“Dụ” nhân viên trở lại văn phòng: Mật ngọt cỡ nào cũng không chết ruồi

TUẤN SƠN 26/04/2022 20:00 GMT+7

TTCT - Để lôi các nhân viên đã quen với không gian làm việc cách giường ngủ vài bước chân ra khỏi bộ đồ ngủ và bắt họ hòa vào dòng xe đông đúc vài tiếng mỗi ngày để trở lại văn phòng làm việc là điều không đơn giản, nhất là khi đa số đã một lần trải nghiệm cảm giác thoải mái không gì sánh bằng của không gian làm việc tại gia.

 
 Ảnh: Financial Times

Các nghiên cứu đã chỉ ra điều mà người làm công đã cố gắng giãi bày với sếp mình từ lâu: làm việc tại nhà giúp họ hạnh phúc hơn, cải thiện sức khỏe và thậm chí gia tăng năng suất so với có mặt tại văn phòng, theo báo The Guardian.

Giờ đây, khi “phòng dịch” không còn là lý do chính đáng để duy trì hình thức làm việc từ xa, nhiều công ty đã phải áp dụng đủ hình thức chiêu dụ, “hối lộ”, thiếu điều năn nỉ để người lao động chịu quay lại làm việc tại công sở.

Họ phải “mềm nắn rắn buông” bởi đã có bài học kinh nghiệm nóng hổi: Nhà băng Mỹ JPMorgan mới đây đã phải chấp nhận nhượng bộ - đồng ý tiếp tục mô hình linh hoạt (50% vị trí buộc phải trở lại, 40% xen kẽ, và 10% hoàn toàn ở nhà) sau khi vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các nhân viên liên quan đến kế hoạch buộc tất cả nhân sự quay lại văn phòng.

Nhận ra ép uổng không phải đối sách thích hợp để lấp đầy chỗ ngồi tại các trụ sở tiền tỉ, nhiều công ty công nghệ hàng đầu đang tung ra nhiều đãi ngộ hấp dẫn dành cho nhân viên làm việc trực tiếp. Hội sở của ứng dụng gọi xe Uber tại San Francisco vừa được tân trang với không gian làm việc nhìn thẳng ra mảng xanh mướt mắt - thiết kế được kiến trúc sư trưởng lý giải là để “khiến các nhân viên cảm thấy như đang ngồi trong một ngôi nhà trên cây”.

Nhân viên Google thì được mời tham dự một đêm nhạc độc quyền của rapper nổi tiếng Lizzo dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4. Công ty này cũng có kế hoạch tổ chức một loạt sự kiện ngẫu hứng với “bộ đôi yêu thích của mọi nhân viên Google: thức ăn và quà tặng miễn phí”, theo báo New York Times. Khi Microsoft mở lại văn phòng ở Washington vào cuối tháng 2, các nhân viên được thưởng thức hòa nhạc, nếm thử bia rượu, chơi đánh cờ người và tham gia miễn phí các lớp học làm đồ thủ công.

Một số văn phòng của Ngân hàng Goldman Sachs hứa hẹn bữa sáng và bữa trưa miễn phí cùng tiền phụ cấp ăn tối cho các nhân viên đến văn phòng (dù có người mỉa mai rằng số tiền phụ cấp $25 còn không đủ mua một cái bánh burrito giao tận nơi). Công ty bất động sản CoStar chơi lớn khi treo giải một xe điện Tesla cho nhân viên may mắn nhất, cũng như bốc thăm mỗi ngày với giải thưởng tiền mặt lên đến 10.000 USD.

Với những người không biết nhờ ai trông giùm thú cưng để đi làm, nhiều công ty thẳng tay chi luôn “phụ cấp thú cưng” để hỗ trợ nhân viên chi trả dịch vụ trông giữ chó mèo, hoặc cho phép mang thú cưng đến nơi làm việc, theo The Guardian. Một mạng xã hội với nội dung người lớn còn muốn mô phỏng môi trường làm việc “như ở nhà” theo đúng nghĩa đen khi cho lắp đặt các buồng riêng tư để nhân viên tự giải quyết nhu cầu sinh lý ngay tại nơi làm việc.

Trước khi COVID-19 ập đến, các công ty công nghệ lớn nhất đã bỏ ra hàng tỉ USD để xây dựng các văn phòng đồ sộ xứng tầm tuyệt tác kiến trúc và là tượng đài cho thành công tài chính của họ. Những văn phòng đẹp lung linh được trang bị đầy đủ tiện nghi là minh chứng cho niềm tin lâu nay rằng tương tác trực tiếp vẫn là tốt nhất để thúc đẩy sáng tạo, truyền cảm hứng đổi mới và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp.

Nhưng đối với nhiều nhân viên trót ưa thích sự tự do của làm việc từ xa, việc quay trở lại văn phòng - cho dù được tô vẽ thế nào - vẫn mang lại cảm giác sợ hãi như học sinh đến mùa tựu trường sau kỳ nghỉ hè. Một khảo sát của Đại học Stanford cho thấy đa số người lao động chỉ muốn đến văn phòng 2 hoặc 3 ngày mỗi tuần, trong khi có đến 1/3 không bao giờ muốn quay lại làm việc trực tiếp. “Làm việc tại nhà có rất nhiều ưu điểm. Tại sao chúng tôi lại muốn quay lại văn phòng chứ?” - một nhân viên Apple giấu tên phần trần với Bloomberg.

Và các công ty cũng đã bé cái lầm khi cho rằng thức ăn miễn phí và những buổi trình diễn âm nhạc sẽ giúp lôi kéo nhân viên trở lại, theo kết quả một khảo sát của Fortune được thực hiện qua mạng xã hội LinkedIn. Hơn 1/3 người trả lời cho biết động lực lớn nhất của họ khi quay lại văn phòng rất đơn giản: để gặp gỡ giao lưu với đồng nghiệp. Chỉ 5% xem các buổi tiệc và thức ăn miễn phí là động lực hàng đầu để đến công sở.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận