EU chịu hết nổi gánh nặng di cư

DANH ĐỨC 26/10/2015 21:10 GMT+7

TTCT EU đang rên xiết trước làn sóng di cư/di tản không ngừng. Cuối cùng thì Thổ Nhĩ Kỳ, nước đầu tiên hứng dòng người tị nạn, đang được Đức hứa hẹn xem xét việc gia nhập EU, đổi lại việc Thổ Nhĩ Kỳ chịu khó gánh luôn làn sóng di trú ấy.

Nguồn:iom.int. Đồ họa Lê Thân
Nguồn:iom.int. Đồ họa Lê Thân


Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), tính đến ngày 16-10 đã có 613.179 người đi vào châu Âu từ châu Phi, châu Á hoặc Trung Đông bằng đường bộ, đường biển và hàng không từ đầu năm nay. Cũng theo báo cáo của IOM ngày 15-10, tức một ngày trước đó, con số mới chỉ là 606.536 người, tức tăng những 6.643 người chỉ trong 24 giờ!

Hi Lạp: tiền tuyến bị tràn ngập

Địa Trung Hải là một trong hai hướng di cư/di tản chủ yếu. Nước Ý nổi lên trên các bản tin thời sự do những vụ đắm tàu chở người di cư/di tản liên tiếp hồi tháng 4 năm nay, trong đó vụ đêm 18 rạng sáng 19-4 khiến hơn 700 người thiệt mạng. Tính đến ngày 14-10-2015, Ý tiếp nhận 137.313 người đến bằng đường biển. Trong tuần lễ từ ngày 5 đến 12-10, trung bình mỗi ngày có khoảng 3.800 người cập bến.

Thế nhưng Hi Lạp mới là điểm đến tột cùng của làn sóng di cư/di tản trên biển do vị trí địa lý của mình: có nơi như đảo Lesvos chỉ cách Thổ Nhĩ Kỳ 13km! Theo IOM, trong khối EU, từ đầu năm nay (tính đến 14-10-2015) Hi Lạp phải tiếp nhận nhiều người di cư/di tản nhất (466.111 người), kế đến là Ý (137.313 người).

Theo Bộ Nội vụ Hi Lạp, trong chín tháng đầu năm đã có 422.113 người đến Hi Lạp bằng đường biển trên tổng số 422.113 người. Điều đó có nghĩa đường biển là “chọn lựa” của người di cư/di tản, đơn giản vì ít bị ngăn chặn hơn đường bộ! Đây là một thảm họa cho Hi Lạp do lẽ chính điều này càng thôi thúc nhiều người vượt biển hơn:

chỉ trong hai tuần lễ đầu tháng 10 đã có đến 72.557 người đến Hi Lạp bằng đường biển, trong đó 30.116 người đổ bộ lên đảo Lesvos! Tức mỗi ngày có đến 5.581 người vượt biển tới Hi Lạp, trong số đó có 2.316 người lên đảo Lesvos! 

Làn sóng trên bộ khác tràn qua Croatia (mới gia nhập EU từ năm 2013) đang là hành lang nóng bỏng trong tháng qua. Theo Bộ Nội vụ Croatia, chỉ từ ngày 16-9 đến 14-10 đã có đến 174.960 người di cư/di tản vào Croatia, cao nhất là trong các ngày từ 8 đến 10-10. Còn tại Cộng hòa Macedonia, trước kia cũng thuộc Nam Tư, tính đến ngày 10-10 có đến 130.727 người. Tại Serbia, số người tị nạn lên đến 195.000 người (số liệu của IOM).

Khoan nói đến những gì phải làm lâu dài cho số người cập bến này, chỉ riêng chuyện lo ăn ở, tắm giặt... cho chừng đó người mỗi ngày cũng là một gánh nặng rồi, huống hồ từ đầu năm tới giờ phải tiếp nhận đến 466.111 người trong khi dân số Hi Lạp chỉ là 10.775.643 người (tính đến tháng 7-2015, theo CIA World Factbook), tương đương 4,32% dân số nước này.

Càng khiếp đảm khi Hi Lạp “cõng mình ốc” chưa xong với gánh nặng cứ phải năn nỉ được đảo nợ, nay lại phải “cõng” chừng đó nhân mạng! Nếu tưởng tượng TP.HCM tăng khoảng nửa triệu người nhập cư một năm sẽ thấy gánh nặng là dường nào cho nước chủ nhà Hi Lạp.

Đừng lấy làm lạ vì sao ở cổng trạm xe điện ngầm Omonia lúc nào cũng có nhân viên HCR (Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn) làm thăm dò ý kiến về vấn đề người di cư/di tản!

Ngay từ tháng 9, căng thẳng đã nổi lên tại đảo Lesvos có dân số bản địa 80.000 người. Cảm nhận được sự bực dọc của dân đảo, Chính phủ Hi Lạp đã quyết định chuyển những người tị nạn này về thủ đô Athens bằng phà biển. Tối thứ hai 7-9, một con phà đợi bốc đi khoảng 2.500 người.

Những người này dường như không rõ mình sẽ phải đi đâu nên đã tỏ ra mất kiểm soát và khiến cảnh sát phải ra tay. Rồi ổn định cũng được lập lại... (Le Monde 8-9-2015). Hòn đảo Lesvos ấy đâu phải là đảo hoang, mà là hòn đảo lớn thứ ba của Hi Lạp và là một địa điểm du lịch nổi tiếng cao cấp. Ấy thế mà nay các bãi biển, bến du thuyền tràn ngập người xin tị nạn.

Tờ Le Monde 17-6 năm nay đã phải viết về thủ phủ Mytilène xinh đẹp của đảo này như sau: “Thành phố Mytilène của các tấm bưu thiếp nhường chỗ cho một Hi Lạp của người di tản”! Không chỉ phiền hà vì sự chung đụng, mà còn giận dữ vì “mất nồi cơm”.

Thổ Nhĩ Kỳ: giải pháp từ đầu nguồn

Hôm thứ bảy tuần rồi, hai chiếc bè cao su bị chìm khi trên đường từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos, một chiếc chở 51 người Syria, chiếc kia chở 56 người Afghanistan. Chỉ phân nửa số “hành khách” được cứu (RFI 17-10-2015).

Vấn đề là đây không phải lần đầu thảm kịch chìm tàu bè xảy ra. Thật ra cũng không thể trách Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã không làm gì để ngăn cản. Hôm thứ sáu tuần trước, 534 người đã bị phía Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ tại nhiều “bến bãi” trên bờ biển nước này khi sửa soạn xuống tàu.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lên truyền hình trách EU sao không cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU và rồi chế nhạo “các nước đó họ hứa sẽ tiếp nhận 30.000-40.000 người và cũng họ được giải Nobel hòa bình, trong khi chúng ta đã nhận đến 2,2 triệu người Syria” (Le Parisien 16-10-2015).

Việc ông Erdogan lên tiếng như thế diễn ra lúc Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang thương thuyết một thỏa thuận, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ra sức kiểm soát biên giới, chặn đứng làn sóng di cư, giữ lại tại Thổ Nhĩ Kỳ số người di tản đó. Phía EU hứa sẽ chi cho Thổ Nhĩ Kỳ 1 tỉ euro lo cho người tị nạn, phía Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu tối thiểu 3 tỉ euro.

Đến chủ nhật 18-10, Thủ tướng Đức Angela Merkel bay sang Istanbul bàn tiếp việc “chia sẻ gánh nặng” với Thủ tướng Ahmet Davutoglu, sau đó với Tổng thống Erdogan, hứa hẹn sẽ quan tâm đến hồ sơ gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Liệu cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được gia nhập EU, đổi lấy gánh nặng sẽ phải là nơi tạm cư thường trực cho người tị nạn?

Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu nói đến “phần tối” của vấn đề di cư/di tản: “Vấn đề là làm sao có được một cái nhìn chung và cùng làm việc với nhau chống lại việc trung chuyển người di tản/di cư cùng nạn buôn người”. Đây mới là một trong những cái gốc của vấn đề: chiến tranh, bạo lực là một lẽ; muốn thoát nghèo là một lẽ khác. Và cả hai trường hợp đều nhờ đến những đường dây “đưa người”.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận