17/10/2019 15:32 GMT+7

'Gần 60.000 tăng ni, vài vị làm việc không đúng ảnh hưởng tới cả Giáo hội'

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Theo hòa thượng Thích Thanh Đạt, trong gần 60.000 tăng ni, một vài vị không giữ đúng giáo lý nhà Phật như sư Thích Thanh Toàn - chùa Nga Hoàng hay sư Thích Trúc Thái Minh - chùa Ba Vàng, thì với xã hội ‘là thường tình’, ‘không nặng nề’.

Gần 60.000 tăng ni, vài vị làm việc không đúng ảnh hưởng tới cả Giáo hội - Ảnh 1.

Hòa thượng Thích Thanh Đạt chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí sáng 17-10 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Hòa thượng, tiến sĩ Thích Thanh Đạt - chủ tịch hội đồng khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội - đã chia sẻ điều này tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về Đại lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học kỷ niệm 906 năm ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng Chư vị Tổ Sư Ni tiền bối hữu công sắp diễn ra vào cuối tháng 10 tại Học viện Phật giáo Việt Nam.

Sư sai thì xử lý, không nặng nề

Về các bê bối liên quan tới một số nhà sư gây chấn động dư luận gần đây, hòa thượng Thích Thanh Đạt nói: "Hiện nay một số các vị xuất gia, tăng ni làm ảnh hưởng tới Phật giáo khi không giữ được đúng vai trò của mình. Ví dụ như thầy Thích Thanh Toàn ở chùa Nga Hoàng (Vĩnh Phúc), thầy Thích Trúc Thái Minh ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)".

Về những việc đáng tiếc này đối với Phật giáo, hòa thượng Thích Thanh Đạt nói đây là việc "thường tình", "không nặng nề".

"Một tổ chức Phật giáo có gần 60.000 tăng ni, khó kiểm duyệt kỹ càng như các tổ chức khác mà chỉ là những con người tự giác, tự nguyện xuất gia, tu hành. Họ là những người mà bố mẹ, đoàn thể không bắt buộc, áp đặt... thì có một vài vị không giữ đúng giáo lý nhà Phật, với xã hội là thường tình", hòa thượng Thích Thanh Đạt phân tích.

Theo hòa thượng Thích Thanh Đạt, các tăng ni vi phạm giới luật sẽ bị xử lý nghiêm, trước tiên là xử theo luật Phật, nội quy tăng đoàn, hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; và sau đó có thể phải xử lý theo pháp luật.

Chùa trong khu du lịch là rất tốt

Về câu chuyện nở rộ các khu du lịch tâm linh thời gian gần đây, thượng tọa Thích Thanh Quyết - phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đánh giá đây là việc rất tốt.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, theo thượng tọa Thích Thanh Quyết, vừa rồi có một số doanh nghiệp với tư cách là một công dân, một Phật tử tại gia đã xây chùa ở khu du lịch Bái Đính, Tam Chúc, tạo điều kiện cho du khách vãn cảnh có cả ngôi chùa thể hiện niềm tin, tín ngưỡng, để thờ Phật. Ông đánh giá điều này là rất tốt.

Còn câu chuyện tiếp theo sau khi xây là quản lý và vận hành ngôi chùa ấy ra sao thì "đó là câu chuyện thứ hai, không nên đánh đồng với câu chuyện doanh nghiệp xây chùa".

Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng nếu các ngôi chùa này không được quản lý tốt thì dễ trở thành một vấn đề không ưng ý. Nhưng nếu quản lý tốt thì với Phật giáo, với xã hội lại là tốt khi nó làm con người quy thiện, hướng thiện, hành thiện.

"Ngôi chùa hiện hữu không nói lên điều gì tốt hơn hay xấu hơn, nhưng trước hết nên đánh giá công đức người bỏ tiền ra xây chùa. Nhiều doanh nghiệp có tiền nhưng không phải ai cũng sẵn sàng bỏ tiền xây chùa. Cho nên trước hết chúng tôi đánh giá những chùa như Bái Đính, Tam Chúc là tốt. Chúng tôi phối hợp để quản lý các chùa này đi đúng hướng, đúng giáo lý ….", thượng tọa Thích Thanh Quyết nói.

Đại lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học Kỷ niệm 906 năm ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng Chư vị Tổ Sư Ni tiền bối hữu công sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 25 đến 27-10 tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Sự kiện dự kiến sẽ có khoảng 120 bài tham luận được gửi tới hội thảo.

Theo ban tổ chức, ni sư Diệu Nhân (1042-1113) thế danh là Lý Ngọc Kiều, là con gái của Phụng Càn Vương - Lý Nhật Trung, là cháu nội vua Lý Thái Tông và là con nuôi vua Lý Thành Tông.

Ni sư xuất gia tu Phật, làm đệ tử của Thiền sư Chân Không (1046 - 1100) nối pháp đời thứ 17 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi; là người tu hành đắc đạo, tài đức vang dội triều dã, công đức sánh ngang với hàng Tăng chúng; xứng danh là vị Tổ Sư Ni tiêu biểu nhất của Phật giáo Việt Nam - Phật sử Trung Ni, vô song hào kiệt.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết khẳng định sư ni mà được nối dòng thiền thì duy nhất chỉ có Diệu Nhân, nên đây là một hiện tượng đặc biệt của Phật giáo Việt Nam.

Xử lý tài sản của sư Thích Thanh Toàn: Xử lý tài sản của sư Thích Thanh Toàn: 'Nếu thầy Toàn còn nợ tiền đất thì sao?'

TTO - “Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Giáo hội, nhưng trước tiên phải xác minh rõ nguồn gốc tài sản, chứ ví dụ đất đó thầy Toàn vẫn còn đang nợ tiền của dân thì chả nhẽ tự dưng chúng tôi lại ôm cái số nợ đó cho thầy Toàn à?”

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên