​Giấc mơ về với bản ngã an nhiên

DIÊN VỸ 16/09/2014 10:09 GMT+7

TTCT - Khai mạc ngày 6-9, phòng tranh “Cảm xúc đại ngàn” của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi tại gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM) sẽ đón khách đến ngày 26-9.

Cánh đồng bạch mã (đã bán cùng với bức Chập choạng tối cũng trong xêri tranh vẽ ngựa)
Cánh đồng bạch mã

Đây là triển lãm được họa sĩ và gallery chuẩn bị khá công phu, dù không được như mong muốn (*).

Hơn 20 tác phẩm sơn dầu trên bố được Nguyễn Trọng Khôi mang về quê nhà lần này chỉ là một phần nhỏ trong những gì ông đã vẽ gần đây, cũng là một chặng mới trong hành trình sáng tác gần nửa thế kỷ của một họa sĩ từng có thời gian cộng tác trình bày, minh họa cho báo Tuổi Trẻ vào những năm tháng đầu tiên.

Định cư tại Mỹ từ năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại TP Boston (bang Massachusetts), Nguyễn Trọng Khôi là một trong những họa sĩ người Việt sáng tác đều tay nhất với khá nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm tác giả những năm qua tại Mỹ. Năm 2006, ông có cuộc triển lãm chung với họa sĩ Trịnh Thanh Tùng cũng tại gallery Tự Do.

Ngoài một số tranh tĩnh vật, có thể thấy không khí hội họa Nguyễn Trọng Khôi qua triển lãm này thấm đẫm chất huyền ảo, thể hiện qua một loạt tác phẩm như Kẻ tiên tri, Núi trắng, Bình minh, Biển cả, Giấc ngủ trầm uất, Thung lũng bạch mã...

Họa sĩ cho biết loạt tranh mới này được ông sáng tác “không ngoài mục đích mang đến cho người xem cảm giác được vượt thoát khỏi mọi ý thức mang tính ước lệ của đời sống, để “bay” lên trên những hỗn độn, ồn ào của một thế giới đầy những đố kỵ, bon chen, thù hận…”, và “cảm giác ấy dẫn dắt chúng ta trôi miên man trong giấc mơ trở về với bản ngã an nhiên tự tại, về một miền đại ngàn - ở đó chúng ta không bị khống chế bởi bất kỳ ngoại lực nào”.

Trong nhiều tác phẩm tại triển lãm “Cảm xúc đại ngàn”, Nguyễn Trọng Khôi muốn minh chứng rằng vạn vật trong thiên nhiên đều mang dấu tích của những điều kỳ diệu: không chỉ con người mà loài vật, kể cả đồ vật vô tri giác, đều “thấm vào sự mầu nhiệm của đất trời”.

Với bức Kẻ tiên tri chẳng hạn, họa sĩ không vẽ hình ảnh nhà tiên tri như một bậc đạo sĩ hay thánh nhân mà như một người bình thường. Bởi theo ông, “ai cũng có tố chất của nhà tiên tri, cũng có thể đưa ra những tiên cảm bất ngờ”.

Còn với bức Núi trắng đầy ẩn dụ, tác giả đi tìm những kết hợp kỳ diệu giữa thiên nhiên, con người và các sinh vật.

Trong khi đó, ở tác phẩm Bình minh ông vẽ một trẻ sơ sinh nằm giữa mênh mang đại ngàn mây phủ, như muốn nói con người được hình thành giữa những chuyển động và giao phối kỳ diệu của đất trời, mà nếu biết lắng nghe “chúng ta có thể cảm nhận được những cung bậc âm thanh của đại ngàn từ triệu triệu năm vang vọng lại”. 

Bình minh
Bình minh
Biển cả
Biển cả
Ngày xưa như thế
Ngày xưa như thế

Những ai đã dõi theo hành trình sáng tác của Nguyễn Trọng Khôi dễ dàng nhận thấy những yếu tố mới trong hội họa của ông qua triển lãm này.

Chặng trước đây, Nguyễn Trọng Khôi mê đắm những đồ vật bình thường, những viên cuội, những hòn đá, những chiếc bình gốm cũ kỹ, sứt mẻ đã bị vứt bỏ… hay những bức tượng người câm lặng.

Đó là những thứ mà theo ông đã “hư hao trong cuộc sống nổi trôi”, nhưng qua đó ông tìm thấy được vẻ đẹp của sự mất mát, của sự khuất lấp, của ký ức đã bị quên lãng và “bắt gặp lại chút hồn nhiên của cuộc sống đã bị bao đa đoan cướp mất”.

Nhiều tác phẩm của thời kỳ đó đã có mặt trong triển lãm của ông tại quê nhà cách đây tám năm. 

Ở chặng mới này, không khí hội họa Nguyễn Trọng Khôi đã khác hẳn. Những dụng công, xóa bỏ, giản lược… Những mảng màu tối - sáng đan xen, hòa quyện vào nhau mơ hồ, bí ẩn được tạo bởi thủ pháp của một họa sĩ mà theo lời ông “điều tất yếu là luôn luôn đi về phía trước, khám phá những điều mới lạ, ngay cách nhìn sự vật cũng khác đi trong các thời điểm khác nhau”. 

Hội họa của Nguyễn Trọng Khôi là một sự chuyển động không ngừng. 

Kẻ tiên tri
Kẻ tiên tri
Núi trắng
Núi trắng
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi - Ảnh: D.V
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi - Ảnh: D.V

(*): Một số tranh đã không được cơ quan chức năng cho trưng bày dù tác giả chỉ vẽ nhân vật khỏa thân một cách ước lệ. Đáng tiếc là các tác phẩm này có vai trò “chủ lực” của triển lãm “Cảm xúc đại ngàn”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận