“Giai điệu quần đảo” và nền âm nhạc bị lãng quên

HIẾU THẢO 23/07/2020 02:07 GMT+7

TTCT - Vì sao các hãng đĩa Âu Mỹ lại tìm kiếm và phát hành âm nhạc Indonesia, trong khi chúng lại bị lãng quên tại bản xứ? Làm sao để giới trẻ Indonesia hiểu về quá khứ bị vùi lấp của nền âm nhạc nước nhà? Đó là những thôi thúc đã khởi sinh “Giai điệu quần đảo” ở xứ vạn đảo.

 
 Văn phòng Irama Nusantara. Ảnh: Irama Nusantara

“Giai điệu quần đảo”, hay Irama Nusantara trong tiếng Indonesia, là dự án sưu tập và lưu trữ các bản ghi âm với hi vọng những di sản này sẽ phần nào giúp giới trẻ hình dung được những khía cạnh lịch sử phong phú của dân tộc.

Irama Nusantara là một nỗ lực bảo tồn và lưu trữ dữ liệu, thông tin về các bài nhạc nổi tiếng của Indonesia nhằm nâng cao nhận thức rằng âm nhạc Indonesia hiện đại là một phần của bản sắc dân tộc. 

“Chúng ta đều quen thuộc với các bài hát của nhóm The Beatles, nhưng tôi cá là không nhiều người Indonesia biết nhạc pop của nước mình ngày cũ - một thành viên sáng lập Irama Nusantara nói với trang Magdalene - Hãy đào sâu thêm một chút để thấy văn hóa Indonesia không chỉ là [dệt vải] Batik hay [nhạc cổ truyền] Gamelan, mà từ rất lâu trước đó chúng ta đã có nhạc pop rồi”.

Dự án Irama Nusantara ưu tiên lưu trữ và số hóa các bài hát ra mắt vào thập niên 1960 và 1970, thời điểm băng cassette bùng nổ và nổi lên nhiều ca sĩ, ban nhạc. Kể từ đó, ngành công nghiệp âm nhạc Indonesia đã phát triển rất nhanh để được quốc tế công nhận. 

Nhưng theo thời gian và sự thiếu hụt trong văn hóa lưu trữ ở Indonesia, bằng chứng và tài liệu cụ thể về sự phong phú của âm nhạc Indonesia đã trở nên hiếm hoi cho các thế hệ sau này. Trên thực tế, người dân Indonesia gặp khó khăn trong việc tham khảo các bài hát nổi tiếng của chính mình, đặc biệt là những bài hát cũ và tạo nên danh tiếng cho nền âm nhạc nước này.

Theo báo SCMP, dự án lưu trữ Irama Nusantara cho đến nay đã số hóa hơn 4.000 bản ghi âm, được phát miễn phí trên website nhằm tìm kiếm một thế hệ người hâm mộ mới cho nền nhạc trong nước.

Quá trình thực hiện dự án cũng hé mở những chi tiết thú vị trong lịch sử âm nhạc Indonesia. Chẳng hạn, âm nhạc phương Tây bị cấm dưới thời của Sukarno - tổng thống đầu tiên của Indonesia từ năm 1945 đến 1967. Các ban nhạc đã có một giải pháp sáng tạo để lách lệnh cấm, chẳng hạn như Nada Kentjana pha rock'n'roll với các bài pop truyền thống được hát bằng tiếng Sundan (một phương ngữ Tây Java được sử dụng bởi người Sundan). 

Khởi đầu

Bảy nhà sáng lập của dự án bao gồm Alvin Yunata, David Tarigan, Christoforus Priyonugroho, Toma Avianda, Norman Illyas, Mayumi Haryoto và Dian “Onno” Wulandari đều có công việc dính dáng ít nhiều đến âm nhạc, từ sở hữu các cửa hàng thu âm độc lập, làm chủ các hãng đĩa đến chơi trong các ban nhạc.

Yunata và Tarigan đã ra mắt dự án Irama Nusantara sau khi tình cờ gặp nhau nhiều lần tại khu phố cổ nổi tiếng Jalan Surabaya của Jakarta, nơi bán những bản ghi âm cũ. 

Trong những lần trao đổi, họ nhắc đến việc cộng đồng các nhà sưu tập quốc tế bắt đầu để ý đến các đĩa hát của Indonesia, và việc các hãng đĩa từ Mỹ và châu Âu phát hành lại các bài hát tiếng Indonesia để tiếp cận thính giả quốc tế. 

“Thật trớ trêu khi âm nhạc Indonesia được yêu thích ở nước ngoài nhưng hầu như người dân trong nước lại chẳng thiết tha” - Yunata nói với SCMP.

Đó là năm 2010. Ba năm sau, họ chính thức đăng ký Irama Nusantara như một nền tảng phi lợi nhuận để tiến hành dự án bảo tồn âm nhạc này. Các thành viên “càn quét” các hội chợ đồ cổ, vựa ve chai để săn đĩa vinyl hoặc băng cassette hiếm, cũng như mượn từ các nhà sưu tập khác. “Chúng tôi cố gắng tìm nhặt những mảnh ghép nằm lộn xộn và rải rác khắp nơi của bức tranh chung là nhạc pop Indonesia” - Tarigan nói.

Từ nỗ lực của Irama Nusantara, người nghe có thể thưởng thức mọi thứ từ các album nhạc ảo giác (psychedelic pop) của những ban nhạc vô danh trong thập niên 70, các album nhạc điện tử từ thập niên 80 đến bản thu đầu tiên của quốc ca Indonesia, âm thanh truyền thống của Indonesia như keroncong - một nhạc cụ gần giống như ukulele.

Sự đa dạng của các bản ghi âm được bảo tồn bởi Irama Nusantara cho thấy âm nhạc Indonesia phong phú như thế nào. Đứng đầu trong bộ sưu tập là những album đầu tiên của các nghệ sĩ được coi là huyền thoại tại Indonesia như Chrisye, Titiek Puspa và Atiek CB ở thể loại nhạc pop, ban nhạc rock Koes Plus và Bimbo, các ngôi sao dân gian Iwan Fals và Benyamin Sueb.

Đối với những người sáng lập, giá trị của những bản thu âm không chỉ nằm ở việc chúng mới hay cũ, tính chất nghệ thuật thấp hay cao, mà tất cả đều là những mảnh ghép lịch sử của Indonesia - một lịch sử mà thế hệ trẻ có thể chỉ biết mơ hồ. Âm nhạc là một cách để khiến những người trẻ tuổi trân trọng quá khứ và di sản của dân tộc.

“Trước khi có dự án lưu trữ Irama Nusantara, có lẽ chỉ khoảng 10% âm nhạc Indonesia được công chúng biết đến, chủ yếu là âm nhạc từ những năm 1970 trở về trước, 90% còn lại đã bị chôn vùi. Vì vậy, dự án này rất quan trọng, âm nhạc là phương tiện phổ biến nhất để người ta nói về những gì đã xảy ra ở các thời đại khác nhau” - Yunata nói.

 
 Các bìa đĩa cổ của Indonesia. Ảnh: Irama Nusantara

Số hóa

Là những nhà sưu tầm ưa thích các định dạng nhạc khác nhau như vinyl, 8-track, băng cassette, những người sáng lập bắt đầu bằng cách số hóa các album của riêng họ và “tấn công” khá thường xuyên các bộ sưu tập của bạn bè. “Chúng tôi dựa vào những người bạn thực sự thân thiết, những người tin tưởng giao cho chúng tôi ‘đứa con tinh thần’ của họ. Tôi chắc rằng ai trong giới sưu tập cũng sẽ hiểu tình huống này” - Tarigan nói.

Nhiều bản ghi âm đến từ những người bán hàng có trụ sở tại Quảng trường Blok M - một trung tâm mua sắm cũ ở Jakarta với đầy đủ các tầng hầm bán đĩa nhạc cổ điển. Quảng trường Blok M quan trọng đối với Irama Nusantara đến nỗi họ đã thuê một vị trí nhỏ ở đó để số hóa các bản ghi âm, nhằm tăng tốc quá trình thực hiện dự án.

Quá trình số hóa bao gồm kết nối máy ghi âm với card âm thanh, giúp chuyển đổi âm thanh thành định dạng kỹ thuật số. Hầu hết những công đoạn này được thực hiện trong văn phòng Irama Nusantara ở khu Nam Jakarta. Nhóm dự án cũng scan các bìa đĩa cũ và thậm chí phiên âm văn bản từ các bìa cũ, sờn rách.

Năm 2016, Cơ quan Kinh tế sáng tạo (CEA) của Indonesia đã chú ý đến dự án và chỉ đạo cho Republik Indonesia, đài phát thanh thuộc sở hữu nhà nước, mở kho lưu trữ và cho phép số hóa hơn 1.000 bản ghi âm. Theo SCMP, nhà sưu tập và họa sĩ nổi tiếng Haryadi Suadi cũng đóng góp các bản ghi âm từ những năm 1920 và 1930, song trang web của Irama Nusantara không thể hiện rõ đó là các tác phẩm nào.

Cho đến nay, Irama Nusantara đã có thể phát trực tiếp các bản ghi âm nhạc mà không phải thương thảo chuyện bản quyền với các công ty thu âm vì dự án định vị các bản ghi cho mục đích giáo dục chứ không phải giải trí. Tarigan thừa nhận rằng đó là một khu vực xám, nhưng lưu ý rằng dự án ghi chú miễn trừ trách nhiệm trên hầu hết các trang dành cho nghệ sĩ hoặc nhà sản xuất muốn gỡ bản ghi âm của họ xuống. Lưu trữ kỹ thuật số chỉ là bước đầu tiên của dự án Irama Nusantara, vẫn còn nhiều tính năng được hứa hẹn triển khai trong tương lai, đặc biệt là nếu họ vượt qua được khủng hoảng về tài chính do dịch bệnh COVID-19.■


Irama Nusantara cũng có kế hoạch số hóa những băng nhạc cassette trong năm nay vì phương tiện nghe nhạc này đã từng rất phổ biến và được ưa chuộng tại Indonesia. Ngoài ra họ cũng dự tính sẽ xuất bản sách và tổ chức triển lãm. Tuy nhiên, mọi việc đã bị đình trệ do cuộc khủng hoảng Covid-19, tất cả các chương trình và hội thảo được lên kế hoạch từ trước đều bị hủy.

Những người sáng lập đã nỗ lực kêu gọi tài trợ từ công chúng, họ cho biết trừ khi đạt được mục tiêu 300 triệu rupiah (khoảng 20.700 đôla Mỹ) còn không sẽ phải đóng cửa vào tháng 9. Đầu tháng 7 này, họ đã huy động được hơn 63 triệu rupiah. Hiện tại, đội ngũ nhân lực chỉ có thể tập trung vào phục hồi kỹ thuật số, tạo hệ thống danh mục và phiên âm lời bài hát.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận