Du lịch hồi sinh với tâm thế “không còn đường lùi”

NHƯ BÌNH 15/10/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Để chuẩn bị cho việc mở cửa, gần nửa tháng qua, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành TP.HCM phải chạy lại bộ máy vận hành, kích hoạt phòng sản phẩm, thị trường, kế hoạch, kết nối lại dịch vụ vốn bị tê liệt nhiều tháng qua... trong tâm thế không lùi bước.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ. -Ảnh: V.T.

 “Những tour du lịch đầu tiên vừa được khởi hành là tín hiệu đáng khích lệ, giúp doanh nghiệp tin tưởng vào thông điệp của chính quyền TP.HCM về con đường phục hồi hoạt động kinh tế. 

Nhưng với riêng ngành du lịch, thị trường này cần ít nhất từ 60 - 90 ngày mới kết nối lại các mạch đứt gãy trong chuỗi cung ứng dịch vụ bình thường, trong đó độ trễ mở cửa chính sách từ 15 - 30 ngày, độ trễ thị trường 45 - 60 ngày. Không thể có phục hồi nhanh” - ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel Holdings, trao đổi với TTCT

Đã có những tour du lịch về “vùng xanh” hai huyện Cần Giờ và Củ Chi được khởi động, đó cũng là tín hiệu tốt chứ? 

Việc UBND TP.HCM kịp thời ban hành tiêu chí về “hành lang xanh” cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đã chuyển hóa rõ ràng thông điệp này. 

Nhưng vậy vẫn chưa đủ, chúng ta phải trả lời cho thực tế: Hồi phục lúc này thì phải ưu tiên cái gì? Người đi du lịch cần gì? Tại sao người dân lại muốn đi du lịch? Muốn vậy, phải có kế hoạch cụ thể, cho phép mở lại hệ thống cung ứng cho ngành du lịch như cơ sở lưu trú, ăn uống, vận chuyển, thậm chí các dịch vụ hạ tầng du lịch như chăm sóc, làm đẹp...

Du lịch là kinh doanh thượng tầng dựa trên các hạ tầng xã hội, nếu không mạnh dạn mở hết các hạ tầng du lịch thì du khách không có cơ hội tiêu xài, tận hưởng gì, việc mở cửa sẽ kém hiệu quả, không mang tính thẩm thấu cho nền kinh tế địa phương. 

Chúng ta đều biết tác động của du lịch là tính lan tỏa, cộng hưởng cao. Du lịch khởi sắc có thể thúc đẩy nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác cùng phát triển. Người đi du lịch có cơ hội xài tiền thì du lịch mới hồi sinh. Vì thế các công ty vận chuyển, lữ hành... phải có lộ trình hoạt động trở lại. 

Không thể xây dựng lộ trình tour “hành lang xanh” xong mà ngay doanh nghiệp cũng bối rối, không biết bắt đầu ra sao. Ngoài ra cần xác định được hệ thống lữ hành và quy trình đi hành lang xanh, an toàn cho du khách.

Du lịch có đến 4 tiểu ngành, trong đó hai tiểu ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống dù quy mô lớn hay nhỏ đều đang phải phải đấu tranh để trụ lại thị trường. Mở cửa sau hơn 3 tháng đóng cửa nên phải tổ chức rà soát hệ thống cung ứng hạ tầng du lịch, có bao nhiêu đơn vị sẵn sàng mở cửa lại hay đủ điều kiện mở cửa như nhân viên đã được tiêm vắc xin, các yếu tố 5K hay kịch bản ứng phó khẩn cấp khi có F0?... 

Những tour nội ô hiện nay đều được phản hồi tốt một phần có sự hỗ trợ tích cực từ địa phương. Nếu vội vàng đón khách trong bối cảnh các dịch vụ phải tạm ngưng sau nhiều tháng thì sẽ như thế nào?

Lực lượng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM tham quan chiến khu Rừng Sác, đầm dơi và trải nghiệm câu cá sấu tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) vào ngày 2-10. -Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Quá trình mở cửa hồi sinh lại ngành du lịch này, TP.HCM sẽ đưa khách đi đâu, thưa ông? 

Với tinh thần “Người TP đi du lịch TP”, các tour khởi hành về “vùng xanh” như huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi rất phù hợp, nếu làm tốt sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của những điểm đến này. Nhưng cơ quan quản lý phải đánh giá công suất tiếp nhận khách, định hình và ra tiêu chí đón khách tối đa mà các điểm đến “vùng xanh” có thể dung nạp được, đảm bảo an toàn, mức nào là ngưỡng tối đa. 

Để tuân thủ các tiêu chí an toàn, chống dịch, một chiếc ôtô 40 chỗ chỉ chấp nhận chở 20 khách, nên Cần Giờ hay Củ Chi cũng không thể có mục tiêu đón khách như bình thường.

TP.HCM phải tính được “quota” khách đến, sau đó phải có biện pháp kiểm soát. Trước mắt chỉ cho phép tổ chức tour khép kín do doanh nghiệp lữ hành đứng ra đón khách, tránh tình trạng khách ùn ứ, đổ dồn về các điểm đến này khi chúng ta cho phép đi lại dễ dàng hơn. 

Du khách đến TP vì điều gì? Là vì cảnh quan, con người, đường phố, dịch vụ nhịp sống sôi động của TP... tất cả tạo nên một Sài Gòn sống động. Vì vậy phải khôi phục lại nhịp sống này. Chúng ta định nghĩa được thì sẽ có kế hoạch mở cửa cụ thể.

Trong lần quay trở lại lần này, du lịch như một “người bệnh nặng” vừa trải qua đợt điều trị dài nên không thể có bùng nổ ngay lập tức mà cần sự an toàn? Vậy kịch bản hồi phục của ngành du lịch sẽ như thế nào? 

Trải qua những tác động mạnh của COVID-19, du lịch không thể hồi phục nhanh chóng được. Để TP.HCM có thể đón khách ngoại tỉnh cần thêm ít nhất 2 - 3 tháng nữa với điều kiện TP phải làm tốt công tác truyền thông, tiếp thị điểm đến theo thông điệp mới, cùng công tác chống dịch tốt và cho mở lại điểm cung ứng dịch vụ du lịch “vùng xanh”, kể cả các điểm vui chơi, giải trí... 

Việc kiểm soát lượt người đi du lịch sẽ bám sát quy định của TP với việc cấp “thẻ xanh COVID-19”, thủ tục khai báo y tế... Các hệ thống này đang giúp chính quyền quản lý việc đi lại của người dân thì chúng ta cũng có thể nghĩ đến một màu riêng cho những người đủ điều kiện đi du lịch dựa trên dữ liệu khai báo này.

Việc kiểm soát này không chỉ có ý nghĩa với du lịch nội ô mà còn với các điểm đến khác. Vì TP.HCM là thị trường cung cấp nguồn khách lớn nhất cả nước, nếu du khách TP muốn đi xa hơn ra ngoài các tỉnh khác thì sao? Việc kiểm soát sẽ có độ sai số nhưng phải cấp “quota” để khống chế lượng khách đến, bảo vệ “vùng xanh” du lịch. 

Trong thời gian đầu chúng ta nên thận trọng, chọn thử nghiệm một số công ty du lịch, lữ hành để tổ chức dạng tour khép kín, đảm bảo an toàn và giám sát được chuyến đi. Sau thời gian ổn định, nếu tình hình tốt hơn thì mở dần với du lịch cá nhân.

Không chỉ tour Cần Giờ mà còn nhiều chương trình tour khác cũng phải tính toán theo phương án này. Muốn vậy, TP.HCM phải ký kết xây dựng “hành lang xanh” với các tỉnh, cùng thống nhất quy trình kiểm dịch để đón khách.

Du khách tham quan tour về Củ Chi trong hoạt động tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch của TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH

 Trong những ngổn ngang hiện nay, điều ông lo lắng nhất là gì? 

Hơn 95% doanh nghiệp du lịch, lữ hành đều kiệt sức, đang nằm một chỗ. Doanh nghiệp du lịch cũng cần oxy để thở, bên cạnh chính sách của trung ương thì TP cần tích cực triển khai như các biện pháp hoãn, giãn nợ, giảm tiền thuê nhà. 

Các hỗ trợ chính sách, hỗ trợ tài chính đã được đề xuất nhiều trong hơn năm qua, vấn đề là cần làm nhanh để doanh nghiệp có thể tự thở được, kịp phục hồi cùng kế hoạch mở cửa kinh tế.

Vấn đề nữa là nhân sự ngành du lịch. Cơ cấu chính sách tiền trợ giúp hiện nay không giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Dịch bệnh bùng phát, người lao động cũng tứ tán khắp nơi. Họ cần được hướng dẫn rõ việc lưu thông, điều kiện đi làm hay trở lại TP đối với người đã về quê. 

Thực tế khi chúng tôi làm khảo sát nội bộ thì nhận thấy số lao động sẵn sàng quay lại TP làm việc chỉ khoảng 17%, ngay lao động đang ở TP thì con số muốn đi làm lại chỉ khoảng 30%. Đa phần nghe ngóng, quan sát vì e ngại dịch bệnh. Niềm tin mở lại là có nhưng lạc quan không còn nhiều sau những lần điều chỉnh mốc chống dịch. 

Doanh nghiệp xem lần mở cửa này là cột mốc sinh tử, rất cẩn thận để chỉ có hướng đi tới, phải chiến đấu, chứ không còn đường lùi. 

Chính phủ đã thông qua kế hoạch thí điểm mở cửa cho khách quốc tế đến Phú Quốc nhưng cần bắt đầu từ thị trường khách nội địa trước, ở những vùng an toàn kết nối với nhau, chứ không chỉ trong nội ô TP. Điều kiện tiên quyết vẫn là “hộ chiếu vắc xin”, 5K, 5T được thực hiện nghiêm túc. Các doanh nghiệp có thể bắt đầu với những vùng có hạn chế địa lý, dân số và số du khách có thể kiểm soát được.

(Ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN)

Chúng tôi đã xây dựng 8 sản phẩm tour du lịch TP.HCM, bao gồm tour khu vực nội đô và vùng ngoại ô TP. Trong tháng 10, sẽ triển khai tour đến các “vùng xanh” khi điều kiện đi lại thuận tiện hơn, các tiêu chí về an toàn được thông qua, đặc biệt là khi tình hình dịch được cải thiện và kiểm soát tốt.

(Ông Nguyễn Minh Mẫn. giám đốc marketing TST)

 
 Lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM tham quan chiến khu Rừng Sác, đầm dơi và trải nghiệm câu cá sấu tại huyện Cần Giờ, TP.HCM ngày 2-10. Ảnh: QUANG ĐỊNH

 Quá trình phục hồi du lịch sẽ diễn ra 3 giai đoạn: xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực; tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn; điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn. Du lịch TP có kịch bản chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng.

Sau những tour dành cho lực lượng tuyến đầu chống dịch nhận được hiệu ứng tích cực trong tháng 10, theo kế hoạch, đến cuối năm 2021, trên cơ sở phát huy “vùng xanh”, tiếp tục phát huy du lịch nội vùng, du lịch TP sẽ kết nối với các du lịch tỉnh thành, mở rộng sản phẩm tour. Giai đoạn 3, từ năm 2022, sẽ khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch tại TP.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (giám đốc Sở Du lịch TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận