Giảm áp lực cho bác sĩ: Bệnh viện thêm người hay bác sĩ tự bớt việc? 

LAN ANH - THÙY DƯƠNG 14/10/2020 18:10 GMT+7

TTCT - Không chỉ các bác sĩ phẫu thuật, nhiều bác sĩ khác cũng cho biết thời gian làm việc một ngày của họ gần như kín mít, suốt từ sáng đến khoảng 21h, áp lực luôn đè nặng. Bài toán nhân lực và thu nhập đang khiến hầu hết các bệnh viện đau đầu.

Nhiều ca phẫu thuật khó, bác sĩ có thể phải đứng mổ trên 10 giờ liền. Trong ảnh: một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Nhiều ca phẫu thuật khó, bác sĩ có thể phải đứng mổ trên 10 giờ liền. Trong ảnh: một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Mỗi bác sĩ chỉ nên khám 30 bệnh nhân/ngày

Trên trang FB cá nhân, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ khá nổi tiếng ở Hà Nội chụp cận cảnh đôi bàn tay của anh: trợt da nhiều vùng ở cổ và mu bàn tay, da tay khô và viêm do bột tan trong găng tay cao su và mồ hôi.

“Đây là bàn tay của tôi sau chuỗi ngày đeo găng cao su trên 8h/ngày” - anh viết. Những ngày gần đây, mỗi ngày nhóm của anh mổ đại phẫu 11-12 ca, 39 ca tiểu phẫu, ngày làm việc thường kết thúc vào khoảng 22h. Cường độ làm việc này rất hay gặp ở nhóm y bác sĩ các chuyên ngành đang có nhiều bệnh nhân (nha khoa, thẩm mỹ, nội nhi, sản) và những bác sĩ giỏi, nổi tiếng.

Một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết 7h sáng anh có mặt tại bệnh viện, làm việc đến 16h. Sau đó, về phòng mạch riêng làm từ 17h30 đến 21h. Đó là một guồng quay hối hả mệt mỏi nhưng không làm phòng mạch thì cuộc sống sẽ khá chật vật.

Không ít bác sĩ không mở phòng mạch riêng nhưng tham gia khám bệnh, phẫu thuật ở các bệnh viện tư. Với những bác sĩ này, cuộc sống không có gì ngoài công việc, họ gần như không có thời gian để đọc sách, nghiên cứu tài liệu, trau dồi thêm chuyên môn để nâng cao tay nghề…

Nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết dù đã nghỉ quản lý gần 6 năm nay nhưng vẫn đang tham gia công tác ở vị trí chuyên môn.

Là một phẫu thuật viên, ông kể về những ca phẫu thuật ghép tạng kéo dài trên 10 giờ liền: “Ngoài căng thẳng đầu óc về phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh nhân, chịu trách nhiệm về tính mạng của bệnh nhân, với những ca phức tạp, phương tiện chẩn đoán, chỉ định chưa đầy đủ thì mổ xong, về nhà tôi vẫn cảm thấy ca mổ như lởn vởn trước mắt, rất khó ngủ”.

Thông thường, mỗi y bác sĩ làm việc theo ca trực 24h, ngày hôm sau được nghỉ, ngày kế tiếp lại đến ca trực, nhưng có những hôm sau ca trực 24/24h, BS lại có ca mổ cấp cứu hoặc ca bệnh đặc biệt cần đến.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Viện Chiến lược và chính sách y tế, cho biết có những nơi y bác sĩ ký cam kết chỉ nghỉ buổi chiều sau ca trực 24/24h, buổi sáng là thời điểm đông bệnh nhân, họ phải tiếp tục làm việc. “Rất nhiều y bác sĩ về nhà phải bán hàng online vì thu nhập thấp, nhất là ở tuyến cơ sở nên thà nỗ lực làm việc ở bệnh viện để có thêm thu nhập” - bà Hạnh nói.

 

VN chưa có khảo sát nào kỹ về mức độ quá tải giữa lượng bệnh nhân với số lượng y bác sĩ nhưng theo ông Quyết, để đủ thời gian khám, tư vấn, hướng dẫn (hỏi bệnh, hỏi tiền sử, chẩn đoán, hướng dẫn người bệnh và người nhà bệnh nhân…), mỗi bác sĩ chỉ nên khám 30 bệnh nhân/ngày.

Trên thực tế mỗi bác sĩ (ngồi phòng khám) thường khám trên 50 bệnh nhân/ngày, có lúc bệnh nhân lên tới 3 con số.

“Có trường hợp riêng thời gian giải thích cho người nhà kéo dài từ 14h30 đến 16h nhưng người nhà vẫn đề nghị tạm hoãn mổ, đến 23h bệnh nhân đau quá, phải mổ cấp cứu. Nói thế để thấy thời gian cần để tư vấn rất dài mà chưa chắc người nhà bệnh nhân và bệnh nhân đã thông suốt” - ông Quyết nói.

Thêm bác sĩ, lại ngại giảm thu nhập

Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, cách giảm căng thẳng cho y, bác sĩ phải bằng việc “tăng số lượng y, bác sĩ cơ hữu của bệnh viện và tăng thu nhập chính thức (từ bệnh viện), đồng thời trang thiết bị của bệnh viện đầy đủ, đồng bộ”.

Khi đó, y bác sĩ phải làm việc chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, tỉ lệ y bác sĩ/vạn dân ở VN vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới (năm 2018 là 8,6 bác sĩ/vạn dân, ít hơn 4-9 lần so với các nước phát triển: Úc là 48,3 bác sĩ/vạn dân, Cuba hơn 67 bác sĩ/vạn dân, Argentina trên 38 bác sĩ/vạn dân...).

Số lượng y bác sĩ giỏi chuyên môn (ở phần đỉnh của tam giác) càng ít ỏi. Các bác sĩ này đã nắm trọng trách ở bệnh viện lại thêm thời gian ngồi phòng khám tư, bệnh viện tư theo hình thức chuyên gia.

Việc cho phép bác sĩ làm việc cho bệnh viện/phòng khám tư nhằm để hệ thống tư nhanh chóng trưởng thành và đỡ phần gánh nặng cho bệnh viện công nhưng một mặt cũng làm tăng áp lực cho y bác sĩ giỏi.

Viện Chiến lược và chính sách y tế đang tính toán định mức nhân lực trong các hạng bệnh viện và số lượng bệnh nhân, lượng công việc của mỗi y bác sĩ.

Một thành viên của nhóm khảo sát cho biết hiện chưa có kết quả, nhưng chắc chắn nhân viên y tế bị áp lực, nhất là khi các bệnh viện đều đã tự chủ tài chính và lương, phụ cấp cho y bác sĩ đều đã tính vào viện phí, bệnh viện nào cũng phải chạy đua để thu hút bệnh nhân.

Các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tập thiền. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tập thiền. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

“Tuy nhiên, các bệnh viện không muốn tăng số lượng nhân lực quá nhanh do lo ngại phần chi lương, thưởng, phụ cấp cũng tăng theo. Vì thế, công việc tăng nhưng nhân lực lại không tăng, áp lực lên y bác sĩ càng nhiều”, một thành viên của nhóm khảo sát nói.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cho biết lương của một số BS giỏi ở đây có thể đến trên 50 triệu đồng/tháng, một số bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh khác có thu nhập trung bình xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng.

Với mức thu nhập này, y bác sĩ đã có thể sống được bằng nghề, chưa kể các ưu đãi về đào tạo và hỗ trợ, tùy địa phương. Nhưng để giữ được mức thu nhập này, bệnh viện (hầu hết đã tự chủ tài chính) lại phải cân nhắc giữa bài toán tăng thêm nhân lực và tăng thêm chi phí. Thêm người thì đỡ áp lực, chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn nhưng thu nhập có thể giảm.

Chơi thể thao hoặc thiền

GS Trần Đông A, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho rằng nghề bác sĩ, đặc biệt là phẫu thuật viên có những yêu cầu rất đặc thù của nghề. Khi ông bắt đầu làm phẫu thuật viên ở Bệnh viện Nhi đồng 2, nhiều đêm đang ngủ say ông phải bật dậy vì có điện thoại gọi đi mổ cấp cứu cho bệnh nhi.

Lúc đó, ông thường phải tạt nước vào mặt cho tỉnh ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi. Sau nhiều lần như vậy, ông quyết định đi ngủ từ 20h để nếu đêm có ca mổ cấp cứu, ông tỉnh táo, dậy ngay. Nếu không có ca cấp cứu ông sẽ thức lúc 3h sáng để nghiên cứu, đọc tài liệu y khoa. Hàng chục năm trong nghề bác sĩ phẫu thuật đã hình thành ở ông thói quen đi ngủ từ sớm và dậy cũng rất sớm.

Để có thể đứng nhiều giờ trong những ca phẫu thuật, đặc biệt là những ca phẫu thuật khó, GS Trần Đông A rèn luyện sức khỏe hằng ngày. Ông thường nhấn mạnh: bác sĩ phẫu thuật mà không có sức khỏe, chỉ có kiến thức và bàn tay khéo cũng không thể theo nghề này lâu được.

Ngay từ khi còn nhỏ, GS Đông A đã là một người chạy rất giỏi, đoạt nhiều giải thưởng về chạy bộ. Khi trở thành bác sĩ phẫu thuật, ông thường chạy bộ lúc 5h hoặc đánh tennis để rèn luyện sức khỏe. Sau này, khi đi công tác ở nước ngoài hay ra Hà Nội họp các kỳ họp của Quốc hội…, ông vẫn duy trì thói quen chạy bộ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Đức Chiến, giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), chia sẻ: Ở bệnh viện tư, lãnh đạo bệnh viện có thể giảm áp lực bằng những đối đãi vật chất như tăng lương, thêm thưởng nhưng bệnh viện công chưa làm được như vậy.

Bệnh viện của ông dùng cách khác: Vì thấy được giá trị của thiền đối với sức khỏe và ứng xử của nhân viên trong đời sống hằng ngày, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã thành lập câu lạc bộ thiền để giúp các bác sĩ, nhân viên y tế giảm áp lực công việc.

“Thời gian ngồi yên đó rất quý giá vì giúp con người xua đi cảm giác tiêu cực và điều chỉnh, cân bằng lại cuộc sống”, bác sĩ Chiến nói. Mỗi trưa thứ ba hằng tuần, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đều có thể tham gia câu lạc bộ này, diễn ra tại bệnh viện

 

 





 

 

 



 

 



 

 

 

 





 

 

 


 

 


 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận