EU sau "vụ Cologne”

DUY VĂN 20/01/2016 20:01 GMT+7

TTCT - Vốn đã chia rẽ trong vấn đề người nhập cư, “vụ Cologne” càng khiến phân hóa thêm nước Đức nói riêng và EU nói chung, bộc lộ sự thiếu tầm nhìn trong việc giải quyết vấn đề người tị nạn.

Nhiều vụ quấy rối và trộm cắp đã diễn ra tại ga trung tâm Cologne này đêm giao thừa 2016. Các nhân chứng kể đã thấy khoảng 1.000 nam giới, đa số từ Bắc Phi và Ả Rập, trong số này có những băng nhóm móc túi và quấy rối -Spiegel
Nhiều vụ quấy rối và trộm cắp đã diễn ra tại ga trung tâm Cologne này đêm giao thừa 2016. Các nhân chứng kể đã thấy khoảng 1.000 nam giới, đa số từ Bắc Phi và Ả Rập, trong số này có những băng nhóm móc túi và quấy rối -Spiegel


Vụ việc đêm giao thừa rạng sáng 1-1-2016 ở Cologne (Đức), theo các nhân chứng, “những người đàn ông say xỉn có nguồn gốc Bắc Phi và Ả Rập tụ tập thành nhóm tấn công, cướp bóc và quấy rối phụ nữ” khiến hơn 120 phụ nữ sau đó gửi đơn tố cáo tại các đồn cảnh sát, nhanh chóng trở thành vấn đề chính trị.

Vụ việc đã bộc lộ không chỉ hoạt động thiếu hiệu quả của bộ máy cảnh sát, mà còn cả mức độ chuẩn bị của nước Đức theo tinh thần mà Thủ tướng Đức Angela Merkel từng quả quyết khi mở cửa EU cho người tị nạn: “Chúng ta có thể làm được”.

Truyền hình ZDF của Đức xin lỗi

Theo nhận định của tờ báo uy tín Đức Spiegel, truyền thông Đức đã không phản ánh hoặc không tường thuật đúng mức quy mô vụ việc, tạo một khoảng không nghi ngại và tin đồn lan truyền, tác động xấu tới tiến trình giải quyết vấn đề người tị nạn. Khoảng không đó đã tạo điều kiện cho sự lên ngôi của “báo chí Facebook”.

Website của Đài truyền hình công ZDF thật sự trở thành “chiến trường”. Trên đó là cuộc trò chuyện về “nền báo chí lừa dối”, về thuyết âm mưu và kiểm soát nhà nước, đến độ phó tổng biên tập ZDF Elmar Theveßen phải thốt lên: “Chúng tôi bị ngập trong hận thù và sợ hãi.

Sự thiếu tin tưởng chúng tôi phải đối mặt thật đáng sợ”. Vấn đề là ZDF đã chọn không đưa tin về sự kiện này cả trong và vài ngày sau đó (trong khi những tờ báo hoặc hãng tin chậm chân khác đã kịp thời khắc phục).

Mãi đến thứ ba, ngày 5-1, ZDF mới công bố lời xin lỗi vì đã không tường thuật vụ việc mà theo Elmar Theveßen viết trên Facebook: “Chính vì sai lầm trong nhận định mà bản tin 7g tối thậm chí không đề cập đến vụ việc”. Nhưng lời thú nhận không xoa dịu được những hoài nghi bởi ở Đức vẫn có một thiểu số tin rằng truyền thông Đức bị “những thế lực đen tối” kiểm soát, muốn ngăn cản tin xấu về người tị nạn để khỏi làm ảnh hưởng đến kế hoạch chào đón họ.

Hơn 2.000 comment đã gửi tới lời thú nhận trên của Elmar Theveßen, trong đó có của Johannes Normann theo chủ nghĩa dân tộc: “Liệu tin tức của “chúng ta” có bị “những người bạn” Ả Rập xuyên Đại Tây Dương xóa trước tiên hay không? Bởi suy cho cùng chính họ đã “ra lệnh” cho “làn sóng nhập cư hàng loạt” đó thôi”. Dĩ nhiên đây chỉ là ý kiến của một cá nhân. Nhưng một thăm dò của Allensbach cho thấy 41% người Đức tin rằng những tiếng nói phê phán liên quan đến vấn đề người tị nạn đã bị trấn áp.

Tờ Spiegel số ra ngày 10-1 viết: “Người Đức chẳng phải trẻ con cần được bảo vệ khỏi sự thật vì những lý do có động cơ tốt đẹp. Một phần của sự thật là việc các chính khách dường như nói về hội nhập, nhưng không có một chỉ dẫn nào cho thấy họ hiểu được mức độ thách thức phải đối mặt”. Chính vì thế mà lời bà Merkel kêu gọi kiên nhẫn không mấy tác dụng.

Không muốn rẽ khỏi lối đi chính trị của mình, bà đã bác bỏ những yêu cầu của Horst Seehofer, chủ tịch Liên minh xã hội Cơ Đốc giáo (CSU), về hạn ngạch 200.000 người tị nạn/năm. Bà Merkel lo rằng nếu Đức bắt đầu quay lưng ở biên giới của mình thì hệ thống đi lại tự do Schengen ở châu Âu sẽ sụp đổ.

Bà hi vọng giảm bớt số người tị nạn bằng những phương cách khác: dựa vào sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ để có thể bảo đảm những biên giới bên ngoài của mình và hi vọng thiết lập một hệ thống nơi số lượng người nhập cư được phân bổ giữa các thành viên EU.

Tại đại hội thường niên của CSU tuần qua, bà đã kêu gọi cho bà thời gian để làm những việc này. “Sự kiên nhẫn mà bà Merkel yêu cầu trong các chính khách và công dân Đức đã cạn” - Spiegel thừa nhận.

Tín hiệu sai từ Thụy Điển?

Nhưng đóng cửa và kiểm soát biên giới cũng không phải là giải pháp. Ở EU đã vang lên những tiếng nói chống lại quyết định này.

Như giáo sư Jan Oberg, Đại học Lund (Thụy Điển), trả lời RT cho rằng kể cả khi chỉ là tạm thời thì quyết định kiểm tra biên giới Thụy Điển vẫn là “một tín hiệu sai lầm gửi đến toàn thế giới, với thông điệp rằng những quốc gia giàu nhất thế giới không thể xử lý được việc này”, rằng “EU là một liên minh, một khối, lại không có một sự lãnh đạo nhất thống, không có tầm nhìn, không sẵn sàng bỏ tiền và đầu tư vào việc chia sẻ gánh nặng người tị nạn”.

Một mặt, như ông đơn cử trường hợp của mình: “Tôi là một công dân Đan Mạch đã sống ở Thụy Điển suốt 44 năm. Bây giờ tôi muốn đi từ Copenhagen về nhà thì tôi cần phải khai trình hộ chiếu. Chuyện này là không chấp nhận được”.

Mặt khác, nếu Thụy Điển kiểm tra giấy tờ tùy thân thì, theo số liệu, 60% số người xin tị nạn là những người không có giấy tờ tùy thân. Họ có thể là trẻ em, thiếu niên đi một mình, là những người bị chia cắt khỏi gia đình, là những người đến đây để đoàn tụ người thân - nhóm người sẽ chịu thiệt thòi vì quy định mới.

Những người này đã phải tháo chạy hàng ngàn cây số vì các nước châu Âu đã phá hủy đất nước họ, gia đình họ cũng như trường học, cơ hội sinh sống của họ. Ông Jan Oberg đặt câu hỏi: “Tại sao châu Âu lại quá khắc nghiệt với chính những người mà cuộc sống của họ đã bị chúng ta phá hủy?

Phải nhớ đằng sau mỗi người tị nạn là hình bóng của những kẻ buôn vũ khí, những kẻ gây ra chiến tranh, là hình bóng một tổng thống Pháp, của những người Đan Mạch đã tham gia chiến tranh suốt 15 năm qua. Chưa kể Thụy Điển là quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu trong chiến tranh ở Tunisia. Lẽ ra chúng ta phải thấy xấu hổ về những gì mình làm, nhưng thay vào đó chúng ta lại xây thêm những bức tường”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận