Giáo dục 4.0: Chúng ta đã chuẩn bị cho con em mình thế nào?

ĐÀO TRUNG THÀNH 05/09/2019 21:09 GMT+7

TTCT - Hôm nay, khi hàng triệu học sinh tựu trường, mối quan tâm của xã hội lại dồn về giáo dục. Chúng ta chuẩn bị thế nào cho các thế hệ mai sau trong một tương lai có vẻ ảm đạm như lời sử gia Yuval Harari lo lắng, khi một giai cấp vô dụng sẽ hình thành do không có khả năng tham gia chuỗi cung ứng giá trị, bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo và robot.

Ảnh: The Atlantic
Ảnh: The Atlantic

Nghiên cứu của Đại học Oxford vào năm 2013 chỉ ra rằng có đến 47% công việc sẽ biến mất trong 25 năm tới. Sử-triết gia Yuval Harari, tác giả những cuốn sách bán chạy nhất thế giới như Sapiens: lược sử loài người, Homo Deus: lược sử tương lai và gần đây là cuốn 21 bài học cho tương lai, đề cập đến một vấn nạn của nhân loại trong tương lai: sự hình thành một “giai cấp vô dụng” (“useless class”), bao gồm những người không có khả năng tham gia chuỗi cung ứng giá trị, bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo và robot.

Hôm nay, khi hàng triệu học sinh tựu trường, mối quan tâm của xã hội lại dồn về giáo dục. Chúng ta chuẩn bị thế nào cho các thế hệ mai sau trong một tương lai có vẻ ảm đạm như thế?

Lời hứa hấp dẫn

Theo giáo sư Klaus Schwab - chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), “những công nghệ mới đã làm thay đổi hoàn toàn bản chất của công việc trong tất cả các ngành nghề”. Bên cạnh kiến thức khoa học cơ bản, chuyên môn, một nền giáo dục cần phải chuyển đổi từ việc chỉ cung cấp các kỹ năng kỹ thuật, chuyên môn sang một nền giáo dục tạo nên những người biết sáng tạo và đổi mới chuyên nghiệp.

Lĩnh vực giáo dục được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi to lớn, những đột phá trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của nhiều quốc gia nhằm tăng tính cạnh tranh của lực lượng lao động. Một thập kỷ trước, mặc dù đã ở thế kỷ 21, nhưng khả năng tiếp cận giáo dục khai phóng, không giới hạn, bình đẳng vẫn còn xa vời ngay cả với những quốc gia tiên tiến.

Nhưng với động lực toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, sự tiến bộ của công nghệ thông tin, với những thế hệ “công dân số” tiếp theo, giáo dục đang hướng đến một mô hình mở, dân chủ và cá nhân hóa, phá vỡ mô hình cứng nhắc truyền thống được thiết lập hàng thế kỷ.

Lời hứa hấp dẫn của số hóa trong việc chuyển đổi giáo dục và học tập nhận được sự đồng thuận từ cả các nhà giáo dục lẫn giới hoạch định chính sách. Kỳ vọng tiến bộ công nghệ sẽ khiến giáo dục có chi phí hợp lý và dễ tiếp cận là một chủ đề chi phối nhiều cuộc thảo luận, trên các diễn đàn quốc gia và quốc tế.

Tuy nhiên, tác động tổng thể xem ra còn chậm chạp và ít ỏi, do nhiều nguyên nhân. Lý do bao gồm việc thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ, không có một khung pháp lý đầy đủ, hạn chế về tài chính, rào cản công nghệ, sự xuất hiện của nhiều nền tảng và mô hình kinh doanh cạnh tranh hoặc đơn giản là thiếu sự quan tâm đúng mức hay chỉ nặng về hình thức, phong trào. Tóm lại, trong sự chuyển đổi mô hình giáo dục hướng đến tương lai, chỉ riêng công nghệ là không đủ giúp các dự án táo bạo, lớn lao thành công, mà đòi hỏi nhiều yếu tố khác như chính sách, lãnh đạo, chiến lược và thực thi.

Giáo dục đã dần dần chuyển đổi từ hệ thống học tập đại trà “một thầy - nhiều trò” sang giai đoạn cá thể hóa việc học, và cung cấp nhiều cơ hội học tập rộng rãi cho đại chúng với việc sử dụng công nghệ ngày càng tăng.

Giáo dục: Những bước đường phát triển

Chúng ta sẽ điểm qua các giai đoạn tiến hóa về giáo dục sau đây dựa trên quan điểm của TERI (The Energy and Resources Institute, Viện Năng lượng và tài nguyên), tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận của Ấn Độ.

Giáo dục 1.0 là của thời Cổ đại đến Trung cổ, được xây dựng trên cơ sở cá nhân-cá nhân, hạn chế về quy mô và không chính thức, giới hạn cho một số người học, rất ít cho đại chúng. Do đó, tỉ lệ biết chữ thấp và kiến thức không có độ lan tỏa.

Giáo dục Cổ đại và Trung cổ ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lưỡng Hà, La Mã hay Hi Lạp chỉ tập trung vào việc giảng dạy cho thành phần tinh hoa của xã hội và/hoặc dành riêng cho nam giới. Giáo dục khi đó cũng chịu nhiều ảnh hưởng của tôn giáo và mới bắt đầu xuất hiện các học giả chuyên nghiệp, những người chỉ chú tâm vào khoa học và giáo dục.

Giáo dục 2.0 đi kèm với những phát minh về in ấn và sự lan tỏa của chúng, điều cho phép quần chúng ít nhiều tiếp cận giáo dục cơ bản cùng một nền văn hóa truy tầm hiểu biết khoa học. Giáo dục thay đổi mạnh mẽ, tỉ lệ người biết chữ tăng lên, các ý tưởng lan tỏa với tốc độ cao hơn và rộng khắp hơn.

Đã mất vài nghìn năm để chuyển đổi từ giáo dục truyền thống 1.0 sang giáo dục 2.0. Những cuộc cách mạng khoa học, phong trào Phục hưng, Kháng cách và Khai sáng cũng dẫn đến sự phát triển của một xã hội mà việc học tập và nghiên cứu, ý tưởng mới và sự cách tân được khuyến khích.

Giáo dục 3.0 gắn liền với sự xuất hiện của máy tính cá nhân ở thập kỷ 1980, Internet và công nghệ thông tin ở thập kỷ 1990. Đặc điểm của nó là sự thay đổi phương thức truyền thụ kiến thức, mang tới một nền tảng công nghệ để dạy-học và tự học. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong tuyển sinh, do khả năng tiếp cận giáo dục bậc cao (trên phổ thông) tăng lên.

Một trong những đặc điểm nổi bật của giáo dục 3.0 có lẽ là sự chuyển đổi sang “học tập dựa trên nền tảng” (“platform based learning”), tăng cường áp dụng các công nghệ mới, khả năng học tập trên các thiết bị điện tử… Tất cả đang làm thay đổi động lực chung trong giáo dục và dẫn đến sự trỗi dậy của thị trường công nghệ giáo dục (EdTech) trên toàn cầu.

Với sự phát triển của các lớp học thông minh, sự lan nhanh của giáo dục di động và cá nhân hóa, theo báo cáo của KPMG Consulting, thị trường EdTech dự kiến từ 43 tỉ USD năm 2015 sẽ đạt 94 tỉ USD năm 2020.

Hiện Mỹ là thị trường phát triển nhanh nhất cho việc học trực tuyến, tiếp theo là châu Á và châu Âu. Sự tăng trưởng sẽ được thúc đẩy bởi các tài liệu khóa học hấp dẫn, cách thức cung cấp các khóa học sáng tạo và mở rộng tiếp cận các địa điểm xa, có cơ sở hạ tầng giáo dục hạn chế.

Ảnh: JISC
Ảnh: JISC

Giáo dục 4.0 là điều chỉ đang định hình và sẽ còn cần thay đổi không thể biết trước trong tương lai. Về cơ bản, đó sẽ là một hệ thống đặt người học vào trung tâm của hệ sinh thái, trong đó họ được trao quyền để cấu trúc con đường học tập cá nhân. 

Thay đổi hiện giờ không còn được tính bằng thế kỷ hay thập kỷ, mà bằng năm. Việc học do chính người học dẫn dắt, kết nối với họ, tập trung vào họ và thể hiện qua họ. “Học tập bằng trải nghiệm” (“experiential learning”) là một đặc điểm khác của nền giáo dục mới: lý thuyết và cơ sở tri thức được phân phối trên các nền tảng công nghệ, tích hợp chặt chẽ với ngành nghề và nhu cầu xã hội, đi kèm năng lực học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp, với tương tác xã hội và các vấn đề thực tế.

Giáo dục 4.0 sẽ cách mạng hóa quan niệm của chúng ta về các nhà cung cấp giáo dục. Các đặc điểm của trường đại học đang thay đổi nhanh chóng. Việc ghi danh học đại học hiện giờ vẫn còn đang bị giới hạn bởi các hạn chế về cơ sở hạ tầng và cấu trúc. Giáo dục đại học vẫn là đặc quyền của một số ít. Vì thế, tuyển sinh linh hoạt và các chương trình trực tuyến dựa trên công nghệ có thể giúp các trường đại học vượt qua những hạn chế này với chi phí học tập rẻ hơn, thời gian học theo tùy chọn, chất lượng của đào tạo từ xa ngày càng gần với đào tạo trực tiếp...

Điều này có thể thấy rõ trong sự thay đổi việc đăng ký phương pháp học tập. Số lượng đăng ký tại trường truyền thống đang giảm ở Mỹ, trong khi các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC - massive open online course) tăng trưởng mạnh mẽ.

Các trường đại học đang sử dụng các MOOC để phát triển các lộ trình học tập cá nhân hóa trong thiết kế chương trình, đồng thời phát triển các mối liên kết với ngành nghề ngoài xã hội một cách mạnh mẽ để cung cấp “học tập theo trải nghiệm” và giảm chi phí. Các khóa MOOC không cạnh tranh với các khóa truyền thống, mà thay vào đó có thể được sử dụng như một công cụ tiếp thị thương hiệu đến sinh viên.

Tóm lại, giáo dục sẽ tiến hóa thế nào để cung cấp một nền tảng học tập hướng đến người học bằng cách sử dụng những công nghệ cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, thực tế ảo, thực tế tăng cường… tùy thuộc vào các sách lược tầm vĩ mô của các quốc gia cũng như sự vận động riêng của mỗi cơ sở giáo dục.

Trong khi sự tiếp cận về công nghệ là xuyên biên giới, người học có thể chọn cho mình những hướng đi phù hợp theo thiên hướng, nhu cầu của xã hội và sở thích của mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận