ECSADIZ và "sứ mệnh" Biden

DANH ĐỨC 09/12/2013 23:12 GMT+7

TTCT - Chuyến đi Tokyo, Bắc Kinh, Seoul của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden - được dự trù từ trước và loan báo từ hôm 4-11, trước khi nổ ra vụ khủng hoảng ECSADIZ (khu vực nhận dạng phòng không biển Hoa Đông) - được kỳ vọng giúp hạ hỏa nguy cơ xung đột được xem là gần kề.

Phóng to
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến phòng họp báo sau cuộc gặp ở Tokyo ngày 3-12 - Ảnh: Reuters

Vụ khủng hoảng ECSADIZ từ thứ bảy 23-11 đã buộc Mỹ phải điều chỉnh lại mục đích chuyến đi của ông Biden, mà “trên tất cả là để nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của chính quyền Mỹ đối với việc tái cân bằng và với vai trò lâu dài của chúng ta như là một cường quốc Thái Bình Dương” - một quan chức Nhà Trắng loan báo hôm 27-11 (1).

Đến chiều 3-12, vào lúc ông Biden đang họp riêng với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, tờ Time chạy tít “...Biden đang ở Đông Á nhằm chặn đứng một cuộc chiến tranh tiềm năng”.

Chặng đầu Tokyo: Trấn an và cam kết

Hơn bao giờ hết, khả năng vụ khủng hoảng ECSADIZ dẫn đến xung đột rồi thì chiến tranh là điều mà Mỹ cùng các đồng minh đang quan ngại và chính ông Biden đã đề cập điều này ở Tokyo. Vụ ECSADIZ này “phải” xảy ra sau khi cả Bắc Kinh và Tokyo cùng bực dọc nghĩ rằng đối phương đang tăng cường binh bị thái quá.

Trung Quốc dựa vào tiền bạc, hạm đội và tên lửa để nuôi mộng bá chủ Thái Bình Dương thế kỷ 21 và bành trướng từ biển Đông đến biển Hoa Đông. Ngược lại, phía Nhật cũng đang điều chỉnh lại chính sách phòng vệ từ thụ động sang chủ động và phòng vệ tập thể (đọc thêm bài Hồ sơ trang 28), tức có thể tung đòn ra khỏi lãnh thổ Nhật để hỗ trợ một đồng minh bị tấn công.

Tất nhiên Trung Quốc không ưa sự thay đổi này nên “tiên hạ thủ” với cái ECSADIZ được dựng lên như một cái rọ “không khai báo sẽ bị nghiêm trị”, sau khi đã khơi mào bằng vài chiếc tàu năm ngoái lảng vảng quanh đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Hậu quả là cả Nhật và Hàn Quốc cùng đáp trả cái ECSADIZ này. Mỹ tung B-52 vào mở đường cho máy bay Nhật, Hàn và cả Đài Loan vào theo.

Trả lời phỏng vấn báo Asahi, ông Biden tuyên bố: “Tôi sẽ tái khẳng định sức mạnh của những cam kết đồng minh của chúng ta, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh những hành động có thể hủy hoại hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực” (2).

Nhấn mạnh “cam kết tái cân bằng”, “vai trò lâu dài của một cường quốc Thái Bình Dương”, “tái khẳng định sức mạnh”... cụ thể là gì trong thực tế, dư luận đang băn khoăn về khó khăn kinh tế của Mỹ như báo Asahi nói ra? Nguyên văn: “Đang có một cái nhìn ngày càng rộng rãi được chia sẻ ở Nhật và trong khu vực là chính quyền Obama có lẽ chẳng có mấy vốn liếng chính trị hoặc tài chính để thực hiện chính sách tái cân bằng như đã dự kiến.

Thậm chí có ý kiến cho rằng tái cân bằng bất quá cũng chỉ là một miếng đềcan dán xe hơi. Ông trả lời thế nào mối quan ngại và hoài nghi kiểu đó?”. Gần 100 năm qua, từ Thế chiến thứ nhất cùng tham gia chiến đấu ở vũng lầy Verdun ở Pháp với các đồng minh châu Âu, chưa bao giờ một lãnh đạo Mỹ nhận được một câu phỏng vấn nặng như vậy!

Làm tốt hơn là nói suông. Tối 2-12, khi ông Biden đến Tokyo trên chiếc không lực số 2, hai chiếc P-8A Poseidon tuần thám mới ra lò của Mỹ được điều động đến đảo Okinawa. P-8A Poseidon nguyên là Boeing 737 cải biến thành máy bay tuần thám, được xem là hiện đại nhất của Mỹ chuyên săn tàu ngầm và tàu nổi. Trong tháng 12 này, bốn chiếc Poseidon khác cũng sẽ đến Okinawa cho đủ số tạo thành phi đội VP 16. Tuy thông tin cho biết vụ điều động này đã có từ trước, song việc chọn đúng ngày giờ đó để bay tới Okinawa không khác gì muốn trả lời rằng Mỹ không khó khăn đến mức “trắng tay” đâu!

Sau cuộc họp với Thủ tướng Nhật Abe, ông Biden cho biết (3) trong bối cảnh những căng thẳng nổi lên cùng nguy cơ tính toán sai, ông đến đây để tái khẳng định rằng từ hơn 60 năm qua, nước Mỹ xem liên minh với Nhật như là nền tảng của sự ổn định và an ninh ở Đông Á; rằng liên minh Mỹ - Nhật còn vượt khỏi khuôn khổ Đông Bắc Á, vươn đến toàn cầu; rằng Mỹ cam kết gắn bó với chiến lược tái cân bằng trên Thái Bình Dương đúng như đã loan báo.

Sau lời giáo đầu nhẹ nhàng đó, ông Biden đi thẳng vào đề không e dè: “Hôm nay, chúng tôi đã thảo luận về loan báo bất ngờ của Trung Quốc về một ADIZ mới. Nước Mỹ chúng tôi quan ngại sâu sắc trước việc đơn phương mưu toan thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông. Hành động này gây căng thẳng trong khu vực và làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố cùng tính toán sai lầm”.

Đến đây, ông muốn nhắc rằng Mỹ không chỉ liên minh với Nhật: “Chúng tôi đang tham khảo ý kiến ​​chặt chẽ với các đồng minh của chúng tôi về vấn đề này... Thế giới chớ nên quên rằng những liên minh của chúng tôi đã là tối quan trọng đối với sự ổn định của khu vực này mà nhờ đó khu vực này đã có thể đạt được tiến bộ đáng kể. Tôi sẽ nêu các mối quan tâm đó khi tôi gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc vào ngày kia” (khi bài này lên khuôn, ông Biden chưa đến Bắc Kinh và Seoul).

Ông cho biết sẽ đề nghị với Trung Quốc “một cơ chế xử lý khủng hoảng cùng các kênh truyền thông hiệu quả giữa Trung Quốc và Nhật Bản để làm giảm nguy cơ leo thang”.

Chặng thứ nhì: Nhắn nhủ Bắc Kinh

Một vấn đề khác mà phía Nhật muốn Mỹ giải thích là việc Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) khuyến cáo các hãng hàng không nước này nên khai báo khi bay vào ECSADIZ. Câu trả lời từ trước khi ông Biden đến Tokyo của các quan chức Mỹ là điều đó không có nghĩa thừa nhận sự “làm luật” của Bắc Kinh, mà vì sự an toàn của các chuyến bay dân dụng mà thôi.

Đã từng xảy ra chuyện một máy bay của Hãng hàng không Korean Air bị nổ tung vào ngày 29-11-1987 (mà sau này được biết là do hai điệp viên CHDCND Triều Tiên thực hiện, một nữ điệp viên bị bắt đã thú nhận việc này).

Nguy cơ này là rất lớn, như ông Biden nhấn mạnh: “Khả năng tính toán sai hoặc lầm lẫn là quá lớn”, và ông đã chia sẻ với ông Abe vốn vẫn nhất mực không cho máy bay Nhật “khai căn cước” với Trung Quốc. “Chúng tôi nhất trí rằng chúng tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động có thể đe dọa sự an toàn của máy bay dân sự” - ông Abe nhấn mạnh trong cuộc họp báo.

Về phần mình, tất nhiên là Trung Quốc căng tai ra nghe ngóng từ trước khi ông Biden khởi hành. Biết thế, phía Mỹ tới tấp nhắn nhủ. Hôm 27-11, trong cuộc họp báo về chuyến đi của ông Biden, các quan chức Nhà Trắng đã nói thẳng: “Chuyến đi này cho phép phó tổng thống điểm lại khuynh hướng mới trong hành vi của Trung Quốc là gây rối các láng giềng của Trung Quốc, và nêu câu hỏi về cách thức Trung Quốc hoạt động trong không phận quốc tế, cũng như cách thức Trung Quốc xử lý các lĩnh vực bất đồng với các láng giềng của mình” (4).

Hiếm thấy khi nào các quan chức Mỹ lại phát biểu mạnh như thế với Trung Quốc.

Cũng thế, có lẽ do mải nhắn nhủ nên khi kết thúc phát biểu, ông Biden tỉnh bơ nói: “Cảm ơn ngài chủ tịch. Tôi đang đợi bữa tối”, rồi phá lên cười! Chủ tịch nào ở đấy mà ông Biden cảm ơn? Nhất định ông Biden chưa lẫn đến nỗi gọi thủ tướng Nhật là “ngài chủ tịch”!

(1): http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2013/11/27/background-press-briefing-vice-president-bidens-trip-china-japan-and-rep
(2): http://ajw.asahi.com/article/views/opinion/AJ201312020078
(3): Remarks to the Press by Vice President Joe Biden and Prime Minister Shinzo Abe of Japan, December 03, 2013
(4): http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2013/11/27/background-press-briefing-vice-president-bidens-trip-china-japan-and-rep

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận