân môi trường vớt rác trên kênh buổi sáng - Ảnh: Lan Phương

Một chủ nhà ở bờ kênh đoạn này cho biết cứ cơn mưa tới là kênh đầy rác trôi đến, đủ thứ trên đời, bao nilông trắng xóa, có cả hộp xốp, chai nhựa... đầy cả mặt nước. Quá ngán ngẩm với dòng kênh dơ bẩn mấy chục năm nay, ông Tài nghĩ ra phương kế: “Ít nhất lúc nào ở đây cũng phải có hai chốt dân phòng canh giữ để người dân không xả rác bậy bạ nữa mới được chứ”.

Người Sài Gòn ai cũng ước mơ đến ngày kênh Nhiêu Lộc xanh. Nghe đâu trên một số đoạn người ta đã câu được cá trê. Dù biết loài này chỉ sống dưới bùn bẩn quanh năm, nhiều người đã bắt đầu lạc quan hơn khi đứng trước con kênh nước đen quen thuộc này. Chuyện Nhiêu Lộc xanh có gì khó đâu nếu mọi người chậm tay lại trước khi quẳng một túi rác xuống dòng kênh tội nghiệp ấy.

Sạch từ ý thức

Sông Ciliwung dài 119km, đi qua thủ đô Jakarta của Indonesia, nổi tiếng là một trong những con sông ô nhiễm nhất thế giới. Dòng chảy của nó ngay giữa thành phố phủ kín rác trên mặt nước. Vào mùa lũ, rác thải gây tắc nghẽn các dòng chảy khiến lụt lội trở nên nghiêm trọng hơn ở Jakarta. 90% nước ngầm trong khu vực này nhiễm khuẩn E coli gây bệnh tiêu chảy và bệnh tả.

Bộ Tài nguyên - môi trường Indonesia nhận định: có thể cải tạo sông Ciliwung nếu thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân. Họ lên kế hoạch 20 năm, chi khoảng 600 triệu Rp (khoảng 63 triệu USD) để thay đổi môi trường dòng sông. Chính quyền chia dòng sông thành sáu phần, siết chặt quản lý trong việc xả rác thải lên dòng chảy và thông tin đến người dân về cách họ có thể cùng làm sạch con sông.

Nhiều chương trình, sự kiện về môi trường đã chỉ dẫn người dân sống ven sông cách chuyển hóa rác thải dùng trong gia đình thành phân bón hoặc tái sử dụng một số loại rác. Chính quyền thậm chí đã tổ chức cuộc thi xem ai nhặt rác trên sông nhanh nhất, tất cả chỉ để gây sự chú ý của cộng đồng đối với rác thải trên dòng sông. Song song đó, hơn 30 tổ chức phi chính phủ ở Indonesia cũng giúp người dân làm sạch dòng sông và tiếp cận nguồn nước sạch dễ dàng hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận