Đừng nhìn lên! Không, hãy nhìn lên!

TỊNH ANH 16/01/2022 18:10 GMT+7

TTCT - Không như lời kêu gọi “Đừng nhìn lên” của phe “phản diện” trong bộ phim khoa học viễn tưởng với chủ đề sao chổi Don’t Look Up khởi chiếu cuối năm ngoái, 2022 là năm mà nhân loại cần ngước nhìn lên, bởi vũ trụ bên ngoài Trái đất sẽ tiếp tục sôi động với hàng loạt dự án không gian.

 
 Minh họa

Nói tiếp tục là bởi 2021 đã là “một năm hoành tráng của khám phá vũ trụ, và 2022 sẽ còn rực rỡ hơn”, như dòng tít lớn trên tờ The Seattle Times ngày 31-12-2021.

Năm cũ sôi động

Nhìn lại 2021, có thể kể việc tàu thăm dò Perseverance của NASA đáp an toàn lên bề mặt sao Hỏa hồi tháng 2, và trực thăng siêu nhẹ Ingenuity mà nó mang theo cũng cất cánh và hạ cánh thành công trong chuyến bay đầu tiên 2 tháng sau đó, đánh dấu một cột mốc mới trong công nghệ thăm dò hành tinh đỏ.

2021 cho thấy du lịch vũ trụ tư nhân chính thức thành hình, với 3 chuyến bay vào không gian của các nhà tỉ phú - Richard Branson (Virgin Galactic, ngày 11-7), Jeff Bezos (Blue Origin, 20-7) và Elon Musk (Space X, 16-9). Trạm không gian quốc tế (ISS) năm qua cũng đón nhiều khách khác thường: một đoàn phim Nga lên để quay bộ phim đầu tiên của nhân loại được ghi hình ngoài không gian, một tỉ phú Nhật Bản cùng trợ lý ghi hình các sinh hoạt đời thường để… đăng YouTube, cả 2 nhóm đều tạm trú 12 ngày.

Dấu ấn của năm, như Hãng AFP điểm lại, chính là khoảng thời gian vài phút vào ngày 11-12, khi số người ngoài không gian đạt mức kỷ lục - 19 người, gồm hành khách trên chuyến bay vào vũ trụ thứ 3 trong năm của Hãng Blue Origin, 2 người Nhật và đội ngũ đang làm việc trên ISS, cùng với các phi hành gia Trung Quốc trên Trạm không gian Thiên Cung của nước này.

Năm mới nhiều kỳ vọng

Năm ngoái khép lại với việc phóng thành công kính viễn vọng không gian trị giá 10 tỉ USD James Webb lên quỹ đạo vào đúng Giáng sinh 2021, với nhiệm vụ nhìn ngược quá khứ hơn 13 tỉ năm. James Webb sẽ là tâm điểm của 2022, một năm quan trọng của khám phá vũ trụ, bởi hàng loạt dự án phải tạm hoãn vì COVID-19 sẽ trở lại vào guồng.

Nói ngắn gọn, 2022 sẽ chứng kiến “một tàu thăm dò hướng tới hành tinh đỏ, một vệ tinh được gửi đi để nghiên cứu sao Mộc và các mặt trăng của nó, và một kính viễn vọng được phóng vào không gian để tìm kiếm bằng chứng về vật chất tối và năng lượng tối”, theo tạp chí Wired.

Cụ thể, dự kiến vào cuối tháng 9, chương trình ExoMars của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), vốn bị hoãn vì COVID-19 trong năm 2020, sẽ chính thức bắt đầu, với tàu thăm dò Rosalind Franklin (Anh) và trạm đổ bộ Kazachok (Nga) được phóng lên sao Hỏa. Hành trình dự kiến mất 9 tháng; sau khi đổ bộ, Rosalind Franklin sẽ thu thập mẫu vật trên bề mặt và phân tích chúng để tìm dấu hiệu của sự sống.

 
 Mô hình tàu thăm dò JUICE và sao Mộc. Ảnh: ESA

ESA cũng sẽ tiến hành một chương trình lớn khác, Cosmic Vision, vào tháng 5, với tàu thăm dò JUICE dự kiến đi vào quỹ đạo của sao Mộc vào năm 2031 để nghiên cứu xem 3 mặt trăng của hành tinh này - Ganymede, Callisto và Europa, được cho là có nước - có phải là môi trường tiềm năng cho sự sống hay không.

Trong nửa cuối năm nay, kính viễn vọng không gian hồng ngoại Euclid dự kiến sẽ được phóng vào quỹ đạo tại điểm Lagrange L2, cách Trái đất 1,5 triệu cây số, để “giúp các nhà khoa học có kiến thức sâu hơn về vật chất tối và năng lượng tối bằng cách đo chính xác hình dạng của các thiên hà ở nhiều khoảng cách khác nhau so với Trái đất”, theo Wired.

Một thứ đáng để nhìn lên và trông đợi khác là Artemis 1, nhiệm vụ đầu tiên trong 3 nhiệm vụ thuộc dự án đưa con người trở lại Mặt trăng của Mỹ, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 3 tới. Theo báo New York Times, với Artemis 1, hệ thống phóng không gian SLS của NASA sẽ đưa tàu vũ trụ Orion không có phi hành đoàn lên quỹ đạo xung quanh Mặt trăng rồi quay lại, “tiền trạm” cho nhiệm vụ kế tiếp Artemis 2, chuyến bay có phi hành gia vào năm 2024, và cuối cùng là Artemis 3, đổ bộ lên Mặt trăng.

 
 Ảnh chụp tinh vân Carina của kính viễn vọng không gian Hubble, khi nhìn bằng ánh sáng viễn kiến (trái) và tia hồng ngoại. -Ảnh: NASA

Đời có như phim?

Cốt truyện của Don’t Look Up rất đơn giản: 2 nhà khoa học cố gắng cảnh báo Nhà Trắng về một sao chổi khổng lồ sẽ quét sạch sự sống trên Trái đất sau 6 tháng, nhưng không ai muốn nghe hoặc tin.

Dù đây là bộ phim châm biếm với nhiều ngụ ý về vấn đề khác chứ không riêng thảm họa từ vũ trụ (xem thêm bài trang 42 số báo này), nhưng câu chuyện bề mặt của nó - nguy cơ sao chổi một lần nữa “tiêu diệt” sự sống trên Trái đất như đã từng quét sạch loài khủng long 66 triệu năm về trước - thật đến mức nào?

Đây là câu hỏi mà nhà thiên văn học, tiến sĩ Amy Mainzer, cố vấn khoa học chính của Don’t Look Up, nhận được nhiều nhất kể từ khi phim khởi chiếu. Mainzer là cựu chuyên gia nghiên cứu của NASA, hiện là giáo sư Đại học Arizona, chuyên tìm kiếm các tiểu hành tinh và sao chổi có khả năng hướng về phía Trái đất. Trong một cuộc phỏng vấn với trang Den of Geek, Mainzer cho biết nhiều chi tiết trong phim không phải là chuyện bịa, chẳng hạn khoảng thời gian 6 tháng để sao chổi đến Trái đất là con số chính xác, tính toán trên các thông số về kích cỡ sao chổi, hướng di chuyển, vận tốc…

Một thông tin thú vị khác về mặt khoa học: sao chổi trong phim lấy hình mẫu từ sao chổi Neowise trong đời thật, được tàu thăm dò đối tượng gần Trái đất của NASA phát hiện tháng 3-2020. Sao chổi này có đường kính khoảng 5km ở phần lõi. Lần cuối cùng sao chổi này được trông thấy từ Trái đất là tháng 7-2020, khi nó đang hướng về Mặt trời.

 
 Minh họa nhiệm vụ DART - đổi hướng tiểu hành tinh để thử nghiệm phương án bảo vệ trái đất. Ảnh: NASA

Don’t Look Up chính thức phát hành hôm 5-12, chỉ 2 tuần sau khi NASA tiến hành một dự án khá liên quan đến nội dung phim: phóng tàu vũ trụ DART lên không gian với mục tiêu thay đổi quỹ đạo của 2 tiểu hành tinh, nhằm “kiểm tra công nghệ bảo vệ hành tinh mà một ngày nào đó có thể được sử dụng để làm chệch hướng các tiểu hành tinh nguy hiểm trong quá trình va chạm với Trái đất”.

“So với tình huống xấu nhất trong phim thì nhiệm vụ DART thế nào?”, trang The Verge đặt câu hỏi cho tiến sĩ Mainzer, và cựu chuyên gia NASA trả lời: “Những gì thấy trong phim là tình huống tệ nhất và cũng cực kỳ khó xảy ra trong cuộc đời của chúng ta hoặc thậm chí một vài thế hệ nữa. Đó là tin tốt. Nếu đối tượng đủ nhỏ và ta có đủ thời gian, chỉ cần va vào nó và cố gắng đẩy nó ra khỏi đường đi như cách làm mà DART sẽ chứng minh tới đây. Đơn giản vậy thôi”. Mainzer lưu ý rằng điều quan trọng hơn là phải phát hiện các vật thể có khả năng “tấn công” Trái đất đủ sớm để có thời gian xem xét và đặt ra nhiều kịch bản ứng phó.

Hai đối tượng của DART là hệ thống tiểu hành tinh đôi gồm mặt trăng nhỏ Dimorphos và thiên thể lớn hơn mà nó quay quanh Didymos. Hai thực thể này không phải là mối đe dọa đối với Trái đất, nhưng vì có đi qua gần hành tinh chúng ta nên được NASA chọn làm mục tiêu. Theo dự kiến, Dimorphos và Didymos sẽ đến vị trí cách Trái đất khoảng 11 triệu km vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10-2022. Khi đó, tàu DART sẽ đâm vào Dimorphos và thay đổi quỹ đạo của nó.

Nếu thành công, DART sẽ đánh dấu “thử nghiệm quan trọng đầu tiên về công nghệ một ngày nào đó có thể trở thành hệ thống phòng thủ hành tinh mạnh mẽ”, theo nhận xét của tạp chí Time. Lại một lý do nữa để nhìn lên trong năm 2022 này.

Trước James Webb, từ năm 1990 NASA đã đưa kính viễn vọng không gian Hubble lên quỹ đạo thấp của Trái đất. James Webb là kết quả của 25 năm nỗ lực và 10 tỉ USD chi phí nghiên cứu, phát triển và chế tạo, nhưng nếu hoạt động như mong đợi, nó mang lại những phần thưởng vô giá.

Gương chính của James Webb là một cấu trúc phức tạp, hợp thành bởi 18 mảnh lục giác bằng vàng và beryli, với chiều ngang 6,5m, to hơn nhiều so với chiều ngang 2,4m của Hubble, vốn có dạng một mảnh, hình tròn. Thiết kế khác nhau vì mục đích khác nhau: Hubble “nhìn” bằng tia cực tím và các bước sóng khả kiến, trong khi Webb “nhìn” bằng tia hồng ngoại. Theo tạp chí Time, điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi “bước sóng tia hồng ngoại là bước sóng mà tín hiệu lâu đời nhất từ các vùng sâu nhất của vũ trụ truyền đến chúng ta”. Nguồn tín hiệu càng xa thì ánh sáng truyền đến chúng ta càng lâu, vì vậy hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy không phải là ngôi sao hay các thực thể ở dạng hiện tại mà là hình ảnh đã xuất hiện từ lâu.

Hubble có thể nhìn khoảng 13,4 tỉ năm trong quá khứ, tức chỉ 400 triệu năm sau Vụ nổ lớn hình thành vũ trụ, trong khi Webb sẽ có thể nhìn lùi thêm 200 triệu năm nữa, thời điểm những ngôi sao đầu tiên nhấp nháy và những thiên hà đầu tiên hình thành. “Đó sẽ là cánh cửa dẫn đến lịch sử vũ trụ vốn luôn đóng lại với chúng ta” - Time nhận định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận