Giấc mơ vườn măng

TRUYỆN NGẮN CỦA MẠC CAN 13/10/2016 05:10 GMT+7

TTCT- Một ngày không bình thường, sáng sớm đưa bàn tay trước mắt cũng chưa thấy rõ thì đã nghe tiếng súng nổ. Trời còn lọ lem khi mờ tỏ mặt người, lại thấy những người lính đội nón sắt, vai mang đạn, vác súng chạy vào sân nhà cha tôi.

Minh họa: Vũ Đình Giang
Minh họa: Vũ Đình Giang

 

Tôi chạy ra nhìn. Trong số những người lính đó có chú Tài say, mấy trái lựu đạn ở thắt lưng coi hờ hững lạ mắt, còn cái bình ton trầy trụa đeo lủng lẳng bên hông. Chắc là có rượu đế. Chú thấy tôi, hai chú cháu vô nhà. Cha tôi cứ nhìn chú lính rồi bỗng nghe chú nói:

- Anh Hai khỏe.

Chú Tài bỏ cái nón sắt xuống, đầu chú trọc lóc, nửa phần trán trên trắng tươi, còn từ chân mày xuống cằm và cổ rám nắng đen sạm. Cha tôi nhìn chú một lúc mới nhớ ra:

- À, Tài, lâu gặp quá.

Trên cổ chú Tài có cái khăn lông màu cháo lòng. Chú lau mồ hôi rồi nói:

- Không có nghề gì làm. Em đăng lính lâu rồi.

Mọi việc diễn ra với tôi có vẻ lạ. Tôi tò mò nhìn món đồ nghề kiếm cơm của chú, cây súng trường dài mà chú dựng bên vách ván. Ở trên vách có tấm bảng quảng cáo thuốc hút. Lúc đó cha tôi làm công cho hãng thuốc lá Bastos, ông chủ người Việt cho cha tôi ở tạm trên miếng đất nhỏ cạnh đường Nguyễn Hoàng.

Trước đường có căn nhà hẹp, cứ mỗi tối tôi chạy ra đó ngồi xếp bằng coi hát, tối nào cũng có vở kịch vui, ca nhạc, múa, kèn trống xập xình, cành lá dừa kết làm cổng chào như đám cưới. Lại có trương tấm vải đề chữ Mặt Trận Bình Dân. Tôi chưa hiểu chuyện đó là gì.

Lúc nầy đường Nguyễn Hoàng còn là con đường đất đỏ, chia thành hai chiều, với hàng cây điệp con, thân khẳng kheo, mới trồng ở giữa. Có lúc hàng cây lớn hơn hai vòng tay ôm, tàn lá che mát từng khoảng đường.

Bây giờ, hàng chục năm qua rồi, đất đỏ thành đường nhựa, các vách tường dài theo con đường cũ nay đã là các khu phố buôn bán sầm uất. Thời gian hớt hải bước nhanh, các cây điệp già nua, chết mất đâu rồi. Mà tôi, người năm xưa ấy vẫn còn đây, với bao nhiêu là tâm sự.

Lạ thật, mà sao lại lạ nhất là khi lớn lên, mỗi lúc có việc chạy xe gắn máy trên con đường nầy, tôi vẫn thấy hàng cây điệp, các vách tường cũ, nghe tiếng súng nổ sáng hôm đó, nó mơ mơ màng màng như là chuyện liêu trai.

Ngày xảy ra chuyện “binh biến”. Cả gia đình tôi ở gần chợ An Đông, ngang chợ có tiệm bánh đập chả đùm nổi tiếng. Bên tiệm bánh đập nhìn trở qua, tôi còn nhớ có hồ tắm. Lần đầu tiên tôi thấy phụ nữ mặc áo hai mảnh mà không phải mặc trên bãi biển.

Cho nên hầm hố bí mật, trung tâm quân sự, đồi núi ẩn núp sau làn vải ướt đều lộ rõ. Về sau đối phương có ngụy trang dày cách mấy, mắt tôi vẫn nhìn thấy các điểm yếu, do kinh nghiệm.

Sân cỏ chung quanh hồ tắm trồng rất nhiều cây gáo. Trước khi là trái, nó là bông vàng rượm, thành trái rồi ăn có vị chua ngọt lẫn lộn.

Súng vẫn nổ ran như pháo tết ngoài kia, còn nghe đâu có tiếng “đề pa” bên hồ tắm, vì người ta đặt súng cối dưới gốc những cây gáo. “Thụt” qua bên kia bệnh viện, sau các bức tường, đất và gạch sỏi rơi ào trên mái nhà. Có lúc tiếng súng lắng xuống, ngoài đường vắng tanh. Bỗng nhiên có người đàn bà thủng thỉnh đi vào nhà, trên môi phì phà điếu thuốc lá:

- Anh Hai khỏe.

Cha tôi lại nhìn người đàn bà, như lúc nãy nhìn chú Tài, lần nầy thì nhìn ra liền:

- Cô Tím.

Người đàn bà tên Tím, thở khói thuốc ra mũi, mặt có khá nhiều vết nám. Nhìn thấy chú Tài say, bà hỏi mà không có vẻ ngạc nhiên:

- Có thằng Tài đây nữa.

- Có chớ, ở đâu không có Tài say.

Người đàn bà nhả chút khói thuốc, làn khói bay vẩn vơ.

- Thăm anh Hai hả Tài.

Chú Tài ngáp dài, trả lời lần lựa.

- Đi làm công làm mướn, chủ sai đi “quánh” ông Bảy Viễn, ghé đây. Thấy thằng nhỏ kỳ cục nầy, nó không sợ tiếng súng cha ơi. Tôi vô thăm anh Hai Quới hỏi thăm coi ảnh khỏe không.

Cô Tím có nhiều chồng, thời chinh chiến, anh nầy chết thì thế anh khác, “người đàn bà phong trần khói lửa” quen với tiếng súng nầy suốt đời quanh quẩn tìm chồng. Chú Tài là em một cha khác mẹ với cô Tím, cả hai ở Lái Thiêu. Vợ chú Tài chết, để lại đứa con gái trạc tuổi tôi.

Tôi càng lớn gần đúng như chú Tài nói, tôi càng kỳ hoặc khác thường. Chính tôi đôi lúc cũng ngạc nhiên vì mình. Tôi cứ nghĩ khi nào người ta sống quá tuổi tôi, sống lì nhiều ngày tháng năm như tôi bây giờ, mà nhớ lại các câu chuyện xưa sao nó ngờ ngợ.

Thật ra thì ai cũng phải có tổn thất, cái gì cũng phải có cái giá của nó, cô Tím cũng vậy. Còn tôi, trong canh bạc khác thường hơn, không phải tiền, mà tôi thua thiệt nhiều nhất là thời gian.

Chí ít một vài ngày, vài tháng hay một năm, nhiều năm ngồi nằm lãng phí, không đụng tay vào chuyện gì, cũng có thể coi như cả đời bị đánh rơi, rời rạc mất hút một cách vô lý vào cái vực sâu thẳm mờ ảo khói sương mà ai cũng có dưới chân mình. Cũng có nghĩa vui hơn là tôi cứ rong chơi.

Rồi thế nào tôi cũng đi lạc đường. Hình như là tôi sống để chuộc lỗi, của tôi hay của ai đó chăng.

Đời tôi manh mún nhiều mảnh vỡ. Lúc ngồi yên, lúc bình yên nhất nó cũng đau đớn mà khó biết vì việc gì. Có khác gì cuốn phim truyện, vô tình đã cắt bỏ khoảng chục thước khuôn hình, chiếu ra không còn biết đâu là mối nối.

Gặp người nầy, bàng hoàng, ngẫm nghĩ như đã có gặp, vừa có vừa không. Kể cả chuyện tình nghe cũng như trò đùa, mọi sự vào ngày lâm chung vẫn cứ bình thường. Như cô Tím ngồi nói chuyện chồng con chết sống tỉnh rụi.

Như ông Tài say phiêu bồng bán mạng, với cây súng trận mạc và bình ton rượu cay tê lưỡi. Như thằng tôi nữa chứ, nghe tiếng súng trên con đường vắng cứ ngỡ là ngày tết pháo tết.

Bên kia đường, sau vách tường của một bệnh viện, lại có tiếng đạn súng cối va chạm nổ đùng, rồi tiếng súng nhỏ bắn trả, một viên đạn xé gió xuyên qua vách ván nhà tôi, rơi xuống nằm ngay trước mặt cha tôi. Chú Tài cầm viên đạn còn nóng ngắm nghía, rồi cho tôi:

- Làm đồ chơi.

Viên đạn tròn lẳn, có cái đầu nhọn, song người ta làm cho nó “tà đầu” bớt nhọn đi như cô gái mới lớn má lúm đồng tiền. Sau nầy tôi biết thêm, trong “cô gái” đó có các mảnh chì, tủa ra sau khi nổ lần thứ hai. Đó cũng là lần đầu tôi thấy viên đạn, nhỏ bé dễ thương với màu đồng non nhạt, vàng chóe, coi cũng đẹp nếu dùng làm vật trang sức. Chú Tài nói:

- Viên đạn mồ côi, may là nó không thấy Tài say ngồi đây. Nó mà cúi thấp xuống, chào thằng Tài nầy là Tài tiêu rồi. Coi hiền khô vậy mà chui đàng trước, cái lỗ nhỏ, trổ ra sau lưng nó “tàng hoạt” như cái lỗ đĩ.

Lúc đó cha tôi thì sợ, nhưng ông cũng tức cười vì điệu bộ của chú Tài. Ông vốn là một nghệ sĩ gọi là “thuần túy”, người ta có quyền làm một nghệ sĩ “thuần túy” không, chuyện đó chưa biết, hay là đã có như cha tôi, và cả tôi nữa chứ.

Cha tôi chẳng tha thiết hay lưu tâm tới chuyện người ta đánh nhau. Cho nên chiều hôm đó, theo lời mời của cô Tím, cả nhà lên xe quảng cáo thuốc lá Bastos do cha tôi cầm lái, tản cư về Lái Thiêu. Tôi bỏ “cô gái” là viên đạn đồng vô cái hộp kẹo ho, coi như đồ chơi.

Viên đạn thì còn, nhưng đó là lần sau cùng tôi thấy chú Tài say. Chú cũng đã mất hút vào lực xoáy của dòng thác nào đó. Hay lọt thỏm xuống cái hố dưới chân mình, hoặc đã có một viên đạn mồ côi khác tìm gặp, và rồi như chú nói, nó cúi xuống: Chào Tài.

Tôi nhớ, nhưng không dám nhắc lại cách và câu ví von của chú về viên đạn. Cô Tím kín đáo cho biết vợ của chú Tài lúc trước làm gái trong nhà thổ, gọi là “Trại dưỡng quân” của nhà binh. Chưa chắc gì đứa con gái đó là của chú. Nó là lý do buồn phiền dẫn chú tới men rượu.

Khoảng chiều tối đỏ đèn. Cả nhà tôi tới Lái Thiêu bình yên. Những người bà con tốt bụng nấu cơm, giăng mùng, trải chiếu đón tiếp. Sáng ngày hôm sau và vài ngày sau nữa, nghe trên đài phát thanh Sài Gòn, người xướng ngôn thời sự cho biết quân của ông Minh Lớn đánh tan tác quân của ông Bảy Viễn. Lính Bình Xuyên bỏ súng đi bộ về nhà, từ bên kia cầu chữ Y những người hùng Lương Sơn Bạc còn lại rút qua rừng Sát, dưới chân họ là sình lầy, rừng đước đầy đỉa vắt, còn ngoài kia là biển khơi. Hết một thời tướng quân cát cứ, chia vùng, sóng gió đã qua.

Chiến sự trong thành phố tạm lắng. Nhưng cha tôi vẫn cho gia đình ở lại Cầu Ngang, trong khu vườn măng với mấy bà cô một thời gian nữa cho chắc ăn. Nhiều ngày qua, tôi quen dần với cảnh sống nơi thôn dã, lá cỏ cây trái như đi nghỉ hè.

Lần đầu tiên tôi thấy vườn măng, cây dâu, cây bòn bon và những cây sầu riêng. Tôi không nhớ mình ở lại nơi nầy bao lâu, nhưng đó lại là một đoạn đời khó quên, kỳ lạ thay nó vẫn hiện về trong giấc mơ của tôi.

Tôi luôn thấy mình ngơ ngác trên đường đi tìm vườn măng, nhớ nhớ thương thương, sống mệt nhọc trong đêm dài, cùng với hình ảnh một người bạn gái, tôi liên tưởng tới một vết thương nào đó, mơ hồ ẩn hiện trong khu vườn măng. Tôi thường thấy con nhỏ gầy guộc, ngồi yên lặng bên ngôi mộ đá ong, cạnh chiếc cầu ván và cái mương đào. Bây giờ vườn măng già hết trái, còn người xưa nơi nào khó tìm khó biết.

***

Khác hẳn với các khu vườn cây ăn trái ở miền Tây, vườn cây ăn trái Lái Thiêu tuy không xa Sài Gòn bao nhiêu nhưng vẫn còn giữ nét xa vắng im lìm. Bên cạnh con sông là đường lộ nhỏ, dù di chuyển trên sông hay đường lộ đều trông thấy những khu vườn trải dài hai bên. Những khu vườn im lặng long lanh nắng huyền ảo, trên nền đất xốp rụng đầy lá, phần nhiều toàn là lá cây măng cụt thấp chũm, với các nhánh sà xuống tận mặt đất.

Tôi hay đứng lại soi bóng mình lên mặt nước trong vắt của con mương dài, với những con cá nhỏ dạn dĩ, tinh nghịch, cắn cọng rong xanh, quẫy chiếc đuôi nhiều màu, bơi lội rong chơi. Nhìn khuôn mặt mình trên sóng nhỏ vô danh vô tư, như cỏ cây lăn tăn với bầy cá. Tôi còn “nghe” được mùi nước ngọt, khi lấy một ngón tay khỏa nước, mấy con cá nhỏ cắn vào ngón tay tôi rồi chui vào đám rong xanh mướt.

Rong vẫn xanh. Mọi vật cứ ngủ say mèm. Trong vùng tối âm u rậm lá của vườn măng. Không khác cho lắm, sự im lặng thở dài của mộ huyệt. Tất cả làm tôi thổn thức nhớ một thời và một người là chú Tài say, cùng với đứa con gái trạc tuổi tôi lúc đó.

Hàng chục năm rồi, bây giờ tôi có còn nhớ rõ mặt mày nó đâu, kể cả cái tên cũng không biết. Con nhỏ nầy không nhớ là đẹp hay xấu, nó là hình ảnh người cộng chung với khu vườn măng, màu sắc của các con cá nhỏ, và sự yên tĩnh của nước trong mương đào, nước từ dòng sông ngoài kia tuôn vào mương qua các bộng dừa.

Mơ hồ nhưng tôi vẫn nhớ những buổi trưa yên tĩnh, tôi với nó đi trong các khu vườn lá rơi đầy dưới chân, cành măng thấp lè tè, tôi ngạc nhiên vì nó hái cho tôi vài trái măng còn sống, màu xanh non của vỏ trái măng rất lạ, mà vị ngọt giòn của các múi măng khó quên nổi. Còn tôi thì cho nó cái hộp kẹo ho trong đó có viên đạn mồ côi.

Con nhỏ ở trần tắm dưới mương đào, tôi ngồi trên bờ mương nhìn nó, ngực nó mới nổi trái chàm, nó chưa biết mắc cỡ, còn tôi cũng gần như vậy.

Chỉ có vậy, và vì vậy mà tôi nhớ tới già, vẫn nhớ, nếu không như vậy chắc là đã quên tuốt. Kỳ lạ thật, khi lớn lên tôi cũng có nhiều lần về Lái Thiêu, tìm tới khu Cầu Ngang, gặp lại những người bà con già lão, bà con cũng có nhắc tới chuyện hồi nào đó anh Hai Quới (tức là cha tôi) và gia đình của ảnh có tản cư vô ở trong nầy. Nhưng tuyệt nhiên, không ai nói mà tôi cũng không biết “cái con nhỏ” bà con xa đó đang ở đâu.

Cho tới một ngày, đoàn hát của cha tôi rã rời, lang thang nơi nầy nơi khác. Thì có những người bà con xa, ở Lái Thiêu gặp nạn, súng lại nổ ngoài chợ, trong khu phố thấp và chung quanh khu vườn măng, họ tản cư tới nhờ cha tôi giúp đỡ.

Nhưng cha tôi không có một mảnh đất cắm dùi, mà cũng không có nhà. Cùng tản cư có một cô gái trạc bằng tuổi tôi, khoảng đâu chừng trên dưới hai mươi, cô gái được cha tôi cho ngồi bán vé hát. Còn tôi thì vẽ bảng quảng cáo, cọ màu xơ xác với những lon sơn vất tung trong phòng bán vé, nơi mà tôi hay chui vô đó say mèm, bệ rạc, ngủ vùi.

Nhiều ngày qua, rồi vài tháng sau nữa, tôi với cô gái “tản cư” qua các phòng bán vé khác nhau, lúc nào cũng đầy mùi a dao, tức da con bò chết nấu thành keo để pha màu. Khó hiểu vì sao tôi cứ nhìn cô gái, có lẽ vì gương mặt cô làm tôi nhớ chú Tài say. Một hôm tôi chợt “nghe” lại mùi nước ngọt dưới mương đào, trong khu vườn măng năm nào đã quá xa xôi.

Cô gái không biết, hay biết mà không hề nhắc gì tới chuyện vườn măng, chỉ thỉnh thoảng mỉm cười nhìn tôi như có quen lúc nào. Chúng tôi đã lớn lên, và trong đêm trường, chúng tôi đã va chạm, va chạm nhưng không đi tới đâu. Tôi thấy vết thương mờ mờ trong đêm tội nghiệp.

Rồi trong vài đêm sau cùng, những người bà con xa nói lời tạm biệt để trở về Lái Thiêu. Đêm cuối cùng đó cô gái quyết liệt từ chối tôi, cô khóc, vì chúng tôi có bà con, chung dòng họ...

Chuyện không bình thường, như những ngày trước và sau đó cứ không bình thường. Tôi vẫn chưa biết tên của cô gái, cô ít nói về lai lịch của mình mà chỉ mỉm cười, một cách bí ẩn. Trong khăn tay bỏ lại trên chiếc chiếu, tôi cầm lên hộp kẹo ho cũ kỹ, trong đó có viên đạn đồng ten rĩ. Chiếc hộp như chôn vùi dưới lớp lá dày nhiều năm, lớp thiếc rữa mục, viên đạn đổi màu, sao vẫn còn vương chút mùi lưu huỳnh.

Tôi còn lại một mình tôi. Chỉ có tôi là vẫn nằm mơ, thường nằm mơ, tôi thấy mình với manh chiếu rách, trong phòng bán vé, căn phòng thoắt chốc biến thành chiếc lá trôi trên dòng sông nào đó. Tôi ngồi trên chiếc lá nhẹ tênh, dõi mắt đi tìm một người nhỏ bé tít tận mù khơi.

Mà trước sau và chung quanh người đó, bao la là vườn măng có những con mương đào. Thấp thoáng thấy ngôi nhà đó, cuối vàm sông, nhưng mà càng tới gần thì khu vườn măng và mái nhà ngói đỏ sậm lại càng xa, càng mơ lại càng thấy xa.

Có lẽ nào, dù cho không có lời hẹn thề, tôi vẫn mãi đi tìm chút kỷ niệm hoang đường như vậy cho tới khi qua bên kia thế giới...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận