Dự án di dời dân vạn đò ở Huế: Những bấp bênh theo đuổi

NGUYỄN ĐẮC THÀNH 02/03/2023 18:02 GMT+7

TTCT - Sau hơn một thập niên rời sông lên bờ, cuộc sống của các cư dân vạn đò thôi dập dềnh theo con sóng, nhưng vẫn chao đảo giữa nhiều bất an.

Đến năm 2019, cuộc đưa dân vạn đò trên các dòng sông ở Huế lên bờ định cư được hoàn tất, kết thúc một trong những đợt di dân lớn nhất ở địa phương này. 969 hộ dân với 5.690 nhân khẩu được tái định cư. Hai năm sau, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tổng kết, đánh giá "đây là dự án thành công nhất trong việc tái định cư dân vạn đò".

Nhưng những nhân vật chính, sau 12 năm sống trong các căn nhà cấp 4, dãy chung cư, không phải ai cũng nghĩ vậy.

Giã từ dòng sông

Ông Nguyễn Đình Khuê (74 tuổi) và vợ ngồi trước căn nhà tại khu tái định cư Hương Sơ, thành phố Huế, làm lồng chim. Mỗi chiếc lồng, ông lời khoảng 12.000 đồng. Một ngày cả hai người cật lực mới làm được vài ba chiếc. Đó là cách duy nhất để vợ chồng ông kiếm tiền từ khi được đưa lên bờ.

Vợ chồng ông Khuê với công việc đan lồng chim mỗi ngày. 

Vợ chồng ông Khuê với công việc đan lồng chim mỗi ngày.

Ông Khuê có đến hơn 62 năm sống trôi nổi trên nước. Ông nội và cha ông là những cư dân trên phá Tam Giang. Ông không biết gốc gác mình ở đâu. 

Cũng như ông, không nhiều người dân vạn đò biết đến cội nguồn của mình. Họ hầu hết không biết tờ giấy khai sinh là gì. Không học hành. Nay đây mai đó rong ruổi trên phá, trên sông mưu sinh. Lớn lên, ông Khuê lên bờ đi bốc vác thuê ở chợ Đông Ba hoặc đạp xích lô.

31 tuổi, ông mới lấy vợ. Họ lại theo sống trên sóng nước dòng Hương, 6 người con lần lượt ra đời. Chiếc ghe chưa đầy 10 mét vuông, mái thấp, mùa mưa dột, gió lùa tứ phía, neo bên bờ sông Hương là nơi cả gia đình ông trú ngụ. 

Khi đứa con trai đầu lấy vợ, ông Khuê mua một ít thùng nhựa kết lại, làm mái che, một đầu neo vào bờ, một đầu cột vào thuyền, cho con trai ra riêng.

Năm 2008, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế lên kế hoạch đưa những cư dân vạn đò lên bờ. Cả gia đình ông giã từ đời sông nước. Ông bốc thăm được căn nhà cấp 4 ở khu tái định cư Hương Sơ, cách nơi neo đò 5km. Vợ chồng ông bán chiếc ghe đã gắn bó với gia đình không biết bao nhiêu thế hệ, lấy chút tiền chuẩn bị cho cuộc sống mới.

Căn nhà cấp 4 liền kề, rộng chừng 70m2, mái tôn, nền xi măng. Lúc nhận nhà, căn nhà chưa được chia phòng. Ông phải bỏ thêm 20 triệu để xây phòng, vách ngăn, làm thêm gác tránh lũ. Ngôi nhà cũng chẳng có mái hiên, sau này ông lại bỏ tiền làm thêm để tránh mưa tạt. Họ lại cùng nhau sống trong một không gian mà ông bảo "rộng hơn trên ghe đò tí".

Kinh phí cho căn nhà được phía chính quyền báo là 65 triệu đồng. Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ lên bờ 15 triệu đồng - số tiền này bị khấu trừ vào tiền nhà. Còn 50 triệu, đến giờ gia đình ông Khuê vẫn chưa trả được đồng nào. 

Căn nhà thì đã kịp xuống cấp. Mái tôn gỉ sét, dột vào mùa mưa, mùa nắng nóng bức như một cái lò. Nền xi măng bong tróc được trét lại loang lổ. Nhiều lần đi họp, chính quyền nhắc nhở họ trả nợ, nhưng đều nhận được câu trả lời "ăn chưa có, tiền mô ra mà trả nợ".

Ai trả hết tiền mới được cấp sổ đỏ. Vợ chồng ông Khuê bất lực với việc đó. Ông bảo để con trả. Nhưng những đứa con lập gia đình, công việc không ổn định cũng chẳng khá hơn. 

Hai đứa con ông lấy vợ chưa có điều kiện ra riêng, phải ở chung trong nhà. Đứa con thứ 2 năm nay đã ngoài 30 tuổi, chẳng thiết tha lấy vợ, bởi trong nhà đã quá chật chội. Ra riêng thì không có tiền thuê nhà.

Sống bất an trong những căn nhà

Một buổi chiều tại khu tái định cư Phú Hậu, thành phố Huế, một nhóm đông ngồi chuyện trò dưới tán những cây bằng lăng. Người chờ đến chiều muộn đi bán hàng rong, người trông đến tối đi bốc vác thuê ở chợ cá gần đó. Nhiều người đàn ông ngồi hút thuốc, cãi nhau chuyện gì đó. 

Họ không có việc, bởi đa số là dân chạy xích lô. Sau hai năm dịch dã, Huế không có mấy khách, họ phải ở nhà.

Dân cư ở đây là người vạn đò trên sông Đông Ba. Để lên được đây, họ bắt thăm để chọn nhà. Bốn khối chung cư xếp cạnh nhau, màu sơn đã ngả vàng, xuống cấp như trải qua mấy chục năm mưa nắng. Mỗi dãy có 3 tầng, tầng dưới có giá cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Hoa, 70 tuổi, bắt thăm được căn tầng 2, rộng chừng 60m2. Như những căn nhà liền kề ở chỗ ông Khuê, căn hộ khi được giao cho người dân cũng chỉ là một phòng trống không. Ai vào ở đều phải bỏ thêm tiền xây vách ngăn, dựng thêm gác lửng để có đủ chỗ sinh hoạt cho cả nhà. 

Dự án di dời dân vạn đò ở Huế: Những bấp bênh theo đuổi - Ảnh 2.

Nhưng chính quyền khuyến cáo những người ở tầng 2, 3: "không nên xây vách ngăn bằng xi măng mà hãy dựng bằng gỗ hoặc nhôm".

Bà Hoa kiếm ván về dựng chắp vá một góc riêng cho các con nằm. Những miếng ván nhỏ, to đủ kiểu được đóng vào khung, lâu dần xiêu vẹo. Bà làm thêm chiếc gác lửng, phía trên đặt ban thờ, dưới sàn là nơi trải vừa chiếc chiếu nằm ngủ. Gia đình 6 người cùng sống.

 Ngày bà nhận được nhà, trần nhà đã xuất hiện những vết nứt lớn, kéo dài. Chính quyền cho người đến sửa, tô trét, nhưng một thời gian sau những đường nứt lại lộ ra. Bà Hoa chưa kịp vui niềm vui nhà mới, đã bắt đầu sống trong nỗi lo nhà xuống cấp, sập lúc nào không hay. 

Nhà vệ sinh từ tầng 3 của hàng xóm thấm nước nhỏ giọt liên hồi xuống sát chỗ ngủ, bà Hoa lấy xoong hứng liên tục. Nếu quên, nước sẽ tràn xuống.

Đã hơn 12 năm, căn nhà vẫn nguyên khối nợ. Bà chưa trả được một đồng nào trong tổng số 150 triệu đồng. Khi chính quyền vận động bỏ ghe thuyền, lên bờ sống không ai nói với dân rằng phải mua nhà, phải tốn tiền. "Nếu họ cho biết phải trả tiền nhà thì không đời nào chúng tôi lên bờ", bà Hoa khẳng định. Đó cũng là lời mà nhiều người dân ở chung cư Phú Hậu nói.

Về ở 1 năm, người dân mới được thông báo phải trả tiền nhà. Ngày được báo phải nộp tiền, người thì cự lại "ăn không đủ no, tiền mô mà trả", người bỏ tránh đi nơi khác. Chính quyền đi vận động được vài ba tháng cũng nghỉ hẳn. 

Từ đó đến nay không ai nhắc đến chuyện trả tiền nhà. Bà Hoa và những cư dân chung cư Phú Hậu nói rằng chính quyền cho thì họ ở tiếp, bằng không sẽ về lại đò hay ra đường ở, chứ không có tiền trả.

Dự tính của chính quyền Thừa Thiên Huế khi đưa dân vạn đò lên tái định cư là để cho các hộ đóng tiền nhà trong vòng 30 năm, 10 năm đầu không tính lãi. 

Nhưng những căn nhà chỉ mới hơn một thập niên đã xuống cấp, người dân vì chưa có tiền đóng cũng không dám hỏi có được giảm tiền hay không, họ cũng ngại phản ánh với chính quyền vì đang là con nợ.

Bà Hà Thị Lý (54 tuổi), hàng xóm bà Hoa, không có tiền để dựng vách. Bà đặt chiếc tủ sắt đã hỏng ngăn thành nơi cho con cái ngủ. Đứa con trai út bắc thang leo lên nằm ngủ ngay trên trần phòng vệ sinh. 

Cũng như nhà bà Hoa, phía trên trần nhà bà Lý có những vết nứt kéo dài, tường nhà bong tróc, nứt nẻ.

Hồi mới lên bờ, chính quyền đưa bà vào diện hộ nghèo, hứa giúp đỡ làm một chiếc gác. Nhưng rồi bà được đưa ra khỏi hộ nghèo lúc nào không hay, gác xép không thấy đâu. Thu nhập phụ thuộc vào gánh hàng rong, đứa con làm phụ hồ không có việc thường xuyên. "Lên bờ, tốn đủ các chi phí mà không kiếm ra được một đồng", bà Lý nói. 

Nhiều người chung tình cảnh này. Họ hầu hết không có nghề nghiệp ổn định. Và nhiều lần đã bị cắt nước, điện khi không có tiền đóng.

Căn nhà của bà Hà Thị Lý, vách ngăn phòng là chiếc tủ sắt hỏng, trên nóc nhà vệ sinh là chỗ ngủ cho con trai bà. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành

Căn nhà của bà Hà Thị Lý, vách ngăn phòng là chiếc tủ sắt hỏng, trên nóc nhà vệ sinh là chỗ ngủ cho con trai bà. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành

Chính quyền nơi đây khi đưa dân lên tái định cư đã mở các lớp dạy nghề, nhưng dường như việc này không có tác dụng gì. Ai giữ được việc cũ thì vẫn theo, còn lại thất nghiệp. 

Bà Hoa hằng ngày rong ruổi với gánh hàng rong, chỉ "mong ông trời cho trúng vài tờ vé số để thoát khỏi cảnh nghèo túng". 

Di dân khỏi kinh thành Huế: dân chưa thể an cư

Để trả lại sự toàn vẹn, trang nghiêm cho hệ thống di tích kinh thành Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định đưa gần 5.000 hộ dân sống trong khu vực này sang khu tái định cư, cách nơi ở cũ khoảng 6km.

Chính quyền bắt đầu di dời dân từ năm 2019, mỗi hộ dân (không kể hộ ghép hay hộ chính) được bố trí 1 nền đất tái định cư.

Đến nay, khoảng 2.000 hộ đã nhận nền đất, chính quyền cũng cấp gần 2.000 giấy phép xây dựng cho người dân.

Ngoài việc mua nền đất tái định cư, người dân được vay tiền ngân hàng để xây nhà mới.

Nhưng đến nay mới có khoảng 750 nhà được xây dựng trong khu tái định cư. Nhiều người dân ở khu tái định cư vẫn phải về lại nơi ở cũ để buôn bán, lao động kiếm sống và trả nợ.

Nhiều hộ bán đất tái định cư ngay sau khi nhận bàn giao nền để có kinh phí trang trải cho cuộc sống và trả tiền ngân hàng.

Ông Nguyễn Việt Bằng, phó chủ tịch UBND TP Huế, nhìn nhận: "Do phần lớn những người được di dời đều thuộc dạng khó khăn nên nhiều hộ gia đình là bà con với nhau đã bán bớt đất để lấy tiền xây nhà ở chung". (NHẬT LINH)

Chờ xin cơ chế

Nói về chuyện này, ông Trần Văn Tiển, phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, than thở: "Dân vạn đò thì mình cũng biết rồi, ý thức thì không có, chúng ta lại đưa lên chung cư, mà sống ở chung cư là lối sống văn minh. Nguyên nhân cũng do mình đô thị hóa họ quá nhanh".

Lỗi của người dân trong quá trình sinh hoạt, ông Tiển chỉ ra, là do họ đục đẽo tường, không giữ gìn vệ sinh chung.

Hợp đồng giao nhà ghi "đối với phần duy tu bảo dưỡng người dân phải nộp 2% trên tổng giá trị của căn nhà". Quỹ này dùng để duy tu bảo dưỡng chung cư.

 Nhưng đến nay, "tiền nhà họ nợ mình còn chưa thu được, họ không nộp thì số tiền 2% đó cũng khó thu. 

Đây là một vấn đề nan giải"- ông Tiển nói - "Số tiền bỏ ra để sửa như muối bỏ bể. Bây giờ sửa chữa lớn thì ngân sách thành phố không có để làm"

Kể từ khi đưa người dân lên tái định cư ở đây, chính quyền thành phố Huế đã có hai lần duy tu bảo dưỡng trong các năm 2016 và 2019 với kinh phí gần 550 triệu đồng. 

Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố cũng đã trình xin khoảng 2 tỉ đồng để sửa chữa nhưng thành phố trả lời rằng nguồn tiền phụ thuộc vào 2% phí duy tu bảo dưỡng thu từ người dân. Mọi việc vẫn đang ở mức "xin cơ chế của tỉnh" để sửa chữa.

"Trung tâm đang dự kiến cấp sổ đỏ luôn cho những hộ nộp đủ 70%. Những hộ nộp khoảng 25 - 50% thì vừa làm sổ vừa ghi nợ cho họ", ông Tiển đưa ra định hướng để giải quyết vấn đề này.

Nói về những hư hỏng, xuống cấp ở các khu tái định cư dân vạn đò, một cựu lãnh đạo Thành ủy Huế nói: "Tôi nói thật, nhiều nhà bây giờ làm cả tỉ đồng nó còn thấm, huống gì những căn nhà mà kinh phí ít như vậy".■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận