GDP tăng, sao lại lo?

ĐINH TUẤN MINH 13/07/2017 13:07 GMT+7

TTCT - Tăng trưởng GDP quý II vừa được công bố đã dấy lên những câu hỏi. Đặc biệt là gần như ngay sau đó Quỹ Tiền tệ quốc tế hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm có phần đóng góp rất lớn từ dịch vụ -Quang Định
Tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm có phần đóng góp rất lớn từ dịch vụ. Ảnh: Quang Định

 Câu chuyện tăng trưởng GDP luôn trở thành tâm điểm của dư luận trong những tháng vừa qua. Khi tăng trưởng của quý I đột ngột rơi xuống mức thấp 5,15%, một loạt dấu hỏi đặt ra về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong bối cảnh đà tăng trưởng tưởng dường như đã được lấy lại từ năm ngoái.

Và khi tăng trưởng quý II vọt lên 6,17%, nhiều câu hỏi cũng như tranh cãi lại nổi lên, dư luận đặt vấn đề liệu mức tăng trưởng như vậy có hợp lý hay không, có bền vững hay không... Phân tích dưới đây cho chúng ta một hiểu biết rõ hơn về hiện tượng này.

tăng trưởng
 

Một hiện tượng đột biến...

GDP quý 2 tăng 6,17% so với cùng kỳ góp phần giúp tăng trưởng sáu tháng đầu năm đạt mức 5,73%. Nếu so sánh tốc độ tăng trưởng của quý này so với quý trước, tăng trưởng quý II cao hơn quý I tới 1,02 điểm phần trăm.

Thông thường GDP của Việt Nam có mức tăng trưởng thấp trong quý I, sau đó tăng tốc dần vào các quý sau. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng quý II năm nay cao hơn tốc độ tăng trưởng quý I tới hơn 1 điểm phần trăm có thể được xem là mức tăng đột biến, bất thường.

Trong quá khứ, từ năm 2001 trở lại đây chỉ có một lần duy nhất điều này diễn ra vào quý II. Đó là vào năm 2009, khi tăng trưởng quý I-2009 của Việt Nam chỉ đạt 3,14% do khủng khoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, và tăng trưởng quý II đã hồi phục, đạt mức 4,41%.

Nếu chúng ta loại trừ trường hợp đặc biệt năm 2009, trong quá khứ từ 2001-2016 mức tăng quý sau hơn quý trước trên 1 điểm phần trăm chỉ diễn ra sáu lần và đều rơi vào quý III.

Việc tăng đột biến đó có cái lý của nó. Tăng trưởng của GDP sáu tháng đầu năm 2017 có đóng góp quan trọng bởi khu vực dịch vụ. Trong khi khu vực nông nghiệp chỉ đóng góp 0,43 điểm phần trăm, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2 điểm phần trăm thì khu vực dịch vụ đóng góp tới 2,59 điểm phần trăm.

Điều này có được là nhờ khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,85% trong sáu tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Nếu so sánh với quá khứ thì mức tăng trưởng này có xu hướng quay lại thời kỳ 2006-2008, là giai đoạn Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong gần hai thập kỷ vừa qua.

Mức tăng trưởng của khu vực dịch vụ thường được đóng góp nhiều nhất bởi lĩnh vực bán buôn bán lẻ. Trong sáu tháng đầu năm 2017, khu vực này đóng góp khoảng 25% vào đóng góp tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ vào mức tăng trưởng chung.

Mức tăng trưởng của lĩnh vực bán buôn bán lẻ ít nhiều được phản ánh qua mức tăng trưởng tổng doanh thu bán lẻ và hàng hóa dịch vụ của nền kinh tế. Với việc chỉ số này tiếp tục duy trì mức tăng 8,4% (sau khi đã loại trừ yếu tố giá), tiệm cận với mức tăng của giai đoạn 2006-2008 thì việc khu vực dịch vụ tăng ở mức cao như quý II là điều có thể lý giải.

Hơn nữa, hai lĩnh vực tài chính ngân hàng và bất động sản trong quý II tăng trưởng mạnh so với các năm trước cũng góp phần giúp tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt mức cao.

Kỳ vọng gì cho cuối năm

Với việc GDP của nền kinh tế tăng trưởng phụ thuộc vào khu vực dịch vụ như trong sáu tháng đầu năm 2017, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế sáu tháng cuối năm là tương đối sáng sủa.

Số liệu thống kê từ năm 2000 đến nay cho thấy khu vực dịch vụ là khu vực có mức tăng trưởng tương đối ổn định nếu so sánh với khu vực công nghiệp xây dựng và khu vực dịch vụ.

Từ quý III-2015 trở lại đây, khu vực này thể hiện xu hướng tăng khá bền vững, tức mức dưới 6% lên mức 6,85% vào quý II-2017.

Vì vậy, nếu như trong sáu tháng cuối năm khu vực dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng trưởng như thời gian vừa qua thì triển vọng nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao là hoàn toàn có thể.

Tất nhiên, điều này hàm nghĩa để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực nông nghiệp cần phải lấy lại được đà tăng trưởng.

Do phần đóng góp của khu vực nông nghiệp hiện nay khá nhỏ nên thực chất điểm mấu chốt quyết định lại nằm ở khu vực công nghiệp và xây dựng.

Tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng kể từ năm 2009 trở lại đây có dấu hiệu tăng trưởng không ổn định. Sau vài quý hồi phục tăng trưởng thì quay lại trạng thái suy giảm tăng trưởng.

Nếu như chu kỳ này lặp lại, mức tăng trưởng quý I-2017 có thể sẽ là điểm tăng thấp nhất trong chu kỳ tăng trưởng ngắn hạn. Và như vậy, tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng trong các quý tiếp theo có khả năng tăng trưởng ở mức 7-8% như trong ba năm gần đây.■

Thấy gì từ việc IMF hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2017?

Báo cáo tham vấn điều IV của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về nền kinh tế Việt Nam công bố ngày 5-7 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 6,3% trong năm 2017 so với mức 6,5% đưa ra trong Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu công bố hồi tháng 4. 

Điều này khiến cho khá nhiều người quan ngại trong bối cảnh Tổng cục Thống kê vừa công bố tăng trưởng quý 2 của nền kinh tế đã đạt mức rất tích cực.

Tuy nhiên, độc giả cần lưu ý rằng tuy báo cáo mới được công bố nhưng thông tin mà nhóm lập báo cáo của IMF sử dụng để đưa ra dự báo chỉ đến ngày 23-5-2017.

Dự báo mới nhất của IMF do vậy có lẽ mới chỉ sử dụng số liệu công bố bởi Tổng cục Thống kê đến hết quý I-2017 để dự báo tăng trưởng. Trong khi đó dự báo công bố hồi tháng 4 lại được thực hiện khi chưa có số liệu tăng trưởng quý 1 của Việt Nam.

Do tăng trưởng quý I của Việt Nam đạt mức thấp hơn so với kỳ vọng, chỉ đạt 5,1%, nên không có gì lạ khi IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong báo cáo tháng 7 vừa rồi. 

Rất có thể trong kỳ báo cáo tới, sau cập nhật số liệu tăng trưởng quý II của Việt Nam và chạy lại mô hình dự báo, IMF sẽ lại nâng mức tăng trưởng năm 2017 của Việt Nam so với dự báo hiện tại.

Điểm đáng chú ý nhất của Báo cáo tham vấn điều IV của IMF có lẽ là tình trạng tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế. 

Tỉ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam tính đến cuối năm 2016 đạt mức 124%, cao hơn các nước ASEAN-5, cao hơn các nước thu nhập trung bình khác và cao hơn hẳn so với các nước cùng trình độ phát triển.

Nếu so với quá khứ, tỉ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam ngang bằng với mức năm 2009-2010 là thời điểm nền kinh tế bước vào giai đoạn khủng hoảng. 

Với hiện trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa được xử lý triệt để, việc mở rộng tín dụng quá mức có thể sẽ gây ra những rủi ro lớn cho nền kinh tế khi xuất hiện những cú sốc ngoài mong muốn.

Đó mới thực sự là điểm đáng quan ngại đối với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai chứ không phải là việc nâng hay hạ mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận