Giáo dục đại học Việt Nam: Dưới "con dao mổ" của Harvard

TRẤN VŨ 17/08/2007 18:08 GMT+7

TTCT - Đầu năm 2006, một đoàn hơn 10 nhà khoa học đầu ngành thuộc Viện Hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ sang khảo sát tám trường đại học hàng đầu của VN thuộc các ngành Nông nghiệp, Khoa học tự nhiên và công nghệ.

 

 

Cuộc khảo sát nằm trong Dự án giáo dục đại học của VEF (Quĩ giáo dục VN, một cơ quan độc lập của Hoa Kỳ), được thực hiện theo đề nghị của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc ấy. Kết quả làm việc suốt tám tháng liên tục là hai bản báo cáo tổng cộng dày gần 120 trang với các dữ liệu đa chiều được phân tích, tổng hợp bằng các phương pháp khảo sát hiện đại nhất.

Quĩ Giáo dục VN (VEF) là sáng kiến đặc biệt của Quốc hội Mỹ nhằm đưa hai nước đến gần nhau hơn thông qua các hoạt động trao đổi giáo dục trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Từ năm 2003 đến nay, VEF đã đưa 230 nghiên cứu sinh VN sang học tại hơn 60 trường đại học hàng đầu của Mỹ, hầu hết đang học chương trình đào tạo bậc tiến sĩ. Các học viên đều được yêu cầu trở lại VN làm việc sau khi hoàn tất quá trình học tập.

Qui trình giáo dục đại học VN mới chỉ tập trung vào việc giảng dạy chứ chưa chú trọng vào kết quả học tập thật sự. Thời gian lên lớp của sinh viên VN nhiều gấp 50% sinh viên Mỹ nên họ ít có thời gian thực hành và tư duy về bài học. Kinh phí đầu tư vào thí nghiệm, nghiên cứu, thực hành của các trường đại học VN còn quá thấp, nên nhận thức của sinh viên nặng tính lý thuyết, quá nhấn mạnh vào kiến thức dữ kiện... (tiến sĩ Isaac F.Silvera, giáo sư danh dự về khoa học tự nhiên, phòng thí nghiệm vật lý Lyman, Đại học Harvard)

Hai báo cáo “Những quan sát về hiện trạng giáo dục trong các ngành khoa học nông nghiệp tại VN” và “Những quan sát về giáo dục đại học trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật điện - điện tử - viễn thông và vật lý tại một số trường đại học VN” đã được Viện Hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ trình bày tại hội thảo “Các cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục đại học VN” diễn ra trong hai ngày 2 và 3-8-2007. Đây là những tham khảo quan trọng cho một nền giáo dục được xem là còn rất nhiều tồn tại.

Các báo cáo chỉ ra một thực trạng (không mới) nhưng đặc biệt được nhấn mạnh là: khoa học nông nghiệp đáng lẽ phải được coi là chìa khóa của phát triển thì chưa được coi trọng đúng mức trong đời sống kinh tế. Bằng cớ là các sinh viên giỏi nhất tại VN thường đăng ký vào các ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính và y khoa. Điều này không quan trọng lắm với một nước như Mỹ, chỉ có 2% dân số nông nghiệp. Nhưng tại VN, nơi có 60% dân số làm nông nghiệp thì điều này là “méo mó”.

Bản báo cáo hiện trạng giáo dục đại học trong ngành nông nghiệp (34 trang) nêu ra bảy khuyến nghị thiết thực, tập trung vào các vấn đề:

1/ Nên giao quyền tự chủ xây dựng chương trình đào tạo, phát triển và thăng tiến của đội ngũ giảng viên cho các trường đại học.

2/ Áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, tránh ghi nhớ máy móc, chú trọng kết quả học tập của sinh viên.

3/ Hợp tác chặt chẽ ba mặt giáo dục - nghiên cứu - khuyến nông giữa trường và các viện...

Báo cáo hiện trạng giáo dục đại học trong các ngành khoa học tự nhiên - công nghệ (84 trang) thì mổ xẻ kỹ lưỡng hơn về năm nhóm vấn đề then chốt mà giáo dục đại học VN cần được thay đổi:

1/ Công tác giảng dạy và học tập.

2/ Chương trình đào tạo và các môn học.

3/ Giảng viên.

4/ Đào tạo và nghiên cứu sau đại học.

5/ Công tác đánh giá kết quả học tập của sinh viên và hiệu quả nhà trường.

Mỗi nhóm vấn đề đều nêu cặn kẽ những tồn tại và đề xuất giải pháp cụ thể. Cuối cùng, báo cáo đưa ra các kiến nghị với Bộ GD-ĐT VN: mở rộng hệ thống giáo dục đại học (255 trường như hiện nay vẫn thiếu). Đào tạo đội ngũ giảng viên cho các trường tại một số trường điểm, tránh việc các trường tự tuyển giảng viên từ chính sinh viên tốt nghiệp của trường mình. Liên thông đào tạo và thiết lập qui trình kiểm định kết quả học tập của sinh viên cũng như đánh giá chương trình đào tạo của từng trường...

Một quan niệm được các giáo sư Viện Hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại là một nền giáo dục được coi là tốt phải chú trọng đến đầu ra (learning study outcomes). Phải coi đào tạo đại học như một hệ thống sản xuất hàng đầu của xã hội, mà sự tồn tại và mục đích của nó là nhu cầu của các hệ thống sản xuất vật chất khác...

* Các báo cáo trong bài viết có thể truy cập theo đường dẫn: http://home.vef.gov/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận