Đừng ham trở thành người giàu nhất thế giới

HOA KIM 25/05/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Làm giàu từ cryptocurrency (tiền ảo, tiền mã hóa) như Bitcoin là có thật, nhưng phàm cái gì sinh lời cao thì rủi ro cũng lớn. Còn nghe chuyện dễ ăn đến vô lý như chỉ mất 100USD và 6 năm để vượt mặt Jeff Bezos, trở thành người giàu nhất thế giới thì hãy chạy cho xa, nếu không muốn bị lừa đau đớn.

 
 Minh họa: trezor.io

Khi Jonathan (không phải tên thật) tình cờ bắt gặp một bài đăng trên Instagram vào cuối năm 2017 với nội dung khoe lợi nhuận khủng từ tiền mã hóa, anh tưởng mình vừa vớ được mỏ vàng.

Tưởng dễ ăn mà ăn không dễ

“Tôi quyết định nhắn tin cho người đăng bài và được cô ấy giải thích tường tận về đào Bitcoin cũng như lợi nhuận hấp dẫn từ công việc này” - anh nói với Đài ABC (Úc). Theo lời người phụ nữ ấy, nếu làm theo chiến thuật của cô thì lợi nhuận có thể lên đến 50% mỗi tháng.

Ban đầu Jonathan còn bán tín bán nghi, nhưng anh quyết định gửi cho người phụ nữ xa lạ số Bitcoin tương đương 50AUD (khoảng 900.000 đồng) như một phép thử. Một tháng sau, chàng trai 27 tuổi này nhận lại 50AUD tiền vốn cùng với 30 AUD mà người này nói là “lợi nhuận” từ khoản đầu tư nọ của anh.

Tin tưởng vào đối tác làm ăn, hoa mắt vì số tiền kiếm được quá dễ dàng, Jonathan tiếp tục gửi cho người này ngày càng nhiều tiền để “đầu tư sinh lời”, thậm chí còn giới thiệu bạn bè và gia đình để huy động nhiều tiền hơn nhằm kiếm lợi nhuận khủng. Một người bạn thân của Jonathan đã bán xe lấy 10.000AUD để tham gia. Anh cùng nhiều người thân, bạn bè đầu tư từ vài trăm đến vài ngàn AUD mỗi người.

“Sau khi nhận tiền của mọi người, cô ta lặn mất tăm” - Jonathan nói với ABC. Tổng cộng, anh và người thân đã bị lừa mất 20.000AUD. Vụ việc làm rạn nứt các mối quan hệ của Jonathan, một số bạn bè của anh cho đến giờ vẫn nhất quyết không nói với anh nửa lời.

“Tôi cho họ thấy lợi nhuận từ việc mình làm và ra sức quảng cáo về nó, gần như một người bán hàng thay cho kẻ lừa đảo” - anh nói và thổ lộ mình đã trải qua “một thời gian thật sự khó khăn về mặt tinh thần” sau sự việc.

Các nạn nhân như Jonathan không phải là trường hợp cá biệt ở Úc. Ủy ban Cạnh tranh và tiêu dùng nước này thống kê nạn nhân của những vụ lừa đảo đầu tư tiền ảo đã mất khoảng 14,76 triệu AUD trong 7 tháng đầu năm 2019, và số lượng các vụ lừa đảo tiền ảo có dấu hiệu gia tăng kể từ đầu dịch COVID-19.

Cách thức lừa đảo quen thuộc nhất là thông qua mạng xã hội, sử dụng hình ảnh người nổi tiếng hoặc tạo các sàn giao dịch trực tuyến giả mạo để đánh lừa nạn nhân. Những kẻ lừa đảo thường yêu cầu nạn nhân chuyển tiền cho mình bằng Bitcoin hoặc các loại tiền mã hóa khác, vì các giao dịch này không thể đảo ngược và không yêu cầu thông tin cá nhân, nói cách khác là không cách gì truy vết.

Đối với những nạn nhân như Jonathan, việc lấy lại tiền còn khó hơn lên trời. Khi anh trình báo sự việc với cảnh sát, câu trả lời nhận được là: “Anh mới mất có 20.000AUD, chúng tôi biết có người còn mất tiền triệu kia kìa”.

 
 Các loại tiền mã hóa.

Ma trận tiền ảo

Đào Bitcoin đòi hỏi phần cứng máy tính đủ sức giải các bài toán phức tạp trong thời gian nhanh nhất. Yếu tố đó tạo nên sự khan hiếm thực tế cho đồng tiền mã hóa này và ảnh hưởng một phần đến giá trị giao dịch của nó trên thị trường. Đây là điểm khác biệt chính yếu giữa Bitcoin và một số đồng tiền ảo đang nổi lên thành hiện tượng như Dogecoin hay Shiba Inu Coin - những loại tiền ảo dường như không mang giá trị tự thân, Susannah Streeter - nhà phân tích thị trường và đầu tư cấp cao tại Hargreaves Lansdown - nói với tờ The Sun.

Đồng Dogecoin ra đời năm 2013, xuất phát từ ý tưởng chế giễu Bitcoin của doanh nhân người Úc Jackson Palmer. Ông đặt tên đồng tiền theo một “meme” (ảnh chế) trên Internet về chú chó shiba inu với vẻ mặt ngáo ngơ hài hước. Đồng tiền trở thành hiện tượng khi nhận được sự chú ý của ông chủ Tesla - tỉ phú Elon Musk.

Tương tự, một đồng tiền khác ăn theo Dogecoin mang tên Shiba Inu Coin cũng chứng kiến tăng trưởng nóng trong thời gian gần đây. Giá đồng tiền ảo này đã tăng 50 lần từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay, trang news.com.au dẫn số liệu từ CoinMarketCap.

Theo Streeter, đồng Shiba Inu Coin được tạo ra để trở thành đối thủ trực tiếp của Dogecoin. “Nó sử dụng hình ảnh của cùng một chú chó đã trở thành hiện tượng mạng, nhắm đến bắt chước thành công của Dogecoin trong việc biến một trò đùa thành một cỗ máy kiếm tiền” - bà nói.

Nhưng nhìn chung, giá trị của cả 2 đồng này cũng như những đồng tiền ảo tương tự đều phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm của thị trường và không có gì đảm bảo nhà đầu tư có thể bán chúng để lấy tiền ngay cả khi giá những đồng này lên cao.

“Các nhà đầu tư nên tiếp cận giao dịch tiền ảo một cách hết sức thận trọng… và chỉ đầu tư với số tiền mà họ sẵn sàng mất” - Streeter khuyến cáo.

Sàn lớn cũng sập

Tháng 4-2021, Thodex - một sàn giao dịch tiền ảo lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ - đột ngột dừng hoạt động, khiến toàn bộ tiền của các nhà đầu tư bị đóng băng và không thể rút ra được. Vào thời điểm đóng cửa, sàn Thodex có gần 400.000 tài khoản đang hoạt động với tổng số tiền ảo được định giá khoảng 2 tỉ USD - theo Oguz Evren Kilic, luật sư đại diện cho nhóm các nhà đầu tư đang đâm đơn kiện Thodex.

Trước khi dừng hoạt động, Thodex định vị hình ảnh là sân chơi của những người thành đạt, và những mẩu quảng cáo của sàn này thường có sự xuất hiện của những người nổi tiếng bên cạnh chiếc xe hơi đắt tiền mới cáu.

Dù tiền mã hóa chứa đựng nhiều rủi ro, ngày càng nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang lựa chọn nó thay cho các khoản gửi tiết kiệm truyền thống trong bối cảnh đồng lira liên tục mất giá và đã giảm hơn 1/4 giá trị so với đồng USD chỉ trong năm ngoái, theo báo New York Times.

Nhà sáng lập kiêm CEO Faruk Fatih Ozer được cho là đã kịp đáp máy bay sang Albania lánh nạn trước khi vụ việc vỡ lở, theo Hãng thông tấn nhà nước Anadolu. Tuy nhiên, trong một tuyên bố trên trang web của Thodex, Ozer nhấn mạnh ông rời khỏi đất nước chỉ để tham vấn ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài và hứa sẽ quay về. Ông khẳng định “chưa có ai là nạn nhân của Thodex” và cho rằng các cáo buộc chống lại mình và công ty là một “chiến dịch bôi nhọ”, đồng thời đổ lỗi việc đóng cửa sàn Thodex cho một cuộc tấn công mạng.

 

Lợi nhuận không tưởng

Một thủ đoạn quen thuộc của những kẻ lừa đảo là sử dụng người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng và khả năng dẫn dắt dư luận, hoặc dùng chính lời của nạn nhân làm công cụ quảng bá hình ảnh.

Tài khoản Instagram mà Jonathan liên lạc để chuyển tiền có hàng ngàn người theo dõi (follower) kèm theo rất nhiều video do các nhà đầu tư khác tự quay để chia sẻ thành công của bản thân sau khi tham gia, càng khiến anh tin tưởng đây là nhân vật có uy tín trong giới. Chính Jonathan cũng từng được người này mời gọi quay clip chia sẻ cảm nhận sau thời gian đầu chơi tiền ảo có lời.

Theo Jonathan, sở dĩ anh không đề phòng là bởi suy nghĩ đơn giản chính anh là người chủ động liên hệ chứ không bị ai mời chào. “Khi xem lướt qua tài khoản của cô ta, tôi thấy những người khác đang kiếm rất nhiều tiền (từ tiền ảo)” - anh chia sẻ với ABC.

Những kẻ lừa đảo thường tạo cho nạn nhân tâm lý nôn nóng muốn đầu tư ngay bằng cách nhấn mạnh tiền ảo là cuộc chơi “nhanh chân thì còn, chậm chân thì mất” và cơ hội làm giàu không đến lần thứ hai trong đời.

Sự hấp tấp khiến các nạn nhân thường bỏ ngoài tai những lời cảnh báo: đơn vị cung cấp dịch vụ mua Bitcoin bằng tiền mặt mà Jonathan sử dụng đã cố gắng cảnh báo rằng anh có thể đang bị lừa khi thấy anh yêu cầu nâng hạn mức giao dịch trong ngày lên. “Nhưng trong thâm tâm mình khi ấy, tôi cảm thấy (việc mình bị lừa) là điều không thể xảy ra. Niềm hoài nghi không đủ để lấn át lòng tham của bản thân” - Jonathan thừa nhận.

Những kẻ lừa đảo trong lĩnh vực tiền ảo hoạt động giống như mô hình Ponzi - lấy tiền của nhà đầu tư sau để chi trả lợi nhuận cho nhà đầu tư trước. Những vụ lừa đảo tiền ảo đình đám nhất như Bitconnect và USI-Tech đã thu hút hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư trước khi sụp đổ.

Theo nhà bình luận tiền ảo Alex Saunders, cựu thành viên hội đồng quản trị Blockchain Australia, nếu tỉnh táo thì các nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận ra những lời hứa hẹn về lợi nhuận khổng lồ với rủi ro thấp đơn giản là không khả thi cả về mặt kinh tế lẫn toán học.

Một khoản đầu tư 100USD nếu trả lãi gộp 1% mỗi ngày như lời hứa hẹn của những kẻ lừa đảo thì bạn sẽ bỏ túi 290 tỉ USD chỉ trong 6 năm - con số mà người giàu nhất thế giới Jeff Bezos, với khối tài sản xấp xỉ 200 tỉ USD, còn chưa thể chạm đến.■

 
 Đồng Dogecoin

Là người nhiệt thành ủng hộ Dogecoin ra mặt, Elon Musk thường xuyên viết về đồng tiền ảo này trên Twitter - nơi ông có hơn 50 triệu người theo dõi - và những phát ngôn của ông thường khiến giá Dogecoin tăng vọt. Giá đồng tiền ảo này đã tăng 12.000% từ đầu năm và 800% chỉ trong tuần đầu tháng 5, sau khi Musk tuyên bố Công ty SpaceX của ông sẽ chấp nhận thanh toán bằng Dogecoin cho kế hoạch đưa người lên Mặt trăng vào đầu năm 2022. 

Trong diễn biến khác, giá Dogecoin đã giảm 40% sau khi Musk và mẹ xuất hiện trong một chương trình truyền hình ngày 8-5, trong đó vị tỉ phú 49 tuổi gặp khó khăn khi phải giải thích Dogecoin là gì và cuối cùng thừa nhận nó chỉ là “một trào lưu”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận