Xếp hạng đại học: Dự trù cho những biến động nào?

PHẠM THỊ LY 23/09/2015 17:09 GMT+7

TTCT_ Tuần trước, nghị định 73/NĐ-CP về việc phân tầng và xếp hạng đại học đã được ban hành. Nghị định này sẽ được thực hiện như thế nào và tác động ra sao đến hệ thống giáo dục đại học (GDĐH)?

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Nghị định này là nhằm cụ thể hóa điều 9 Luật GDĐH về phân tầng và xếp hạng ĐH. Mà điều này chỉ dẫn việc phân tầng, xếp hạng là nhằm “phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH”, “nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở GDĐH”, “thực hiện quản lý nhà nước”, “đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo” và cuối cùng nhưng rất quan trọng là để “ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước”.

Có thể nói chủ trương phân tầng hệ thống đã được đưa ra dựa trên những nghiên cứu tương đối khách quan, cân nhắc hiện trạng Việt Nam và xem xét bài học kinh nghiệm của quốc tế. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ đề xuất quan điểm và nguyên tắc, không đi vào những vấn đề kỹ thuật cụ thể trong cách thực hiện. Mà trong thực tế nếu cách làm không phù hợp cũng khó mà đạt được mục tiêu.

Ý nghĩa thực của phân tầng và xếp hạng

Phân tầng thực chất là tái cấu trúc hệ thống, còn xếp hạng là nhằm minh bạch về chất lượng của các trường trước công chúng.

Mục tiêu của phân tầng là sắp xếp lại hệ thống GDĐH sao cho hệ thống này bao gồm những trường có sứ mạng khác nhau, phục vụ cho những mục tiêu đa dạng, tạo ra một hệ sinh thái hài hòa nhằm bổ sung cho nhau. Còn xếp hạng là nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường, cung cấp thông tin tham khảo cho người học để họ có quyết định phù hợp.

Rất tiếc là những mục tiêu này không được nêu rõ trong nghị định, bản thân hướng dẫn thực thi nghị định cũng không nói gì đến. Nội hàm nghị định này chủ yếu là những hướng dẫn về mặt kỹ thuật để thực hiện việc phân tầng, xếp hạng.

Câu hỏi “đầu tiên” muôn thuở chính là về chuyện tiền: Việc phân tầng và xếp hạng liên đới như thế nào với việc phân bổ kinh phí (của trường công) và xác định mức học phí thỏa thuận (của trường tư)? Nghị định 73 không nói rõ điều này.

Ở trường tư, vấn đề rất đơn giản: kết quả phân tầng, xếp hạng có thể là lý do biện minh cho mức học phí. Tuy vậy, chấp nhận hay không chấp nhận cách biện minh ấy vẫn là quyền của người học.

Còn ở trường công, có hai cách tiếp cận đối với vấn đề này: (1) coi kết quả phân tầng là cơ sở để phân bổ kinh phí. Ví dụ ưu tiên ngân sách cho các trường ĐH nghiên cứu, và giao kinh phí thấp nhưng mở rộng quyền tự chủ xác định mức học phí cho các trường ứng dụng thực hành; (2) coi phân bổ kinh phí là công cụ để thúc đẩy các trường vận động theo hướng mà Nhà nước mong muốn.

Phân tầng và xếp hạng liên đới như thế nào với việc phân bổ kinh phí (của trường công) và xác định mức học phí thỏa thuận (của trường tư)? Nghị định 73 không cho biết điều này.

Ví dụ Nhà nước muốn khích lệ khoa học ứng dụng thì sẽ công bố những chính sách hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm, học bổng hậu hĩ và điều kiện dễ dàng cho những ngành ứng dụng, hay những quỹ “matching fund”, tức nhà trường xin được một đồng từ các doanh nghiệp thì Nhà nước cho thêm một đồng để thực hiện những nghiên cứu ứng dụng KHCN...

Nhà nước có thể giao nguồn kinh phí rất cao kèm theo các điều kiện ngặt nghèo về kết quả nhằm khích lệ sự ưu tú. Các trường sẽ tự lựa chọn hướng đi của mình thay vì phải xin công nhận hoặc bị áp đặt.

Nghị định không thấy đề cập điều này, nên không rõ Nhà nước có dự định chọn cách tiếp cận thứ hai hay không. Cách thứ nhất thiên về “xin - cho”, trong khi cách thứ hai có tính chất thị trường, kích thích sáng tạo, đổi mới và hiệu quả hơn.

Dự báo tác động chính sách

Mặc dù phân tầng và xếp hạng phục vụ cho những mục đích khác nhau (cho nên lẽ ra phải có tiêu chí và cách làm khác nhau), nhưng nghị định này đã gộp chung hai việc bằng những tiêu chí chung: cả phân tầng lẫn xếp hạng đều dựa vào (i) Vị trí, vai trò trong hệ thống GDĐH; (ii) Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; (iii) Cơ cấu hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; (iv) chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; (v) kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

Như thế nghĩa là việc phân tầng và xếp hạng được thực hiện dựa trên hiện trạng, và chỉ dựa trên những tiêu chí định lượng. Vì dùng chung một bộ tiêu chí nên phân tầng và xếp hạng như thế không có gì khác nhau, chỉ là dựa trên thực tế hiện có chia thành ba loại, trong mỗi loại thì xếp hạng theo tam phân vị dựa trên mức độ đạt được của các tiêu chí.

Và vì không có chỗ nào nói về mục đích của việc phân tầng, xếp hạng nên ta không rõ mục đích phân tầng, xếp hạng là để làm gì, ngoại trừ một điểm duy nhất có chút ít liên quan: “Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý nhà nước dựa trên kết quả phân tầng và xếp hạng cơ sở GDĐH để ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành” (khoản d, điều 13).

Nhưng vì những chính sách ấy cụ thể là chính sách gì thì không ai biết nên sẽ rất khó cho các trường để quyết định con đường nên chọn. Vả lại, các trường cũng không có lựa chọn nào cả, bởi cách làm hiện nay chỉ là đo đạc hiện trạng để định vị các trường và không đem lại một định hướng nào cho các trường để họ có thể xây dựng chiến lược phát triển cho 5-10 năm tới.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là kết quả phân tầng, xếp hạng này đáng tin cậy đến mức độ nào. Nghị định giao cho Bộ GD-ĐT trách nhiệm lựa chọn đơn vị tổ chức thực hiện việc này.

Điều này có thể hiểu được, nhưng chất lượng công việc mà họ thực hiện thì phụ thuộc vào phương pháp tiến hành, trình độ và uy tín của chuyên gia, và nhất là vào phương thức giải trình trách nhiệm của họ trước công chúng. Tất cả những điều này còn là ẩn số lớn.

Nếu kết quả này đáng tin cậy, nó có thể xem là cơ sở để Nhà nước điều chỉnh chính sách nhằm đạt được mục tiêu mong muốn. Nhưng nếu không phản ánh trung thực hiện trạng của các trường thì nó chỉ kích thích thêm bệnh thành tích và phá hủy nốt niềm tin còn lại đối với hệ thống GDĐH trong nước.

Câu hỏi tiếp theo là việc thực hiện phân tầng, xếp hạng như thế có giúp các trường xác định rõ nét riêng của mình trong sứ mạng của nhà trường và tập trung cho sứ mạng ấy, bằng cách đó góp phần tạo dựng sự đa dạng của cả hệ thống?

Câu hỏi này được đặt ra trên cơ sở hiện nay các trường hầu như không có sự phân biệt về sứ mạng: trường nào cũng tự cho mình là trường nghiên cứu trong lúc đầu tư cho nghiên cứu khoa học và thành quả nghiên cứu khoa học thì rất bé nhỏ; trường nào cũng đào tạo đủ mọi loại theo đủ mọi hình thức (chính quy, tại chức, từ xa,...) miễn là có người học; trường nào cũng cố mở chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bất chấp điều kiện thực tế.

Chưa kể trường cao đẳng, trường nghề nào cũng cố nâng cấp thành ĐH, tỉnh nào cũng phải có ĐH trong lúc những trường cao đẳng cộng đồng tập trung đào tạo nghề hai năm hoặc ĐH cộng đồng phục vụ nhu cầu học tập suốt đời thì không được chú trọng mặc dù rất cần cho một xã hội và một nền kinh tế phát triển lành mạnh.

Tình trạng này khiến các trường không có điểm nhấn, do đó cũng không có những đặc trưng mà họ có thể tập trung nguồn lực để làm cho nó trở nên vượt trội. Hệ quả là tính đa dạng của hệ thống bị thủ tiêu. Thực hiện phân tầng, xếp hạng theo cách nghị định nêu liệu có giúp giải quyết tình trạng này? E rằng câu trả lời sẽ là tác động này khá là hạn chế.

Lý do là vì hiện không có chính sách nào rõ ràng sau khi có kết quả phân tầng, xếp hạng, và nhất là vì cách phân tầng, xếp hạng hiện nay vẫn tạo ra khoảng trống để các trường tiếp tục hiện trạng hầm bà lằng, “thích đủ thứ” như hiện nay.

Điều còn thiếu

Như trên đã nói, do không xác định rõ mục đích, cũng như không xác định rõ những chính sách nào sẽ được xây dựng trên cơ sở kết quả phân tầng, xếp hạng, rất khó có thể nói việc phân tầng, xếp hạng sẽ tác động như thế nào đến hệ thống, ngoại trừ một điểm có thể thấy rõ là khả năng kích thích thêm bệnh thành tích.

Việc phân tầng chỉ có ý nghĩa khi mỗi loại trường khác nhau có những mục tiêu khác nhau, phục vụ những đối tượng và nhu cầu khác nhau của xã hội.

Vì vậy nó cần có những chiến lược, cơ cấu quản trị và cấu trúc tài chính khác nhau, tiêu chuẩn nhân sự và chính sách tuyển sinh khác nhau.

Ví dụ, trường ĐH cộng đồng nhằm phục vụ nhu cầu học tập suốt đời, cập nhật kiến thức của giới quản lý và chuyên môn bậc trung nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế của địa phương, nên không chú trọng nhiều lý thuyết mà chủ yếu nhằm vào thực hành, ứng dụng; chuyên ngành gắn với những lĩnh vực phù hợp đặc điểm địa phương...

Những trường này cần xây dựng quan hệ chặt chẽ với giới doanh nghiệp ở địa phương, cần có sự tham gia của họ trong hội đồng trường, trong các nhóm xây dựng chương trình đào tạo...

Trong khi đó các trường ĐH nghiên cứu có mục tiêu kiến tạo tri thức và đào tạo lực lượng hàn lâm kế thừa, nên đầu vào phải tuyển những người có năng lực trí tuệ cao và tố chất phù hợp công việc học thuật.

Những trường này phải chú trọng xây dựng mối quan hệ với giới hàn lâm quốc tế, phải có năng lực cạnh tranh trong việc giành các quỹ tài trợ nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như hướng tới những vấn đề toàn cầu và là cầu nối của đất nước với thế giới bên ngoài.

Để làm được việc đó, tiêu chuẩn tuyển dụng nhân sự của họ phải khác với ĐH cộng đồng, chú trọng thành tích nghiên cứu và uy tín quốc tế. Cách quản lý tài chính và nhân sự của họ cũng phải khác nhằm đảm bảo một mức độ tự chủ đáng kể cho giới học thuật.

Không có những khác biệt đó thì phân tầng chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy sẽ không có lợi cho hệ thống nếu tất cả các trường đều chạy đua để được công nhận là ĐH nghiên cứu (nếu nó kèm theo những ưu đãi lớn về kinh phí hay cơ chế).

Nhà nước có thể dành những điều kiện thuận lợi về tài chính cho ĐH nghiên cứu, nhưng phải kèm theo những đòi hỏi ngặt nghèo về kết quả, ngặt nghèo đến nỗi nhiều trường sẽ không chọn trở thành ĐH nghiên cứu, đơn giản là vì khoảng cách quá xa so với hiện trạng. Thay vào đó, họ sẽ chọn trở thành ĐH ứng dụng hay thực hành. Điều quan trọng là chính sách phải tạo ra không gian cho họ phát triển. ■

(*) Điều 9 được đưa ra dựa trên nghiên cứu của dự án GDĐH 2 của Bộ GD-ĐT với sự bảo trợ của Ngân hàng Thế giới mà kết quả của hợp phần quản trị ĐH là bản quy hoạch tổng thể hệ thống GDĐH Việt Nam. Nghiên cứu này do giáo sư Martin Hayden (trưởng nhóm) cùng một số chuyên gia tư vấn trong nước thực hiện.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận