“Du lịch sinh con”: Khi cả người Canada cũng không còn lịch sự

DAN BILEFSKY 
 18/01/2019 03:01 GMT+7

TTCT - Melody Bai tới Vancouver từ Trung Quốc khi thai kỳ đã vào giai đoạn cuối với một mục tiêu duy nhất: để con cô có quốc tịch Canada.

Tấm hộ chiếu Canada đủ hấp dẫn để du lịch sinh con trở thành một ngành kinh tế thực thụ. Ảnh: scmp.com
Tấm hộ chiếu Canada đủ hấp dẫn để du lịch sinh con trở thành một ngành kinh tế thực thụ. Ảnh: scmp.com

 

Chờ đón Bai là cả một hệ sinh thái công phu phục vụ những phụ nữ có thai từ Trung Quốc sang, trong đó có một “nhà dưỡng con” rộng rãi mà cô lưu trú trong 4 tháng, do một quản gia nói tiếng Quan Thoại trông nom. Những người chăm sóc làm matxa ngực miễn phí để dễ có sữa, đưa đi thương xá, dạy cách sinh con với những phụ nữ Trung Quốc khác sắp làm mẹ và tổ chức những buổi dã ngoại thưởng trà.

Quyền của đất

Đó là đầu tư cho học vấn của con tôi - cô Bai, một tiếp viên hàng không 28 tuổi, nói qua điện thoại từ Thượng Hải, mấy tháng sau khi trở về Trung Quốc với đứa con mới sinh và tấm hộ chiếu trong tay - Chúng tôi chọn Canada vì môi trường tự nhiên và xã hội tốt hơn của nước này”. Cô Bai là một ví dụ của hiện tượng đang ngày càng phổ biến ở Canada được gọi là “du lịch sinh con” (birth tourism).

Vấn đề này không chỉ gây phản đối chính trị mà còn khiến nhiều người tự giao cho mình vai trò giữ gìn trị an quyết tâm ngăn chặn nó. Mà du lịch sinh con hoàn toàn hợp pháp ở Canada.

Theo nguyên tắc jus soli (tiếng Latin: quyền của đất), người sinh ở Canada tự động có quốc tịch. Nhưng khi ngày càng nhiều phụ nữ có thai tới Canada để sinh con, nhiều người Canada đang phản đối là những phụ nữ đó lợi dụng pháp luật, thử thách những giới hạn của lòng khoan dung và làm giảm giá trị của khái niệm quốc tịch.

Ở Richmond, thành phố ngoại ô Vancouver với 53% trong khoảng 200.000 dân là gốc Hoa, những người mẹ không phải cư dân thường trú chiếm 1/5 các ca sinh tại Bệnh viện Richmond, tỉ lệ lớn nhất những ca sinh con của người không thường trú xét trên mọi bệnh viện ở Canada, theo một báo cáo gần đây.

Du lịch sinh con có thể hợp pháp, nhưng trái đạo lý và bất lương” - Joe Peschisolido, dân biểu liên bang thuộc Đảng Tự do đại diện cho Richmond, nói. Ông đã trình lên liên bang một thỉnh nguyện đơn chống nạn du lịch sinh con, và Bộ trưởng di trú liên bang Ahmed Hussen nói ông sẽ nghiên cứu vấn đề này.

Tập quán này cho thấy Canada, và British Columbia nói riêng, đã trở thành một chốn nương náu cho những người Trung Quốc giàu có muốn tìm nơi trú ẩn cho của cải và thân nhân.

Vấn đề quốc tịch theo nơi sinh đã được thế giới quan tâm hồi tháng 10-2018 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông muốn xóa bỏ nó, mặc dù nó được Hiến pháp Mỹ công nhận. Ít nhất 30 nước khác, trong đó có Canada, Mexico và Brazil, cấp quốc tịch theo nơi sinh một cách tự động. Những nước như Vương quốc Anh và Úc đã siết chặt luật pháp với quy định bắt buộc cha hoặc mẹ phải là công dân hoặc thường trú nhân vào lúc đứa con ra đời.

Thể hiện ý định muốn đưa di trú thành một vấn đề trong cuộc bầu cử liên bang năm 2019 ở Canada, Đảng Bảo thủ - đảng đối lập chính thức tại Hạ viện - hồi mùa hè 2018 đã thông qua một kiến nghị không có tính ràng buộc pháp lý kêu gọi bãi bỏ quyền quốc tịch theo nơi sinh vô điều kiện.

Trong một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu chính sách công, Andrew Griffith - cựu vụ trưởng di trú thuộc Bộ Di trú, tị nạn và quốc tịch Canada - chỉ ra rằng số trẻ em do những người không thường trú sinh ở Canada cao hơn ít nhất 5 lần so với ước tính trước đây: 1.500 - 2.000 ca mỗi năm.

Ông Griffith cho rằng Canada có ý định cấp quốc tịch theo nơi sinh cho những người muốn sinh sống và làm việc tại đất nước này. “Vì những người du lịch sinh con không có hoặc hiếm có mối gắn kết thực sự nào với Canada - ông nói - Tập quán này đang thách thức giá trị fair play (chơi đẹp/công bằng) rất đặc thù Canada”.

Với ngày càng nhiều các siêu thị thực phẩm Trung Quốc, báo chí tiếng Hoa và đông đảo người chăm sóc nói tiếng Quan Thoại, Richmond đã trở thành căn cứ địa cho những du khách từ Trung Quốc sang sinh con. Hiện có khoảng 20 nhà dưỡng con đang hoạt động.

Ghé thăm khoảng 15 địa chỉ như vậy, ta có thể thấy có chỗ hoạt động công khai, có chỗ chỉ có giấy phép là hãng du lịch hoặc tự xưng là cho thuê nhà nghỉ du lịch. Có chỗ là nhà đơn lập. Có chỗ trong chung cư. Nhiều nơi được đặt chỗ thông qua các đại lý và người môi giới ở Trung Quốc.

Đóng góp hay ký sinh?

Trong một lần ký giả ghé một chỗ như vậy, nhà trọ Baoma, một ngôi nhà hiện đại đối diện một công viên, một phụ nữ có thai gần ngày sinh thấp thoáng ở cửa sổ tầng hai. Một phụ nữ trẻ ra mở cửa xác nhận rằng nhà trọ này là một nhà dưỡng con trước khi một người khác giận dữ đóng sập cửa lại.

Nhưng trong một cuộc điện thoại bằng tiếng Quan Thoại hỏi về các dịch vụ của nhà trọ Baoma, một người đàn ông cho biết nơi này có dịch vụ trọn gói, bao gồm “các cuộc hẹn được bảo đảm” với “bác sĩ sản khoa số 1 ở British Columbia”, người nói được tiếng Quan Thoại và có “tỉ lệ tai nạn bằng không”. Ông ta cho biết khách hàng thường lưu trú ba tháng, bao gồm một tháng sau khi sinh, để có thời gian nộp đơn xin hộ chiếu cho con và để hồi phục, theo phong tục Trung Quốc.

Ông cũng nói đại lý của ông có bảy văn phòng kinh doanh ở Trung Quốc. Chi phí cho ba tháng lưu trú trong một căn hộ hai phòng ngủ, chưa bao gồm tiền ăn và chăm sóc trước khi sinh, khoảng 25.000 CAD (khoảng 18.000 USD). “Tất cả những phụ nữ đó đều trở về Trung Quốc - ông nói - Họ không hưởng bất kỳ phúc lợi xã hội nào từ Chính phủ Canada và không cần nó”.

Hai vợ chồng Bob Huang kinh doanh trung tâm dịch vụ sinh nở Anxin Labour Service ở thành phố lân cận Burnaby. Ông nói ông thường được những người môi giới ở Trung Quốc liên hệ, họ đòi hoa hồng 50% cho mỗi trường hợp giới thiệu thành công. Ông nói ông thích đăng quảng cáo của mình trên các trang rao vặt địa phương bằng tiếng Hoa.

Một số cư dân Richmond nói rằng tình trạng du lịch sinh con đang phá hoại cơ cấu xã hội của thành phố này. Kerry Starchuk, tự nhận là một bà mẹ ở nhà nuôi con toàn thời gian, đã đi đầu trong thỉnh nguyện đơn mà dân biểu Peschisolido ủng hộ, ghi chép về những nhà dưỡng con trong khu của bà và chuyển các thông tin đó cho báo chí địa phương và giới chức thành phố.

Một buổi sáng gần đây, bà nhận được tin nhắn nặc danh trên Facebook báo rằng có tới 20 “du khách sinh con” từ Trung Quốc đang được cho là ở trong một cao ốc tân kỳ gần đó. Vội vã chạy ra chiếc minivan của mình, bà lái tới bãi đậu xe dưới một siêu thị cho người Hoa. Rồi bà chạy ra dò xét tòa nhà kế bên, nhìn đầy nghi hoặc một phụ nữ Trung Quốc có thai đi ngang.

Sau khi vào tòa nhà đó, bà Starchuk bị chặn lại do cầu thang có khóa; bà ghi thêm cao ốc đó vào danh sách của mình cho dịp khác.

Bà Starchuk phàn nàn rằng các du khách sinh con đã chiếm mất chỗ của những bà mẹ địa phương tại các khoa sản - cũng là nỗi lo ngại của một số y tá địa phương - và hưởng các dịch vụ công mà không đóng thuế.

Bà cũng nói những “đứa trẻ mỏ neo” (anchor baby) này có nguy cơ làm tăng gánh nặng cho Canada khi di cư và học hành ở đây, và bảo lãnh cho cha mẹ thành thường trú nhân.

Vấn đề trở nên nhức nhối hơn bởi nỗi bất bình ở vùng Vancouver về giá nhà tăng vọt mà một số cư dân cho là do quá đông người Trung Quốc giàu có đổ tới đây. Nhưng cô Bai, đã sinh con ở Vancouver hồi tháng 2-2018, nói rằng với mức giá cắt cổ mà cô đã trả để sinh con ở đó - 60.000 CAD (gần 45.000 USD), bao gồm cả tiền nhà và viện phí - thực ra cô đã trợ cấp cho hệ thống y tế Canada và đóng góp vào nền kinh tế địa phương.

Con tôi sẽ không hưởng bất kỳ phúc lợi y tế Canada nào, vì chúng tôi đang sinh sống ở Trung Quốc” - cô nói.

Tuy nhiên, vì con trai cô là người Canada, cô và chồng, một phi công, có thể tiết kiệm khoảng 150.000 CAD học phí tại một trường quốc tế ở Thượng Hải. Sau khi thông thạo tiếng Anh và văn hóa phương Tây, con trai cô về sau cũng có thể học đại học ở Canada với học phí thấp dành cho sinh viên nội địa. Cuối cùng, cả gia đình có thể di cư sang Canada.

Một số di dân thế hệ thứ nhất và thứ nhì phản đối những người du lịch sinh con vì họ chen ngang hàng đợi nhập cư. “Tôi không nghĩ việc tới đây sinh con rồi về là công bằng” - Wendy Liu, một cư dân đã thường trú ở Richmond 11 năm, nói. Cô cũng cho biết là cô đã nhiều lần bị quấy nhiễu sau khi bà Starchuk nhầm lẫn đưa nhà của cô vào danh sách các trung tâm du lịch sinh con.■

(PHẠM VŨ LỬA HẠ lược dịch từ The New York Times)

Nhiều bất trắc

Vấn đề du lịch sinh con ở Bệnh viện Richmond gần đây đã bị chú ý do một vụ được báo chí Canada gọi là “đứa trẻ triệu đô”. Một người không thường trú, Yan Xia, sinh con ở đó, nợ hơn 312.000 CAD (hơn 233.000 USD) chi phí chăm sóc thai sản và sau sinh cho đứa con mới sinh của mình do nhiều biến chứng, rồi bỏ trốn mà không thanh toán hóa đơn, theo một đơn kiện dân sự mà Bệnh viện Richmond đã nộp lên Tối cao pháp viện British Columbia hồi tháng 4-2018, sáu năm sau khi cô Xia sinh con. Cộng với lãi trong sáu năm, tổng số nợ của cô Xia lên tới khoảng 1,2 triệu CAD (gần 900.000 USD).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận