Đừng chờ thảm họa mới hành động

NGUYỄN THỊ THỦY 23/04/2016 19:04 GMT+7

TTCT- Hiện nay, gần như toàn bộ nước cung cấp cho khoảng 10 triệu dân của TP.HCM đang phụ thuộc vào sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) có hệ thống bể trữ nước sạch đáp ứng nhu cầu thành phố trong chừng nửa ngày. Điều đó có nghĩa là nếu có vấn đề nhiễm mặn, ô nhiễm kéo dài trên hai con sông này, TP.HCM sẽ chỉ có nước dự phòng trong chưa đầy một ngày.

Nước
Nước

Câu hỏi lớn là làm thế nào để TP.HCM có thể chủ động hơn trong nguồn nước thô cấp vào các nhà máy xử lý qua một quy trình xử lý an toàn và hiệu quả, rồi từ đó thông qua hệ thống các đường ống và trạm bơm lớn nhỏ để cấp nước sạch cho người dân?

Bài viết này chỉ đề cập khâu đầu tiên - bảo đảm an toàn nguồn nước đầu vào cho cụm nhà máy lấy nước trên sông Sài Gòn, vốn bị ô nhiễm nặng và gần đây bị xâm nhập mặn nghiêm trọng.

Quyết định sau thảm họa

Ra quyết định sau thảm họa dường như là một “quy luật” chung của nhiều quốc gia. Nhiều dự báo, cảnh báo thường không được chú ý đến khi nó được chứng minh đúng bằng một thảm họa.

Vào năm 1962-1963, thành phố Rotterdam (Hà Lan) trải qua một trận khủng hoảng nước sạch thật sự do nước biển xâm nhập, độ mặn trong nước sông đang cung cấp nguồn cho các nhà máy lên cao, nguồn nước bị ô nhiễm nặng do xả thải công nghiệp và sinh hoạt.

Đó thật sự là một thảm họa đối với thành phố. Nhưng chính thảm họa này đã đưa họ đến một quyết định quan trọng: thực hiện một đại kế hoạch về bảo đảm nguồn nước cấp cho sinh hoạt - xây dựng chuỗi hồ trữ nước thô liên tiếp với công suất trữ đủ cho sáu tháng.

Sau hơn nửa thế kỷ, đại kế hoạch đó vẫn vững vàng bảo đảm thực hiện sứ mệnh cấp nước an toàn cho toàn thành phố.

Tháng 3-2016, ngành cấp nước sạch ở TP.HCM cũng trải qua khoảng thời gian khó khăn vì độ mặn trong nước thô đã lên đến mức kỷ lục trong lịch sử. Hệ thống của các nhà máy nước hiện nay chỉ xử lý các tạp chất khác, không bao gồm chloride (Cl-).

Do đó khi độ mặn trong nước thô tăng cao, có thời điểm gấp hơn 2 lần mức tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, nhà máy đã phải tạm ngừng lấy nước và sản xuất nhiều lần, mỗi lần kéo dài 4-6 giờ liên tục. May mắn là tình hình vẫn trong phạm vi kiểm soát được, người dân TP.HCM chưa phải đối mặt với nạn thiếu nước sinh hoạt kéo dài.

Hiện tượng này ít nhiều gây chú ý tới những người có trách nhiệm liên quan. Thảm họa rồi sẽ đến nếu chúng ta không hành động. Nhưng có lẽ cách làm thông minh hơn là ra quyết định đúng đắn để không phải đối mặt với hậu quả thảm họa.

Lựa chọn giải pháp

Việc lựa chọn một giải pháp cấp nước sạch phù hợp phụ thuộc vào việc thành phố muốn có một hệ thống như thế nào. Liệu thành phố muốn ra quyết định kiểu xoa dịu các vấn đề ngắn hạn, hay muốn thật sự mở đường cho các giải pháp chiến lược dài hạn.

Loại giải pháp đầu tiên dễ được ghi nhận thành tích. Loại giải pháp sau cần rất nhiều công sức để vừa hành động ngay vừa cần sự bền bỉ để nghiên cứu, theo dõi và kể cả chấp nhận hi sinh đất đai dùng cho mục đích khác để phục vụ cấp nước.

Một hệ thống cấp nước nguồn bền vững cần có khả năng bảo đảm nguồn nước đầu vào an toàn cho hệ thống nhà máy nước, kể cả trong các điều kiện biến đổi khí hậu như được dự đoán, đòi hỏi tầm nhìn về quy hoạch không gian, sự ưu tiên trong sử dụng đất, có cơ chế tích hợp đồng bộ vào quy hoạch phát triển từ ngành - địa phương - thành phố.

Có thể tóm tắt các quan điểm tiên tiến trên thế giới trong phát triển và dự trữ nguồn nước thô cho cấp nước là: không khai thác quá mức kết hợp với bảo tồn thiên nhiên, tích hợp đa chức năng. Những giải pháp dài hạn được đánh giá cao khi nó bộc lộ khả năng tồn tại bền vững, có tính linh động, dễ thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Một nhóm chuyên gia Hà Lan cùng các nhà nghiên cứu và những người làm việc trong ngành nước sạch TP.HCM vừa cùng nhau họp bàn về các giải pháp cho nguồn nước thô để bảo đảm cấp nước an toàn mới đây đã đề xuất một số giải pháp cả trong tầm ngắn hạn và trung - dài hạn.

Nhóm giải pháp ngắn hạn:

1. Sử dụng rạch Láng Thé sẵn có; xây dựng con đập nhỏ chặn dòng phía dưới, chỉ cho nước vào rạch từ phía sông Sài Gòn, từ điểm này bơm nước về Nhà máy nước (NMN) Tân Hiệp qua tuyến ống dài khoảng 2km.

2. Xây dựng tuyến ống từ phía trên sông Sài Gòn, đưa về trạm bơm nước thô Hòa Phú sẵn có, sau đó đưa về (NMN) Tân Hiệp.

3. Lấy nước từ kênh thủy lợi N31 sẵn có, nối tuyến ống về (NMN) Tân Hiệp.

Nhóm giải pháp trung - dài hạn:

1. Phát triển việc sử dụng rạch Láng Thé từ ngắn hạn thành giải pháp dài hạn bằng việc: mở rộng, phát triển hành lang xanh dọc tuyến; lựa chọn một vài vị trí thuận lợi dọc dòng chảy, khu ít cư dân và giá đất rẻ để xây dựng hồ trữ nước ngắn ngày; thiết kế hợp lý dòng chuyển tải nước thô dùng cho cấp nước, dòng thoát nước lũ; biến khu vực này thành một tuyến tổng hợp đa chức năng - cấp nước, thoát nước lũ, bảo tồn tự nhiên và đóng vai trò như một lá phổi xanh của thành phố.

2. Phát triển các hồ trữ nước ở vị trí Nàng Âm, Củ Chi, vừa có chức năng lấy nước vào những lúc nước sông không mặn vừa đóng vai trò tiền xử lý nước trước khi đưa vào nhà máy.

Phương án này đòi hỏi một khu vực đất đai tập trung chừng 300ha - một câu hỏi về quy hoạch sử dụng đất.

3. Xây dựng một con đập xoay ngăn mặn trên sông Sài Gòn.

Vấn đề còn tranh luận là cách thiết kế và vận hành thích hợp để bảo đảm nhu cầu giao thông thủy, đồng thời có thể ngăn dòng xâm nhập mặn lấn sâu lên thượng nguồn.

4. Xây dựng tuyến ống dẫn nước từ kênh thủy lợi K45 về (NMN) Tân Hiệp.

Những người hiện trong ngành cấp nước quan ngại về giá nước thô và chất lượng hạ tầng của hệ thống các kênh này khi chuyển tải lưu lượng nước lớn.

5. Giải pháp cuối cùng được đề cập là ý tưởng xây dựng tuyến ống lớn từ hồ thủy lợi Dầu Tiếng về NMN Tân Hiệp, hai tuyến ống song song dài 70 - 80km. Phương án này đã được đề xuất nghiên cứu trong bản kế hoạch cấp nước tổng thể cho TP.HCM, do Thủ tướng phê duyệt năm 2012.

Một nhóm nghiên cứu của JICA (Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản) đã có bản nghiên cứu về ý tưởng này. Tuy nhiên, nhóm các chuyên gia Hà Lan cho rằng giải pháp này quá đắt đỏ so với các giải pháp khác, xét cùng mục tiêu là bảo đảm nguồn nước đầu vào cho TP.HCM.

Mặt khác, phương án này cũng không có ưu điểm khi xét đến các tiêu chí chung kể trên: không thể kết hợp đa chức năng để tối ưu hóa hiệu quả vốn đầu tư, không góp phần vào vấn đề bảo tồn thiên nhiên, cải thiện môi trường sống cho TP.HCM.

Các chuyên gia trong và ngoài nước dù thừa nhận cần có thêm nghiên cứu chi tiết, song đều cho rằng giải pháp số 1 hội tụ nhiều ưu điểm hơn cả, xét về mức đầu tư tương đối thấp ban đầu, tính linh hoạt trong tương lai, lại vượt trội về khả năng tích hợp, bảo tồn thiên nhiên, không gian giải trí.

Song điều đó cũng tùy thuộc tầm nhìn và đánh giá mức độ quan trọng của ngành cấp nước sinh hoạt TP.HCM trong việc bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Từ đó, thành phố sẽ phải đưa ra quyết định có thể dành bao nhiêu đất đai phục vụ hoạt động cấp nước sinh hoạt, có thể đưa vùng trũng này thành một dải thiên nhiên tổng hợp đa năng hay không.

PPP - Lời giải về vốn và cơ chế?

Với các kế hoạch dài hạn, đòi hỏi nguồn vốn lớn, cần sự cam kết lâu bền của các bên, hình thức hợp tác công - tư (gọi tắt PPP, Public - Private Partnership) thường được coi như một lối ra cho nhiều bài toán.

PPP hứa hẹn giảm gánh nặng đầu tư công, tăng cường hiệu quả hoạt động thông qua vai trò của các công ty tư nhân, giảm chi phí vận hành bằng bộ máy chuyên môn tinh gọn. Sau hơn 20 năm kể từ những văn bản pháp lý đầu tiên manh nha, đến năm 2015 với nghị định 15/2015/NĐ-CP, Việt Nam đang tạo ra nhiều hành lang pháp lý hơn cho các dự án PPP.

Trên thế giới ngày càng có nhiều người được cung cấp nước sạch thông qua hình thức hợp tác PPP. Tác giả Marin trong cuốn PPP for urban water utilities: A review of experiences in developing countries (tạm dịch: Hợp tác công - tư trong ngành cấp nước: Kinh nghiệm ở các nước đang phát triển) dẫn ra nhiều ví dụ thành công về áp dụng mô hình PPP trong việc nâng cao hiệu quả của ngành cấp nước công cộng, khi khu vực công phải chia sẻ bớt công việc cho khu vực tư - vốn có hiệu suất làm việc cao hơn.

Tuy nhiên, điều đó không dẫn đến kết luận PPP luôn hiệu quả hơn hình thức nhà nước đầu tư truyền thống. Trong cuốn Reclaiming public water (tạm dịch: Giành lại cấp nước công cộng), các tác giả tỏ rõ quan điểm phản đối những hình thức đưa quyền kiểm soát của tư nhân vào việc cấp nước công cộng.

Các mô hình thành công mà nhóm tác giả trình bày là sự làm chủ và kiểm soát của cộng đồng, với sự hỗ trợ của các nhóm phi vị lợi và được khu vực công tạo điều kiện về cơ chế, hướng tới mục tiêu giữ giá nước ở mức thấp, bảo đảm quyền có nước công bằng cho mọi người thông qua hệ thống minh bạch và hiệu quả.

Đối với ngành cấp nước sinh hoạt của TP.HCM, sự tham gia của khối tư nhân từ sản xuất, phân phối và một số khâu dịch vụ trong chuỗi quy trình cấp nước đã rõ ràng. Nhưng bài toán về khối tư nhân trong việc cung cấp nguồn nước thô an toàn vẫn chưa định hình.

Chỉ có một điều rõ ràng là sự tham gia của khối tư nhân vào những đại công trình dài hạn nếu không thông qua cơ chế công khai minh bạch sẽ là một sơ hở lớn, mà hậu quả là sự lệ thuộc của cấp nước công cộng vào một vài thực thể, chi phí đắt đỏ và cuối cùng là chất lượng nước kém đến với khách hàng.

Lạc quan mà nói, ngành cấp nước công cộng TP.HCM đã rất “may mắn” để chỉ mới chạm đến ngưỡng nguy cấp năm nay, trước khi có thảm họa xảy ra. Sự “may mắn” đó có đủ sức cảnh báo thành phố đưa ra các bước chuẩn bị một chiến lược dài hạn hay không?

Điều đó phụ thuộc vào các quyết định dứt khoát và sáng suốt. Nếu chưa đủ, chắc không lâu nữa biến đổi khí hậu sẽ mang tới cho chúng ta một thảm họa thật sự để buộc ta hành động.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận