Giá đắt cho những toan tính chính trị

HẢI MINH 24/01/2019 02:01 GMT+7

TTCT - Tính tới ngày 12-1, Chính phủ Mỹ đã có giai đoạn ngưng hoạt động dài nhất lịch sử vào đầu năm mới 2019, do các nghị sĩ Dân chủ và Tổng thống Donald Trump không thống nhất được với nhau về dự luật chi tiêu mới và bức tường biên giới phía nam mà ông Trump muốn xây.

Ông Trump đã tạm thời ấn nút tắt với nhiều hoạt động của chính quyền. Ảnh: The Ringer
Ông Trump đã tạm thời ấn nút tắt với nhiều hoạt động của chính quyền. Ảnh: The Ringer

 

Trong một diễn biến hẳn làm phiền lòng những người ủng hộ thuyết chính quyền nhỏ và chống sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế - xã hội, theo các chuyên gia kinh tế, hóa ra một chính quyền đóng cửa khiến cả xã hội trả giá đắt hơn nhiều so với một chính quyền hoạt động.

Nhà nước phải lớn cỡ nào?

Cuộc tranh luận về quy mô - và thậm chí là sự cần thiết - của chính quyền - nhà nước có lẽ cũng lâu đời như lịch sử của nó vậy. Giấc mơ nhà nước tiêu biến đã xuất hiện ở cả hai phía của phổ chính trị. Bản thân nước Mỹ ít nhiều được xây dựng trên nguyên lý nhà nước nhỏ.

Trong diễn văn nhậm chức lần thứ nhất năm 1801, Thomas Jefferson, tổng thống thứ 3 và là một trong những người cha sáng lập nước Mỹ, tuyên bố: “Một chính quyền khôn ngoan và căn cơ thì ngoài việc ngăn cản người dân không làm hại nhau, cứ để họ tự do theo đuổi nghề nghiệp và cuộc sống của mình, không lấy đi miếng bánh mì mà lao động của họ đã kiếm ra”.

Gần đây hơn, tổng thống thứ 40 Ronald Reagan khẳng định: “Chính quyền không phải là giải pháp cho vấn đề của chúng ta; chính quyền chính là vấn đề của chúng ta” (diễn văn nhậm chức lần thứ nhất 1981).

Ở cực bên kia của phổ chính trị, Lenin, trong cuốn Nhà nước và cách mạng (in lần đầu năm 1918), vạch rõ: “Mục đích cuối cùng mà chúng ta theo đuổi là thủ tiêu nhà nước, nghĩa là thủ tiêu mọi bạo lực có tổ chức và có hệ thống, mọi bạo lực, nói chung, đối với con người”. Ông thậm chí nói tới “Những cơ sở kinh tế để nhà nước tiêu vong” ở chương 5 cuốn sách.

Tới nay, sự tiêu biến hay thu hẹp tối đa của nhà nước vẫn chỉ là vấn đề bàn trên giấy và việc Chính phủ Mỹ đóng cửa 22 ngày (tính tới 12-1) vừa qua là một thí nghiệm thực tế hiếm có cho thấy một nhà nước không hoạt động sẽ tốn kém cỡ nào.

Ở điểm này, Thomas Hobbes tỏ ra đi trước thời đại khi viết trong cuốn sách kinh điển của ông Leviathan (in lần đầu năm 1652): “Những thần dân của một chính quyền không thể vứt bỏ chế độ nhà nước để quay về tình trạng hỗn loạn của một đám đông không thống nhất”. Với Hobbes, chính quyền, hay Leviathan, đơn giản là một tất yếu không thể xóa bỏ.

Tất cả những tranh luận lý thuyết kinh điển đó trở nên thật sống động với diễn tiến đóng cửa Chính phủ Mỹ mấy tuần qua. 9/15 cơ quan liên bang - từ Bộ Ngoại giao tới Bộ Giao thông - đã bị ảnh hưởng vì giới chóp bu chính trị Mỹ - tổng thống và nghị viện - không thể thông qua dự luật phân bổ ngân sách, trong đó ông Trump muốn một bức tường biên giới trị giá 5 tỉ USD.

Kẹt giữa hai “làn đạn” phe phái là hàng trăm nghìn nhân viên nhà nước, các công viên quốc gia và vô số dân chúng khác phải đối mặt với đủ kiểu thiệt hại và bất tiện trong đời sống, từ hoàn thuế tới hỗ trợ nông nghiệp.

Đài CNBC cho biết ngày 11-1, khoảng 800.000 nhân viên liên bang đã nhận được thư điện tử thông báo họ sẽ không được nhận lương. Dù cả hai viện Quốc hội đều đã bỏ phiếu thông qua một dự luật cho phép các nhân viên liên bang được truy lĩnh lương một khi ngân sách mới được thông qua, thiệt hại không chỉ dừng ở những người ăn lương trực tiếp từ nhà nước. Vụ đóng cửa càng kéo dài, các tác động tiêu cực càng lớn với đời sống người Mỹ.

Sự chia rẽ ở Washington vì bức tường của ông Trump đã khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần. Ảnh: Axios
Sự chia rẽ ở Washington vì bức tường của ông Trump đã khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần. Ảnh: Axios

 

Lịch sử những vụ đóng cửa

Thực ra, việc đóng cửa một phần chính phủ không phải là mới ở Mỹ. Nếu có gì khác biệt thì chỉ là chúng diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Vox thống kê được Chính phủ Mỹ đã đóng cửa 20 lần trong 4 thập kỷ qua.

Khái niệm này lần đầu xuất hiện trong đạo luật ngân sách Quốc hội 1974 và trở thành hiện thực năm 1980 khi tổng chưởng lý Benjamin Civiletti tuyên bố trong trường hợp Quốc hội không thông qua được các dự luật chi tiêu mới, một số cơ quan liên bang sẽ buộc phải đóng cửa một phần.

Những năm 1990 đã có 3 lần chính phủ phải đóng cửa và năm 2013 là một giai đoạn 17 ngày, khi các nghị sĩ Cộng hòa tìm cách trì hoãn việc triển khai chương trình bảo hiểm y tế Obamacare. Cho tới vụ vừa rồi, vụ giữ kỷ lục là năm 1995 (21 ngày) khi tổng thống Bill Clinton và Quốc hội trong tay phe Cộng hòa không thể nhất trí về ngân sách liên bang.

Năm đó, chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich muốn cắt giảm mạnh ngân sách sau khi phe Cộng hòa lấy lại Hạ viện năm 1994 với cương lĩnh “Khế ước với nước Mỹ”, hứa hẹn giảm bớt chi tiêu và thu hẹp chính quyền.

Giống như cuộc khủng hoảng hiện tại, trong vụ cãi cọ đó, mỗi phe đều tin chắc rằng mình mới là bên được lòng dân chúng. Rồi những rạn nứt xuất hiện bên phe Cộng hòa khi lãnh đạo đa số ở Thượng viện, nghị sĩ Cộng hòa Bob Dole, ngụ ý rằng cuộc chiến đã kết thúc với ông.

Vài ngày sau, chính quyền hoạt động trở lại. David Rhode, nhà khoa học chính trị ở Đại học Duke, nói với NPR rằng vụ đóng cửa chính phủ hiện tại rất giống vụ năm 1995 ở chỗ nó không chỉ là một cuộc chiến về ngân sách.

Nhưng tình trạng bế tắc hiện tại khó giải quyết hơn vì một nhân tố lớn. “Những tính toán của ông Trump về mặt chính trị không nhắm vào đội ngũ cử tri đa số - Rhode phân tích - Đó là sự khác biệt”. Ông Trump đã nói ông không muốn mất cơ sở những người ủng hộ trung thành nhất, và họ khó thể là cử tri đa số ở Mỹ.

Cái giá quá đắt

Ngay lúc này, nhiều chuyên gia đã nói việc chính quyền đóng cửa thực ra khiến nước Mỹ tổn thất còn lớn hơn khoản tiền 5 tỉ USD mà ông Trump đòi đưa vào dự toán ngân sách để xây tường biên giới. Thực ra, “việc đóng cửa chính quyền tiêu tốn nhiều hơn là cứ để nó hoạt động” - theo lời thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul. Tại sao lại như thế?

Trước hết, các nhân viên liên bang không được chính quyền trả lương sẽ được nhận lương sau đó, nên ngân sách thực ra không tiết kiệm được gì. “Chúng ta vẫn trả lương cho những người không phải làm gì cả - Gordon Gray, giám đốc chính sách tài khóa của nhóm vận động cánh hữu American Action Forum (AAF), nói với báo Time - Đó đơn giản là tiền bạc bị lãng phí, là việc chính quyền liên bang ném tiền qua cửa sổ”.

Gray phân tích rằng việc đóng cửa chính phủ gây ra tổn thất kinh tế qua ba kênh: chi phí với ngân sách; các dịch vụ cho dân chúng không được thực hiện và cuối cùng, cũng như khó định lượng nhất, gián đoạn hoạt động kinh tế.

Trong phân tích về vụ đóng cửa chính phủ tháng 10-2013 của Văn phòng Quản trị và ngân sách liên bang Mỹ (OMB), các chuyên gia ước tính GDP thực đã giảm 0,2-0,6%, tương đương 2-6 tỉ USD.

AAF ước tính lần đóng cửa này sẽ gây tổn thất cao hơn thế, do “nền kinh tế hiện giờ lớn hơn và chính quyền cũng lớn hơn”. Đáng nói hơn, hãng tài chính tư nhân Standard & Poor’s ước tính tổn thất của vụ đóng cửa 2013 lên tới 24 tỉ USD, khi họ đưa vào cả các yếu tố khó định lượng như sự suy giảm lòng tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư - vốn không có trong phân tích của OMB, một cơ quan nhà nước.

Với giới chuyên gia, vụ đóng cửa mới này càng nực cười bởi lẽ số tiền mà hai phe không nhất trí được (5 tỉ USD) trong dự toán phân bổ ngân sách quá nhỏ bé so với tổng kế hoạch chi tiêu. William G. Gale, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Brookings, viết trên trang chủ của viện: “Những hoạt động hiện không được cấp ngân quỹ tiêu tốn 300 tỉ USD mỗi năm.

Trong khi đó, khác biệt trong tranh cãi về bức tường thực ra chỉ khoảng 4 tỉ USD, bởi phe Dân chủ đã đồng ý chi hơn 1 tỉ USD cho an ninh biên giới”. Con số đó lại càng là “muỗi mắt” nếu biết tổng chi ngân sách liên bang của Mỹ mỗi năm vào khoảng 3,5 nghìn tỉ USD. Tóm lại, đó là một vấn đề quan điểm và cách làm người - tức một vấn đề chính trị - hơn là vấn đề kinh tế hay xã hội.■

Định lượng chính xác chi phí của việc chính quyền đóng cửa là không dễ, một phần vì mỗi vụ đều khác nhau. OMB ước tính vụ đóng cửa năm 1995 tiêu tốn 1,4 tỉ USD, tức 2 tỉ USD theo thời giá ngày nay. Trong 1,4 tỉ đó, khoảng 1,1 tỉ USD là trả lương cho các nhân viên liên bang không phải đi làm.

300 triệu USD còn lại là từ các nguồn khác, như doanh thu mất đi từ việc đóng cửa các công viên quốc gia và bảo tàng công cộng. Theo OMB, vụ đóng cửa đó đã khiến người dân Mỹ và du khách phải hủy 7 triệu chuyến thăm tới các công viên quốc gia và 2 triệu chuyến tới các bảo tàng và những khu vực văn hóa khác.

Năm 2013, chi phí trả lương cho nhân viên liên bang không làm việc khi chính phủ đóng cửa là 2 tỉ USD, tương đương 6,6 triệu ngày không làm việc mà vẫn được trả lương.

Việc Cơ quan Thuế vụ liên bang (IRS) không thể tiến hành các hoạt động chấp pháp của họ như bình thường được đánh giá là làm ngân sách mất khoảng 1 tỉ USD cho mỗi tuần chính phủ đóng cửa.

Trong khi thiệt hại ở các cơ sở văn hóa là nhỏ so với những con số đó, ý nghĩa lại là rất lớn: Cục Quản lý công viên quốc gia mất 7 triệu USD tiền phí; Bảo tàng Smithsonian mất 4 triệu USD và hàng triệu triệu người - bao gồm rất nhiều trẻ em - không được ở gần thiên nhiên, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật hay học hỏi thêm những kiến thức khoa học thú vị.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận