Erdogan đóng cả 2 vai?

DANH ĐỨC 27/07/2016 03:07 GMT+7

TTCT - Vụ đảo chính tuần trước ở Thổ Nhĩ Kỳ chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ với quá nhiều câu hỏi khó trả lời.

Mối quan hệ tay ba Erdogan, Putin và Obama không thể nào có một kết quả làm tất cả các bên hài lòng -russia-now.com
Mối quan hệ tay ba Erdogan, Putin và Obama không thể nào có một kết quả làm tất cả các bên hài lòng (Russia-now.com)

Trong khi các nguồn tin chính thức từ Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào một giáo sĩ Hồi giáo lưu vong ở Mỹ, báo chí phương Tây lại nêu ra giả thuyết vụ chính biến là “tự biên tự diễn” để chính quyền Ankara đạt được nhiều mục đích cùng lúc: bình thường hóa quan hệ với Nga, thanh trừng trong nước và thoát khỏi mối quan hệ ràng buộc khó chịu với NATO.

Mọi thuyết âm mưu đều có cơ sở và lập luận riêng, khiến hành trình đi tìm sự thật càng thêm gian nan.Cuộc đảo chính bị dẹp tan ở Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua một lần nữa cho thấy các thế lực nước ngoài có thể tác động lớn thế nào tới một nước yếu thế hơn.

(Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip) Erdogan và (Tổng thống Nga Vladimir) Putin sẽ gặp nhau trong tuần lễ đầu của tháng 8, nguồn tin từ phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm chủ nhật” - Thông tấn xã Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu (AA) đưa tin ngày 17-7.

Đây sẽ là cuộc gặp tay đôi đầu tiên giữa hai ông này kể từ sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một phản lực cơ của Nga trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria hôm 24-11-2015. Cũng theo AA, thỏa thuận này đến từ một cuộc điện thoại của ông Putin, qua đó ông bày tỏ sự ủng hộ với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành hôm thứ sáu. 

Sự cố bắn rơi máy bay Nga chỉ được giải quyết sau một lá thư và một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo trong tháng trước.

TỪ ĐỊCH THÀNH BẠN

Lá thư mà Thông tấn xã AA nêu ra trong mẩu tin trên đã được ông Erdogan gửi cho ông Putin hôm 12-6, nhân quốc khánh Nga. Nội dung thư mà báo chí gọi là “thư xin lỗi” không được công bố, ngoại trừ mỗi câu “Tôi hi vọng quan hệ chúng ta sẽ đạt đến một tầm mức xứng đáng” - theo Đài truyền hình Nga NTV.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận thư đã được gửi “qua kênh ngoại giao”. Cũng theo NTV, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim còn gửi thư cho Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhân quốc khánh Nga, nội dung cũng không được công bố, song có thể đoán là cùng “tông” với lá thư của ông Erdogan.

Cách đây hai tuần, Đài truyền hình TRT Haber News của Thổ Nhĩ Kỳ loan tin ông Yildirim hôm 4-7 tuyên bố quan hệ Nga - Thổ sẽ lại như trước. 

Thủ tướng Yildirim nói rằng du khách Nga vừa bắt đầu trở lại Thổ Nhĩ Kỳ và rằng cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Ankara và Matxcơva cũng như các cuộc tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tác động nặng nề lên lĩnh vực du lịch của nước này.

Vụ khủng bố mới nhất trước đó ở Thổ Nhĩ Kỳ là vụ tấn công đồng loạt ở sân bay quốc tế Ataturk tại Istanbul hôm thứ ba 28-6 khiến 36 người thiệt mạng, 147 người bị thương.

Vụ khủng bố đẫm máu này xảy ra ngay trong ngày mà Thủ tướng Yildirim loan báo “Bình thường hóa quan hệ với Nga đã bắt đầu” và cho biết sẽ xem xét bồi thường gia đình phi công Nga nếu được gia đình yêu cầu.

Hôm đó cũng đúng vào ngày mà Đài truyền hình “Nước Nga Ngày nay” (RT) đăng một xã luận mang tựa đề “Quá trễ cho Erdogan sửa chữa chính sách tai hại của mình!”.

Xét theo nghĩa nào đó, xã luận đăng trước của RT đã trở thành hiện thực sau đó ngay trong ngày 28-6: các kết quả điều tra cho thấy trong số nghi phạm có hai người Nga gốc Chechnya Hồi giáo.

Những tổ chức khủng bố Chechnya đòi ly khai từng tổ chức nhiều vụ khủng bố đẫm máu ở Nga trong cuộc khủng hoảng Chechnya - Nga dưới thời cố tổng thống Boris Eltsin, khi Putin còn làm thủ tướng, trước khi phong trào ly khai bị dẹp yên và nay Chechnya “hiền hòa” trở lại trong Liên bang Nga.

Có lẽ vụ tấn công sân bay Ataturk đã là giọt nước làm tràn chén đắng khủng bố, càng thúc đẩy quá trình “làm lành” của Ankara với Nga. Lá thư của ông Erdogan, dù nội dung có ra sao, không phải chỉ là những lời chót lưỡi đầu môi mà là sự dàn hòa sâu sắc. Mẩu hỏi - đáp sau trong cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ trưa 11-7 giúp giải thích ít nhiều sự thay đổi 180 độ trong đối ngoại của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ:

“Hỏi: Hôm nay, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố hiện không còn mấy lý do để Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu với Syria; ngược lại, hiện có nhiều lý do để Thổ Nhĩ Kỳ quan hệ tốt với Syria, với chế độ Syria. Bộ Ngoại giao Mỹ xem các dấu hiệu ấy từ Ankara như thế nào khi có thể có một sự xích lại với nhau giữa Ankara và Damascus?

Đáp: (của người phát ngôn John Kirby): À, tôi sẽ để cho các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu về các bình luận trên. Tôi muốn nói rằng tôi đã thấy các nhận xét đó và họ nên giải thích. 

Điều tôi định nói là Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của NATO, một đối tác chính trong liên minh này, rằng Thổ Nhĩ Kỳ từng cộng tác rất tốt trong việc đánh đuổi IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) sâu trong lãnh thổ Syria qua cả phương tiện vật chất và những hỗ trợ khác... 

Thổ Nhĩ Kỳ đã dấn thân, đã can dự. Đó không phải là một chuyện nói rồi thôi. Đó là hành động thực tế, đồng thời là quyền lợi của họ ở vùng biên giới, nơi họ đang gặp vấn đề rất nghiêm trọng khi phải xử lý 2 triệu người tị nạn... Về phần mình, chúng tôi sẽ xem xét để tiếp tục sự hợp tác. 

Chúng tôi sẽ xem xét để Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực của liên minh. Và chúng tôi đang liên lạc thường xuyên với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ về cách triển khai sự phối hợp tốt hơn, cũng như cách cải thiện những biện pháp chống lại một kẻ thù chung”.

Ông Kirby dường như đã nói ra rất thẳng thắn những “suy nghĩ trong đầu”: làm thế nào để Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trong liên minh NATO, đồng thời cộng tác ở Syria như trước khi trở nên mềm mỏng sau vụ khủng bố ở phi trường Ataturk.

Còn “kẻ thù chung” là ai thì tùy ngữ cảnh có thể hiểu khác đi, có thể là IS, nhưng biết đâu được cũng có thể là... Nga (“mối đe dọa với NATO” mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên). Cuộc họp báo đã khẳng định thế kẹt của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh “trâu bò” Nga và Mỹ đang “húc nhau” tới tấp, một tam giác quan hệ bất cân xứng mà Ankara đang khó ứng xử sao cho đúng.

Cách đây hai tuần, quan hệ Matxcơva - Washington vốn đã xấu càng xấu thêm sau những vụ trục xuất mỗi bên hai nhân viên ngoại giao (kiêm điệp viên?) Nga trước hôm 9-7, Mỹ phản pháo hôm sau, 10-7. Thật ra, không chỉ mình Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm lành với “gấu Nga” dưới trào cựu đại tá KGB Putin nay là tổng thống ở nhiệm kỳ ba vì sức ép liên tục từ những bất ổn trong nước.

Pháp “ăn đòn” khủng bố liên tục cũng đã úp mở mong muốn Liên minh châu Âu (EU) gỡ bỏ các lệnh cấm vận Nga (để được Nga giúp đỡ trước nạn khủng bố và vấn đề người tị nạn Syria theo kiểu “bia kèm mồi”).

Turkey's President Tayyip Erdogan and U.S. President Barack Obama attend a working session at the Group of 20 (G20) summit in the Mediterranean resort city of Antalya, Turkey, November 15, 2015.   REUTERS/Murad Sezer  - RTS76E6
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Mỹ tại Hội nghị G20 tháng 11- 2015 (Ảnh Reuters) 

 GIÁO SĨ GULEN: CÁI CỚ HOÀN HẢO?

Giữa lúc ông Erdogan đang ráng “làm lành” với ông Putin thì nổ ra cuộc đảo chính bất thành vào lúc ông Erdogan đang nghỉ mát!

Đã xuất hiện những thuyết âm mưu nói chính ông Erdogan dàn dựng vụ binh biến hòng làm một mẻ lưới to tóm gọn mọi phần tử phản trắc, báo Anh The Guardian ngày 16-7 bình luận cuộc đảo chính diễn ra hoàn toàn theo kiểu thế kỷ 20: chiếm đài phát thanh và truyền hình, vài đơn vị quân đội, những chiếc xe tăng trên đường phố, “cứ như thể họ (những người đảo chính) chưa bao giờ nghe nói tới mạng xã hội, trong khi ông Erdogan lại phản ứng qua Facetime và kêu gọi người dân xuống đường”.

Tờ báo kết luận đầy ẩn ý: “Vì vậy, câu hỏi không phải là tại sao cuộc đảo chính thất bại mà tại sao nó lại diễn ra”. Cũng ngày 16-7, ông Erdogan chẳng thèm úp mở mà nói thẳng luôn rằng cuộc đảo chính là “một món quà từ Chúa trời” để “làm trong sạch quân đội”.

Nói là làm, ngay sau cuộc đảo chính là một đợt bố ráp lớn. Tới ngày 19-7, có 103 vị tướng và đô đốc trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắt giữ, hàng nghìn binh sĩ khác cũng chịu chung số phận.

Nhưng tất nhiên, Ankara không bao giờ thừa nhận “thuyết âm mưu”. Hiện giờ những chỉ trích đang nhắm vào phía Mỹ.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đặt nghi vấn Mỹ có dính líu tới vụ chính biến khi các binh sĩ tham gia xuất phát từ căn cứ không quân Incirlik, trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ cho cuộc chiến chống IS của liên quân NATO.

Thông tấn xã AA ngày 19-7 giật tít: “Phản ứng của Lầu Năm Góc về vụ đảo chính làm dấy lên nhiều dấu hỏi” và cáo buộc Cuộc đảo chính được kích phát từ căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ mà binh sĩ Mỹ sử dụng” và “một số quan chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ có thể đã dính dáng đến âm mưu đảo chính này”.

Vài giờ trước, phát ngôn viên Peter Cook của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có một phát biểu ngược chiều: “Chúng tôi không có bất cứ thông tin nào cho thấy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không kiểm soát được (căn cứ Incirlik)”.

Một sự cố tại hiện trường cũng khó hiểu và nhiều ẩn ý: căn cứ Incirlik bị cơ quan điện lực (tất nhiên, do chính quyền Erdogan kiểm soát) cắt điện từ khi đảo chính tới giờ. Thái độ “quay lưng” của Ankara càng dứt khoát hơn với đòi hỏi yêu cầu Mỹ trao trả giáo sĩ Fethullah Gulen đang tị nạn ở Pennsylvania.

Phát ngôn viên Nhà Trắng John Earnest khi được hỏi về lời đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem lại quan hệ hữu nghị với Mỹ nếu Washington không dẫn độ ông Gulen, vốn bị quy kết là đứng đằng sau vụ đảo chính, đã trả lời rằng Ngoại trưởng John Kerry từng nói:

(1) Mỹ chưa nhận được trát đòi dẫn độ; (2) Nếu có, cũng phải xét xem có phù hợp với hiệp định dẫn độ giữa hai nước không; và (3) Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Mỹ sẽ cùng đánh giá vấn đề...

Cũng không dễ nói là Mỹ đã dung dưỡng cho giáo sĩ Gulen “hoạt động chống phá” từ Pennsylvania. Ông này xin tị nạn tại Mỹ từ năm 1999 khi sang nước này điều trị bệnh tim và tiểu đường, nhưng mãi đến năm 2008 đơn xin thẻ xanh mới được xét duyệt.

Còn chuyện ông Gulen được các chính khách Mỹ danh giá, cả đương lẫn cựu, công khai tán dương lại là rất “thường tình”. Mỹ trước giờ đã quen với việc tráo liên tục mọi “lá bài” mà họ có trong tay, để khiến lá bài nào cũng ngỡ mình là con xì chủ bài. Chỉ có điều, việc đó tạo cớ cho Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo Gulen.

Nói cho ngay, ông Gulen cũng có tiếng tăm trong thế giới Hồi giáo, chứ không hẳn chỉ là kiểu “bất đồng chính kiến ăn vạ” với chủ thuyết Hồi giáo ôn hòa, chủ trương liên tôn, và thành tích phát triển Hồi giáo bằng giáo dục qua việc mở trường cho người nghèo.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, học sinh các “trường Gulen” thường đứng trong top 1% thí sinh dẫn đầu vào đại học, và các sinh viên này khi ra trường quay lại dạy học cho các thế hệ đàn em.

Chuyện giáo sĩ Gulen âm mưu đảo chính thực hư chưa rõ, song việc ông Erdogan kêu gọi dân chúng xuống đường ủng hộ ông và phản đối đảo chính cho thấy ngài tổng thống rất tin tưởng là thế chủ động ở trong tay mình, và như thế càng làm tăng những nghi ngờ về việc ai thật sự đứng đằng sau cuộc chính biến.

Dẫu thế nào, tình hình quan hệ Nga - Thổ, cách đây chưa lâu còn bị coi là “có thể dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ ba”, đang thay đổi ngoài sức tưởng tượng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận