Dốc gió

TTCT - 23 Tết, cả bãi Thịnh Sơn trống hơ trống hoác. Suốt dọc thung lũng chỉ còn lại những mỏm đất nham nhở, lở loét. Con sông Miện đỏ bầm vào mùa mưa giờ biến thành một rẻo nước trong leo lẻo, trôi lờ đờ qua đám sỏi đá lởm chởm.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

Đến tận lúc này, Phong cũng không dám tin là chỉ còn lại mình nó ở Thịnh Sơn. Đêm nằm nghe gió lùa thông thốc vào khu lều trại tiêu điều, không tiếng ngáy, không tiếng cãi lộn, chửi thề bỗng dưng nó thấy chờn chợn. Cũng còn may đám thợ thương tình buộc lại cho nó con gà và hơn chục cân gạo để “thằng bé” sống qua được mùa Tết.

Trong đêm, mùi phân gà ở đầu hồi dậy lên khiến nó tin là mình vẫn còn sống sót.

Ở Thịnh Sơn này.

Nơi mà không tháng nào không sập hầm. Không tháng nào không có đám giật áo, dắt dao, vung đao đập búa, sọ người văng như đậu phụ rữa. Không tháng nào cánh đào vàng bên Đông không gây hấn với bên Tây. Đạn nổ rôm rốp. Lựu đạn mù mịt. Xác người chết rục xuống như thân chuối đổ. Rồi cả đống thân xác bầy nhầy máu me ấy bị quăng tất vào rừng. Hôm sau, ai nấy lại lầm lũi dán mặt vào đất. Mà đào. Mà đãi. Ốm cũng phải bò dậy mà làm. Cùng cực vào đến đây rồi, ốm đau bỗng thành thứ xa xỉ.

13 tuổi. Chưa bao giờ nó dám khai báo tuổi thật với bưởng trưởng. Tuổi càng nhỏ, tiền công càng thấp. Nó không bỏ nhà đi làm để phải chịu tiền công ở mức đáy. 13 tuổi, nó gồng mình làm những việc của một thằng trai 18 tuổi. Đào đá, đẩy xe, sàng cát. Nó làm tất. Duy chỉ có chơi gái là nó trốn.

Cả bãi giày vò một đứa con gái. Cảnh ấy nó không chịu đựng nổi. Nó sợ đàn ông. Nó sợ cả đàn bà. Nó thương mẹ.

Không vì mẹ thì nó không bỏ lên bãi vàng này. Người đàn bà đã ngậm khóc giữa lúc đương xoan khi chứng kiến chồng dẫn gái về nhà. Người đàn bà đã ngậm khóc giữa lúc hồi xuân, trong căn nhà lạnh vắng đàn ông, thừa thãi tiếng trẻ khóc nhèo nhẹo vì đói, vì rét.

Một mình, mẹ thồ cả xe hàng tạp hóa cao chất ngất với tả pí lù từ dầu cù là, mì tôm, thuốc kháng sinh đến dầu hỏa... chở vào buôn để bán cho người dân tộc. Vừa bán hàng, người vừa sốt phừng phừng. Tay chân bải hoải. Mình như không phải là mình nữa. Tấm bánh mì mang theo để ăn trưa cứng đanh, kẹp giữa khe hàng. Mẹ cầm bánh mì, không muốn cắn. Cắn rồi chỉ muốn nhổ ra nhưng vẫn cố mà nhai mà nuốt. Không thể bỏ về nửa chừng. Không được phép gục xuống. Không thì gạo đâu cho con, áo đâu cho con?

13 tuổi, nó dõng dạc tuyên bố: “Con đi Thịnh Sơn”.

Mẹ nghe xong, như vừa nghe án tử hình. Vì mẹ biết Thịnh Sơn.

Cơm bữa tối, mẹ quên rút lửa, khét mù. Con xung phong vét toàn bộ cháy đen đáy nồi. Ngồi ăn lặng lẽ. Con ăn mà mẹ đắng họng. Nước mắt dồn nghẹn lại tim. Đau thắt.

“Nhất định con phải đi sao?”

Nó lặng lẽ gật đầu.

Hôm sau chờ mẹ chở xe hàng vào buôn như thường lệ. Nó khoác nải quần áo lên vai. Thẳng hướng Thịnh Sơn.

Thật ra thì mẹ không đi vào buôn. Mẹ không chịu đựng nổi cảnh con bước ra khỏi cổng nhà. Không chịu đựng nổi khi mắt phải nhìn mắt. Lời chia tay phải buột ra. Nên mẹ giả bộ đưa hàng đi bán như mọi hôm. Mẹ biết con sẽ đi hướng nào. Nên mẹ dựng xe đầu dốc này. Để chờ. Chờ trong mòn mỏi. Lòng trĩu nặng dần theo bóng nắng rọi trên thân cây cao su. Mẹ cầu trời lạy Phật nó sẽ đổi ý. Nhưng mẹ hiểu nó. Cái thằng đã quyết gì là làm bằng được.

Chẳng phải đợi lâu, nó đã xuất hiện. Cái trán gồ lên trong nắng. Mẹ muốn lao ra khỏi chỗ nấp. “Con ơi là con”.

Nhưng không hiểu sao mẹ ghìm lại được. Đời mẹ, mẹ ngấm đủ nước mắt rồi. Mẹ không muốn nước mắt mẹ chảy sang cả đời con. Mẹ không muốn sự bi lụy này làm con trở nên yếu đuối và thậm chí là đớn hèn. Một thằng đàn ông đớn hèn là nỗi nhục không thể gột rửa được.

Nhìn bóng con cheo leo trong gió, lòng mẹ cũng muốn tan thành gió.

Phong ơi là Phong!

***

Cơn sốt sầm sầm kéo đến vào giữa trưa. Mắt nó nổi hoa cà hoa cải. Cả người nó run rẩy vì cơn ớn lạnh bất thần chạy dọc sống lưng. Rồi thì đầu óc mụ mị. Nó đổ sập xuống phản.

Gió.

Bỗng nhiên sao gió kéo đến nhiều thế. Gió như cả ngàn mũi kim châm chích vào từng thớ thịt. Gió phừng phừng như bão, muốn cuốn thốc nó đi. Nó bám chặt vào mép phản, lăn lộn quằn quại. Bao nhiêu chăn chiếu nó quấn cả vào người rồi mà gió vẫn len lỏi chui vào từng tế bào, mà cắn mà xé. Người nó co rút lại, buốt cóng. Như một xác ướp đang được đưa vào phòng đông đá. Chân tay nó giật liên hồi.

Trời ơi. Lạnh. Mẹ ơi.

Nó tưởng mình đã sống đủ trăm năm.

Nó tưởng lúc mặt trời lên, tóc trên đầu sẽ trắng xóa.

Nó tưởng huyệt mộ đã mở sẵn ra rồi.

Thung lũng này quá thừa chỗ để vùi thân xác nó.

Nhưng mẹ tìm thì biết tìm ở đâu?

Thật ra thì chẳng hề có huyệt mộ nào. Chỉ có con gà trống nhẫn nại đi đi lại lại trong lều tìm cơm vãi. Trong lúc mải mê, cái mỏ nhọn hoắt của con gà đói ăn mổ trúng vào cổ áo nó. Đánh thức nó khỏi cơn sốt rét hãi hùng.

Đêm ba mươi Tết, nó thắp hương và soạn ra hai bát cơm. Một cho nó. Một cho con gà. Con gà thì đã ngủ vùi trong mảnh cót ép nó quây tạm để tránh gió. Thành thử chỉ bập bùng trong đêm ba cây nhang đỏ lửa, và đôi mắt nó cũng đang đỏ rực lên. Vì nhớ.

Mẹ ơi...

***

Nó ngủ gục bên hai bát cơm nguội lạnh. Sáng mở mắt, thấy cả hai bát cơm đều đã toe toét vết gà mổ. Con gà sau khi đã phởn phơ với “món quà” đầu năm mới, ve vẩy đi lại ngoài sân. Bộ cánh vàng rực ánh lên trong cái nắng hiếm hoi của những ngày xuân xám xịt, tê rét. Còn lại trên sàn nhà mùi phân gà ngai ngái, nồng nồng.

Chưa bao giờ nó thấy yêu mùi phân gà đến thế.

Nó chưa sống đủ trăm năm. Tóc chưa bạc trắng. Và vẫn còn mẹ đang còm cõi ở nhà. Điều ấy khiến nó bật dậy, nhao ra con sông Miện. Không phải bỗng dưng cả mùa Tết nó bám lại Thịnh Sơn. Nó muốn tranh thủ gạn lại những xái quặng mà dân đào vàng bỏ lại. Quên đi thân xác đang rời rã. Quên đi đám rận cắn cấu quanh đám lở loét bên lưng quần. Quên đi sự cô độc cùng quẫn ở xó rừng tan hoang này.

Vàng! Vì vàng, nó bất chấp tất cả. Lọc lại ở dưới bãi thế nào cũng có vụn vàng. Gom lại, thế nào cũng được chút gì đáng giá. Nó sẽ mua được cho mẹ bộ quần áo mới. Lâu lắm rồi nó chưa hề thấy mẹ thay đổi màu quần áo trên người. Chỉ hai bộ cánh nâu và đen. Kiên nhẫn hết ngày này sang tháng khác. Cái vệt nước mắt sạm trên cánh áo mẹ nhức nhối trong tim nó từng ngày. Nó phải có tiền. Thật nhiều tiền. Có tiền, tụi em nó sẽ được những bữa no. Thằng Hưng, con Én không phải tranh nhau muôi cơm vét đáy nồi.

Những ý nghĩ tươi sáng ấy khiến nó trở nên hào hứng. Nó cặm cụi làm đến lúc mắt không còn phân biệt được màu đất trong đáy sàng nữa thì mới chịu đứng dậy. Cả người ê ẩm. Hai tay bợt đi vì ngâm quá lâu trong nước lạnh, nhưng nó vui hơn bao giờ hết. Hôm nay nó đãi được nhiều vụn vàng hơn hẳn những hôm trước. Quả là ông trời còn biết thương kẻ nghèo khó, khốn cùng này

***

Nó tự khò đám vụn vàng thành miếng. Được bảy hoa.

Lòng nó cũng đang nở hoa.

Nó lận bảy phân vàng vào cạp quần rồi cắp con gà trống quay về nhà.

Ông Thủ kim hoàn phố huyện hấp háy mắt nhìn nó, rồi soi soi viên vàng bé xíu lên trước mặt.

“Nhóc con, khá lắm! Cứ về đi. Hai hôm nữa có tiền”.

Hai ngày liền nó ngủ như chưa bao giờ được ngủ. Mẹ nấu nồi cháo hành hoa, thấy con ngủ ngon, không nỡ đánh thức.

Ngày thứ hai nó vẫn còn mệt nên giục mẹ sang ông Thủ lấy tiền.

“Tiền nào?”.

“Tiền bảy phân vàng của thằng Phong gửi ông hôm trước”.

“Vớ vẩn! Nó nói thế mà bà cũng tin à? Vớ vẩn!”.

Mẹ nó lập cập trở về.

Nó lao vào bếp. Rút con dao trên giá. Lao ra ngoài đường như một tia chớp.

Mẹ nó lạnh người. Hối hả chạy theo.

May mà ông Thủ đi đám giỗ không có nhà. Thằng Phong nổi điên, chém tan nát cái cổng gỗ nhà ông Thủ. Đám con trong nhà đóng chặt cửa, không dám ho he.

Cả đêm nó không về. Nó nằm phục trước cửa nhà ông. Lần này nó quyết xin lão già chó má tí tiết. Nó không cần vàng nữa. Máu trong người nó rừng rực như một con thú hoang bị trúng thương.

***

Mẹ đến gọi nó khi mắt nó dại đi vì thiếu ngủ và thù hận.

“Tiền đây con”.

“Tiền nào?”.

“Ông Thủ nhờ mẹ gửi lại con. Ông ấy gửi lời xin lỗi con. Thôi con ạ. Người ta biết lỗi rồi thì thôi. Túng quá nên người ta làm liều. Thôi, về đi con”.

Lời mẹ làm nó mềm lòng.

Nó cun cút về nhà như một con chó săn đã thấm nỗi mệt mỏi và chán chường.

“Tiền đấy, mẹ muốn làm gì thì làm”.

“Ờ, tốt quá rồi” - mẹ cười như mếu.

Cả đời, có bao giờ mẹ cười được đâu.

Mẹ ơi.

Nước mắt nó ứa ra.

***

Nó lại đi.

Nhưng không đi Thịnh Sơn nữa.

***

Ba năm sau, nó tìm được giấy ghi nợ 7 phân vàng nằm trong hộc tủ. Cuối tờ biên nhận có dòng chữ nguệch ngoạc “đã trả đủ”. Nhưng là mãi ba năm sau. Kể từ cái ngày ấy.

Nó lao ra dốc gió.

Gió thốc tháo va vào mặt nó. Ướt nhèm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận