"Đừng cuồng si tỉ lệ tăng trưởng"!

DANH ĐỨC 02/05/2011 00:05 GMT+7

TTCT - Kinh tế gia người Ấn Độ đoạt giải Nobel kinh tế 1998 Amartya Sen không ngừng nhắc nhở chính phủ nước ông về cám dỗ chạy đua tỉ lệ tăng trưởng. Mới đây trên tờ New York Review of Books (1), ông lại cảnh báo chính phủ nước mình về căn bệnh này.

Phóng to
Người Ấn có thời gian đi học là 4,4 năm so với 7,5 năm ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Thật ra, bài mới đăng trên tờ New York Review of Books là bản đã được “tự biên tập” gọn gàng của bài đăng hôm 14-2 trên tờ The Hindu (2), vốn mang tính chất blog hơn. Đoạn được bỏ như sau:

“Một sáng sớm tôi bị một ai đó gọi điện thoại đánh thức nói rằng người ấy rất thích cuộc tranh luận do tôi phát động về sự tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Tôi chẳng hiểu gì cả do lẽ tôi đâu có dính vô một cuộc tranh luận nào. Vắt nát óc mới nhớ ra rằng trong một cuộc họp của Hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Delhi tháng 12 năm ngoái, tôi có nói: “Thật là ngây ngô khi cứ bị ám ảnh làm sao qua mặt Trung Quốc về tỉ lệ tăng trưởng tổng sản lượng quốc dân (GNP), trong khi không chịu so sánh chúng ta với Trung Quốc trong những lĩnh vực khác, như giáo dục, y tế cơ bản hoặc kỳ vọng tuổi thọ”. Do câu nhận xét đó đã được suy diễn theo nhiều cách khác nhau, tôi nghĩ tôi cũng nên giải thích ý nghĩa của nhận xét”.

Và GS Amartya Sen nhắc lại việc tỉ lệ tăng trưởng của Ấn Độ những năm gần đây cứ đều đều ở mức 8%/năm, dự kiến năm nay sẽ đạt 9%, đã khiến không ít người (Ấn) nức lòng trông mong Ấn Độ sẽ bắt kịp, thậm chí còn qua mặt mức 10%/năm của Trung Quốc.

Điều đó buộc nhà kinh tế học hàng đầu người Ấn này phải can ngăn đồng bào ông đừng để bị “bốc” như thế, do lẽ tăng trưởng kinh tế không hề là một mục đích tự thân, trái lại chỉ là một phương tiện thiết yếu giúp đạt những gì ta xem là giá trị. Vấn đề đặt ra, theo ông Amartya Sen, là sự tăng trưởng ấy đã tác động gì đến xã hội, tức chính phủ làm gì với số thu nhập gia tăng ấy.

Ấn Độ - Trung Quốc: Khi các con số biết nói

Qua các số liệu của Ngân hàng Thế giới và Liên Hiệp Quốc (xem bảng 1), GS Amartya Sen nhắc nhở rằng các so sánh trên rất cần cho người Ấn để họ dành sức cho việc bàn bạc chính sách hơn là cứ ngồi đó so sánh mỗi một tỉ lệ tăng trưởng. Với những ai đang e ngại rằng nếu đầu tư thêm nữa cho các mục tiêu xã hội như giáo dục và y tế thì sẽ làm cho Ấn Độ bớt tăng trưởng, ông cảnh cáo rằng muốn hay không muốn, tỉ lệ tăng trưởng GNP, tức tổng sản lượng quốc dân của Trung Quốc, vẫn còn cao hơn Ấn một cách rõ rệt.

Và chính nhờ tổng sản lượng quốc dân cao hơn mà Trung Quốc đã có thể giảm nghèo khó trong một số phương diện và làm cho cuộc sống chất lượng hơn. Nhất là từ sau năm 2004, nhà chức trách Trung Quốc đã nhanh chóng khôi phục quyền được chăm sóc y tế, kết quả là nay Trung Quốc có tỉ lệ dân chúng được bảo đảm chăm sóc y tế cao hơn Ấn Độ.

Theo GS Amartya Sen, Chính phủ Ấn đã chỉ chi 1,1% GDP cho y tế, trong khi Chính phủ Trung Quốc chi đến 1,9% GDP. Hậu quả là ở Ấn Độ, người dân, kể cả người nghèo, phải phó mặc sức khỏe cho y tế tư vốn không có chuyên môn cao. Dân chúng vốn ít hiểu biết nên dễ bị tiền mất tật mang. GS Amartya Sen đặt câu hỏi: liệu Ấn Độ có thể xem chăm sóc y tế như là một trong những vấn đề khẩn cấp?

Ấn Độ - Bangladesh: GNP cao hơn không hẳn sống tốt hơn

GS Amartya Sen khẳng định tỉ lệ tăng trưởng/đầu người cao không nhất thiết sẽ có cuộc sống chất lượng hơn qua so sánh tiếp theo giữa Ấn Độ và Bangladesh (xem bảng 2). Lấy GNP/đầu người tính theo sức mua gần gấp đôi ra mà so thì Ấn Độ bỏ xa Bangladesh với 1.170 USD/đầu người so với 590 USD. Khác biệt này ngày càng lớn khi tỉ lệ tăng trưởng của Ấn Độ gần đây nhanh hơn.

Nhờ đó, Ấn Độ có chỉ số phát triển con người (HDI) cũng cao hơn hẳn Bangladesh. Thế nhưng, GS Sen cũng chỉ ra rằng: làm thế nào mà trong từng lĩnh vực trên, Bangladesh lại làm tốt hơn Ấn Độ cho dù GNP/đầu người chỉ bằng phân nửa?

Câu trả lời là ở Bangladesh, hoạt động sáng tạo của các tổ chức phi chính phủ (như ngân hàng của và cho người nghèo Grameen Bank, và BRAC - sáng kiến giảm nghèo) cùng các chính sách tích cực của nhà nước đã góp phần vào các kết quả trên. GS Amartya Sen quả quyết rằng nếu Bangladesh tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhất định điều kiện sống của dân Bangladesh sẽ tốt hơn, một khi vẫn tiếp tục sử dụng tăng trưởng kinh tế để làm những điều có ích cho dân, thay vì xem tăng trưởng kinh tế và thu nhập đầu người cao như là những mục đích tự thân.

Cuộc tranh luận mà GS Amartya Sen vô tình tạo ra ở Ấn Độ không thừa khi vẫn còn những người “làm kinh tế” theo kiểu chạy theo các con số tỉ lệ GNP, GDP/đầu người, thậm chí đến cấp huyện, xã! Cả đời GS Amartya Sen nghiên cứu và thành danh hầu như trên hướng duy nhất này: xã hội cần chọn lựa như thế nào để giải quyết các bài toán nghèo khó, bất công, thất nghiệp, chất lượng sống...?

Thật ra, chọn lựa của Nobel kinh tế Amartya Sen cũng rất cơ bản: làm kinh tế không để chạy đua tỉ lệ tăng trưởng với các nước, mà để chăm lo cuộc sống của người dân. Từ đảm bảo cho người miếng dân ăn, thức uống no đủ, an toàn đến bảo đảm việc học, việc làm và chăm sóc sức khỏe..., chất lượng cuộc sống đơn giản là vậy thôi.

Bảng 1

Ấn Ðộ

Trung Quốc

Tuổi thọ kỳ vọng

64,4 tuổi

73,5 tuổi

Tỉ lệ tử vong trẻ em

50/1.000 ca

17/1.000 ca

Tỉ lệ tử vong khi sinh

230/100.000 ca

37/100.000 ca

Thời gian đi học

4,4 năm

7,5 năm

Tỉ lệ biết chữ

74%

94%

Tỉ lệ biết đọc nơi phụ nữ tuổi từ 15-24

80%

99%

Tỉ lệ trẻ em được chủng ngừa ba mũi (bạch hầu, ho gà, uốn ván)

66%

97%

Bảng 2

Bangladesh

Ấn Ðộ

Tuổi thọ kỳ vọng

66,9 tuổi

64,4 tuổi

Tỉ lệ trẻ thiếu cân nặng

41,3%

43,5%

Thời gian đi học

4,8 năm

4,4 năm

Tỉ lệ tử vong nơi trẻ em dưới 5 tuổi

51/1.000 ca

66/1.000 ca

Tỉ lệ trẻ em được chủng ngừa ba mũi (bạch hầu, ho gà, uốn ván)

94%

66%

So sánh của GS Amartya Sen dựa trên số liệu của Ngân hàng Thế giới và LHQ

__________

(1) The New York Review of Books, MAY 12, 2011, “Quality of Life: India vs. China”, Amartya Sen
(2) “Amartya Sen Growth and other concerns”, The Hindu, February 14, 2011

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận