Ghi ở Saint Petersburg

NGUYỄN THỊ THANH THANH 06/11/2011 22:11 GMT+7

TTCT - Nước Nga - qua những hình ảnh ở Saint-Petersburg - khác xa với những tháng năm vời vợi xưa kia. Nhưng tinh thần quật cường, oai hùng và bề dày văn hóa nghìn năm vẫn được tự hào và trân trọng giữ gìn.

Phóng to
Như một nét văn hóa, các đôi lứa Saint Petersburg ngày cưới luôn chụp ảnh dưới chân tượng hoàng đế Pier đệ nhất - Ảnh: T.T.

Khu vực nơi tôi ở giáp mí ngoại ô. Chỉ cần đi bộ khoảng năm phút là đến ngã tư với đầy đủ xe buýt, xe điện, xe điện bánh hơi. Đi khoảng 10-15 phút là đến metro. Đi metro thêm 30 phút là đến trung tâm. Tóm lại, từ nhà đến trung tâm, kể cả các đoạn đường đi bộ và chờ đợi, hết gần một tiếng, tiền các loại vé khoảng 70.000-80.000 đồng.

Đến thăm cung điện Yekaterinsk, nằm trong Làng hoàng gia, nay thuộc TP Pushkin, ngoại ô Saint-Petersburg. Đây là nơi Pushkin học bốn năm thuở thiếu thời và đã để lại rất nhiều bài thơ nổi tiếng về chốn này. Gặp ngay ngày tuyết rơi đầu tiên, vừa rét mướt, vừa ướt lướt thướt. Nhưng cảnh đẹp não nùng.

Rừng cây, bãi cỏ, dòng suối, kể cả những con vịt trời, thiên nga lượn lờ trên mặt nước đều như từ hàng trăm năm nay, vẫn kiêu sa phô bày vẻ đẹp u sầu, trầm mặc như thế. Cây cỏ cuối thu nhuốm sắc vàng như cố níu kéo chút tàn hơi, dâng cho đời ánh ấm áp cuối cùng trước khi trở về với đất. Tất cả các cung bậc của màu vàng, cam, đỏ, xanh, nâu đều được thi nhau phô diễn.

Cảnh đẹp và sinh động đến mức biết bao họa sĩ kỳ tài trong nhân gian cố công mô tả mà hầu như bất lực trước thiên nhiên. Như bức Mùa thu vàng của Levitan, vừa mới xem xong trong bảo tàng, ra đến ngoài vườn người ta đã lại quên ngay vì còn mải ngắm những bức gấm thiên nhiên muôn màu biến ảo, mỹ lệ lung linh làm ngây ngất cả con tim.

Không biết nơi nào còn lộng lẫy, sang trọng hơn cung điện Yekaterinsk, vì nữ hoàng Elizaveta Petrovna, con gái của hoàng đế Pier đệ nhất, khi cho xây cung điện này đã lệnh cho các kiến trúc sư là phải đẹp hơn, sang trọng hơn cung điện ở Pháp. Chỉ riêng phòng khánh tiết rộng 3.000m2 đã dùng hết 8kg vàng dát mỏng để phủ các chi tiết trang trí.

Không khỏi ấn tượng trước chiếc giường với chăn đệm hết sức đơn sơ trong phòng của cháu trai hoàng đế Pier đệ nhất, lúc đó chắc khoảng 14-15 tuổi, mà nữ hoàng Yekaterina đệ nhất ra lệnh đối với tất cả các cháu chắt là không bao giờ được để nhiệt độ trong phòng lên quá 15 độ, kể cả khi giá rét nhất, bởi theo bà, con trai sa hoàng phải “chịu đựng cho quen để còn gánh vác”.

Người trẻ và bảo tàng

“Cuộc đời mà, mặt phải mặt trái luôn đồng hành bên nhau, mãi mãi. Khi ta đã chọn một thứ thì trong đó có cả trắng và đen, không tách rời. Và không bao giờ thay đổi được nữa”.

Trong cung điện người xem đông nghịt, rất nhiều người nước ngoài, nhưng đại bộ phận vẫn là người Nga. Có nhiều nhóm học sinh được cô giáo dẫn đi xem. Ở bảo tàng nào trong thành phố người xem cũng đông như vậy.

Nhà thờ Thánh Isac, một trong những nhà thờ có quy mô hoành tráng nhất thế giới, xây theo kiểu hậu cổ điển vào khoảng đầu thế kỷ 19, có nội thất đẹp lộng lẫy, nằm đối diện tòa nhà Hội đồng thành phố và cách Bảo tàng Ermitazh khoảng năm phút đi bộ, giá vé hơn 8 USD, ngang với giá vé vào Bảo tàng Nga mà người xem cũng đông đặc như vậy.

Thấy một người trẻ tuổi đang ghi chép mấy dòng chữ Nga cổ trên những bức tranh thánh, tôi rụt rè hỏi anh mấy chữ đó có nghĩa gì. Anh giải thích cho tôi cặn kẽ ý nghĩa, xuất xứ… Anh tên Andrei, 26 tuổi, đang chuẩn bị thi nghiên cứu sinh về ngôn ngữ Slavơ cổ. Andrei nói anh tốt nghiệp đại học và đã đi làm ở công ty quảng cáo được bốn năm, nay muốn tích lũy thêm kiến thức, chứ ai cũng biết kiến thức đại học chỉ là những khái niệm cơ bản chung nhất thôi.

Tôi hỏi anh làm nghiên cứu sinh để tăng lương hay lên chức phải không? Không, muốn biết sâu hơn phải nghiên cứu thôi. Vậy chắc anh vào những nơi này là vì nhu cầu cần nghiên cứu? Ồ không, chị thấy đấy, bao nhiêu người Nga vào đây xem, nhưng ngoài tôi ra thì chắc gì còn người thứ hai cần nghiên cứu.

Đi xem tranh, đi bảo tàng là thú vui, là nhu cầu tự thân như ăn uống vậy thôi. Ai nhiều thời gian thì đi nhiều, ai ít thời gian thì đi ít. Nhưng chắc chắn chẳng có ai chưa từng đi xem những chốn này. Nếu không xem sao biết các thế hệ trước đã làm gì, sao biết lịch sử, nghệ thuật phát triển ra sao. Ở đâu như thế nào không biết, chứ tôi chắc chắn ở nước Nga này chỉ cần xem tranh trong các bảo tàng cũng có thể hiểu được khá nhiều về lịch sử nước Nga, phần nào lịch sử phát triển thế giới, lịch sử nghệ thuật, lịch sử tôn giáo...

Chị có biết những cô gái trẻ đang giải thích cho khách về tranh này tranh nọ kia là ai không? Tôi đoán họ ít nhất là phó tiến sĩ về nghệ thuật, về hội họa hoặc về lịch sử cả đấy. Thế lương của họ khá lắm nhỉ? Ồ không, lương là chuyện khác. Họ muốn có thu nhập cao thì buổi tối phải đi làm thêm đâu đó, ở các công ty, như tôi đang làm, ở nhà sách, nhà xuất bản, đi dạy thêm..., thiếu gì việc, miễn là có sức và chịu khó thôi.

Saint-Petersburg đúng là thành phố của bảo tàng và nhà hát. Không kể các nhà văn hóa thì cả thành phố này có khoảng 40 nhà hát và phòng hòa nhạc, hai phần ba tập trung ở khu vực trung tâm và một phần ba nằm ở khu vực xa xa. Thế mà mỗi tối nhà hát nào cũng sáng đèn mới lạ chứ.

Thấy các bảng quảng cáo các nghệ sĩ nước ngoài đến lưu diễn khá nhiều. Tôi nghe trên cầu thang cuốn metro hai cậu thanh niên rủ nhau đi nghe Elton John hát. Nhà hát Ermitazh (nằm trong cung điện Ermitazh) đang có vở Hồ thiên nga, do Nhà hát balê Saint-Petersburg diễn. Giá vé khá đắt, gần 100 USD (Để so sánh: giá vé vở Cái kẹp hạt dẻ của Nhà hát Russki balê cũng khoảng như vậy. Vé rẻ nhất là Romeo-Juliet của Nhà hát Học viện Sân khấu khoảng 15 USD).

Phóng to
“Khóa tình yêu” của giới trẻ Nga trên cầu Chuồng Ngựa, cạnh nhà thờ Chúa cứu thế - Ảnh: T.T.

Chuyện những người già

Ngồi cạnh tôi trong Nhà hát Ermitazh là bà Svetlana, 49 tuổi, giám đốc kinh doanh cửa hàng nho nhỏ bán đồ gia dụng ở ngoại ô. Bà cho biết hồi nhỏ cũng học nhảy múa nên Hồ thiên nga đối với bà như kinh Thánh vậy. Khoảng một năm nay phải ngồi nhà với mẹ già 86 tuổi, yếu lắm, thích nằm nhiều nên bà Svetlana phải cho ăn, tắm rửa, đưa đi chơi, trò chuyện cho cụ đỡ lẫn. Mẹ mà, bỏ sao được, chẳng ai chăm sóc được bằng mình.

Thế không đi làm, bà sống bằng gì? Nhờ trời, tôi dành dụm được ít tiền, góp vốn vào cửa hàng dịch vụ ôtô của con trai cả nên vẫn sống được. Vả lại, lương hưu của mẹ tôi khá cao, cựu chiến binh mà, được khoảng 600 USD nên sống khỏe. Thế nếu bà về hưu thì lương hưu được bao nhiêu? Bà cười phá lên và nói chưa đến 300 USD, chỉ đủ mua rau.

Ở Saint-Petersburg cái gì cũng mắc mỏ lắm. Thanh niên bây giờ kiếm tiền mửa mật ra vì nhiều nhu cầu quá, không như tụi tôi hồi xưa. Nhưng được cái miễn là có tiền, muốn mua gì cũng được. Muốn đi nước nào và đi bao lâu cũng được. Thế cuộc sống bây giờ hẳn là dễ chịu hơn thời chưa cải tổ? Bà trầm ngâm. Biết nói thế nào bây giờ, tôi sống phần lớn thời gian trong thời kỳ Xô viết.

Thời ấy hàng hóa không nhiều như bây giờ. Người dân rất ít khi được ra nước ngoài. Nhưng chúng tôi sống hạnh phúc và tự tin hơn bây giờ nhiều. Mọi người thân ái và quan tâm đến nhau hơn. Mình biết rõ ngày mai cuộc đời mình sẽ như thế nào. Cuộc sống có gì đó lạc quan hơn bây giờ.

Tôi hỏi có phải bà nuối tiếc? Bà lại trầm ngâm. Biết nói thế nào nhỉ. Cuộc đời ấy mà, nhiều khi không phải muốn là được, không thể ướm kiểu này hoặc kiểu kia để mà so sánh được. Có những cái trên đời chỉ xảy ra một lần thôi. Như trong vở Hồ thiên nga triết lý này thể hiện rất rõ. Khi hoàng tử Digfrid hiểu ra rằng chàng đã bị lão phù thủy Rotbart đánh lừa, đã tráo nàng thiên nga Odetta bằng thiên nga đen Odillia thì đã muộn rồi, dù chàng có làm gì đi chăng nữa cũng chẳng thể nào lấy lại lời thề, chẳng thể nào cứu được nàng Odetta, cứu được tình yêu của mình, và họ đã phải chết bên nhau.

Trong kịch thì thế chứ ngoài đời cả một đất nước, dù có chọn con đường không được như ý thì có chết ngay được đâu. Và cuộc đời mà, mặt phải mặt trái luôn đồng hành bên nhau, mãi mãi. Khi ta đã chọn một thứ thì trong đó có cả trắng và đen, không tách rời. Và không bao giờ thay đổi được nữa.

Có rất nhiều hệ thống cửa hàng bán lẻ nhưng tôi ấn tượng với hệ thống cửa hàng Narodnyi (nhân dân). Giá ở đây rẻ bất ngờ nên người mua đông như hội. Đại bộ phận là người già về hưu. Không biết kinh doanh kiểu gì mà có những thứ như trái cây, bắp cải, khoai tây, cà rốt, ớt ngọt… giá chỉ 2-3 rúp (1.000-2.000 đồng) mà lại được chọn lựa thoải mái, chứ không như mấy thứ giá cao hơn lại gói sẵn từng ký, không được chọn. Tôi mua thử về dùng thì thấy hóa ra chất lượng bình thường chứ không phải đồ bỏ.

Đi dạo trên cầu Griboedov, nơi du khách thường chụp ảnh nhà thờ Chúa cứu thế, có vẻ ngoài đẹp tương tự nhà thờ Thánh Blazhenhia ở trung tâm quảng trường Đỏ, Matxcơva, thấy ông Nhikolai đang chăm chú vẽ cảnh dòng kênh với nhà cửa hai bên rất đẹp. Nghe tôi khen ông pha màu nhanh và đẹp quá, ông bảo dạo này mới được thế chứ lúc trước pha mãi không ra đúng cái màu ưng ý, khó chịu và buồn phiền mãi.

Ông bảo đang chuẩn bị triển lãm nên ngày nào cũng đi đâu đó vẽ tranh. Tôi hỏi ông có ai tài trợ không? Ông nói không thích tài trợ vì mất tự do lắm. Tôi triển lãm kỷ niệm 60 tuổi đấy, cái mốc rất quan trọng của đời người, nhất là đối với dân làm nghệ thuật như tôi thì tự do là thứ cần nhất lúc này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận