12/09/2022 09:26 GMT+7

Dựng mái trường, mở con chữ

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Năm học này, các cháu nhỏ đồng bào Cor ở thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi được học tập trong ngôi trường mới khang trang thay cho phòng học cũ kỹ ọp ẹp.

Dựng mái trường, mở con chữ - Ảnh 1.

Dù chưa khai giảng nhưng trẻ con trong thôn thường xuyên đến trường chơi, đứa trẻ nào cũng lễ phép chào người ông hiến đất để mình có lớp học khang trang hơn. Đây là niềm hạnh phúc lớn của ông Anh - Ảnh: TRẦN MAI

Ngôi trường mới khang trang ấy là tấm lòng của ông Bùi Văn Anh (73 tuổi, xã Bình An) hiến đất xây dựng.

Ngồi trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ của mình, ông Anh nở nụ cười tươi kể có người bảo ông điên, thửa đất hơn 1.000m2, nằm ở vị trí đẹp nhất thôn, lại ngay mặt tiền đường chính của xã, bán cũng mấy trăm triệu đồng, đi hiến coi như mất trắng. "Họ làm như tôi không biết đếm tiền ấy. Nhưng đời người có hai lựa chọn, hoặc vì mình, hoặc vì mọi người. Tôi hiến đất vì mong con cháu có phòng học khang trang và chọn vì mọi người, đáng quá đi chứ", ông Anh nói.

Nếu không có tấm lòng của bác Anh, cô trò chúng tôi sẽ còn khổ dài. Làm giáo dục ở vùng khó, nhà trường rất biết ơn bác Anh.

Cô NGÔ ÁI PHƯỚC

Lớp học mượn tạm

Bình Sơn là huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi, kinh tế phát triển thần tốc, cuộc sống người dân thay đổi chóng mặt với khu kinh tế Dung Quất là động lực chính. Đi trên con đường từ trung tâm huyện về xã Bình An sẽ cảm nhận đủ đầy sự phát triển ấy. Nhưng thôn Thọ An lại là câu chuyện khác, mảnh đất từng là căn cứ của cuộc chiến tranh vệ quốc, bao năm vẫn thuộc diện khó khăn nhất huyện. Ở đây phần lớn là người đồng bào Cor, cái ăn được cha mẹ đặt trên con chữ cho con. Vậy nên, giáo dục ở đây còn nhiều nhọc nhằn. Để bọn trẻ ra lớp, trường mầm non của xã phải mượn một phòng học của Trường tiểu học Bình An làm điểm lẻ.

Ông Anh mỗi ngày đi làm lại nhìn thấy lớp học tạm bợ ấy vẫn cố giữ lấy chữ nghĩa. Sâu thẳm trong lòng người đàn ông có thân hình nhỏ bé và nước da ngăm đen ấy là nỗi niềm vây kín. Ông ước gì bọn trẻ được học tập trong môi trường tốt hơn.

"Mầm non thì phải có cái phòng sạch đẹp, khu vui chơi, ai lại chỉ trơ trọi cái phòng bé xí, cô trò chen chúc. Nhiều hôm trời mưa, tôi thấy nước tạt ướt vào tận trong phòng. Nhìn cảnh đó tôi chịu không được", ông Anh tâm tình.

Nỗi niềm ấy đi cùng ông qua những tháng năm, ông Anh mỗi lần đi làm trên mảnh đất ngay cạnh trường tiểu học lại nhìn vào lớp mầm non. Thương mà chẳng thể giúp gì được, ông "neo" lòng mình và thỉnh thoảng lại nói cho người thân nghe về lớp học ấy. Mãi đến năm 2021, hay tin chính quyền địa phương cấp kinh phí 500 triệu đồng để xây dựng lớp học mới cụm mầm non Thọ An, ông Anh mừng ra mặt. Để chắc chắn, ông còn lên UBND xã hỏi thăm. Khi biết đó là tin chính xác, ông Anh cũng nghe luôn trăn trở của địa phương tìm mãi vẫn chưa ra vị trí phù hợp để xây dựng trường.

Thọ An, đất không thiếu, nhưng có một nỗi khổ là trẻ mầm non còn quá nhỏ, cha mẹ còn bận kiếm cái ăn không đưa con ra lớp mỗi ngày. Việc đó giao hết cho anh chị học lớp lớn hơn. Chọn vị trí xây điểm lẻ xa trường tiểu học sẽ không phù hợp với thực tế. 

"Mảnh đất của tôi giáp ranh với trường tiểu học, nhưng đền bù cho tôi để thu hồi đất xây trường sẽ tốn một khoản tiền lớn. Vậy nên, tôi quyết định hiến khu đất ấy, để toàn bộ tiền xây trường cho con cháu", ông Anh tâm tình.

Ông Anh không phải là người địa phương, hơn 30 năm trước, ông là một trong những người đầu tiên đi kinh tế mới ở vùng đất khó này. Ngày đó, gia đình ông phải vật lộn với bom mìn và cây dại, khai hoang. Khu vực này đất nghèo, lởm chởm đá nên tốn thêm thời gian cải tạo để biến thành đất sản xuất. Khu đất hơn 1.000m2 vuông vức, bằng phẳng ông hiến xây trường do cả nhà từng vã mồ hôi nhiều năm mới có được. 

Ngồi nhẩm tính, ông Anh bảo rằng mỗi năm mảnh đất cho ông nguồn thu khoảng 10 triệu đồng, nếu bán cũng được 400 triệu đồng là ít. Vị trí quá thuận lợi, ông Anh có thể xây dựng nhà, làm nơi buôn bán. Vậy mà lão nông ấy bỏ qua tất cả toan tính riêng mình để trao gửi lại cho giáo dục. "Dựng cái trường mới mở cái chữ được. Có cái chữ vùng đất này mới khá lên, không hiểu biết thì bọn trẻ cũng làm thuê như cha mẹ chúng thôi", ông Anh tâm sự.

Dựng mái trường, mở con chữ - Ảnh 3.

Ông Bùi Văn Anh có thân hình nhỏ bé, gầy nhom và đen nhẻm, nhưng bên trong thân hình ấy là tấm lòng vàng - Ảnh: TRẦN MAI

Biết ơn và chờ một năm học

Mảnh đất ông hiến xây trường trước đây to lớn hơn và ông từng hiến đất làm đường nối trung tâm xã với thôn Thọ An. Chuyện đã xảy ra ngót 20 năm, nếu lần mở đường tạo thuận lợi cho bà con không bị "giam lỏng" giữa trùng điệp đồi núi, thì lần hiến đất này sẽ mở trí, khơi ý chí cho thế hệ tiếp theo. 

Năm học này sẽ là lần đầu tiên bọn trẻ được học tập trong điểm trường mới khang trang, chính ông Anh cũng chờ đợi ngày khai giảng, để được nhìn thấy các cháu bước vào lớp học mà những lo lắng cũ sẽ bị xóa nhòa.

Ông rồ chiếc xe máy cũ kỹ đến điểm trường Thọ An, chưa đến ngày khai giảng nhưng vài đứa trẻ trong thôn đã đến sân trường chơi cầu trượt, bập bênh. Bọn trẻ vòng tay chào, ông Anh cũng đáp lại bằng nụ cười và trêu bọn trẻ. Nụ cười nở trên môi, ông nói nơi này không chỉ là nơi dạy học mà còn là điểm vui chơi của trẻ con trong thôn. 

Trước đây đứa nào cũng lười ra lớp, còn giờ ra mỗi ngày. Điều đó càng khiến ông hạnh phúc hơn. Khi chọn bỏ đi những toan tính riêng mình, có lẽ ông Anh chỉ mong thấy được hình ảnh này. Với ông, hiến đất xây trường cũng là cách ông tri ân mảnh đất đã cưu mang gia đình ông mấy chục năm qua. "Tôi già rồi, sống mấy năm nữa đâu, tiền bạc có rồi hết. Còn cái trường này sẽ tồn tại mãi mãi", ông Anh nói.

Cô Ngô Ái Phước, hiệu trưởng Trường mầm non Bình An, đã dành tất cả những lời đẹp nhất cho ông Anh. Cô Phước kể về những khốn khó ở điểm trường này trước đây. Và hiện tại điểm trường đạt tất cả những tiêu chí theo quy định của cấp học mầm non. 

"Có trường, giáo viên và phụ huynh đều rất mừng, ai cũng háo hức chờ ngày khai giảng đón năm học mới. Chắc chắn buổi lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 sẽ rất cảm xúc và mở ra một trang mới cho giáo dục mầm non ở Thọ An", cô Phước tâm tình.

Niềm hạnh phúc càng rõ hơn trong nụ cười của cô hiệu trưởng, cô Phước bảo trong thời buổi tấc đất tấc vàng này, kiếm được một tấm lòng như ông Anh không dễ và để đáp lại ân tình ấy, ban giám hiệu sẽ lồng ghép vào trong những buổi dạy bọn trẻ câu chuyện về ông Anh hiến đất xây trường. Cô Phước mong câu chuyện sẽ tồn tại mãi mãi trong lòng học trò. 

Còn trong dân, điểm trường mầm non Thọ An có thêm một cái tên gọi thân thuộc khác là "trường ông Anh". Tên gọi ấy được bà con nhắc đến nhiều hơn cả tên chính thức của điểm trường này. Ở những vùng quê, chúng tôi thường bắt gặp cái tên công trình, địa danh "đóng đinh" qua nhiều thế hệ, đó là cách bà con cảm ơn người có đóng góp cho vùng đất ấy và "trường ông Anh" chắc chắn sẽ còn lưu truyền đến mai sau...

Lan tỏa giá trị tốt đẹp nhất

Ông Võ Thanh Tuấn, chủ tịch UBND xã Bình An, cho biết thật may mắn khi địa phương có một người dân tốt như ông Anh. Việc hiến đất của ông đã tháo gỡ phần khó khăn nhất là mặt bằng xây dựng điểm trường. Ông Anh đã bỏ qua tất cả những tính toán cá nhân vì mục tiêu chung. Việc làm ấy có sức lan tỏa rất lớn khi một hộ dân có mảnh đất liền kề cũng hiến hơn 400m2 để làm sân cho trường tiểu học.

Ông Tuấn bảo gia đình ông Anh không khá giả và gia đình đã mất đi một số tiền rất lớn khi hiến mảnh đất ấy. Ông Anh và gia đình khiến chính quyền địa phương vừa biết ơn vừa cảm phục.

"Để đáp lại tình cảm và trách nhiệm rất lớn của chú Anh, xã đã tuyên dương, khen thưởng và phát trên hệ thống loa phát thanh để bà con toàn xã biết và lan tỏa giá trị tốt đẹp nhất. Chắc chắn câu chuyện chú Anh hiến đất xây trường sẽ còn được nhắc đến để bà con noi gương, chung sức đồng lòng vì sự phát triển của vùng đất còn nhiều khốn khó này. Địa phương rất cảm ơn và biết ơn chú ấy", ông Tuấn nói.

Để đất làm trường sướng cái bụng hơn Để đất làm trường sướng cái bụng hơn

TTO - 'Thấy bọn trẻ tung tăng cắp sách đến trường, có chỗ học hành, vui chơi khang trang, nói thật là vợ chồng tôi ưng cái bụng lắm', già Mong chia sẻ. Nhà ông không có vật dụng nào có giá trị, nhiều nhất là bằng khen, giấy khen...

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên