Đối thoại với Lý Quang Diệu

LÃ HOA 26/02/2011 14:02 GMT+7

TTCT - 1. Singapore một sáng sớm mùa hè năm 1994, đang còn mơ màng thì chuông điện thoại réo ầm ĩ. Anh bạn người Mỹ Jack Fee, giáo viên Trường Singapore American, giục giã: “Dậy, dậy mau, ra Holland Village ăn sáng, anh có chuyện muốn nói!”. “Chuyện gì anh?”, tôi hỏi sau khi nốc nửa ly lemonade đá bào, mới 7 giờ sáng mà trời đã ngột ngạt khó tả. Giọng Jack run lên vì giận dữ: “Em biết không, họ đánh đòn thằng Michael Fay, học sinh của anh!”.

Phóng to

Từ mấy tháng trước đó, báo chí đã ầm ĩ về vụ này. Đến cả Tổng thống Clinton cũng lên tiếng xin giảm nhẹ tội hình đánh đòn bằng roi mây (một kiểu hình phạt từ thời thực dân Anh) đối với chàng công dân Mỹ mới qua tuổi vị thành niên phạm tội quậy phá nơi công cộng vì phun sơn vào xe hơi của người khác.

“Dù Singapore là một nước vô cùng nhỏ bé ở châu Á, nhưng Lý Quang Diệu là một người khổng lồ”

Mấy chục thượng nghị sĩ Mỹ ký vào một lá thư gửi Chính phủ Singapore, nêu rõ là dấu sơn trên cửa xe hơi có thể xóa ngay được, nhưng những lằn roi sẽ để lại cho Michael Fay những vết sẹo về thể xác và tinh thần lâu dài. Tất cả cũng chỉ giúp Michael chịu ít đi hai roi. Buổi sáng tháng 5 ấy, cậu vẫn phải chìa mông trần ra cho người Singapore quất bốn roi!

Đó là một chuyện hoàn toàn khó hiểu đối với một giáo viên trung học, một công dân trung bình của nền dân chủ Mỹ. Nó cũng không mấy dễ hiểu hơn với người dân một nước châu Á láng giềng là tôi. “Singapore nghiêm khắc quá! - tôi thầm nghĩ, song vẫn cười bảo Jack - Người Mỹ các anh hay thật, đi tra tấn bỏ bom người khác thì được, mới bị quất vài roi đã làm ầm cả lên!”. Jack chống chế, mắt vẫn xanh lè vì xúc động: “Hai chuyện khác hẳn nhau mà. Đây không phải là thời chiến, đây là vấn đề luật pháp và quyền con người trong xã hội hiện đại!”.

Chờ cho Jack dịu lại, chúng tôi cố nói sang chuyện khác, tránh cuộc tranh luận chẳng đi tới đâu về đất nước có những luật lệ có vẻ phi dân chủ, có thời tiết nóng ẩm ghê người, nhưng lại giàu có, văn minh, sạch sẽ và an ninh bậc nhất thế giới!

2. Lâu rồi không gặp Jack, không biết anh có như tôi, dù muốn hay không, luôn quan tâm tới đất nước nhỏ bé ấy, nơi mình đã sống ít năm thời trẻ. Chúng tôi chắc ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của thói quen tuân thủ những luật lệ công cộng, lối tư duy và làm việc rất hiệu quả của người Singapore.

Nên khi đọc cuốn Đối thoại với Lý Quang Diệu, cuốn sách của nhà báo kỳ cựu Mỹ Tom Plate viết về cựu thủ tướng Singapore, tôi chợt nhớ đến Jack. Chắc chắn anh sẽ thấy nó thú vị.

Cuốn sách mở đầu cho một loạt sách của Tom Plate về những người khổng lồ châu Á. Đây là một thể loại sách “người thật việc thật” rất khó viết, nhất là khi bàn tới một nhân vật còn sống, và tuy chỉ giữ chức cố vấn nhưng vẫn đang ở trên đỉnh cao của quyền lực.

Lấy hai buổi chiều được trực tiếp nói chuyện với nhà lãnh đạo Singapore làm bối cảnh, Tom Plate không hướng độc giả vào hình ảnh “con người trước công chúng” - uyên bác nhưng nóng nảy, ôn hòa nhưng độc đoán, uyển chuyển nhưng cực đoan - mà tìm hiểu những gì ẩn sâu trong con người ông, những gì đã tạo nên triết lý sống, làm việc và lãnh đạo đất nước của Lý Quang Diệu.

Những sự kiện trong cuộc đời dài ngót nghét chín thập niên và những nhận định rất thú vị của Lý Quang Diệu về Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mỹ và châu Âu, cùng những Đặng Tiểu Bình, Richard Nixon, Bill Clinton, Jimmy Carter, Gandhi, Nehru, Suharto… cho thấy ông là người có quan điểm độc lập và phức tạp về nhiều vấn đề chính trị và công quyền trên thế giới, song lại khá nhất quán trong đường lối xây dựng và phát triển Singapore.

Tự nhận mình là người chỉ quan tâm đến hiệu quả mà không theo những học thuyết cao siêu, Lý Quang Diệu tin rằng người lãnh đạo “phải tạo cảm hứng, phải khích lệ mọi người chứ không chỉ tâm sự về những nỗi phiền muộn của mình”, và phải “đem lại những gì tốt nhất cho nhiều người nhất, một cách công bằng, không phân biệt đối xử”.

Dù có những quan điểm gây tranh cãi như việc áp dụng thuyết ưu sinh, Lý Quang Diệu đã thành công trong việc đầu tư vào chất lượng tinh hoa của nguồn nhân lực. Ở Singapore, đạo đức chuyên nghiệp cũng được nâng cao bằng những phương pháp chống tham nhũng hữu hiệu (như lương công chức cao hơn ở nhiều nước phương Tây). Ông quan tâm đến việc cấp dưới và người dân của mình muốn gì, chứ không phải việc các chính khách phương Tây nghĩ gì về mình.

3. Cuốn sách, như Lý Quang Diệu đề nghị “anh cứ viết về tôi như những gì anh thấy”, đã không thuật lại và trích dẫn một chiều mà thể hiện cách nhìn đôi khi rất khác biệt của tác giả. Tác giả có những am hiểu sâu sắc về châu Á, khi ông viết những trang rất thú vị về ảnh hưởng của triết lý đạo Khổng đối với Lý Quang Diệu trên chính trường cũng như trong gia đình. Lý Quang Diệu tin rằng xã hội sẽ phát triển tốt nhất khi mọi người “làm việc thiện, không làm việc xấu, hiếu thảo với cha mẹ, chung thủy với vợ, chăm sóc tốt con cái, hết lòng với bạn, trung thành với vua”.

Ông coi trọng việc duy trì trật tự xã hội bằng những biện pháp cứng rắn, từ việc chống ma túy bằng án tử hình, phạt roi với tội phá rối tới việc cấm mua bán kẹo cao su.

Tôi tin nếu đọc sách này chắc Jack cũng như tôi và nhiều độc giả khác sẽ càng thấy rõ hơn sự liên quan giữa án phạt ngày nào và những thành tựu tốt đẹp không thể chối cãi của Singapore, hay của Lý Quang Diệu. Vì “hai cái tên ấy”, theo nhà ngoại giao Việt Nam Tôn Nữ Thị Ninh, “dường như không thể tách rời nhau”.

* “Tôi nghĩ độc giả phương Tây không hiểu một điều là nói cho cùng, tôi không sợ chuyện họ đánh giá tôi thế nào mà tôi lo không biết những người dưới sự lãnh đạo của tôi đánh giá tôi như thế nào. Tôi nợ họ trách nhiệm này... Chúng tôi phải làm sao để đất nước Singapore độc lập tồn tại được”.

* “Tôi tìm kiếm những tư tưởng có hiệu quả trong thực tế. Nếu chúng không phát huy tác dụng thì tôi sẽ nói được rồi, tư tưởng này nghe có vẻ hay đấy, nhưng phải thử cái khác hiệu quả hơn”.

* “Tôi luôn làm mọi việc dựa trên giả định là mọi người đều làm việc trước hết vì bản thân họ và gia đình, và chỉ sau đó mới chia sẻ một phần họ có cho những người kém may mắn hơn”.

__________

(*) Đối thoại với Lý Quang Diệu, tác giả: Tom Plate, Nguyễn Hằng dịch, NXB Trẻ phát hành tháng 1-2011.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận