Giải pháp nào để giảm quá tải?

ĐỨC THIỆN - NGUYÊN LINH 12/11/2015 04:11 GMT+7

TTCT - Đã có một số bệnh viện cài đặt phần mềm giải quyết việc đăng ký khám bệnh online, nhưng phần đông người dân không biết hoặc tính tiện ích chưa được chú trọng. Vì thế dù có giải pháp, công cụ nhưng chưa có nhiều người dân sử dụng.

 

Lãng phí ít nhất 2.000 giờ mỗi ngày

Trên thị trường có không ít công ty viết phần mềm quản lý cho các bệnh viện, nhưng có lẽ số công ty viết phần mềm hỗ trợ giải pháp đăng ký khám bệnh online tiếp cận được bệnh viện để triển khai ra thực tế là không nhiều.

Công ty Luckytel nằm trong số ít đó, đã triển khai được phần mềm tại bốn bệnh viện. Nguyễn Khoa Tuấn Anh, đại diện công ty, chia sẻ: “Trong quá trình khảo sát ở các bệnh viện, tôi thấy trung bình một bệnh viện tuyến tỉnh tiếp nhận 2.000 lượt khám mỗi ngày.

Theo tinh thần của hướng dẫn 1313/BYT phấn đấu rút ngắn thời gian khám chữa bệnh không thực hiện cận lâm sàng còn 2 giờ/bệnh nhân và giả sử thời gian chờ đợi của bệnh nhân chỉ chiếm 50% trong số đó, ước tính xã hội chúng ta đang lãng phí 2.000 giờ/ngày chỉ tại một bệnh viện. Nhân lên cho cả xã hội thì con số thật khủng khiếp”.

Đánh giá cách đăng ký khám bệnh qua tổng đài điện thoại hoặc ứng dụng trên di động được nhiều bệnh viện triển khai hiện nay, anh Tuấn Anh cho rằng hệ thống này phát sinh chi phí nhân công trực tổng đài và bị cố định thời gian hẹn khám, vì vậy chỉ xử lý được không quá 500 bệnh nhân.

Bên cạnh đó tốc độ khám của mỗi bác sĩ và bệnh tình của mỗi bệnh nhân là khác nhau, nên để xác định chính xác giờ hẹn khám rất khó đối với một bệnh viện trung bình tiếp đón hơn 1.000 bệnh nhân mỗi ngày. Đó là chưa kể trường hợp đột xuất xảy ra như bác sĩ bận, sự cố hạ tầng bệnh viện làm chậm tốc độ khám, làm ùn tắc xảy ra mà bệnh nhân không được báo trước.

Người dân đến khám bệnh ở Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM) từ ngày 29-10 sẽ được phục vụ theo phong cách mới -HỮU KHOA
Người dân đến khám bệnh ở Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM) từ ngày 29-10 sẽ được phục vụ theo phong cách mới -HỮU KHOA

Cũng là người đi tìm câu trả lời cho việc giảm tải khâu đăng ký khám bệnh, một chuyên gia phần mềm khác, anh Hoàng Đình Ngự - trưởng dự án phần mềm VNPT HIS Công ty VNPT Software - phân tích: cách thức đăng ký khám chữa bệnh phổ biến nhất hiện nay vẫn là xếp sổ y bạ.

Cách làm này không đảm bảo trật tự đăng ký khám (người dân có thể tự ý thay đổi), không đảm bảo tính công khai, minh bạch (bác sĩ, điều dưỡng có thể tự ý gọi không theo thứ tự), đồng thời có thể gây ra ùn tắc, chen lấn. Anh Ngự cũng cho rằng cách đăng ký qua tổng đài hoặc điện thoại di động đòi hỏi bệnh viện phải có quy định rõ ràng về giờ hẹn, phải có phương án cho đối tượng ưu tiên như cấp cứu, người cao tuổi, người khuyết tật, thương binh, trẻ em sốt cao...

“Nói chung là rất khó minh bạch nên vẫn đưa đến sự khó chịu cho người chờ đợi” - anh Ngự nhận xét.

Đăng ký online, giải pháp trước mắt

Tôi nghĩ việc đăng ký khám bệnh online là một hình thức hay, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao về phần mềm đăng ký - quản lý, làm sao để bệnh nhân biết rõ số thứ tự, ngày giờ khám của mình để chủ động trong việc đến bệnh viện. Điểm lợi của việc đăng ký khám online, theo tôi, là cho cả bác sĩ và bệnh nhân. Ngoài việc bệnh nhân được chọn bác sĩ khám cho mình và biết trước thời gian khám, bác sĩ cũng nắm rõ hôm nay mình sẽ khám bao nhiêu bệnh nhân. Xu hướng bệnh nhân thường muốn theo điều trị với một bác sĩ quen. Điều này cũng tạo thuận lợi cho các bác sĩ trong việc hiểu những đặc điểm riêng của bệnh nhân như dị ứng với thuốc nào, uống thuốc nào thì hợp hơn… bởi đã có lịch sử thăm khám những lần trước. Tuy nhiên, ngoài vấn đề phần mềm phải chặt chẽ, phải làm sao giải quyết được tình huống nhiều bệnh nhân đổ dồn chọn một bác sĩ, dẫn đến số bệnh nhân quá tải trên một bác sĩ.

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu (Bệnh viện Nhi Đồng 2)

Các chuyên gia về giải pháp phần mềm đều cho rằng xu hướng tất yếu là phải tận dụng nền Internet để triển khai việc đăng ký khám bệnh online. Điều này trên thế giới nhiều nước đã làm, còn trong nước cũng đã có kinh nghiệm từ việc triển khai bán vé tàu lửa lâu nay.

Việc triển khai đăng ký khám bệnh online vừa giúp giảm vấn nạn quá tải ở bệnh viện vừa công khai được từng bàn khám của bác sĩ, thời gian chờ đợi giảm xuống, mọi người sẽ bớt căng thẳng.

Trong tình hình bệnh nhân các tỉnh đổ về những thành phố lớn, nơi có bệnh viện hiện đại, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi, giải pháp đăng ký online trước mắt xem ra khả thi hơn là tìm cách nâng chất đội ngũ bác sĩ tuyến tỉnh. Tất nhiên, về lâu dài phải nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh ở tuyến tỉnh để người dân tin tưởng, không đổ về các thành phố lớn nữa.

Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai hệ thống dịch vụ đăng ký khám bệnh qua mạng thông qua hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh tại Trung tâm nhi khoa được hơn một năm nay. GS.TS Bùi Đức Phú, giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đánh giá hệ thống dịch vụ này hoạt động ổn định, đã mang lại hiệu quả tích cực bước đầu, giảm áp lực quá tải phòng khám tuy lượng người sử dụng chỉ mới khoảng 20% bệnh nhi đến khám.

Nhưng theo bác sĩ Phú, đây là mô hình cải cách hành chính của tương lai, nhiều tiện ích, nên Bệnh viện Trung ương Huế lên kế hoạch áp dụng rộng rãi trong toàn hệ thống bệnh viện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đến khám bệnh không phải chờ đợi lâu. Bác sĩ Phan Xuân Mai, phó giám đốc Trung tâm nhi khoa Bệnh viện Trung ương Huế, cho rằng từ khi triển khai hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh đã giúp giảm tải phòng chờ khám bệnh viện, không còn cảnh bệnh nhân chen chúc ngồi đợi khám bệnh trong nhiều giờ như trước đây.

Thẻ bệnh viện có mã vạch mới được áp dụng ở Bệnh viện Q.Gò Vấp -Hữu Khoa
Thẻ bệnh viện có mã vạch mới được áp dụng ở Bệnh viện Q.Gò Vấp -Hữu Khoa

Hơn 8g sáng 3-11 tại phòng khám khoa nội Bệnh viện Gò Vấp (Q.Gò Vấp, TP.HCM), anh Huy Toàn đưa vợ đi khám bệnh. Ngồi ghế chờ chưa đến năm phút, vợ anh đã được gọi vào khám. Anh Toàn cho biết nhờ bệnh viện áp dụng việc lấy số thứ tự khám bệnh qua tin nhắn nên anh đã đăng ký khi còn ở nhà.

“Vợ chồng tôi ngồi ăn sáng trước bệnh viện và theo dõi số thứ tự qua website, sắp đến lượt thì vào chờ khám, khá dễ chịu” - anh Toàn chia sẻ. Bác sĩ Phạm Hữu Quốc - giám đốc Bệnh viện Gò Vấp - cho biết bệnh viện vừa triển khai dịch vụ “xếp hàng thông minh” cho người bệnh đăng ký khám qua đầu số 19001000. Bệnh nhân được thông báo ngay số thứ tự của mình và số thứ tự đang khám để chủ động đến và giảm tối đa thời gian chờ. Bác sĩ Quốc cho biết thêm bệnh viện cũng đang hoàn tất khâu cuối cùng để triển khai đăng ký khám online vào tháng 12 này nhằm giúp bệnh nhân thuận lợi hơn trong lựa chọn lịch khám bệnh.

Là nhà chuyên môn, anh Nguyễn Khoa Tuấn Anh cho rằng áp dụng công nghệ viễn thông và thông tin mới khắc phục được những bất cập của cách lấy số thứ tự khám bệnh thủ công hiện nay. “Giải pháp của chúng tôi là làm sao giả lập được việc đăng ký khám và chờ gọi khám từ xa: bệnh nhân sẽ chủ động ước lượng thời gian để đến bệnh viện mà không phải chờ đợi” - anh Tuấn Anh giải thích.

Bệnh nhân không cần đến trực tiếp quầy tiếp nhận để biết mình nên đăng ký khám khoa nào, thay vào đó sử dụng điện thoại gọi đến 19001000. Và bệnh nhân khỏi phải ngồi trước cửa phòng khám nhìn trực tiếp bảng gọi số mà có thể theo dõi qua website, hoặc sử dụng ứng dụng theo dõi nếu bệnh nhân dùng điện thoại thông minh hoặc thậm chí hệ thống tự động nhắc nhở “còn năm bệnh nhân nữa sẽ đến lượt”...

Các chuyên gia phần mềm cũng đang tìm cách dung hòa việc cấp số cho những bệnh nhân chưa biết đăng ký khám từ xa mà trực tiếp đến bệnh viện lấy số thứ tự. Nguyên tắc ai đăng ký trước (từ xa hay trực tiếp) sẽ được số thứ tự nhỏ hơn. Khi đó bệnh nhân có thể chủ động theo dõi số thứ tự đang được gọi khám ở các phòng để có thể sắp xếp thời gian hợp lý đến bệnh viện.

Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên TTCT tại các bệnh viện có triển khai giải pháp đăng ký khám bệnh từ xa, hầu hết bệnh nhân đều không biết. Công tác quảng bá hoạt động này chưa đến với người dân. Chưa kể các tiện ích trên web chưa gần gũi với người dùng nên những người không quen sử dụng công nghệ thông tin sẽ ngại ngần. ■

 

 

Sao phải thu tiền?

Sở dĩ phải thu phí khi đăng ký lấy số thứ tự là để tránh tình trạng bệnh nhân ảo (đăng ký rồi bỏ) khiến bệnh viện điều tiết phòng và số lượng bác sĩ không đúng thực tế. Nếu miễn phí sẽ có lượng lớn người dùng đăng ký “giữ chỗ” rồi tính sau. Từ đó có thể làm tăng số lượng người đăng ký vượt mức kiểm soát, trong khi con số thực ít hơn rất nhiều, có thể gây khó khăn cho bệnh viện trong việc bố trí khám bệnh. Ngoài ra, việc đăng ký tin nhắn có cước phí 1.000 đồng/tin nhắn qua đầu số dịch vụ 19001000 so ra rẻ hơn cả chi phí gửi xe máy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận