06/12/2019 15:32 GMT+7

Giám sát 6 tỉnh đều có trường hợp bố đẻ xâm hại tình dục con

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Các đoàn giám sát của Quốc hội cho biết tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, đang ở mức báo động.

Giám sát 6 tỉnh đều có trường hợp bố đẻ xâm hại tình dục con - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp của đoàn giám sát - Ảnh: LÊ KIÊN

Ngày 6-12, đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" đã họp phiên thứ 2, nghe 3 đoàn giám sát thành phần báo cáo kết quả bước đầu.

Các đoàn giám sát của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình dẫn đầu, đã làm việc với 17 tỉnh, thành thuộc nhiều địa bàn trên cả nước, thăm gặp gia đình các nạn nhân.

Theo bà Nguyễn Thanh Hải, qua giám sát cho thấy tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng so với giai đoạn 2011-2015. Riêng TP Hà Nội, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến (272 trẻ, chiếm 41% số trẻ em bị xâm hại trong cả giai đoạn 2015-2019).

Điều đáng nói, tại 6 tỉnh, thành mà đoàn bà Hải giám sát, có 1.197 trẻ em bị xâm hại, tỉ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm tới 50-70% số trẻ bị xâm hại. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em rất đa dạng, từ người thân trong gia đình, giáo viên, tổ trưởng dân số, bí thư đoàn, bí thư chi bộ, cán bộ công an…

"Đặc biệt, trong 6 tỉnh chúng tôi đi giám sát thì tỉnh nào cũng có trường hợp bố đẻ xâm hại con gái" - bà Hải nêu tình trạng rất đau lòng.

"Phổ biến tình trạng người phạm tội lại chính là người ruột thịt, người thân thích, người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh, người quen của trẻ em, trong đó nhiều trường hợp bố đẻ hiếp dâm con gái, ông nội hiếp dâm cháu, bố đẻ giết con, bố mẹ đẻ bán con…" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết.

Đoàn của bà Nga giám sát tại TP Đà Nẵng và 5 tỉnh miền núi, cho thấy nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại cao gồm: trẻ trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường, trẻ có cha mẹ ly hôn, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. 

Ở Đắk Lắk, hơn 6.600 trẻ ở độ tuổi đến trường nhưng không được đến trường, con số này ở Phú Thọ là gần 5.500, Nghệ An hơn 3.000. Số trẻ có cha mẹ ly hôn cũng ngày càng gia tăng.

Bà Nga khẳng định hậu quả do các hành vi tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng, nặng nề cả thể chất và tinh thần, nhiều trường hợp để lại di chứng lâu dài, trong đó có những trẻ em mang thai ngoài ý muốn, phải bỏ học, thậm chí nhiều trường hợp tử vong.

"Đáng lo ngại là nhiều trường hợp xâm hại tình dục diễn ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, có trường hợp kéo dài 2-3 năm như vụ thầy giáo dâm ô nhiều học sinh nam tại Phú Thọ" - bà Nga dẫn chứng.

Vẫn theo các thành viên đoàn giám sát, những con số nêu trên là rất đáng báo động nhưng qua đánh giá, phân tích thì đó mới chỉ là "phần nổi của tảng băng". Thực tế, do các yếu tố văn hóa, xã hội chi phối, nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng gia đình, bản thân các em không tố cáo, âm thầm chịu đựng hoặc tự giải quyết vấn đề trong gia đình.

Nguyên nhân chủ quan trước hết là do nhận thức. Nhiều địa phương, do hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, một số vùng đồng bào dân tộc còn tồn tại hủ tục… Đặc biệt, các trẻ em có bố mẹ ly hôn, bố mẹ phải đi làm xa, làm việc tại các khu công nghiệp phải gửi con ở nhà, thuộc nhóm dễ bị xâm hại.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Luật còn nêu một nguyên nhân khác là do tác động của chế độ dinh dưỡng, hiện nay có những trẻ em dậy thì sớm, cùng với tác động xấu từ mạng Internet, văn hóa, phim ảnh… là một trong những điều kiện phát sinh các hành vi phạm tội.

Về phía chính quyền, tuy đã có Luật trẻ em nhưng nhiều tỉnh, thành không ban hành các chính sách, kế hoạch để thực thi, không tiến hành thanh tra, giám sát chuyên đề về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, bà Ninh Thị Hồng dẫn chứng rằng ở không ít xã, phường, tuy luật đã trao quyền cho chủ tịch được cách ly cha mẹ với trẻ em khi trẻ em bị bạo hành nhưng trên thực tế thì nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành đến tàn tệ nhưng chủ tịch UBND xã, phường không thực hiện biện pháp cách ly.

Trong thời gian tới, các đoàn giám sát của Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ, các tổ chức xã hội, tiến hành hội thảo, tọa đàm nhằm đánh giá rõ thực trạng, nguyên nhân, tìm ra giải pháp để chấn chỉnh tình hình, sau đó sẽ báo cáo kết quả giám sát lên Quốc hội.

Bắt cha dượng đồi bại xâm hại con gái nhiều lần Bắt cha dượng đồi bại xâm hại con gái nhiều lần

TTO - Phạm Văn Hậu (35 tuổi, ở Hậu Giang) vừa bị bắt về hành vi giao cấu nhiều lần với người dưới 16 tuổi. Nạn nhân bị xâm hại là con riêng của vợ Hậu.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên