Đừng “rón rén” dạy kinh doanh và kinh tế cho tuổi vào đời!

PHÚC TIẾN 01/06/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Có lẽ cả xã hội đều mong chương trình giảng dạy môn kinh tế và sách giáo khoa liên quan cần thẳng thắn đặt định hướng tuổi vào đời không thể không học kiếm tiền sinh lợi - dĩ nhiên bằng những việc làm hợp pháp, học tiêu xài hợp lý giúp ích cho gia đình và xã hội, nhất là học làm giàu cho bản thân và đất nước.

 
 Ảnh: Vexels

 Cách đây 21 năm, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn tổ chức một hội thảo về xây dựng đội ngũ doanh nhân. Tại đây nhiều chuyên gia và doanh nhân tập trung thảo luận việc đổi mới và bổ sung kiến thức, kỹ năng cho các giám đốc doanh nghiệp và ngay cả các trường kinh doanh. 

Tuy nhiên, có một tham luận “lạ”, đặt vấn đề “Nhà trường phổ thông có dạy làm doanh nhân?”.

Tác giả dẫn câu chuyện Singapore và nhiều nước Âu Mỹ đã dạy các môn căn bản kinh tế học và quản trị kinh doanh, căn bản kế toán cho học sinh tuổi 16-17 trở đi. Người viết trình ra hai quyển sách giáo khoa trung học về các môn này đang lưu hành ở Singapore. Một giáo sư đại học kinh tế tại hội thảo đọc lướt qua sách và thốt lên: “Trời ạ, đây là kiến thức năm thứ hai sinh viên kinh tế ở ta mới được học!”. 

Tác giả tham luận dè dặt nêu câu hỏi: “Dường như học sinh Việt Nam không được khuyến khích đi vào kinh doanh trong nghề nghiệp tương lai. Nếu thực trạng này đúng thì quả thật giáo dục phổ thông của Việt Nam vẫn đang đứng bên lề kinh tế thị trường chứ không thể tham gia chuẩn bị những lớp người năng động và có đủ hiểu biết để đi vào điều hành kinh tế và điều hành doanh nghiệp”.

Hai thập niên trôi qua, giờ đây trong chương trình giáo dục trung học mới, lần đầu tiên xuất hiện nội dung giảng dạy kinh tế trong môn học giáo dục kinh tế và pháp luật dành cho học sinh lớp 10-12. Như thế, tuy trễ nhưng thật đáng mừng ước vọng xưa cuối cùng đã ló dạng hiện thực. 

Mặc dầu vậy, nội dung và cách thức giảng dạy cho tuổi vào đời những hiểu biết kinh tế, bao gồm cả kinh doanh vẫn rất cần được xã hội, chứ không riêng giới doanh nhân tìm hiểu và soi rọi cặn kẽ để góp ý cải tiến thực hiện tốt việc này ngay từ đầu.

Học kiếm tiền, tiêu xài và khởi nghiệp, tại sao không?

Tại buổi trao đổi hướng nghiệp sáng 24-5-2022 ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, các học sinh đã đặt nhiều câu hỏi đầy hào hứng với người viết. Một nữ sinh lớp 10 cho biết em thích học ngành quản trị rủi ro tài chính và muốn biết ngành này ở Việt Nam có dễ kiếm việc làm, một học sinh khác hỏi về cách phân biệt digital business và digital marketing. Có học sinh hỏi trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào những lĩnh vực nào và có giúp làm ra tiền hay không. Nhiều học sinh khác muốn biết nghề lập trình viên, bác sĩ, sản xuất TikTok cần chuẩn bị kỹ năng gì, kiếm việc ở đâu…

Rõ ràng học sinh hiện tại đã để ý và tìm hiểu nhiều ngành nghề mới, trong đó nhiều ngành nghề có “bóng dáng” của kinh doanh và thu nhập. Nhiều năm qua, các mùa tuyển sinh đại học trong và ngoài nước đều cho thấy số các bạn trẻ đăng ký nguyện vọng theo học các ngành quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, tiếp thị, ngoại thương, du lịch, gần đây là logistics (hậu cần) hay supply chain (chuỗi cung ứng)… luôn chiếm vị trí hàng đầu. 

Tuy vậy, trong các cuộc tư vấn tuyển sinh hay hướng nghiệp, theo quan sát của tôi, nhiều bạn trẻ chưa phân biệt được kinh tế và kinh doanh, các em đơn giản giải thích là vì muốn “làm kinh tế” nên cần thi vào các trường đại học kinh tế, thế thôi!

Cách đây 5 năm, chi hội phụ huynh một lớp 12 ở Trường Đinh Thiện Lý (TP.HCM) tổ chức một cuộc tọa đàm với học sinh về các nghề nghiệp kinh doanh. Khi thuyết trình về thế nào là kinh doanh, các em sử dụng nhiều thông tin từ “bác Google” rất phong phú và cụ thể. Song, không em nào nhắc đến hai chữ “lợi nhuận” hay “kiếm tiền”, không nêu được mục tiêu kinh doanh. 

Các học sinh khác cũng chỉ muốn biết các chi tiết “kỹ thuật” về các ngành nghề như tiếp thị, thương mại, kho vận… Một nam sinh hứng khởi cho biết mẹ vừa cho em 2 triệu đồng để mở quán cà phê, rồi hỏi: “Khi mở quán có nên mời cán bộ phường đến dự khai trương? Cần chuẩn bị “phong bì” bao nhiêu (!)?”.

Điểm qua một vài chuyện nhỏ như trên, người viết - với tư cách là một phụ huynh cũng như một người đang làm công tác tư vấn giáo dục - thấy rằng chúng ta vẫn đang “nợ” giới trẻ việc trao truyền rất nhiều kiến thức kiếm sống, làm ăn và kể cả làm giàu. Kinh tế thị trường đã vận hành trở lại ở Việt Nam từ 30 năm trước, hoàn toàn không có lý do nào để ngăn cản hay chậm chân giúp thế hệ tuổi vào đời học hỏi những khái niệm căn bản về kinh tế - kinh doanh và nuôi dưỡng hoài bão khởi nghiệp ngay trên ghế nhà trường. 

Đó là kỳ vọng không những của các bậc cha mẹ mà còn của các doanh nhân đang rất cần và đang âm thầm chuẩn bị “truyền nhân” từ chính con em mình, đối với chương trình giảng dạy của môn giáo dục kinh tế và pháp luật sắp triển khai.

Thế nhưng, đọc chương trình này, được Quốc hội phê duyệt năm 2018, tôi thấy các mục tiêu và nội dung giảng dạy như kỳ vọng trên vẫn còn “bàng bạc”, “rón rén”. Trước nhất, ngay từ tên gọi của môn học, chương trình này nằm trong bộ môn giáo dục công dân và bao gồm cả hai khối lượng “nặng cân” kinh tế và pháp luật. Tại sao không thể tách kinh tế ra dạy riêng, trong đó có kiến thức về các pháp luật nền tảng cho kinh doanh (Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật thương mại, Luật sở hữu trí tuệ…)? Môn pháp luật tổng quát hay kiến thức pháp luật phổ thông sẽ được giảng dạy riêng biệt, thậm chí có thể đưa vào chương trình lớp 9.

Kế đến, trong nội dung giảng dạy về kinh tế - kinh doanh, chưa thấy đề cập khái niệm “xương sống” của kinh tế thị trường là quan hệ mua-bán, hoặc của hoạt động kinh doanh là sáng tạo và tạo ra lợi nhuận. Mặt khác, cũng chưa thấy chương trình đặt ra mục tiêu và nội dung là hướng dẫn cho học sinh cách mở một doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành, hay nói toàn diện hơn là khởi nghiệp. 

Chương trình có nêu chuyên đề “hội nhập kinh tế quốc tế” và phần kiến thức học về WTO - là nội dung rất cần thiết - nhưng chưa rõ học sinh có được học hỏi về thị trường chứng khoán, toàn cầu hóa, các hiệp định thương mại tự do, các khối kinh tế - chính trị như EU, ASEAN, các cách thức kinh doanh và đầu tư ra nước ngoài, công ty đa quốc gia hay không?

Có lẽ xã hội đều mong chương trình giảng dạy môn kinh tế và sách giáo khoa liên quan cần thẳng thắn đặt định hướng tuổi vào đời không thể không học kiếm tiền sinh lợi - dĩ nhiên bằng những việc làm hợp pháp, học tiêu xài hợp lý giúp ích cho gia đình và xã hội, nhất là học làm giàu cho bản thân và đất nước. 

Đã có một “thời xa vắng”, trong lũy tre khắc nghiệt của kinh tế bao cấp và thể chế duy ý chí, các hoạt động kinh tế tư nhân - tư bản bị cấm đoán, nhưng nay việc học kinh doanh, học làm giàu là điều cần thiết và phải đẩy mạnh, giống như việc tôn trọng trở lại hình ảnh và vai trò doanh nhân.

Trong phần bài học tham khảo, bài tập hay các dự án chung, nhà trường nên sử dụng những tấm gương các doanh nhân bươn chải thành đạt điển hình của Việt Nam như Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền… cùng nhiều tấm gương khác của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước Âu Mỹ. Ngay trong giảng dạy kinh tế và kinh doanh, hoàn toàn có thể “truyền lửa” cho giới trẻ chia sẻ về giấc mơ Duy Tân, quốc gia phú cường, mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa... 

Đồng thời, cần đặt cho học sinh những bài tập, bài thi lấy từ thực tế những vấn đề thời sự kinh tế và kinh doanh như các ứng phó trong thời kỳ bình thường mới, kinh doanh và tiếp thị trong thời đại kỹ thuật số, khuynh hướng tiêu dùng và làm việc của thế hệ gen Z.

Một số cuốn sách giáo khoa về kinh tế cho học sinh Singapore.

 

Kết nối trường học và cuộc đời 

Doanh nhân Đỗ Long, giám đốc Tập đoàn BITA’S, mới đây nói với người viết: “Thực ra nhiều doanh nhân từ lâu có góp ý về việc giảng dạy kinh tế và kinh doanh cho học sinh. Tuy nhiên, cảm thấy như muối bỏ biển, cho nên chúng tôi tự thân lập các chương trình đào tạo con em doanh nhân tiếp nối công việc kinh doanh. Các thế hệ F1, F2 của nhiều doanh nhân đang học hỏi kiến thức và kỹ năng trong các lớp học do Tập đoàn FPT phối hợp tổ chức, kể cả việc biên soạn tài liệu, giáo án, chọn lựa giáo sư trong ngoài nước đứng lớp”. 

Đó là nỗ lực rất cần nhân rộng của giới doanh nhân trong tình hình kiến thức kinh tế - kinh doanh còn “đứng ngoài cửa” học đường phổ thông trong nhiều năm qua. 

Và để đáp ứng nhu cầu lớn lao về hướng nghiệp và giảng dạy kinh tế - kinh doanh, Bộ GD&ĐT cùng các trường cần mời các hội đoàn doanh nhân, các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực chung tay giảng dạy bằng nhiều phương thức, trực tiếp và trực tuyến.

Theo giáo sư Trần Văn Thọ, vào cuối thế kỷ 19, một trong những phương thức căn bản và đầy sáng tạo để thực hiện thành công cuộc Duy Tân đất nước chính là việc Nhà nước chủ động cho dịch và in, rồi bán giá rẻ các sách của phương Tây phổ biến tri thức và kinh nghiệm nhiều lĩnh vực, trong đó khá nhiều sách về kinh doanh và công nghệ. Đó chính là một kinh nghiệm quý giá và không bao giờ cũ nhằm thúc đẩy việc ra đời của những hoạt động học hỏi chưa từng có.

Bản thân việc biên soạn không chỉ một mà nhiều bộ sách giáo khoa về kinh tế - kinh doanh và các sách tham khảo trên giấy và trên mạng, đang rất cần sự tham gia của những người đang làm công việc thực tế chứ không chỉ các giảng viên hàn lâm. Báo chí và các cơ quan truyền thông sẽ là người trợ lực, đồng hành trong hoạt động giáo dục mới mẻ và quan trọng này.

Việt Nam, với mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa và trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, chắc chắn phải tùy thuộc vào tăng trưởng kinh tế và kinh doanh hiệu quả. Vậy thì, hệ thống giáo dục phải cải cách nhanh hơn nữa để không phải là bên “đứng bên lề” kinh tế, bắt đầu bằng việc giảng dạy kinh tế - kinh doanh cho tuổi vào đời một cách kỹ lưỡng, thiết thực và mạnh mẽ hơn nữa.

Năm học 2022-2023 sẽ là năm thử nghiệm việc giảng dạy làm ăn và khởi nghiệp bắt đầu từ tuổi 15-16, vẫn còn thời gian và cơ hội để cải tiến cho các năm kế tiếp. Chậm nhưng không trễ, một món “nợ xấu” từ hơn 20 năm trước mới có thể trả được.■

Xu hướng đào tạo và việc làm của thế giới ngày nay là cross faculty (xuyên lĩnh vực), multi-disciplinary (liên ngành) và multi-task (đa nhiệm vụ). Thiết nghĩ trong giáo dục cũng thế, các mục tiêu đào tạo cần sử dụng nhiều bộ môn trong các phần kiến thức và kỹ năng tích hợp.

Các bộ môn văn, sử, địa, công nghệ, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ chính là các “kênh thông tin” bổ trợ cho việc giảng dạy kinh tế và kinh doanh. Cần sửa đổi, bổ sung nội dung các môn học trên sao cho có thể khuyến khích học sinh có thêm sự quan tâm và cảm hứng tìm hiểu kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô. 

Chẳng hạn, môn địa lý không chỉ nói về tài nguyên thiên nhiên và hoạt động kinh tế các ngành mà cần nói rõ thực trạng ngày nay Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác không thể phát triển dựa trên “rừng vàng biển bạc”. 

Các môn toán, lý, hóa, sinh, tin học có thể thêm những bài tập liên quan đến tính toán lời lỗ, tiếp thị và đầu tư sáng chế của một doanh nghiệp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận