Giá nào cho cuộc khủng hoảng Ukraine?

TƯỜNG ANH 23/08/2017 21:08 GMT+7

TTCT- Ba năm trở lại đây, quan hệ của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) với Nga không thoát khỏi hai từ “cấm vận”.

Những lệnh cấm vận gây tổn hại cho cả hai phía. -Ảnh: rt.com
Những lệnh cấm vận gây tổn hại cho cả hai phía. -Ảnh: rt.com

 

Hầu như không tuần nào, tháng nào thế giới không nghe về sự trừng phạt của phương Tây chống lại Nga, từ cấm nhập cảnh một số nhân vật cụ thể tới hạn chế các hoạt động kinh tế.

Mục đích của lệnh trừng phạt là tác động để Nga thay đổi quan điểm trong một số vấn đề quốc tế, đồng thời để làm suy yếu kinh tế Nga.

Xưa như... lịch sử

Chuyện bị trừng phạt, cấm vận chẳng xa lạ với người Nga. Từ thế kỷ 16, lịch sử Nga đã ghi nhận vụ cấm vận đầu tiên mang tên “vụ án Schlitte”.

Riêng trong thế kỷ 20, phương Tây không dưới 10 lần trừng phạt chống Nga, dù chưa lần nào có thể tác động đáng kể đến chính sách độc lập của Nga.

Những trừng phạt này có hình thức khác nhau: từ phong tỏa nước Nga Xô viết (vào những năm 1917-1920 do chính quyền Bonsevich cự tuyệt trả các món nợ của Sa hoàng, quốc hữu hóa nhà máy...), cuộc phong tỏa vàng năm 1925, hay cấm vận hoàn toàn hàng hóa từ Liên Xô ở Mỹ (1931-1933), cấm vận kỹ thuật thời chiến tranh lạnh (1949), tẩy chay Olympic 1980...

Riêng thế kỷ 21, “biên niên sử” cấm vận mở màn bằng Luật Magnitsky, đặt theo tên Sergei Magnitsky - nhân chứng và bị cáo trong vụ án kinh tế của quỹ Hermitage Capital Management (trụ sở tại Anh).

Trong quá trình điều tra, Magnitsky đã chết trong nhà giam trong những hoàn cảnh không rõ ràng mà sau nhiều lần điều tra, Nga tuyên bố không phát hiện chuyện gì sai phạm và nói đó là một sự cố.

Kết quả là Hoa Kỳ đưa ra “danh sách Magnitsky” gồm những nhân vật được cho là có liên quan đến cái chết của Magnitsky, những người này bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Đến nay, mới nhất và ồn ào nhất vẫn là những vụ trừng phạt liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Trang web ruexpert.ru đánh giá những lệnh cấm vận mới là “quy mô nhất” trong toàn bộ lịch sử Nga liên quan đến số nước tham gia (gần 30 quốc gia).

Khởi xướng cấm vận chống Nga trong vụ khủng hoảng Ukraine là Hoa Kỳ, với mục tiêu cô lập nước Nga trên trường quốc tế và đánh vào nền kinh tế đang tăng trưởng của Nga.

Sau đó, dưới sức ép kinh tế - ngoại giao của Hoa Kỳ, EU cũng tham gia những giải pháp hạn chế này cùng với Úc, Canada, Nhật Bản và một số nước ứng viên của EU.

 

 

Trong số các biện pháp cấm vận lần này có việc hạn chế các ngân hàng và công ty Nga tham gia thị trường vốn EU, đồng thời tác động vào khu vực năng lượng, hàng không và tổ hợp quốc phòng.

Một số công dân Nga mà phương Tây cho là liên quan đến Ukraine cũng bị cấm vận. Những người rơi vào các “danh sách đen” bị cấm lui tới những quốc gia áp đặt cấm vận.

Ngoài ra, các loại vốn liếng và cổ phần, cổ phiếu của những nhân vật này nếu được tìm thấy trên lãnh thổ nước áp đặt cấm vận cũng sẽ bị đóng băng.

Mặc dù đến nay phía Nga khẳng định phương Tây chưa chứng minh được sự liên quan của các “yếu nhân” này với cuộc khủng hoảng Ukraine (chẳng hạn như họ có tham gia cung ứng vũ khí, hay các hoạt động gây bất ổn định ở Ukraine), trong khi sự ủng hộ tài chính lẫn chính trị của các nước phương Tây cho Euromaidan (mà người Nga khẳng định đó là “cuộc đảo chính nhà nước”) khá hiển nhiên.

Trong một trả lời phỏng vấn tờ Kommersant, nhà khoa học chính trị George Friedman (cựu chủ tịch hãng phân tích tin tức tình báo Stratfor) đã khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho quá trình Euromaidan “thể hiện qua sự hỗ trợ các nhóm nhân quyền ở Ukraine, trong đó có cả bằng tiền”.

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng công khai thừa nhận vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc đảo chính nhà nước ở Ukraine năm 2014: “Chúng ta đóng vai trò trung gian trong việc chuyển đổi chính quyền ở Ukraine”.

Quỹ quốc gia bảo vệ dân chủ Hoa Kỳ (NED), trong một báo cáo công bố năm 2015, đã nêu con số ủng hộ các tổ chức phi lợi nhuận Ukraine trong Euromaidan bốn năm 2011-2014 là 14 triệu USD.

Các biện pháp trừng phạt và cấm vận Nga liên quan đến ba diễn biến chính trong cuộc khủng hoảng Ukraine: (1) cuộc cách mạng cam ở Kiev (nói theo phương Tây) hay cuộc đảo chính nhà nước ở Ukraine (nói theo người Nga) tháng 2-2014; (2) Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3-2014; và (3) cuộc chiến ở các lãnh thổ ly khai đông nam Ukraine mà phương Tây cho rằng có sự hỗ trợ ngầm của Nga.

Ngày 17-3-2014, Hoa Kỳ đã đưa ra danh sách các chính khách cao cấp Nga và Ukraine bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ, cũng như tiền bạc và tài sản của họ sẽ bị phong tỏa nếu được Hoa Kỳ tìm thấy.

Trong danh sách đầu tiên này có 11 người, trong đó có chủ tịch Xô viết tối cao Cộng hòa Crimea Vladimir Konstatinov, tổng thống Ukraine khi đó Viktor Yanukovich và thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov. Một ngày sau, Canada tham gia cuộc cấm vận.

Đến ngày 20-3, sau khi Nga sáp nhập Crimea, Hoa Kỳ đã bổ sung vào danh sách 19 công dân Nga, trong đó có những người mà Washington cho là thân cận với Tổng thống Vladimir Putin và bằng cách đó, hi vọng gây sức ép lên tổng thống Nga.

Ngày 21-3, EU cũng bắt đầu tham gia cấm vận với danh sách 12 nhân vật Nga bị khối này “cấm cửa”. Ngày 11-4, Hoa Kỳ công bố cấm vận chống một công ty dầu khí Crimea.

Từ đó đến nay, danh sách các nhân vật và công ty Nga không ngừng được Mỹ, EU bổ sung, mà từ tháng 5-2014 có thêm những chính khách ở các lãnh thổ ly khai tại đông nam Ukraine (như Donetsk và Lugansk).

Các danh sách cấm vận này cứ thế nối dài, được tổng thống Obama cũng như các quốc gia tham gia gia hạn mỗi đầu năm.

Tổng cộng hiện trong danh sách cấm vận của Hoa Kỳ có 68 người Nga, của EU có 151 người và Canada 42 người. Nếu bạn đọc quan tâm, có thể tìm xem các tên cá nhân và công ty Nga bị ghi vào “sổ bìa đen” trong những danh sách dài như “sớ táo quân” trên trang web: http://ruxpert.ru/Список_антироссийских_санкций

Dưới trào tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ngày 3-8-2017 các luật siết chặt cấm vận Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên đã được thông qua.

Các hạn chế bao gồm cả hợp tác quân sự Mỹ - Nga cũng như trong lĩnh vực an ninh và tổ hợp quân sự - công nghiệp giữa hai nước, đặc biệt chống lại việc xây dựng đường ống Dòng phương bắc 2.

Đồng thời, luật mới ban hành còn yêu cầu trong vòng nửa năm phải cung cấp cho chính quyền tổng thống các báo cáo về Nga và sau đó là báo cáo hằng năm cho Quốc hội Hoa Kỳ, trong đó có việc xác định tất cả nhân vật kinh tế, chính trị, số lượng tài sản và mối quan hệ kinh doanh của họ, tác động của chúng tới nền kinh tế Mỹ...

Còn EU, gần đây nhất, ngày 4-8-2017 đã mở rộng danh sách cấm vận Nga do vụ bê bối liên quan đến việc cung ứng các tuôcbin của Siemens vào Crimea.

 

 

Những hệ lụy

So với những biện pháp cấm vận ầm ĩ và ồ ạt của Hoa Kỳ, EU và các quốc gia vệ tinh, những hành động đáp trả của Nga xem ra có phần “khiêm tốn”.

Mùa xuân 2014, Nga thông qua danh sách những nhân vật ở Hoa Kỳ, EU và Canada bị cấm vào Nga do “những luận điệu tuyên truyền chống Nga và ủng hộ việc tiến hành cấm vận Nga”.

Ngày 6-8-2014, tổng thống Nga ban hành chỉ thị cấm nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ các nước cấm vận Nga, chủ yếu là một số quốc gia thuộc EU.

Chỉ thị nêu rõ hai mục tiêu của các biện pháp trả đũa: (1) để hỗ trợ nền nông nghiệp nước nhà vốn phát triển không mấy lạc quan từ trước cấm vận;

và (2) tăng nhập khẩu từ những nước thân thiện hơn với Nga như các nước trong Liên minh thuế quan, từ châu Á, Mỹ Latin...

Quyết định ngưng nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp này cũng được Nga gia hạn từng năm và sẽ còn hiệu lực đến tháng 1-2018.

Đặc biệt, ngày 3-10-2016, ông Putin ký sắc lệnh đình chỉ thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc xử lý plutonium do “hành động không thân thiện của Washington, trong đó có các biện pháp trừng phạt chống Nga”.

Ngày 11-11-2016, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Nga Michael McFaul đã bị Matxcơva đưa vào danh sách cấm vận visa vào Nga.

Những hệ lụy đầu tiên của các biện pháp cấm vận và trả đũa này được công bố ngày 28-4-2017, trong báo cáo của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Idriss Jazairy.

Theo đó, những biện pháp trừng phạt đã làm Nga tổn thất 52-55 tỉ USD, còn các quốc gia khác tổn thất hơn 100 tỉ USD mà theo lời Jazairy, đó là cái giá “cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Ông nói thêm: “100 + 52 đến 55 tỉ USD, tức khoảng 150 tỉ USD, con số cao hơn gấp ba lần GDP Ethiopia, không thể tìm cách nào tốt hơn để sử dụng số tiền này sao?”.

Ông Jazairy cho rằng nước Nga đã “đối phó thành công với những biện pháp trừng phạt: hiện nay, năm 2017, nhịp độ phát triển kinh tế đã chuyển sang tăng trưởng tích cực, chứng tỏ những biện pháp thực hiện của chính phủ đã hiệu quả”, dù ông cũng thừa nhận những lệnh trừng phạt gây thiệt hại không chỉ cho nước bị cấm vận, mà cả những quốc gia áp đặt cấm vận.


Ngày 20-4-2017, chính trị gia Ý, đại diện của “Liên minh phương Bắc” Sergio Divina tuyên bố từ khi áp đặt trừng phạt chống Nga, Ý đã mất 3,6 - 4 tỉ euro.

Ba Lan, Tây Ban Nha cũng lên tiếng than phiền tương tự (tính đến năm 2015, Tây Ban Nha công bố tổn thất 21 tỉ euro; trong khi xuất khẩu từ Ba Lan sang Nga giảm 30%, tương đương 880 triệu euro).

Tính đến cuối năm 2016, có khoảng 400.000 công dân EU mất việc vì các biện pháp cấm vận chống Nga, trong đó đông nhất ở Đức, Pháp và Ba Lan.

Còn theo đánh giá của Citigroup, tác động của cấm vận kinh tế đối với sự sụt giảm GDP của Nga không lớn bằng việc sụt giảm giá dầu: cấm vận chỉ chiếm 10% trong các nguyên nhân khiến kinh tế Nga suy giảm, tức 0,4% trong sụt giảm GDP 4% của Nga trong năm 2015.

Trong khi đó, Nga tuyên bố cấm vận đã giúp nước này thực hiện thành công việc thay thế nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, trong đó có những mặt hàng trước đây Nga chưa sản xuất như một số sản phẩm từ thịt, sữa (các loại giăm bông hay phô mai).

Mặt khác, Nga cũng quyết định bãi bỏ việc xây dựng hệ thống đường ống khí đốt “Dòng phương Nam”, được cho là gây bất ngờ cho những nước tham gia dự án này là Áo, Ý, Hungary, Serbia và Bulgaria.

Những nước này không những không được nhận khí đốt bổ sung từ đường ống này, mà còn mất luôn lợi nhuận từ phí trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ mình (chẳng hạn, chỉ riêng Bulgaria sẽ mất 400 triệu euro/năm).

Một trong những biện pháp đối phó của Nga còn là việc “quay về phương Đông”, trong đó có việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc và một số nước châu Á.

Một hệ lụy khác của những biện pháp cấm vận là sự chia rẽ trong EU, do những tác động lên kinh tế các nước thành viên.

Cyprus là nước đầu tiên phản ứng ngay khi những gói cấm vận đầu tiên mới được công bố, do tác động tới du lịch nước này. Cộng hòa Czech, Phần Lan cũng là các nước không ủng hộ những gói cấm vận bổ sung.

Kinh tế Nga đã gặp những khó khăn nhất định do tác động cấm vận và sụt giảm giá dầu năm 2014: lạm phát tăng, đồng rúp giảm giá, sụt giảm GDP (3-4%).

Đến cuối năm 2015, sau khi thực hiện một số biện pháp chống khủng hoảng, những dấu hiệu hồi phục đầu tiên đã xuất hiện: chỉ số quan trọng nhất là giảm mức lạm phát hằng tuần từ 1% còn 0,2%.

Đến đầu năm 2017, kinh tế Nga tiếp tục hồi phục, Standard Poor’s (S&P) đã nâng viễn cảnh xếp hạng tín dụng Nga từ “ổn định” lên “tích cực”.

Còn theo ACRA, tốc độ tăng trưởng dự báo của Nga đến năm 2021 sẽ là 1,5%, tương đương của Hoa Kỳ và EU.

Tuy nhiên, những con số khô khan khó có thể nói lên hết được khó khăn mà người dân Nga phải chịu đựng hiện nay.

Trong cuộc phỏng vấn với Kommersant nói trên, ông Friedman đã đưa ra những dự báo ảm đạm:

“Hiện nay, Nga đang vấp phải nhiều yếu tố từng dẫn tới sự sụp đổ Liên Xô - đó là việc thiếu vắng một hệ thống giao thông hiệu quả, là thái độ hoài nghi với thủ đô ở nhiều khu vực từ Kavkaz đến Viễn Đông, nhưng cái chính là nền kinh tế chỉ hoạt động hiệu quả trong một số hoàn cảnh nhất định - cụ thể là ở mức giá năng lượng cao. Sản phẩm này ở Nga chỉ có một, mà hiện nay trên thế giới nó đang dư thừa!”.

Đây cũng sẽ là bài toán khó cho Tổng thống Putin, đặc biệt trước bầu cử 2018, người cho rằng các biện pháp trừng phạt, cấm vận của phương Tây đối với Nga hiện nay “không phải do họ muốn làm nhục chúng tôi, mà họ muốn chinh phục chúng tôi, họ muốn giải quyết những vấn đề của họ bằng chi phí của chúng tôi.

Chưa bao giờ họ làm được điều này trong lịch sử Nga và họ cũng sẽ không bao giờ thành công”.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận