Trong số này có 70 đại biểu là khách quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Cu Ba, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nga, New Zeland, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sự hiện diện đông đảo của đại biểu quốc tế và trong nước cho thấy tác hại và hậu quả của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam đã được dư luận thế giới khẳng định.
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã khẳng định: "Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin là nỗi đau chung của toàn nhân loại. Hội nghị này là diễn đàn quốc tế tập hợp, đoàn kết những người có lương tri cùng đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của các nạn nhân. Đó không chỉ là cuộc đấu tranh vì các nạn nhân Việt Nam mà còn vì nạn nhân ở nhiều nước trên thế giới; không chỉ vì một thế hệ mà vì nhiều thế hệ; không chỉ vì cuộc sống của các nạn nhân mà còn vì một thế giới hòa bình, công lý".
Hội nghị đã dành thời gian nghe các nạn nhân chất độc da cam của Mỹ, Hàn Quốc, Úc và Việt Nam trực tiếp kể về những tác động ghê gớm của chất da cam/dioxin đối với sức khỏe con người và tố cáo tội ác của các công ty hóa chất Hoa Kỳ.
Bà Joan A.Duffy Newberry, thiếu úy quân đội Mỹ phục vụ tại căn cứ vịnh Cam Ranh, bị ung thư vì chất da cam/dioxin cho biết: "Nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc tôi mới biết vịnh Cam Ranh hàng ngày vẫn bị rải chất độc da cam. Như đa số các cựu chiến binh Mỹ, tôi không hề biết về chất da cam cho đến khi tôi đọc biết những vấn đề sức khỏe của các cựu chiến binh. Lúc đó tôi mới biết đến mối liên hệ giữa phơi nhiễm dioxin và bệnh tật".
Bà khẳng định: "Chất da cam sử dụng ở Việt Nam nhiều độc tính hơn hẳn chất được sử dụng ở Hoa Kỳ. Các công ty hóa chất rất ít quan tâm đến vấn đề kiểm soát chất lượng thuốc diệt cỏ để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, lượng tạp chất dioxin rất cao phát sinh trong quá trình sản xuất vội vã và cẩu thả".
Tại hội nghị cũng có những bằng chứng khoa học không thể bác bỏ về mối liên hệ giữa chất diệt cỏ Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam với các loại bệnh tật của các nạn nhân do các nhà khoa học quốc tế dày công nghiên cứu trong nhiều năm qua, trong đó có nhà khoa học người Nga.
Đặc biệt, tại hội nghị, đại diện cho nhiều tổ chức xã hội các nước đã lên tiếng kêu gọi những người có lương tri trên toàn thế giới cùng chia sẻ với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhất là các nạn nhân sau chiến tranh tại Việt Nam. Các nhà hoạt động xã hội quốc tế cho rằng sự chia sẻ này cần phải được thể hiện bằng các hành động và việc làm thiết thực trước khi quá muộn.
* Nhân dịp này Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có “Thư ngỏ gửi Tòa phúc thẩm Lưu động số 2 Tòa án Liên bang Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, kêu gọi trả lại công lý cho các nạn nhân Việt Nam.
Ban tổ chức đã trưng bày gần 60 bức ảnh mang chủ đề "Hãy hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin" với 4 nội dung: "Sự hủy diệt", "Nỗi đau xuyên thế hệ", "Vượt lên số phận", "Lương tri và hành động".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận