FDI và doanh nghiệp: Sóng đến - sóng đi

TRUNG TRẦN 05/06/2023 06:56 GMT+7

TTCT - Trong khi làn sóng dịch chuyển lên cao của chuỗi cung ứng còn chưa rõ ràng về mặt chất, Việt Nam lại phải đối phó với sự rút lui của FDI ở các phân khúc chuỗi thấp, quen thuộc.

Việt Nam bắt đầu mở cửa bằng giày da, may mặc - từ các nhà đầu tư Đài Loan những năm 1990. Tiếp theo là tận dụng ngành sản xuất hàng tiêu dùng - giày dép, rổ rá, két bia… của người Hoa Chợ Lớn để tiến lên sản xuất gia công linh kiện dùng cho lắp ráp, thành công nhất là cung cấp cho ngành xe máy. 

Dần dà mức độ gia công trở nên chính xác hơn, có thể trở thành nhà cung cấp của các hãng lắp ráp Nhật Bản, Hàn Quốc mở nhà máy ở Việt Nam như Honda, Yamaha, Samsung thời tiền smartphone. Tiến thêm một bước nữa là có thể lắp ráp các cụm chi tiết, như bộ phanh xe máy hay hộp đựng giấy máy photocopy.

Công nhân làm việc tại Công ty Vexos (100% vốn nước ngoài) trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM). Ảnh: QUANG ĐỊNH

Công nhân làm việc tại Công ty Vexos (100% vốn nước ngoài) trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM). Ảnh: QUANG ĐỊNH

Doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cho đến giờ đa số chỉ làm được đến như thế. Một số ít cao cấp hơn có thể làm được những sản phẩm đầu chuỗi, ví dụ như khuôn mẫu để sản xuất những linh kiện nói trên. 

Doanh nghiệp thuần Việt Nam lắp ráp được một sản phẩm gia dụng nào đó rồi dán đúng cái tên của mình vào, ngoài Vinfast ra, thông dụng nhất có lẽ là chiếc quạt máy Asia, Senko, tủ lạnh, máy giặt Funiki, tủ đông Sanaky… Những thương hiệu mà nghe ra chúng ta có thể hiểu cách họ mượn tên giống Nhật Bản để đi lên.

Nói lại cho rõ là xe máy Honda, điện thoại Galaxy lắp ráp tại Việt Nam, bởi người Việt Nam, tuy nhiên hàm lượng công nghệ cao trong đó, bao gồm chip hay quá trình đo kiểm - thử nghiệm, thuộc về nhân sự Nhật Bản hay Hàn Quốc vẫn là chủ yếu. 

Để kiếm ra được một báo cáo kỹ thuật nào liên quan đến tiêu chuẩn, kiểm nghiệm mà ô ngoài cùng bên phải (tức ô phê duyệt cuối cùng) được ký tên một người Việt Nam, e không phải là dễ.

Trong chuỗi cung ứng dài của ngành sản xuất: nghiên cứu thiết kế - nguyên liệu phôi - nguyên liệu đã qua chế biến - gia công đơn giản - gia công phức tạp - lắp ráp cụm đơn giản - lắp ráp phức tạp - lắp ráp thành phẩm - hệ thống bán hàng, Việt Nam cơ bản vẫn chỉ nằm ở phần gia công đơn giản và lắp ráp thành phẩm. 

Những mỹ từ "trung tâm chế tạo mới của thế giới", "điểm đến của các gã khổng lồ" trên truyền thông không làm thay đổi được trình độ và khả năng mở rộng, leo lên trong chuỗi cung ứng của ngành sản xuất nội địa.

Đàn sếu bay ngược

Một đề tài hấp dẫn khoảng hai năm trở lại đây là: Đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Theo đó, do chi phí sản xuất ở nước này ngày càng cao khi tiền lương nhân công tăng lên và thương chiến Trung - Mỹ, nhiều hãng xưởng lớn có nhu cầu triển khai chính sách đầu tư Trung Quốc + 1. 

Một lý do quan trọng là chính Trung Quốc cũng không mặn mà với việc giữ chân một số nhà đầu tư nữa: họ đang hướng đến phân khúc cao hơn trong chuỗi, đồng nghĩa tất yếu phải bỏ lại một phần những phân khúc thấp cho các quốc gia khác. 

Tình hình không khác mấy so với thực trạng các nhà máy giày da, may mặc phân khúc thấp của Walmart hay Adidas chuyển từ Việt Nam qua Myanmar hay Campuchia.

Thêm nữa, chính các công ty Trung Quốc cũng đang có nhu cầu dịch chuyển sản xuất sang những nơi có chi phí phải chăng hơn, mà Hồng Hải, tức Foxconn - đối tác sản xuất và lắp ráp phần cứng chủ lực cho Apple - là một ví dụ. 

Những doanh nghiệp Trung Quốc này đến Việt Nam vì khách hàng của họ chuyển sang Việt Nam, như trường hợp các nhà lắp ráp đầu cuối Jabil ở Khu công nghệ cao TP.HCM, hay USI ở Hải Phòng, với những hãng lắp ráp máy đọc mã vạch.

Họ cũng có thể đầu tư nguyên một nhà máy mới cho các ngành như pin mặt trời hay bộ sạc xe điện. Trên thực tế, một làn sóng tìm hiểu thị trường khu công nghiệp các tỉnh phía Bắc từ những nhà đầu tư Trung Quốc đã và đang diễn ra ồ ạt từ trong và sau dịch. 

Những nhà đầu tư này sử dụng máy móc, công nghệ Trung Quốc, và xuất khẩu luôn phương pháp quản trị kiểu Trung Quốc.

Ở đây, ta nhìn thấy một đàn sếu bay... ngược: Sau làn sóng đầu tư của Nhật Bản những năm 1990, Hàn Quốc những năm 2000, 20 năm sau, Việt Nam đang chứng kiến làn sóng thứ ba của các nhà đầu tư Trung Quốc, trong khi nền sản xuất nội địa, dù đã có bước tiến nhất định, vẫn còn quá yếu ớt. 

Nói Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác được lợi từ chính sách Trung Quốc + 1 không sai, nhưng nói Trung Quốc thiệt hại thì không đúng. Họ đang có nhu cầu vươn lên các phân khúc cao hơn của chuỗi cung ứng, và để lại - hay xuất khẩu - các phần không còn hấp dẫn cho những nước láng giềng trình độ thấp hơn.

Ảnh: Tickertape

Ảnh: Tickertape

Có đến có đi

Nói vậy để bớt đi những ảo tưởng hay tự hào hão rằng chúng ta đã vươn lên vị thế mới - nhờ sự buông bỏ của người khác. 

Với những người trong nghề, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chỉ mạnh ở các công ty vừa và nhỏ, và trong lĩnh vực gia công, chứ ngay cả chuyện vươn lên lắp ráp cụm chi tiết, vẫn chưa có những cái tên ngang tầm khu vực Đông Nam Á, chứ đừng nói là khả năng lắp ráp thành phẩm. 

Một doanh nghiệp Việt Nam có thể mua một máy gia công cắt gọt kim loại đời mới tốc độ cao hàng chục tỉ, nhưng không thể xây dựng được một phòng lab để kiểm tra tính năng và độ bền của một cái… công tắc điện, điều đòi hỏi không chỉ máy kiểm tra - mà là một hệ thống hồ sơ đo kiểm, thống kê, và năng lực được một bên thứ ba chuyên nghiệp hơn đánh giá và giám định.

Một vĩ thanh buồn nữa là làn sóng dịch chuyển hiện tại - vì lý do khoảng cách và địa lý - sẽ lệch đi rất nhiều về phía Bắc, và miền Nam sẽ không có nhiều những đại bàng, cá mập. Sự kiện lớn được nhắc nhiều lần thời gian qua là dự án tỉ đô của Lego - công ty làm đồ chơi lắp ghép - ở Bình Dương. 

Dự án này thật ra đã được phôi thai từ cách đây hơn 10 năm khi hãng này từng bước xây dựng hệ thống nhà cung cấp tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. TP.HCM, ngoài Intel và Samsung Electric, đã lâu không có một nhà đầu tư ở tầm cỡ như vậy.

Một ví dụ khác là Đồng Nai, địa phương đã tự nhận là thất bại trong việc đón đại bàng. Đồng Nai vốn có rất nhiều công ty lành nghề của Nhật Bản, một thời đình đám, nhưng khi những máy in, máy photocopy, máy ảnh số dần biến mất trên thị trường, những công ty này chậm chuyển đổi, kéo theo năng suất sụt giảm, thị trường thu hẹp, và sóng FDI cũng thay đổi theo.

Trong khi làn sóng dịch chuyển lên cao của chuỗi cung ứng còn chưa rõ ràng về mặt chất, Việt Nam lại phải đối phó với sự rút lui của các phân khúc chuỗi thấp, quen thuộc. 

Việc Pou Chen, nhà thầu phụ của Nike, cắt giảm 6.000 nhân công với chính sách đền bù khá sòng phẳng vừa qua, một phần vì ảnh hưởng bởi thị trường, một phần khác là chiến lược dịch chuyển nhà máy gia công sang Ấn Độ, Nam Á, vì những lý do giá rẻ lẫn chứng chỉ xanh.

Nên chúng ta cũng cần tỉnh táo rằng sóng đến thì cũng có sóng đi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận