Gaza: Lại từ hi vọng đến tuyệt vọng!

HỮU NGHỊ 02/08/2014 22:08 GMT+7

TTCT - Gaza và Israel lại chìm trong bom đạn. Ấy thế mà chỉ mới tháng trước ở Vatican, Tổng thống Israel Shimon Peres và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cùng Giáo hoàng Francis cầu nguyện cho hòa bình!

LHQ lên án Israel tấn công trường học Gaza

Một bé gái Palestine bị thương trong vụ pháo kích của Israel vào dải Gaza ngày 24-7 - Ảnh: Reuters

Trong buổi cầu nguyện hôm chủ nhật 8-6 đó, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi các ông Peres và Abbas hãy tập trung vào điều mà cho đến nay vẫn là bất khả giữa người Do Thái với người Palestine: “Kiến tạo hòa bình đòi hỏi lòng can đảm hơn là chiến tranh, can đảm để nói “được” với gặp gỡ và nói “không” với xung đột, nói “được” với đối thoại và nói “không” với bạo lực, nói “được” với thương thuyết và nói “không” với hỗn chiến...”.

Con trẻ vừa là "ngòi nổ" vừa là nạn nhân!

Theo uNICEF, đã có khoảng 230 trẻ em Palestine thiệt mạng tính đến ngày 29-7. Tại dải Gaza, phân nửa dân số 1,8 triệu người có độ tuổi dưới 18.

AFP

Giáo hoàng Francis còn nhắc phải nghĩ đến trẻ em trước hết: “Để tưởng nhớ các trẻ em nạn nhân chiến cuộc bao đời qua, chúng ta phải mạnh mẽ để kiên trì không nản chí đối thoại, để có thể mỗi ngày qua đi dệt nên một tấm vải bền chắc cho sự sống chung trong tôn trọng nhau và hòa bình, vì danh thánh chúa trời và vì hạnh phúc mọi người”.

Bài giảng này rất quen thuộc với các ông Peres và Abbas, do lẽ trong huyền sử Do Thái và kinh thánh (mà cả người Hồi giáo cũng biết) có ghi chuyện vua Do Thái Herode do sợ bị lật đổ nếu theo lời tiên tri một anh hùng cứu thế ra đời, giải phóng dân Do Thái khỏi ách La Mã, nên đã ra lệnh giết sạch các hài nhi. Hai ngàn năm sau, chi tiết huyền sử này lặp đi lặp lại: cứ mỗi lần xung đột ở vùng đất này, trẻ em lại phải chết đầu tiên và chết như rạ!

Hôm 12-6, tức chỉ bốn ngày sau cuộc gặp gỡ và cầu nguyện ở Vatican, ba thiếu niên Israel bị bắt cóc tại khu vực Gush Etzion ở Bờ Tây, và đến ngày 30-6 thi thể các em được tìm thấy chôn vùi trong một cánh đồng ở phía tây bắc Hebron. Ngày 2-7, đến lượt một thiếu niên Palestine 16 tuổi trong lúc đi bộ đến nhà thờ Hồi giáo Al-Fajr để cầu nguyện đã bị một số người định cư Israel bắt cóc và có các nhân chứng nhìn thấy. Sau đó, người ta đã tìm thấy thi thể em bị đốt cháy!

Cũng trong thời gian này, Hãng tin Palestine News Network loan tin một thiếu niên Palestine khác bị lực lượng chiếm đóng của Israel bắn chết khi họ đột kích trại tị nạn Jenin trong khu vực bị chiếm đóng ở Bờ Tây. Một em bé Palestine 9 tuổi khác đã bị xe của một người định cư Israel cán lên ở ngôi làng Jaba, phía nam thành phố. Tổng cộng, ba trẻ Palestine bị sát hại “đổi lấy” sinh mạng ba thiếu niên Do Thái bị bắt cóc và sát hại tháng trước.

Song, bi kịch không dừng ở đó. Qua hôm sau, hàng trăm người định cư Israel chặn lối chính vào Jerusalem hô vang “Giết chết bọn Ả Rập đi!”, một số kẻ cực đoan tấn công người Palestine. Quân đội Israel cảnh báo sẽ tiếp tục truy lùng hai kẻ bị buộc tội bắt cóc kia và thề sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas. Từ đó, xung đột bùng nổ và trẻ em chết như rạ.

Người phát ngôn Quỹ Bảo trợ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) lên tiếng: “Trẻ em phải được bảo vệ khỏi bạo lực, không thể nào là nạn nhân của một cuộc xung đột mà các em nào có trách nhiệm gì!”. Đến ngày 19-7, Catherine Weibel, người phát ngôn của Unicef, phải báo động đã có đến 73 trẻ em Palestine chết vì bom đạn, còn nhiều hơn số thành viên Hamas - mục tiêu của không quân và pháo binh Israel!

Bom thả xuống, tên lửa phóng đi

Xung đột đã lại bùng nổ lần này từ cái “ngòi nổ” là vụ bắt cóc ba thiếu niên Do Thái hôm 12-6. Ba ngày sau, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quả quyết rằng phong trào Hamas đã bắt cóc các em. Một tuần sau, Tổng thống Abbas quả quyết rằng theo các điều tra của chính quyền Palestine, không có bằng chứng cho thấy Hamas đứng sau vụ bắt cóc này.

Sẵn danh sách Hamas ở Bờ Tây, an ninh Shin Bet của Israel cứ thế mà gõ cửa khám xét căn hộ và cơ sở dân sự của Hamas, bắt đi 419 kẻ tình nghi có tiền sự, trong đó có 276 thành viên Hamas, đặc biệt là 56 “tên tuổi” từng bị giam giữ trước khi được thả năm 2011 đổi lấy một binh sĩ Israel bị Hamas bắt giữ. Thu gom từng lời khai, lần hồi khoanh vùng được mục tiêu, đến ngày 30-6 phía Israel tìm thấy thi thể ba thiếu niên.

Xét nghiệm dò tìm ADN các thủ phạm có thể còn vương trên quần áo các em, rồi dò lại ADN trong danh sách những kẻ có tiền sử khủng bố, cơ quan an ninh Shin Bet công bố căn cước Marwan Qwasmeh và Amer Abu Aisha, hai kẻ tình nghi là thủ phạm và “biến mất” từ đêm xảy ra vụ bắt cóc. Một quan chức tình báo cấp cao Palestine giấu tên cũng xác nhận danh tính hai kẻ “biến mất” này và cho rằng điều đó có liên can đến vụ bắt cóc.

Từ “truy lùng hai kẻ bắt cóc”, sang đến ngày 7-7 quân đội Israel chuyển qua “phá hủy cơ sở hạ tầng Hamas”. Chỉ trong 24 giờ, không quân Israel đã ném bom 50 mục tiêu ở dải Gaza. Cùng ngày, Hamas tuyên bố “mọi người Israel đều trở thành mục tiêu chính đáng”: 100 tên lửa được phóng đi từ Gaza! Thế là cuộc xung đột Gaza 2014 biến thành địa ngục hằng ngày.

Từ 50 vụ không kích hôm 8-7, đến ngày 13-7 quân đội Israel đã không kích hơn 1.300 vụ. Chỉ riêng hôm thứ năm 24-7, theo Hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, không quân và pháo binh Israel đã lấy đi tính mạng của 118 người Palestine, làm bị thương 631 người. Ngược lại, Hamas cũng đã phóng 800 tên lửa vào Israel. Hai bên cứ thế mà sát phạt nhau, hỏa lực tối đa.

Mục tiêu: Chính phủ đoàn kết Hamas và Fatah

Có một chi tiết rất đáng lưu ý là chỉ mười ngày trước vụ bắt cóc ba thiếu niên Israel, tức hôm thứ hai 2-6, chính phủ đoàn kết Palestine gồm cả hai phái Hamas và Fatah đã tuyên thệ nhậm chức.

Liệu có ai đó không hài lòng với việc hai phái này đoàn kết trong một chính phủ hợp nhất mà đã nhanh chóng tạo ra cớ sự: họ bắt cóc ở khu vực Bờ Tây, tức trong lãnh thổ của phái Fatah của Tổng thống Abbas, rồi quy lỗi cho phái Hamas nhằm khiến phái Fatah “bực mình” phái Hamas để rồi chính phủ đoàn kết đó lung lay, thậm chí tan rã như từng xảy ra năm 2007, rồi sau đó đánh nhau tơi tả trong suốt một tuần vào tháng 6 năm đó, khiến 115 người chết và 550 người bị thương?

Chính phủ đoàn kết năm nay xuất thân từ Hiệp ước hòa giải ngày 27-4 ký kết tại Cairo, là một chính phủ lâm thời vẫn do Tổng thống Abbas “đứng tên” lãnh đạo trong khi chờ đợi một cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội sáu tháng sau. Sở dĩ như thế là vì trong khi chờ đợi tổng tuyển cử, hai phái vẫn “lãnh thổ ai, người nấy trị”: Gaza là do Hamas và Bờ Tây là do Fatah (tức trực tiếp dưới quyền Tổng thống Abbas).

Cho dù vụ bắt cóc và sát hại ba thiếu niên Do Thái ở Hebron tức Bờ Tây, vốn là “lãnh thổ” của phái Fatah tức chính quyền Palestine của ông Abbas, và rồi sau đó kết quả điều tra của Israel cho rằng thủ phạm là phái Hamas, nhưng trên cương vị lãnh đạo Chính phủ Palestine đoàn kết, Tổng thống Abbas vẫn đồng thanh với phái Hamas trong một thông cáo hôm 23-7 gồm các yêu cầu chủ yếu là của Hamas nhằm giải quyết các vấn đề của Hamas với Israel, để có thể đổi lấy ngưng bắn với Israel:

1/ ngưng tấn công Gaza;

2/ trả tự do toàn bộ thành viên Hamas vừa bị bắt lại cũng như còn đang bị giam giữ, tổng số hơn 2.000 người;

3/ tháo bỏ việc bao vây phong tỏa khu vực biên giới giữa dải Gaza với Ai Cập, mà cả Ai Cập lẫn Israel đang hợp tác nhằm khóa chặt đường dây tiếp tế vũ khí cho Hamas. Việc Ai Cập khóa chặt biên giới phía nam của dải Gaza, trong sự hoan nghênh của Israel, giải thích tại sao các thỏa hiệp ngưng bắn do Ai Cập đưa ra và Israel “đơn phương” đồng ý cứ bị phía Hamas bác bỏ!

Sau khi đã từng là thủ lĩnh Liên quân Ả Rập trong các cuộc chiến tranh với Israel cho đến năm 1973, Ai Cập ký hòa bình với Israel năm 1979 và từ đó sống chung hòa bình tuyệt đối với Israel. Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) cùng cánh vũ trang Fatah của ông Yasser Arafat (đã quá cố), rồi nay là ông Abbas cũng đã từ giã chủ trương một mất một còn với Israel, hi vọng tiến đến “hai nhà nước cùng tồn tại”.

Nhưng Israel vẫn chưa đồng ý do lẽ nơi phái Hamas, hoặc Iran hay Syria, vẫn còn những chủ trương không chấp nhận sự tồn tại của Israel, ngược lại với chọn lựa sống chung hòa bình với Israel của Ai Cập cũng là chọn lựa của PLO ngày nay và một số nước Ả Rập khác thân Mỹ về mặt địa chính trị.

Vừa được bầu lên sau khi đã lật đổ chính phủ Hồi giáo cực đoan Morsi và triệt hạ tổ chức Anh em Hồi giáo cực đoan năm ngoái, nay tổng thống Ai Cập cũng lại “đường hoàng” trở thành đối tác đối thoại của Ngoại trưởng Mỹ Kerry vì hòa bình Trung Đông.

Từ hi vọng, chỉ trong một tháng lại rơi vào tuyệt vọng. Cuộc xung đột đẫm máu hiện nay diễn ra trong bối cảnh “xếp hàng chia phe”: những nước Ả Rập đang sống chung hòa bình với Israel, cho dù là “tổng thống - cựu quân nhân” hay các quốc vương, theo dòng Sunni, trong khi những nước không thừa nhận Israel thì theo dòng Shiite và vô cùng không thân Mỹ, trái lại thân Nga...

Trong bối cảnh đó, vụ bắt cóc và sát hại ba thanh thiếu niên Do Thái để châm ngòi cho một xung đột mới không khó hiểu. Đã thế nay còn thêm một Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) nữa chen chân, ông Netanyahu, từ lâu đã tỏ ra là “ngoài tầm tay” của ông Obama, càng có lý do để thanh toán phái Hamas không đội trời chung nhanh hơn, cho dù với cái giá của một tội ác chiến tranh có thể bị cáo buộc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận