Dòng sông biến mất

PHẠM VŨ 27/07/2016 08:07 GMT+7

TTCT - “Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà...”, câu hát thật đúng khi mà một đô thị sầm uất như Sài Gòn cũng có một dòng sông. Hay đúng hơn, chính dòng sông uốn lượn ấy đã hình thành nên Sài Gòn, từ những xóm nhỏ trên bến dưới thuyền mà dần đông nên đô thị, siêu đô thị.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP


 Ký ức của những người thành phố không có những buổi chiều thắm thiết “tôi dang tay ôm nước vào lòng, sông mở nước ôm tôi vào dạ”, nhưng đứa trẻ nào cũng có những buổi chiều háo hức với phần thưởng “ra bến Bạch Đằng”.

Ở đó có bến sông lồng lộng gió, có những con tàu sừng sững buông neo, có tiếng ghe chạy xình xịch, có que kem mát lạnh. Và nếu may mắn hơn sẽ có rất nhiều những câu chuyện của trăm năm trên một dòng sông.

Tôi từng được nghe kể về những con tàu chiến, những buổi tập trận trên sông Sài Gòn từ thời chúa Nguyễn hơn hai trăm năm trước, được nghe về xưởng đóng tàu và những người Việt đầu tiên được gọi là công nhân trên bến sông này.

Hai trong số những người công nhân ấy đã xuống tàu, dấn mình vào cuộc phiêu lưu đau đáu tình đất nước để ngày về trở thành lãnh tụ.

Dòng sông hiền hòa đã chứng kiến lịch sử, soi bóng chứng tích của những cuộc đổi dời trăm năm, cuộn vào lòng từ tiếng súng, tiếng còi tàu, máu của những người ngã xuống, tiếng nấc kìm nén của những người con dứt lòng xa xứ, tiếng vỡ òa buông xả ngày trở về. Dòng nước mỗi ngày miệt mài theo vòng tuần hoàn, nhưng sông vẫn ở lại, lặng lẽ và bao dung chờ đợi để làm đầy ký ức cho tất cả. Suốt cả mấy trăm năm.

Thế mà rồi chính dòng sông lại dần dần biến mất đi trong mắt của mọi người, nhanh đến nỗi không kịp chờ người bạc tóc. Những con đường vẽ ra, mở ra, ghe thuyền trên sông không còn tấp nập. Cầu, hầm chui nối liền hai bờ, người ta không còn phải ngồi bên bờ gọi đò, chờ phà.

Đi qua sông bây giờ nhanh lắm, và nếu có chậm lại là kẹt vào giữa một đám đông những xe máy, ôtô, không còn dịp nào soi gương mặt mình xuống nước trong vài phút sang sông để mà thương mà nhớ nữa. Soi xuống sông bây giờ chỉ còn bóng những cây cầu, chỉ còn ánh đèn lung linh trên các cao ốc, và một năm vài lần là những bông pháo hoa lộng lẫy.

Những dự án hào nhoáng lần lượt được vẽ lên, dựng lên hai bên bờ sông. Lòng sông rồi sẽ phải len mình qua những dãy cao ốc, hẹp lại như con hẻm. Hướng nhìn ra sông trở thành giá trị tính được thành tiền, rất nhiều tiền. Sông không còn là tài sản chung của người Sài Gòn nữa.

Sông đã thành niềm tự hào “đất vàng, vị trí kim cương” chỉ của một số ít người có khả năng sở hữu. Dẫu thế thì sông vẫn hiến dâng lặng lẽ, vô điều kiện như thuở nào.

Những người thân quen, xưa cũ co cụm lại một góc đường mỗi khi hẹn hò bên bến sông. Số nhiều hơn thì sực nhớ “À, gần đến sông rồi” khi cảm được chút hơi nước mơn man trong ngọn gió giữa cơn nắng cháy da, nghe thoảng chút mát lành giữa cơn bức bối đến ngạt thở giữa đường phố.

Những người Sài Gòn khác lại vất vả tìm sông qua những hình ảnh chụp từ trên cao, thấy rõ những khúc uốn mình như vật lộn giữa những tòa nhà vòi vọi. Hiếm hoi hơn nữa, nhiều người tổ chức một buổi thư giãn trên nhà hàng nổi, đi trên sông mà tầm mắt chỉ có thể nhìn thấy ánh đèn màu ở hai bên bờ.

Hình ấy, gió ấy không còn nữa tiếng lao xao của một thời trên bến dưới thuyền, không còn nữa câu chuyện lịch sử của những chiếc tàu biển, không còn nữa những ký ức tụm năm tụm ba thả tiếng cười rộn vang mặt nước. Dẫu biết lịch sử là phải trôi qua, nhưng những người đau đáu ôm giấc mơ tái hiện để biến lịch sử thành văn hóa, thành lối sống, thành tình yêu vẫn cứ nghe quặn lòng mỗi lần nhớ lại chuyện bến sông.

Rồi thì sắp đến một ngày những cơn gió ấy cũng sẽ chỉ còn là ký ức, khi những hàng rào cao ốc nữa sắp được dựng lên, bờ Tây rồi bờ Đông, đoạn Nam rồi đoạn Bắc. Những khung cửa sổ cao ngất lại đang sẵn sàng cất hình ảnh của sông, ngọn gió từ sông lại làm của riêng. Sông lại vẫn hiền hòa, lặng lẽ, vô điều kiện. Chỉ có những người đứng đằng sau hàng rào, nhớ sông, ứa nước mắt...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận