Gánh trà xuống phố

NGUYỄN ĐÌNH 04/11/2012 07:11 GMT+7

TTCT - Bên chén trà vàng óng, vị thanh nhẹ thoảng mùi thơm kỳ lạ, Đoàn Hùng Sơn giới thiệu đây là trà cổ thụ trăm năm tuổi mọc trên đỉnh Phanxipăng. Đây cũng là lần đầu tiên những người yêu trà Hà thành được thưởng thức loại trà quý hiếm này thông qua chuỗi chương trình Dân gian trà Việt.


Nghệ nhân trà sen Đoàn Hùng Tiến (trái) trong buổi nói chuyện với người yêu trà Hà Nội - Ảnh: N.Đ.


Nhiều người uống trà, nhiều vùng trồng trà, nhưng không phải ai cũng biết Việt Nam đang sở hữu nhiều giống trà đặc sản, đặc biệt là trà cổ thụ, đứng đầu thế giới về số lượng và vùng phân bố. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nhiều loại trà ướp hương độc đáo mà tiêu biểu là trà sen.

Một tháng chuẩn bị cho 3 giờ

Làm thế nào để thưởng thức hương vị trà của các vùng miền Việt Nam một cách mộc mạc, gần gũi nhất? Từ suy nghĩ ấy, Đoàn Hùng Sơn cùng những người trẻ gắn bó với ngành trà Việt kết hợp cùng Hiệp hội Chè Việt Nam chung tay xây dựng chương trình mà nhóm đặt tên là Dân gian trà Việt, tổ chức các buổi thử trà tại Hà Nội theo định kỳ hằng tháng ở quán cà phê Tonkin trên đường Hai Bà Trưng.

Ở mỗi chương trình, Sơn và Hiệp hội Chè Việt Nam mời các chuyên gia giới thiệu chuyên sâu về một loại trà, kết hợp với việc phục vụ cách uống trà gần gũi, không nghi thức cầu kỳ, cốt yếu để người yêu trà đón nhận hương vị trà một cách thuần khiết nhất.

Chương trình đầu tiên diễn ra trong tháng 8, cũng đang mùa sen nên chủ đề xoay quanh câu chuyện trà sen, do ông Đoàn Hùng Tiến - nghệ nhân trà sen, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chè Việt Nam - chủ trì, chia sẻ những kiến thức về ướp trà sen theo cách xưa và nay. Người tham dự được thưởng thức hương vị sen xổi - một kiểu ướp trà trực tiếp vào trong búp sen trồng ở hồ Tây, đang dần quen thuộc với người yêu trà Hà Nội.

Từ chỗ chỉ thu hút khoảng 50 người, nhưng lần giới thiệu trà cổ thụ lấy từ đỉnh Phanxipăng tháng 9 vừa qua đã có lượng khách tăng gấp đôi. Sơn cho biết: “Mỗi buổi giới thiệu kéo dài khoảng 3 giờ, nhưng việc chuẩn bị mất đến cả tháng. Có người uống sẽ thích, có người không, nhưng ít ra họ cũng biết được Việt Nam mình có những loại trà quý hiếm như thế”.


Uống trà trong chén chiết yêu lớn theo kiểu dân dã - Ảnh: N.Đ.

Cảm nhận vị rất khác biệt

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Hồng Thái, một khách tình cờ của buổi giới thiệu trà cổ thụ Phanxipăng. “Tôi thường uống nước trà nấu từ lá tươi, nhưng quả thật khi uống chén trà này lại cảm nhận vị rất khác biệt, hậu ngọt thanh và kéo dài rất rõ” - anh nói.

Buổi giới thiệu trà cổ thụ trên đỉnh Phanxipăng gây ngạc nhiên ở nhiều người, bởi nó lạ từ câu chuyện của vùng trà đến cách thưởng thức được chuẩn bị rất mộc mạc. Từ 6g sáng, Sơn cùng những người bạn đã có mặt ở cà phê Tonkin nấu nước pha trà, chuẩn bị trà cụ như nồi đất sưu tầm từ Nghệ An, chén bát từ lò gốm Bát Tràng, bày biện lá trà xanh lấy từ vùng trà cổ thụ Phanxipăng. 

Sơn chia thành hai loại để giới thiệu: trà xanh nấu trực tiếp trong nước sôi và trà đã sao sơ qua lửa, gọi là trà bạng - lá trà già được băm nhỏ, để héo, sao qua chảo cho rút hơi nước để dành uống dần. Uống trà bạng trong chén chiết yêu lớn là một kiểu uống dân dã ngày xưa mà nay đã không còn. 

Buổi ra mắt lần thứ ba cuối tháng 10, đang là mùa thu Hà Nội, hướng đến trà hoa (các loại trà ướp với hoa cúc, hoa nhài). Dù không qua giới thiệu đại chúng nhưng sự kiện đã thu hút lượng người tham dự lấp đầy địa điểm, có lẽ nhờ cách giới thiệu gần gũi về một sản phẩm quen thuộc trong đời sống mà không phải ai cũng có dịp tiếp cận một cách đầy đủ. 

“Với tôi, trà chỉ là thức uống nên cách thưởng thức đừng quá cầu kỳ, phức tạp. Người Hà Nội quen nghĩ trà - thuốc gắn với đàn ông, nhưng tôi lại thấy phụ nữ rất thích thú khi thưởng thức trà hoa” - anh Đặng Huy Hùng, một người yêu trà, chia sẻ.

Trà cụ phục vụ buổi giới thiệu trà cổ thụ Phanxipăng - Ảnh: N.Đ.
Trà hoa là một bất ngờ thú vị đối với khách nữ - Ảnh: N.Đ.


Đoàn Hùng Sơn trong hành trình lên rừng trà cổ thụ Phanxipăng - Ảnh: N.Đ.

Trà cổ thụ Phanxipăng

Trong số các vùng trà cổ thụ Việt Nam, những vùng trà được cộng đồng bản địa (chủ yếu là người Dao, Mông…) khai thác lâu đời gồm có Suối Giàng, Tủa Chùa, Tà Xùa, và các vùng trà cổ thụ ở Hà Giang. Riêng rừng trà mọc ở độ cao 2.500m trên đường lên đỉnh Phanxipăng được phát hiện muộn nhất, khoảng bốn năm nay. 

Đây là rừng trà cổ thụ nguyên sinh, chưa thu hái chế biến thành phẩm. Rừng trà mọc thành một vạt lớn, các thân trà kích cỡ một đến hai người ôm, cao trung bình 15-30m, mọc xen với cây rừng.

Các vùng trà cổ thụ đều có điểm chung là không chăm bón bằng phân thuốc. Hiện chỉ có hai vùng Hà Giang và Suối Giàng sản xuất được các sản phẩm đa dạng về trà cổ thụ. Nguyên do một phần khu vực trà cổ thường nằm trong các bản làng xa, việc thu hái, sao sấy rất vất vả... Việc quảng bá không được chú trọng nên người miền xuôi uống trà phần lớn chỉ biết đến những vùng trà công nghiệp như Thái Nguyên, Phú Thọ, Mộc Châu...

Khi biết có rừng trà cổ thụ trên đỉnh Phanxipăng, Đoàn Hùng Sơn đã tìm đến hái mẫu đem phân tích, kết quả được các chuyên gia nhận định có nhiều thành phần đặc biệt tốt so với chất lượng của chè hạt trung du ở miền xuôi. Hàm lượng tanin 9,25%, chất hòa tan 22,13%, cathechin 98mg/g, đạm 2,16%, cafein 1,75%... Sơn cũng tiến hành thử nghiệm hai phương pháp diệt men khác nhau: sao và hấp.

Trà diệt men được vò nhẹ, sấy khô, kiểm tra bằng phương pháp cảm quan, bã trà vàng, màu nước vàng đậm, hương thơm nhẹ, vị chát dịu, không có vị đắng như các mẫu trà già khác. Trong khi đó, mẫu diệt men bằng phương pháp hấp có bã trà vàng sáng, màu nước vàng óng, hương thơm nhẹ. Về hương trà, các chuyên gia nhận định vì lá già không có cấu tử hương thơm như búp trà non nên cả hai mẫu hương thơm không mạnh.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận