![]() |
Em Nhân Thông Độ, lớp 8 Trường THCS Nguyễn Du (Cà Mau), không đi lại được, đã được tình nguyện viên bế lên nhận học bổng - Ảnh: Minh Giảng |
Không chỉ nhận học bổng, những gương mặt học trò ấy đã mang đến buổi lễ cả một nghị lực vươn lên khẳng định mình. Và thật xúc động khi các bạn còn biết động viên nhau cùng vượt lên. Như Huỳnh Duy Xuân (lớp 11 Trường THPT Văn Ngọc Chính, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) vào hội trường khi được Sơn Thanh Tuấn - một bạn cùng đoàn - cõng từ xe vào hội trường.
Hai chân Xuân vốn bị liệt do di chứng chất độc da cam. Để di chuyển, Xuân dùng hai tay nắm lấy bàn chân để nhấc lên và “bước” đi. Nhà cách trường 2km, Xuân lăn xe đi học vì ba mẹ còn phải đi làm thuê làm mướn. Vậy nhưng năm học vừa rồi Xuân là học sinh giỏi của trường. Xuân chia sẻ: “Nếu không tự cố gắng, nỗ lực vươn lên thì xã hội có muốn giúp cũng rất khó”.
Cũng bị liệt như Xuân, Nguyễn Văn Mậu (An Biên, Kiên Giang) vào hội trường bằng cách bò đi trên đôi tay đã chai sạn do nhiều năm thay chân bước đi. May mắn hơn, Lâm Văn Dớt (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) chậm rãi nhấc từng bước nạng đã gắn với mình gần 10 năm qua để đi nhận học bổng. Bước tập tễnh nhưng đầy nghị lực, dù 19 tuổi nhưng Dớt chỉ mới học xong lớp 9 vì “10 tuổi, đi nạng được em mới bắt đầu đi học, trễ bốn năm. Lúc nhỏ đi học các bạn cũng hay trêu chọc tủi thân lắm. Giờ thì mấy bạn không chọc nữa mà giúp đỡ em rất nhiều”.
Những bước đi khập khiễng và đôi tay chai sạn ấy không ngăn được tiếng hát, tiếng vỗ tay Nối vòng tay lớn rộn rã. Và cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay đồng cảm không ngớt như một cách chia sẻ yêu thương, chia sẻ khát vọng vươn lên bất hạnh. Như ước mong của bạn Đặng Thị Huệ (Trà Vinh): “Có được một cuộc sống an vui và không bị kỳ thị”.
Chia sẻ ấy càng lắng đọng hơn với cuộc giao lưu khi Huỳnh Văn Đằng (Cà Mau) nhớ lại: nhiều lần trễ học do té cầu khỉ, ướt hết quần áo phải về thay đồ. Vốn chân và tay bị co quắp nên Đằng phải dùng một chiếc gậy làm chiếc chân thứ ba để đến trường. Lắng đọng với cuộc mưu sinh phụ giúp gia đình của bạn Cao Thanh Toán (Kiên Giang) khi một chân bị teo. Toán bảo: “Cố học để có nghề nuôi thân và mong cha mẹ sống lâu để được phụng dưỡng, đền đáp ơn nghĩa sinh thành”. Một cô học trò của Trà Vinh chia sẻ ước mơ của mình: trở thành cô giáo để dạy chữ cho trẻ khuyết tật.
“Học bổng là tình cảm, sự sẻ chia, chung tay cùng toàn xã hội chăm lo, động viên các em vươn lên. Chương trình là cầu nối, gắn kết những nhà hảo tâm để xã hội cùng chia sẻ những mất mát của nạn nhân chất độc da cam” - bà Phạm Thị Xuân, giám đốc Quỹ hỗ trợ dinh dưỡng bệnh nhân nghèo TP.HCM, chia sẻ tại buổi lễ.
![]() |
Cha con bạn Nguyễn Thái Nguyên tại buổi trao học bổng - Ảnh: D.K. |
Cuối hội trường nơi diễn ra buổi lễ, nhiều bậc cha mẹ đã đưa con đi, lặng lẽ dõi theo mỗi bước chân con lên nhận học bổng.
Những người cha người mẹ nông dân ấy vẫn cứ hi vọng vào mỗi bước chân con em mình, dù có thể nó teo tóp, đứng ngồi không vững. Người cha Nguyễn Văn Thảo ở xã Tân Duyệt (Đầm Dơi, Cà Mau) bảo nhà nghèo, không có đất sản xuất nhưng không buồn bởi có thể làm thuê đủ thứ nghề để sống. Chỉ buồn khi đứa con trai đầu lòng (Nguyễn Thái Nguyên) bị di chứng da cam: đầu to, lưng co rút, 17 tuổi mà nhỏ như một đứa bé và chỉ mới học hết lớp 5. Năm tuổi Nguyên mới bắt đầu đi được vài bước, nhưng đó là cả niềm vui vỡ òa của cả nhà bởi nó đã nhen lên niềm tin đôi chân bé nhỏ của con mình sẽ đến được cổng trường. Thấy con cười tươi với món quà trên tay, người cha trẻ ấy cay sè đôi mắt xúc động, chỉ mong sao con bớt co giật để tiếp tục đến trường và giữ mãi được nụ cười tươi hôm nay.
Trong khi đó, cũng bị di chứng da cam như Nguyên nhưng việc đi đứng của Huỳnh Xuân Khắc, lớp 7 Trường THCS Phong Thạnh Tây B (Phước Long, Bạc Liêu), khó khăn hơn do bị liệt nửa người. Đi nhận học bổng, mẹ Khắc dìu con từng bước đi khập khiễng. Vậy đó nhưng người mẹ ấy vẫn khoe: “Dù cầm viết khó khăn nhưng cháu viết chữ rất đẹp và bảy năm liền đều đạt học sinh giỏi...”.
...Trong buổi lễ có một người mẹ ngồi co ro bên cạnh những bà mẹ khác. Đó là bà Trịnh Thị Trắng ở ấp Phước Tân, xã Phước Long (Phước Long, Bạc Liêu) đưa đứa con duy nhất là Nguyễn Kim Khoa đi nhận học bổng. Đó là đứa con gái yếu ớt với đôi tay co quắp, đến 4 tuổi mới tập tễnh đi những bước khó khăn và thường xuyên bị co giật. “Khi cháu đi những bước đầu tiên ấy, cả nhà bật khóc với niềm tin rồi con mình sẽ được đến trường”. Giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ ấy chực ứa ra khi con không chỉ được đến trường mà còn được tôn vinh và nhận học bổng trong một buổi sáng có lẽ bà không bao giờ quên được...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận