Du lịch bùng nổ với những rào cản

HỒNG VÂN 07/05/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Các cơ quan du lịch dự báo năm 2022 ngành du lịch sẽ bùng nổ để giải phóng nhu cầu bị dồn nén của du khách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khiến ngành du lịch khó phục hồi như trước đại dịch.

Du khách tham quan vịnh Maya ở tại tỉnh Krabi, Thái Lan, vào ngày 3-1, sau hơn 3 năm đóng cửa để nơi này phục hồi hệ sinh thái do quá tải về du lịch. Ảnh: REUTERS

 

Nhân sự, chiến sự và lạm phát

Theo Đài truyền hình Đức DW, khách sạn và nhà hàng vui mừng về sự bùng nổ du lịch nhưng việc thiếu lao động lành nghề khiến niềm vui hồi phục của họ không trọn vẹn. Do nhu cầu đi du lịch bị giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch, nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân viên.

 Nhiều người làm trong ngành nhà hàng, khách sạn đã chuyển sang các công việc khác như bán lẻ. Giờ đây, rất khó thu hút những người này trở lại vì họ đã quen với công việc mới, hài lòng với điều kiện làm việc theo giờ hành chính hoặc theo ca cố định, có ngày nghỉ. 

Theo Hiệp hội Du lịch Seenland Oder-Spree, riêng khu vực Berlin-Brandenburg có 20% nhân viên bỏ nghề. Bà Ellen Russig, giám đốc điều hành hiệp hội, cho biết thị trường đã cạn kiệt về nhân sự. Mọi cơ sở du lịch đều tuyển đầu bếp, người phục vụ mà người đâu chẳng thấy.

Anh Jörn Peters, chủ một khách sạn, cho biết: “Chẳng có ai nộp đơn”. Các công ty nhỏ hơn thì ông bà chủ trực tiếp làm đủ thứ việc. Nhiều nơi giảm số món trong thực đơn, rút ngắn giờ mở cửa.

Tình trạng thiếu nhân sự không chỉ ở Đức mà còn xảy ra ở nhiều nước châu Âu, Mỹ và Canada. Các quan chức trong ngành du lịch Ý thừa nhận kỳ nghỉ trong thời dịch bệnh với trọng tâm là vệ sinh, sạch sẽ và giữ khoảng cách là một thách thức lớn đối với cơ sở hạ tầng cũ kỹ của nước này và tình trạng thiếu nhân sự. 

Tại Mỹ, Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) dự báo có tổng cộng khoảng 480.000 việc làm trong ngành du lịch trong năm 2022 sẽ không tuyển được người, tương đương cứ 13 vị trí mở ra thì có 1 vị trí không thể tuyển người.

Ngoài ra, chiến sự ở Ukraine tạo ra một thách thức mới với kinh tế toàn cầu và có nguy cơ cản trở tâm lý tự tin trở lại của du khách. 

Việc đóng cửa không phận Ukraine và Nga, lệnh cấm máy bay Nga của nhiều nước châu Âu đang ảnh hưởng đến việc đi lại trong nội bộ châu Âu. Nó cũng khiến các chuyến bay đường dài giữa châu Âu và Đông Á phải bay đường vòng, làm chuyến bay dài hơn và đắt hơn. 

Nga và Ukraine chiếm tổng cộng 3% chi tiêu toàn cầu cho du lịch quốc tế năm 2020 và ít nhất 14 tỉ USD doanh thu du lịch toàn cầu có thể bị mất nếu xung đột kéo dài, theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNWTO).

Dù còn quá sớm để đánh giá mức độ tác động, lượt tìm kiếm và đặt vé máy bay trên nhiều kênh khác nhau đã chậm lại vào tuần lễ sau khi Nga tấn công Ukraine. Nhưng nhu cầu bắt đầu phục hồi đầu tháng 3-2022. 

Ngoài ra, theo UNWTO, giá dầu tăng đột biến gần đây và lạm phát tăng đang khiến dịch vụ lưu trú và vận tải đắt đỏ hơn, gây thêm áp lực lên các doanh nghiệp, sức mua của người tiêu dùng và tiết kiệm của người dân. 

Lạm phát của Mỹ đã tăng lên 8,5% vào tháng 3-2022, trong khi lạm phát hàng năm của khu vực đồng euro đạt mức cao kỷ lục khác là 7,5% trong cùng thời điểm do cuộc chiến ở Ukraine.

Theo Reuters, giá điện tăng đang khiến các chủ nhà hàng khách sạn đau đầu. Dimitris Diavatis, chủ một khu nghỉ dưỡng ở Hy Lạp, lo lạm phát sẽ xà xẻo mất lợi nhuận dù năm 2022 hứa hẹn là một năm hồi phục do họ có nhiều khách đặt phòng. Ở toàn khu vực châu Âu, các khách sạn phải vật lộn với hóa đơn nhiên liệu cao hơn.

Ngành du lịch năm 2022 sẽ bùng nổ dù có nhiều thách thức. Ảnh: UNWTO

 

Giải pháp nào ?

Với một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống, công nghệ có thể giúp chống đỡ phần nào với tình trạng thiếu nhân sự. Một số đơn vị đã triển khai hệ thống đặt hàng và thanh toán tự động để khách hàng có thể trực tiếp đặt món với nhà bếp hoặc quầy bar. 

Khó khăn là họ phải đào tạo nhân viên để sử dụng công nghệ mới và doanh số bán hàng phải đủ cao để bù đắp chi phí triển khai hệ thống này.

WTTC khuyến nghị các chính phủ và doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài nhập cảnh làm việc, xem xét lại các chính sách di cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách thị thực. 

Ngoài ra là cho phép người lao động làm việc từ xa, nâng cao kỹ năng và tái đào tạo lực lượng lao động, đồng thời cung cấp phúc lợi và cơ hội giáo dục cho người lao động.

Tại Đức, ngành dịch vụ ăn uống và khách sạn đang đặt hy vọng vào lao động nước ngoài. Ở Mỹ trong tháng 4-2022, chính phủ liên bang thông báo họ sẽ cấp thêm 35.000 visa H-2B dành cho lao động tạm thời vì dự báo sẽ thiếu lao động trầm trọng trong ngành du lịch. 

Tuy nhiên, lao động nhập cư không hẳn là câu trả lời, cái chính là phải thay đổi những điều kiện thiếu hấp dẫn cốt lõi của ngành. 

Bà Beatrice Schweighauser, chuyên gia về quản lý nhà hàng và khách sạn tại Trường Du lịch và dịch vụ nhà hàng khách sạn EHL Swiss School of Tourism and Hospitality (Thụy Sĩ), cho biết việc thiếu nhân lực có kỹ năng liên quan đến điều kiện làm việc thiếu hấp dẫn trong ngành do thời gian làm việc kéo dài, lượng công việc nhiều và mức lương bèo bọt.

Để ngành du lịch hấp dẫn trở lại, các yếu tố này cần phải được thay đổi triệt để nhằm thu hút lao động trẻ gia nhập. Ngành du lịch cần đưa ra những thay đổi quan trọng, sáng tạo trong tuyển dụng cũng như đào tạo nhân tài, khuyến khích khả năng của nhân viên.

 Người trẻ cần thấy họ có triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn và người lao động nói chung cần được đánh giá cao và công nhận xứng đáng. Nếu không, dù đã được đào tạo bài bản nhưng họ cũng sẽ ra đi. 

Các công ty cần xây dựng thương hiệu mạnh trên thị trường lao động với chiến lược phát triển và đào tạo nhân viên để người lao động có niềm tin là họ có tương lai, sự nghiệp với một công ty cũng có tương lai.

Phụ nữ hoặc những người muốn thay đổi nghề nghiệp cũng là một phần của giải pháp. Ngành du lịch rất đông nam làm việc, dù có nhiều nữ sinh theo học. Như vậy, phải tìm ra các biện pháp phù hợp để phụ nữ có sự linh hoạt phù hợp để ở lại trong ngành.■

Theo UNWTO, năm 2019 du lịch lữ hành là một trong những lĩnh vực kinh tế lớn nhất trên toàn cầu, chiếm 1/10 số việc làm và tạo ra 1 trong 4 việc làm mới trên toàn thế giới từ năm 2015 - 2019. Từ giữa năm 2011 - 2019, du lịch lữ hành tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế toàn cầu và dự kiến sẽ tạo ra 100 triệu việc làm trong thập niên tới. Dĩ nhiên, với các cuộc khủng hoảng gần đây, dự báo này có thể không còn chính xác.

Cũng theo UNWTO, lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu tăng hơn gấp đôi (130%) vào tháng 1-2022 so với cùng kỳ 2021. Tất cả các khu vực trên thế giới đều có sự phục hồi đáng kể về du lịch lữ hành.

Châu Âu tăng 199%, châu Mỹ tăng 97% và tiếp tục là những khu vực có sự tăng trưởng mạnh nhất - lượng khách quốc tế đạt khoảng một nửa mức trước đại dịch (tương ứng 53% và 52%). Châu Á và Thái Bình Dương tăng 44%, nhưng nhiều điểm đến vẫn đóng cửa cho các mục đích đi lại không thiết yếu và sự hồi phục không đồng đều.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận