G20: Quá nhiều thông điệp, quá ít lắng nghe

HẢI MINH 17/07/2017 19:07 GMT+7

TTCT- Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa diễn ra tại Hamburg từ ngày 6 đến 9-7 một lần nữa chỉ đạt được những thỏa thuận nhỏ lẻ, thiếu tính đột phá.

Cờ đỏ búa liềm trong biểu tình chống G20. Hamburg là thành phố có truyền thống chính trị cánh tả lâu đời và mạnh mẽ ở Đức -Hải Minh
Cờ đỏ búa liềm trong biểu tình chống G20. Hamburg là thành phố có truyền thống chính trị cánh tả lâu đời và mạnh mẽ ở Đức -Hải Minh

 

Trong khi đó, trên đường phố, “99% những kẻ bên lề” cũng đưa ra đủ loại thông điệp của họ. Trong một thế giới ngày càng nhỏ bé và kết nối, đang có quá nhiều thông điệp và quá ít lắng nghe.

Thông điệp từ đường phố

Nửa đêm trên chuyến tàu muộn của tôi về nhà, thứ sáu 7-7, ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, tàu đột ngột dừng lại vì biểu tình chống hội nghị và vì cảnh sát chặn đường.

Chuyến tàu - dù đã gần sang ngày mới - vẫn rất đông, hầu hết là những người trẻ đã nửa say và vẫn còn trong trạng thái kích động sau một ngày đầy biến cố trên các đường phố Hamburg.

Khi nghe thông báo tàu dừng, họ đồng thanh hô vang “Danke Merkel” (Cảm ơn Merkel), một lời cảm ơn châm biếm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, bởi bà đã chọn thành phố quê nhà làm nơi tổ chức G20.

Đó là thái độ của người trẻ và cư dân thành phố nói chung, trong những ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Hamburg là một lựa chọn gây tranh cãi dữ dội ở Đức cho G20. Nổi tiếng là “Freie und Hansestadt Hamburg” (Thành phố Hamburg tự do và thuộc vùng Hanse), đô thị lớn thứ hai nước Đức này suốt một thời gian dài đã là thành trì của cánh tả tại Đức.

Trong gần như mọi kỳ bầu cử nghị viện thành phố (trừ một ngoại lệ), Đảng Xã hội dân chủ Đức (SPD) đều chiến thắng.

Thành phố, với nhiều người giàu, cũng rất đông dân lao động gắn với cảng Hamburg, các cụm công nghiệp lớn, đặc biệt nhiều sinh viên: 6 trường đại học với 70.000 sinh viên. Đó là những lực lượng chống lại giới quyền uy và chủ nghĩa tư bản mạnh mẽ nhất.

Tại sao họ lại phải tổ chức ở đây. G20 là sự khiêu khích trắng trợn với Hamburg - Hendrik Heetenmann, sinh viên thạc sĩ ngành sử học ở Đại học Hamburg, nói với tôi - Họ có thể dễ dàng mang tới một khu nghỉ dưỡng ven biển hay một lâu đài nào đó ở miền nam, thay vì bắt chúng tôi phải chào đón Putin, Trump và Erdogan”.

Từ trước khi hội nghị diễn ra rất lâu, các truyền đơn chống G20 đã được phân phát khắp nơi trong trường đại học.

Một tấm băngrôn lớn “Wir laden G20 aus” (Chúng tôi mời G20 cút đi) được giăng lên bên ngoài trường. Truyền đơn, viết bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức, lời lẽ gay gắt và mạnh mẽ.

Một lá truyền đơn như thế mà tôi nhận được ở cuộc biểu tình đỉnh điểm ngày 7-7, khi hơn 150 cảnh sát Đức bị thương vì xung đột và bạo lực, ký tên “Nhóm cách mạng hiến chương cộng sản (châu Âu)” (Revolutionary Communist Manifesto Group (Europe) - RCMG), với trang web revcom.us.

Với tựa đề “Nhân loại cần cách mạng và chủ nghĩa cộng sản mới!” kèm dòng phụ chú “Đấu tranh chống những kẻ bóc lột, sát nhân hàng loạt, và gây chiến tranh ở thượng đỉnh G20”, lời lẽ trong lá truyền đơn đầy tính kích động.

Ngay cả nếu những kẻ cai trị này thực sự mong muốn khác đi, mô hình sản xuất bản chất của chủ nghĩa tư bản - chủ nghĩa đế quốc khiến họ không thể làm khác - RCMG viết - Họ buộc phải bóc lột con người và hành tinh này ở một quy mô chưa từng có. 

Họ bị thúc đẩy bởi sự cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết và sử dụng những hình thức tàn bạo nhất để áp bức và đè nén nhằm duy trì nền sản xuất này dưới sự cai trị của họ”.

Tuy nhiên, lá truyền đơn chẳng đưa ra được một sự thế khả dĩ nào cho mô hình hiện tại, ngoài những lời mơ hồ về một chế độ mới tốt đẹp hơn “thông qua một cuộc các mạng thật sự” với “nhà lãnh đạo cách mạng Mỹ Bob Akavian” (ông này là chủ tịch Đảng Cộng sản cách mạng Mỹ, 74 tuổi).

Lá truyền đơn đó rất điển hình cho tình trạng của những cuộc biểu tình chống G20 và chống giới lãnh đạo quyền uy toàn cầu nói chung.

Các thông điệp phân tán, lộn xộn, những người tham gia là một lực lượng ô hợp với quá nhiều mong muốn, đôi khi mâu thuẫn.

Chưa kể một phần không nhỏ thanh niên chỉ coi những vụ tụ tập là một bữa tiệc lớn - với đầy đủ nhạc hội, đồ uống có cồn, nhảy nhót, hò hét và nếu thích, cả đánh nhau với cảnh sát.

Ở những trung tâm biểu tình lớn trong thành phố, khu Fischmarkt (Chợ cá) trong ngày 7-7 - cuộc tuần hành “Welcome to Hell” (Chào mừng tới địa ngục) quy tụ 50.000 người - và Schanzenviertel một ngày sau đó, có thể thấy đủ loại cờ quạt và khẩu hiệu, từ cờ 6 màu ủng hộ người đồng tính, cờ đỏ búa liềm của những người cực tả, tới những lá cờ đen kèm theo biểu tượng đầu lâu của... đội bóng đóng quân tại trung tâm thành phố St. Pauli.

Tương tự, ngoài thành phần cốt cán những kẻ áo đen và bịt mặt, vốn là những người cánh tả cực đoan và có tổ chức, chủ động tìm kiếm bạo lực với cảnh sát, người ta còn thấy xuất hiện trong cuộc biểu tình những người chuyển giới, những thây ma biết đi (ngụ ý về sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản), những dân du mục cắm trại trong thành phố, những tay rocker, những người vô gia cư, sinh viên, các nghệ sĩ đường phố, những kẻ vô chính phủ...

Nói chung, đủ thể loại những thành phần ở bên rìa xã hội cực kỳ đông đảo, nhưng thiếu hoàn toàn một tiếng nói chung.

Những cuộc biểu tình, trong khi phần lớn diễn ra rất ôn hòa, cũng đã phát sinh bạo động, đốt phá và cướp bóc, gây đủ tiếng vang với giới lãnh đạo.

Có thể sẽ không mang tới một kết quả cụ thể nào, nhưng như thường lệ, những cuộc xuống đường đã khiến nhiều người phải nhìn nhận lại tình trạng thực tế về một thế giới giàu có, được giáo dục, sống lâu, kết nối tốt, nhưng cũng chưa bao giờ chia rẽ như lúc này.

Ngay tại Đức - quốc gia xây dựng trên nền tảng phúc lợi xã hội - sự bất bình đẳng và cảm giác bất lực từ những người trẻ đang gia tăng nhanh chóng.

Một nghiên cứu của Deutsches Institut für Wirtschaftsforschung (Viện Nghiên cứu kinh tế Đức, DIW) năm 2014 cho thấy sự phân phối tài sản cá nhân ở Đức - nền kinh tế lớn và là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho EU - là bất bình đẳng nhất trong khu vực sử dụng đồng euro.

Trong khi 1% những người giàu nhất ở Đức có tài sản trung bình 800.000 euro (1,1 triệu USD), thì hơn 1/4 người trưởng thành tay trắng hoặc đang có tài sản âm vì nợ nần. Chỉ số về bình đẳng kinh tế Gini áp dụng cho Đức là 0,78 vào năm 2012 (càng gần 1 thì mức độ bất bình đẳng càng cao).

Để so sánh, chỉ số này trong cùng năm ở Pháp là 0,68, Ý 0,61, Slovakia 0,45 và Việt Nam 0,38. Sự bất bình đẳng này là giữa Tây và Đông Đức (tài sản trung bình của một người trưởng thành ở Tây Đức vẫn hơn gấp đôi so với Đông Đức), giữa nông thôn và thành thị, và đặc biệt, giữa người trẻ và những người đã làm việc lâu năm.

Trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở Đức chỉ ở mức 3,9%, theo số liệu nửa đầu năm 2017, và thất nghiệp ở người trẻ là 6,7% - thấp nhất ở EU, những con số đó chưa đủ để hình dung bức tranh tổng quát.

Nghiên cứu đã dẫn của DIW chỉ ra tỉ lệ sở hữu nhà ở tại Đức là vào loại thấp nhất châu Âu, trong khi 62% những người 18-24 tuổi vẫn phải sống với cha mẹ.

Hầu hết những người trẻ ở Đức mà tôi gặp, dù đều được giáo dục rất tốt, có bằng cấp, nói 2-3 ngoại ngữ, đã trải nghiệm nhiều ở tầm mức thế giới, vẫn không thấy hài lòng với cuộc sống và tương lai của họ.

Mặt khác, có những người như chuyên gia tâm lý và giáo dục học Albert Wunsch tin rằng vấn đề nằm nhiều hơn ở chính giới trẻ Đức, chứ không phải bởi sự “áp bức bóc lột” của tầng lớp cai trị mà G20 đại diện.

Trong một bài phỏng vấn cho DIW ngày 18-6-2017, Wunsch cho rằng người trẻ ở Đức “trong 20 năm qua... ngày càng thiếu khả năng đối mặt với những thực tế cuộc sống”.

Họ không bền chí - Wunsch, tác giả cuốn sách gây tranh cãi The Pampering Trap (tạm dịch: Cái bẫy của sự chiều chuộng), phân tích - Và họ chỉ muốn tham gia những cuộc vui. Họ từ bỏ nếu không thành công, trong trường phổ thông và đại học, trong toán, khoa học, lớp âm nhạc và sân thể thao... Họ không hề biết mọi thứ phải trả giá như thế nào.

Họ bỏ học đại học, họ bị trầm cảm, tình hình có thể rất căng thẳng. Các nghiên cứu cho thấy ở Đức 25-33% sinh viên bỏ học đại học giữa chừng”.

Những vấn đề mà Wunsch nêu ra, trong khi sẽ còn gây tranh luận, không phải là hoàn toàn thiếu cơ sở. Giáo dục công lập ở Đức là miễn phí, và không hiếm khi có những sinh viên ngồi lì 8-9 năm ở trường mà vẫn chưa tốt nghiệp nổi.

Những người bỏ học vì không đương đầu được với áp lực bài vở cũng đông, vì đó vẫn là lựa chọn dễ dàng với họ, nhờ mạng lưới phúc lợi dày đặc, nhất là cho người trẻ. Sự có mặt đa dạng, đầy nhiệt huyết, đôi khi hơi quá đà, của họ trong những cuộc biểu tình chống G20 cũng không nằm ngoài các xu hướng xã hội đó.

Thành phần người biểu tình chống G20 cực kỳ hỗn tạp. Dòng chữ trên tấm băngrôn: Cụ ông và cụ bà chống G20-Hải Minh
Thành phần người biểu tình chống G20 cực kỳ hỗn tạp. Dòng chữ trên tấm băngrôn: Cụ ông và cụ bà chống G20-Hải Minh

 

Thông điệp từ bàn đàm phán

Tranh cãi về địa điểm tổ chức Hamburg đã được chính phủ của bà Merkel giải thích nhiều lần. Gần 200 triệu euro đã được chi ra chỉ cho công tác an ninh tăng cường vì lựa chọn Hamburg.

Đó là chưa kể những thiệt hại kinh tế với thành phố do biểu tình và bạo động, cũng như 476 cảnh sát bị thương và hơn 186 người biểu tình bị bắt giữ sau ba ngày đối đầu.

Phía chính quyền chỉ trích những người biểu tình bạo lực. “Chúng không phải là người biểu tình, chúng là tội phạm” - Bộ trưởng nội vụ Đức Thomas de Maiziere nói với Reuters về tình trạng cướp bóc.

Một số chính trị gia đã lên tiếng phê phán lựa chọn Hamburg.

Chúng ta phải nêu câu hỏi tại sao nhà nước, với độc quyền về tổ chức an ninh và duy trì trật tự, lại đi chọn Hamburg” - Hans-Peter Uhl, một thành viên kỳ cựu của Liên minh xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) ở Bavaria - đảng liên danh với Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel, nói trên nhật báo kinh doanh Handelsblatt.

Nhưng bà Merkel đã bảo vệ lựa chọn của bà, với giải thích rằng các hội nghị thượng đỉnh tương tự từng được tổ chức ở những thành phố lớn như London và không thể chấp nhận việc có một nơi nào được quyền miễn trừ. Bà cũng nói người dân Hamburg bị thiệt hại vì những vụ cướp phá khi biểu tình xảy ra sẽ được đền bù.

Khoảng 20.000 cảnh sát được triển khai, nhưng đã có lúc họ có vẻ không còn làm chủ được tình thế trước vài trăm những kẻ biểu tình hung hãn nhất.

Báo chí Đức đã dành dung lượng hơn hẳn cho những bức ảnh cảnh sát phun vòi rồng, hơi cay, cảnh tượng cướp phá, hơn là nghị trình của thượng đỉnh, mà kết quả thật ít ỏi.

Nỗi hổ thẹn của nước Đức” là mô tả của tờ Tagesspiegel ngày 9-7, trong khi tờ có lượng phát hành cao nhất Bild am Sonntag chạy những bức hình lớn những kẻ biểu tình đeo mặt nạ đen và các chính trị gia trên trang bìa, với dòng chú thích “Tội phạm và những kẻ thất bại”.

Một cuộc thăm dò dư luận của Emnid cho thấy đa số người Đức, 59%, tin rằng những cuộc bạo động đã hủy hoại hình ảnh đất nước - dù những vụ biểu tình kiểu này đã trở thành chuyện thường ngày tại hầu như mọi hội nghị lớn kiểu G20 diễn ra khắp thế giới.

Reuters bình luận bà Merkel có vẻ đã muốn cho thấy các đối tác G20 khó chịu của bà, bao gồm ông Putin và ông Erdogan, thấy trong một xã hội dân chủ và tự do ngôn luận đầy đủ, thì những người biểu tình sẽ không phải là vấn đề. Tuy nhiên, chiến thuật này ít nhiều phản tác dụng.

Quan trọng hơn, trên bàn đàm phán, 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không đạt được gì nhiều sau ba ngày làm việc. Sự chia rẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tiếp tục với việc các nước đã không thể thuyết phục Trump thay đổi quan điểm về Thỏa thuận Paris.

Đồng thuận duy nhất là nỗ lực chung ngăn chặn khủng bố qua việc siết chặt các nguồn tài trợ. Những điểm quan trọng khác trong bản tuyên bố 19 điểm như thương mại, an ninh lương thực, minh bạch tài chính, khủng hoảng di cư... đều chỉ được đề cập rất chung.

Những cuộc gặp bên lề rất được truyền thông chú ý Trump - Putin, Trump - Merkel, Merkel - Erdogan... cũng chưa cho thấy kết quả thực tế nào.

Tất cả những điều đó đã trở nên quen thuộc trong một thế giới có vẻ sẽ trở nên đa cực hơn so với tưởng tượng của nhiều người, khi tất cả đều muốn lên tiếng, nhưng không ai muốn lắng nghe.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận