"Giao diện" đẹp: Bằng chứng của sự nỗ lực!

HUYỀN TRANG 19/02/2012 03:02 GMT+7

TTCT - Vào đúng ngày sinh nhật, tôi được người chị thân bí mật tổ chức cho một bữa tiệc, tuy không quá rầm rộ nhưng khiến tôi rất vui. Đến màn tặng quà, chị ấy cho tôi chọn giữa một cuốn sách có giá khá đắt mà chị ấy đã đọc và đánh giá cao với một phiếu mua quần áo.


Thời của "giao diện" đẹp

Loạt bài Thời của “giao diện” đẹp trên TTCT số ra ngày 12-2 đã nhận được một số phản hồi của độc giả, trong đó có những ý kiến trái chiều nhau. TTCT trích giới thiệu.


Cái đẹp, nhưng là đẹp cái nào?

Không lưỡng lự một giây, tôi nói ngay khiến chị phải phì cười: “Phiếu mua quần áo”. Chị cười vì trước đây tôi từng rất bảo thủ rằng vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp tâm hồn mới là vẻ đẹp thật sự. Nhưng bây giờ, ngay chính một học sinh chuyên văn quanh năm đọc tiểu thuyết và làm thơ như tôi cũng phải công nhận rằng để thu hút đám đông, để thành công trong công việc, bạn nhất thiết phải đẹp bên ngoài trước đã!


Minh họa: Bích Khoa


Không còn thời của “Betty xấu xí”


“Nếu có thống kê khoa học về số lượng gương trong TP.HCM, tôi đảm bảo kết quả đem về sẽ là số lượng này đã tăng gấp 20 hoặc 50 lần trong năm năm qua! Số gương tăng không chỉ bởi số lượng cửa hàng quần áo tăng mà gương còn được lắp ở những nơi công cộng nhiều hơn”.


Thời của chúng tôi là thời mà “Betty xấu xí” trong phim truyền hình Ugly Betty nổi tiếng của Mỹ không thể được anh chàng đẹp trai để ý đến với thân hình béo ục ịch và cách ăn mặc khiến cơ thể trông tròn xoay từ trên xuống dưới.

Thời của chúng tôi là thời mà Huyền Diệu (trong bộ phim Việt Nam Cô gái xấu xí) không thể thành công và vượt ra khỏi bàn làm việc nơi nhà kho khi ăn mặc xuềnh xoàng đến công sở, khuôn mặt nhếch nhác cho dù kiến thức chuyên môn có dày cộm như đôi kính cô đeo.

Bởi vì chúng tôi hiểu rằng không ai không có khiếm khuyết về cơ thể, và đẹp hơn, “giao diện” ưa nhìn cũng là bằng chứng của việc bản thân nỗ lực để thay đổi. 

Thời của chúng tôi, Facebook, blog và các mạng xã hội khác là ngôi nhà thứ hai. Chúng tôi không thể không đầu tư cho gương mặt mình lung linh, trưng lên một tấm ảnh đại diện xinh xắn... bởi những điều này đem lại cho chúng tôi nhiều người bạn mới, nhiều cơ hội mới.

Chúng tôi được đọc trên Internet hằng ngày về những fashion blogger có cá tính, nhờ hiểu nét đẹp cơ thể mình, chăm chỉ tự học trang điểm, phối quần áo mà dù bằng tuổi hoặc nhỏ hơn tuổi teen đã kiếm được tiền nuôi sống cả gia đình, được mời đến những kinh đô thời trang của thế giới. Các bạn ấy không phải mang vẻ đẹp tự nhiên “nghiêng nước nghiêng thành” xa vời như các mỹ nhân thời xưa, các bạn ấy có khiếm khuyết và biết cách che lấp để đẹp hơn.

Tại sao chúng tôi không có quyền quan tâm nhiều đến “giao diện” của mình và dành thời gian nâng cấp nó lên?

Sao phải chấp nhận “giao diện” xấu?

Tôi đi làm thêm ở một tòa soạn báo dành cho tuổi teen, nơi mọi người ra vào hằng ngày với trang phục vừa thời trang vừa cá tính. Các anh chị phóng viên thường đùa nhau rằng quy định về trang phục công sở của tòa soạn là: “Không cần biết mọi người mặc gì đi làm nhưng phải mặc đẹp”.

Lúc mới vào làm, tôi - một cô nàng mang tư tưởng trọng vẻ đẹp tâm hồn và vẻ ngoài trời sinh sao để vậy của mình - cũng ăn mặc “kinh khủng” lắm. Lúc nào tôi cũng bị công kích khi đi làm mà nhìn nhếch nhác như kiểu tối thức khuya đọc sách, sáng ngủ dậy trễ, vơ được cái quần jean với áo thun nào gần mình nhất là mặc vào, chải tóc và lên đường.

Khỏi phải nói tôi liên tục trở thành đề tài lẫn đối tượng cần - được - trợ - giúp - để - nâng - cấp như thế nào. Tôi dần hiểu rằng dù bạn làm tốt công việc của mình thế nào, nếu không dành thời gian quan tâm đến “giao diện” của mình, không nỗ lực để đẹp hơn, bạn cũng dễ khiến người khác suy nghĩ rằng mình làm việc nhếch nhác như ngoại hình ít được chăm sóc đang sở hữu.

Tôi cũng trải nghiệm rằng để đẹp, bạn thật sự phải nỗ lực. Nỗ lực để tìm ra điểm đẹp, điểm xấu trên cơ thể mình; nỗ lực để học cách trang điểm, phối quần áo phù hợp; nỗ lực đọc sách báo, xem blog thời trang để tự nâng cấp bản thân; nỗ lực đội mưa đội nắng đi chọn quần áo khắp nơi một cách khó tính và kén chọn chứ không xuề xòa như xưa.

Và tôi không thể phủ nhận mình tự tin hơn hẳn, đặc biệt là sức mạnh từ tinh thần luôn muốn đổi mới, luôn dám thử, dám làm để hoàn thiện hơn. Điều này chẳng phải đang giúp ích cho cả cuộc sống của tôi đó ư? Sao phải chấp nhận một “giao diện” xấu khi mình có thể đầu tư để giúp nó đẹp?

Nếu có thống kê khoa học về số lượng gương trong TP.HCM, tôi đảm bảo kết quả đem về sẽ là số lượng này đã tăng gấp 20 hoặc 50 lần trong năm năm qua! Số gương tăng không chỉ bởi số lượng cửa hàng quần áo tăng mà gương còn được lắp ở những nơi công cộng nhiều hơn. Nhu cầu chải chuốt lâu hơn, ngắm mình lâu hơn một tí trong gương không còn “kín cổng cao tường” mới làm như trước đây nữa.

Tôn trọng và quan tâm đến “giao diện” của mình mọi lúc mọi nơi để thu hút người xung quanh, khiến mọi người tôn trọng “giao diện” của mình chẳng phải là một điều thế hệ chúng tôi hiểu rõ lợi ích khi làm mỗi ngày.

__________

Loạt bài “Thời của “giao diện” đẹp” trên TTCT đã chạm đến một nỗi lo tuy không rõ ràng và thực thể như nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, nhưng lại là niềm băn khoăn của không ít phụ huynh như tôi.

Lớp trẻ con em chúng ta đang “thay đổi dị thường” cả bề ngoài lẫn bản chất. Bề ngoài thì đủ phong cách, hết “Nhật hóa” rồi “Hàn hóa”, tóc tai lớp dài lớp ngắn nhuộm xanh vàng đỏ tía đủ màu, mở miệng ra thì văng tục như một thứ mốt mới. Sự giàu có, sắc đẹp, địa vị có thể được lớp trẻ coi như một thứ giá trị hàng đầu. Sự trung thực, kiên định, hào hiệp, lễ nghĩa thường bị lớp trẻ cho là thứ lạc hậu, “cả ngố”, “không giống ai”.

Cháu gái tôi học ở một trường trung học phổ thông dân lập tại một quận trung tâm nói với tôi để làm nên “đẳng cấp”, các bạn cháu thường mang những đôi giày có giá từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc một chiếc laptop có giá khoảng vài ngàn đôla, đó là chưa kể điện thoại, quần áo hàng hiệu cũng có giá đến vài triệu đồng.

Sự ganh đua tranh giành địa vị trong lớp ít nhiều thông qua những “phụ kiện” đó cùng với cách chi xài sao cho thật ấn tượng. Dĩ nhiên sự tiêu tiền như nước của một số “cô chiêu cậu ấm” là do sự hậu thuẫn của cha mẹ nhưng một số bạn trẻ mà gia đình không thuộc hàng khá giả thì sao?

Chị họ tôi kể cô em chồng của chị, một cô bé sinh viên ngoại thương 19 tuổi xinh đẹp, đã dùng tất cả mưu chước vòi vĩnh tiền bạc của bạn trai để mua những chai nước hoa đắt tiền, những cái váy hàng ngoại, những trang sức bạch kim đá quý... Nếu như bạn trai đó không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu ấy thì cô chia tay ngay và tìm kiếm người khác có “khả năng kinh tế” hơn.

Khi chị tôi góp ý cô em chồng: “Đàn ông cho mình thứ này thì họ lại đòi hỏi thứ kia, sao em nhận tiền của họ dễ dãi như thế, không sợ hậu quả sao?”. Cô em chồng cười rung cả người: “Chị đúng là lạc hậu quá. Bình thường thôi mà. Con gái thời nay giống em cả, không ai nghĩ cổ hủ như chị”.

“Con gái thời nay giống em cả” nghe thật sốc nhưng đó là một thực tế. Một giáo viên từng than phiền với tôi rằng sự thực dụng của lớp trẻ ngày nay có lỗi rất lớn của các phương tiện truyền thông. Những màn quảng cáo như dùng một loại nước hoa, xà bông, son môi, kem trắng da nào đó sẽ làm nên “đẳng cấp hàng đầu”, “bản lĩnh thời nay”, “siêu sao”.

Tuổi teen nghe một lần, hai lần không thấm nhưng nghe hằng ngày sẽ bị tác động rất lớn, ảnh hưởng đến nhận thức của chúng. Vào mạng thấy nhan nhản những câu chuyện khai thác đời tư các nghệ sĩ cùng với thói xa xỉ tham danh (cởi đồ khoe hàng, gian lận thuế, kiếm bồ đại gia...) của họ.

Một người bạn tôi làm ngành công tác xã hội lại cho rằng sự thực dụng và yêu chuộng giá trị ảo của giới trẻ ngày nay có lỗi từ nhà trường và gia đình. Từ 1-12 tuổi, trẻ con đã phải thẩm thấu những giá trị đạo đức tốt đẹp từ cách giáo dục của cha mẹ, thầy cô nhưng cha mẹ thì thiếu kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử, thầy cô chỉ chú trọng dạy những kiến thức khoa học mang tính giáo điều xa lạ với cuộc sống đời thường. Từ sự lúng túng đó của người lớn, trẻ con thiếu một nền tảng đạo đức căn bản giống như ngôi nhà được xây trên cát.

Thực dụng và ích kỷ, một “cái tôi” quá lớn mang tính khôn ranh ma mãnh, phải chăng dần trở thành bản chất của số đông giới trẻ ngày nay? Giáo dục gia đình và giáo dục trong trường phổ thông phải chăng đã biểu lộ sự bất lực “toàn tập”? Chúng ta nên nhìn thẳng vấn đề và tìm kiếm đâu là lối ra cho câu chuyện này. Là một người mẹ có con trong độ tuổi teen, tôi thật sự lo ngại...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận