Gian nan con đường thể thao nhà nghề

HUY ĐĂNG 13/05/2023 07:01 GMT+7

TTCT - Với nhiều môn thể thao, tấm HCV ở các kỳ đại hội lớn (Olympic, Asiad, SEA Games) là mục tiêu đỉnh cao. Nhưng với một số khác, đó lại chỉ là bước đệm.

Danh sách này gồm bóng đá, bóng rổ, quần vợt, cầu lông, các môn đấu võ đài… Đó thường là những môn thể thao nhà nghề có tính giải trí cao với lực lượng người hâm mộ đông đảo.

Việt Nam lần đầu tiên có HCV bóng rổ ở một kỳ SEA Games.  Ảnh: Nam Trần

Việt Nam lần đầu tiên có HCV bóng rổ ở một kỳ SEA Games. Ảnh: Nam Trần

Làm từ phần ngọn

Trong tuần lễ đầu tiên của SEA Games, Việt Nam đã đoạt đến hơn 50 HCV. Trong số đó, tấm HCV của bóng rổ 3x3 được truyền thông săn đón hơn cả. Ngoài yếu tố lịch sử (lần đầu tiên Việt Nam đoạt HCV môn này), đây còn là cột mốc quan trọng với thể thao nhà nghề Việt Nam nói chung.

Ông Đặng Hà Việt - trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32, đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn bóng rổ Việt Nam - cho biết Liên đoàn Bóng rổ đã tồn tại ở miền Nam từ năm 1963 (một số nguồn thông tin khác cho biết bóng rổ do người Hoa mang đến miền Nam Việt Nam từ thập niên 1920). 

Tức trò chơi này đã có cả trăm năm lịch sử và được tổ chức quy củ ít ra là 60 năm với người Sài Gòn. Nhưng chỉ từ những năm đầu thập niên 2000, bóng rổ mới trở thành môn thể thao phổ biến hơn ở Việt Nam, nhất là trong giới học sinh sinh viên.

Nói vậy để thấy bóng rổ không phải là môn thể thao xa lạ với người Việt, thậm chí còn được đam mê rộng rãi là khác. Nhưng sau gần 50 năm SEA Games, Việt Nam mới giành được tấm HCV đầu tiên. 

Ở nội dung 5x5 (nội dung cơ bản của bóng rổ), Philippines thống trị hoàn toàn với 18/21 HCV. Còn ở các nội dung nữ, Malaysia, tuy là quốc gia theo đạo Hồi, lại thống trị, với các VĐV phần lớn là người gốc Hoa.

Chỉ khi phiên bản bóng rổ 3x3 ra đời (từ cuối thập niên 2000), những quốc gia như Việt Nam mới dần có cơ hội. Trong hai kỳ SEA Games tổ chức bóng rổ 3x3 trước đây, đội nam Việt Nam giành được 1 HCB và 1 HCĐ, còn đội nữ giành được HCB vào năm 2022. 

Đến SEA Games này, đội tuyển Việt Nam với sự góp mặt của các cô gái Việt kiều lần đầu giúp người hâm mộ biết đến hương vị tấm HCV SEA Games.

"Vấn đề cơ bản khiến bóng rổ Việt Nam những năm qua chưa thể phát triển mạnh là yếu tố chiều cao. Chúng ta không có được những VĐV cao 1m9 - 2m, những người như vậy ở Việt Nam rất ít và không phải ai cũng chơi bóng rổ. 

Đến khoảng vài năm trở lại đây, Giải bóng rổ nhà nghề VBA ra đời là cột mốc quan trọng giúp bóng rổ được phát triển. Thống kê của chúng tôi cho thấy trong năm qua có khoảng 18 triệu người theo dõi các nội dung liên quan đến bóng rổ ở Việt Nam.

Trong thể thao, chúng ta thường nói về việc phát triển từ gốc, là phải xây dựng nền tảng đào tạo trẻ, rồi sau đó mới đến thành tích. Nhưng với bóng rổ, chúng tôi phải làm ngược lại là phát triển từ ngọn. 

Việt Nam phải có giải bóng rổ nhà nghề hấp dẫn, có thành tích cho đội tuyển quốc gia thì môn bóng rổ mới được ưa chuộng, phụ huynh mới cho con em chơi nhiều và công tác đào tạo trẻ mới có thể làm bài bản được. 

Vì vậy chúng tôi không quan trọng chuyện đội bóng rổ hiện nay có bao nhiêu VĐV Việt kiều, miễn là họ sẵn sàng cống hiến cho đội tuyể̉n quê hương, điều đó rất có ý nghĩa với bóng rổ Việt Nam", ông Đặng Hà Việt nói.

Phối hợp SEA Games và nhà nghề

Trong lúc bóng rổ loay hoay phát triển từ ngọn, nhiều môn thể thao khác lại chật vật xây từ gốc. Điển hình như cầu lông. Là môn thể thao có lượng người chơi phong trào đông đảo tại Việt Nam, nền tảng đào tạo cầu lông cũng được chuyên nghiệp hóa từ lâu. 

Thế nhưng trong khi các nước khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia hay Singapore từ lâu đã tiến đến đẳng cấp khu vực và thế giới, cầu lông Việt Nam vẫn chưa một lần vào đến chung kết bất kỳ nội dung nào.

Trong hai kỳ SEA Games gần đây, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore thậm chí bỏ qua SEA Games để tập trung cho các giải nhà nghề. Năm ngoái, quá nửa các tay vợt mạnh của họ đều dành sức để dự Thomas Cup. 

Còn năm nay, đội tuyển cầu lông các nước này được ưu tiên cho Sudirman Cup - giải đấu diễn ra từ 14 đến 21-5. Ngay cả như vậy, cơ hội vẫn khó lòng đến với tuyển cầu lông Việt Nam.

Đỡ ngán ngẩm hơn cầu lông, các môn đấu võ đài ở Việt Nam những năm gần đây có bước tiến đáng kể. Gần hai năm trước, Thu Nhi đi vào lịch sử boxing Việt Nam khi đoạt đai vô địch WBO. 

Song song đó, ngày càng có nhiều võ sĩ Việt gia nhập hệ thống võ đài MMA. Với họ, SEA Games cũng là bước đệm, dù các môn võ đài (muay, boxing, kickboxing…) trong hệ thống Olympic đều thi đấu dưới dạng nghiệp dư.

Banchamek Buakaw, võ sĩ huyền thoại làng kickboxing/muay Thái của Thái Lan, cho rằng SEA Games là con đường hợp lý để phát triển võ đài chuyên nghiệp. "Thi đấu nghiệp dư coi trọng điểm số, vì vậy họ ra đòn rất nhanh.

Theo dòng phát triển của sự nghiệp võ đài, khi còn trẻ bạn nên tập đánh tốc độ, và khi càng hoàn thiện sẽ đánh càng mạnh hơn. Đó là thời điểm phù hợp để thi đấu võ đài. 

Rất nhiều võ sĩ boxing lừng danh thế giới, như Floyd Mayweather hay Anthony Joshua, đều từng đoạt huy chương ở Olympic rồi mới đấu võ đài chuyên nghiệp", Buakaw nói.

Buakaw chưa từng thi đấu nghiệp dư. Suốt sự nghiệp kéo dài hơn 20 năm, ông thắng đến 240 trận (thua 24). Nhưng giờ đây, tay đấm lừng danh của xứ chùa tháp lại trở thành "ông bầu" của đội kickboxing Thái Lan dự SEA Games và Asiad. 

Nền võ thuật Thái Lan đặt niềm tin vào Buakaw, kỳ vọng kinh nghiệm của ông có thể cùng lúc phát triển song song hệ thống võ đài nghiệp dư và chuyên nghiệp. 

Trên thực tế, Thái Lan đã phát triển được cùng lúc cả hai hệ thống đạt đến đẳng cấp châu lục. Trong ba kỳ Olympic gần nhất, Thái Lan giành đến 6 huy chương các môn võ (boxing và taekwondo).

Trong khi đó ở Việt Nam, hệ thống nghiệp dư và chuyên nghiệp vẫn còn chồng chéo. Điển hình chính là câu chuyện của Thu Nhi, người thành danh ở võ đài chuyên nghiệp nhưng rồi lại trở về đấu nghiệp dư khi được một đơn vị chào mời. Lý do vẫn là HCV SEA Games. 

Quả thật, Việt Nam là siêu cường võ thuật nếu chỉ tính ở SEA Games. Những ngày qua, số HCV các môn võ mang về cho Việt Nam có đến vài chục, còn ở SEA Games năm ngoái, con số này là 85. Nhưng đến khi đấu Olympic, tất cả đều rơi rụng.

Và cả ở võ đài chuyên nghiệp, các võ sĩ Việt Nam cũng đang có dấu hiệu sa vào vết xe đổ của bệnh thành tích với xì căng đan xử̉ ép võ sĩ người Brazil mới đây ở̉ một sự kiện MMA…■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận