Diễn đàn Shangri-La 2022: Những bận tâm chung và riêng

DANH ĐỨC 20/06/2022 01:00 GMT+7

TTCT - Nếu không kẹt đại dịch Covid-19 năm ngoái, Đối thoại Shangri-La (SLD) của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS, Singapore, đã tròn 20 tuổi. Song, chính đại dịch cùng cuộc chiến đột xuất ở Ukraine lại dẫn đến những thay đổi tình hình thế giới khiến SLD năm nay thật khác lạ.

Tất nhiên vẫn là cặp đối kháng lâu năm Trung - Mỹ, song năm nay hai “ông lớn” này càng xung đột gay gắt, không chỉ do quan hệ song phương xấu đi, mà còn do ngày càng hình thành một sự phân hóa nơi các quốc gia khác trong khu vực. 

Sự phân hóa đó được Tân Hoa xã ngày 12-6 mô tả: “Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 đã kết thúc hôm chủ nhật. Các đại biểu và chuyên gia cảnh báo chống lại các chiến lược địa chính trị gây chia rẽ, kích động đối đầu và phá hoại hòa bình trong khu vực, đồng thời nói thêm rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm chia rẽ các quốc gia đều sẽ thất bại”.

 
 Ảnh: Antartica

Ai là chính nghĩa? 

Tân Hoa xã tất nhiên nhận định Trung Quốc là chính nghĩa: “Các đại biểu và chuyên gia đánh giá cao chính sách của Trung Quốc về bảo vệ chủ nghĩa đa phương, hòa bình và ổn định khu vực và xây dựng tương lai chung cho nhân loại trong hội nghị kéo dài ba ngày”. 

Và rồi hãng tin này dành cả đoạn dài để quảng bá Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) của Trung Quốc mà họ cho rằng “mang tới hướng dẫn mới để xây dựng hòa bình”.

Sáng kiến này được Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đưa ra ở SLD: “Thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng hiếm thấy trong lịch sử. Con đường phía trước là duy trì và thực hành chủ nghĩa đa phương và xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại”.

Và rồi Tân Hoa xã làm đúng bài bản đưa tin mang bổn phận của một hãng truyền thông nhà nước, tìm dẫn một số ý kiến ủng hộ phát biểu này của ông Ngụy, gồm Woo Su-keun, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á của Hàn Quốc; Kin Phea, tổng giám đốc Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Hoàng gia Campuchia; Chen Gang, phụ tá giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore; và Hishammuddin Hussein, bộ trưởng quốc phòng Malaysia.

Ông Hussein đã nói gì?

Nhưng thiệt ra, Bộ trưởng Hussein khi đăng đàn phát biểu trong nhóm chủ đề 3 “Phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới” cùng các đồng cấp Úc và Qatar đã đề cập đến hợp tác tiểu khu vực, tỉ như giữa Malaysia với Philippines, Brunei... cùng yêu cầu niềm tin với tất cả các bên tham gia. 

Ngay sau đó, ông đưa vấn đề Biển Đông ra, như một dẫn chứng: “Về Biển Đông, Malaysia còn hơn là cảnh giác về những mối đe dọa với chúng tôi”, do lẽ “cuộc tranh chấp ở đây có thể xấu đi và biến thành một trong những cuộc xung đột chết người nhất của thời đại chúng ta, nếu không muốn nói là của lịch sử”.

Nhất định đây là cảnh báo nghiêm trọng nhất về vấn đề Biển Đông cho tới nay, dù Tân Hoa xã lờ đi không nhắc. Ông còn kêu gọi 10 nước ASEAN toàn tâm, toàn ý trước thách thức: “Khối 10 nước chúng ta phải giữ đoàn kết với nhau”, do lẽ “từng nước đơn lẻ mà nói, chúng ta không có hy vọng sánh nổi sức ảnh hưởng và sức mạnh của những nước khác mạnh hơn”.

Nếu theo dõi tình hình, có thể thấy cách đây đúng một năm, ngay giữa cao trào đại dịch Covid, Malaysia đã nếm mùi “viễn thân bất như cận lân” (“bà con xa không bằng láng giềng gần”), như một bình luận rất hàm súc của báo Nhật Nikkei Asia 6-6-2021: 

“Trung Quốc đã tăng cường xâm nhập vào không phận Đông Nam Á, gây phẫn nộ cho Malaysia trong vụ vi phạm gần đây nhất, khi Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực kết hợp giữa ngoại giao vắc xin và sự phô diễn lực lượng. 

Tuần này, lực lượng không quân Malaysia đã tung máy bay phản lực để ngăn 16 máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận quốc gia. Máy bay Trung Quốc “bay theo đội hình chiến thuật” và đến cách đảo Borneo khoảng 60 hải lý...”.

Theo South China Morning Post thì 16 máy bay đó gồm hai loại máy bay vận tải chiến lược bốn động cơ Ilyushin Il-76 và Xian Y-20. Y-20 có thể chở tới 300 binh sĩ, xe tăng T-99 do Trung Quốc sản xuất, hạ cánh được ở các sân bay nhỏ vùng đồi núi. Malaysia phản ứng gay gắt cũng không lạ.

 
 Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu ở Shangri-La 2022. Ảnh: Reuters

Những tâm sự của Úc

Trong bối cảnh chung như vậy, tân Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Phó thủ tướng Úc Richard Marles cũng có đôi điều tâm sự: 

“Nước Úc không đặt vấn đề về quyền của bất kỳ quốc gia nào trong việc hiện đại hóa năng lực quân sự phù hợp với lợi ích và nguồn lực của họ. Việc xây dựng quân đội của Trung Quốc hiện ở quy mô lớn và tham vọng nhất mà chúng tôi từng thấy ở bất kỳ quốc gia nào kể từ khi Thế chiến II kết thúc. 

Nhưng việc xây dựng quân đội ở quy mô lớn phải minh bạch và kèm theo những trấn an... sao cho các nước láng giềng không coi đó là rủi ro với họ”.

Về chuyện xây dựng niềm tin, đại diện Úc chỉ rõ: “Nhất thiết phải tạo ra sự tin tưởng rằng các quy tắc toàn cầu được áp dụng ở mọi nơi. Rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển [UNCLOS] được áp dụng trên tất cả các vùng biển quốc tế, kể cả Nam Hải [tức Biển Đông]”. 

Bởi thế, theo ông Marles: “Phải hiểu rõ việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể ở Nam Hải nghĩa là gì: đó chính là ý đồ phủ nhận bằng vũ lực tính hợp pháp của các tuyên bố chủ quyền từ các nước láng giềng trên tuyến hàng hải quốc tế quan trọng này”. 

Trên cơ sở đó, ông cam kết: “Nước Úc sẽ trở thành đối tác gắn bó và đáp ứng hơn với các nước láng giềng Thái Bình Dương. Để được vậy đòi hỏi nỗ lực, đòi hỏi sự tôn trọng và sẵn sàng lắng nghe. 

Chúng tôi muốn giành được sự tin tưởng của các quốc gia ở Thái Bình Dương để trở thành đối tác tự nhiên đáng lựa chọn với họ. Chính phủ mới của Úc cũng sẽ làm sống lại sự dấn thân sâu rộng trong lịch sử của chúng tôi ở Đông Nam Á”.

Ngày nay, ít người còn nhớ chuyện nước Úc dấn thân thế nào với Đông Nam Á trong lịch sử. Ngay từ năm 1940, không quân hoàng gia Úc đã có mặt ở Đông Nam Á, chủ yếu là Malaya và Singapore thuộc Anh, để chống phát xít Nhật. 

Nhiều năm sau đó, các lực lượng Úc và đồng minh đã chiến đấu ác liệt với quân Nhật ở vùng Đông Nam Á hải đảo và Thái Bình Dương. 4 tháng đầu tiên của cuộc chiến Thái Bình Dương, nổ ra vào tháng 8-1941, là một trong những thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử nước Úc.

Giờ đây, Phó thủ tướng Marles tiếp nối cam kết của những năm tháng xa xưa: “Lực lượng Phòng vệ Úc sẽ luôn có mặt vì các nước láng giềng Thái Bình Dương, có thể để ứng phó với thảm họa tự nhiên và nhân đạo, hoặc một loạt vấn đề an ninh phức tạp mà hiện chúng ta cùng phải đối mặt. 

Chúng tôi sẽ giúp ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp và tội phạm xuyên quốc gia thông qua hỗ trợ nhiều hơn cho Chương trình An ninh hàng hải Thái Bình Dương. Úc cam kết với các quốc gia ở Thái Bình Dương vì chúng tôi cũng là một quốc gia Thái Bình Dương”.

Tokyo tự khẳng định

Nếu Thế chiến II nổ ra ở châu Á là do Nhật Bản quân phiệt, thì Nhật Bản ngày nay lại muốn là lá cờ đầu đảm bảo an ninh khu vực. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, trong phát biểu khai đề, tóm tắt những thách thức hiện nay: 

“Trên Biển Đông, luật lệ có thực sự được tôn trọng? Cả luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển, mà tất cả các quốc gia liên quan đã nhất trí sau nhiều năm đối thoại và nỗ lực, cũng như phán quyết do Hội đồng trọng tài đưa ra theo công ước này, đều không được tuân thủ”.

Tình trạng vô pháp luật đó không chỉ diễn ra trên Biển Đông, mà cả “trên biển Hoa Đông, nơi Nhật Bản có mặt, các cố gắng đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực vẫn đang tiếp tục”, theo lời ông Kishida.

SLD năm nay, ngoài mời Thủ tướng Nhật Bản làm thượng khách đọc diễn văn khai đề, còn dành một chỗ cho Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo trong phiên họp thứ nhì mà chủ đề là “Quản lý cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực”. 

Theo ông Kishi, tình hình năm nay đặc biệt nghiêm trọng do “thế giới đang ở giữa cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các quốc gia cố gắng thay đổi nó bằng vũ lực”.

Từ thực trạng đó, ông rút ra bài học: “Mối nguy hiểm gây ra bởi các quốc gia sở hữu hoặc đang phát triển vũ khí hạt nhân nhưng lại bất chấp luật lệ là có thực và thể hiện qua việc một quốc gia sẵn sàng đe dọa nước khác bằng vũ khí hạt nhân và sử dụng quân đội hùng mạnh trong nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng”. 

Ông cũng nói thẳng về mối quan tâm lớn của Nhật Bản: “Khả năng quan hệ Trung - Nga sâu sắc hơn nữa” khiến “nhiều nước ngày càng lo ngại trước các hoạt động quân sự chung của Trung Quốc và Nga, hai cường quốc quân sự lớn, tiến hành trên biển Hoa Nam [tức Biển Đông] và Hoa Đông, nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.

Giải pháp, theo ông Kishi, là chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP) mà Nhật Bản đang quảng bá, cùng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương (AOIP) mà Nhật Bản hậu thuẫn hoàn toàn. 

Ông khẳng định: “Nhật Bản và ASEAN chia sẻ các quan ngại và mạnh mẽ phản đối các ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.

Tình hình mới, chọn lựa mới

Có thể thấy vào giữa năm 2022, sau khi chiến tranh Ukraine bùng nổ được gần 4 tháng, châu Á - Thái Bình Dương bắt buộc phải nhìn và thấy một thực tế mới: các thế lực cũ như Mỹ, NATO, EU... đã trở thành “đồ cổ”, cùng một LHQ và Hội đồng Bảo an "hữu danh vô thực", trong khi luật lệ quốc tế, bao gồm UNCLOS, đã và đang bị thay thế bằng sức mạnh cơ bắp.

Giờ là lúc các nước “đương sự” ở khu vực phải tìm tới nhau, chớ không cứ dựa vào các “ông lớn” nào nữa. Có thể tóm tắt điều đó qua nhận định của ông Marles: “Chúng tôi tin rằng các thách thức an ninh Thái Bình Dương cần các giải pháp an ninh Thái Bình Dương”. 

Các nước Malaysia, Úc, Nhật Bản... chỉ là một vài trong nhiều quốc gia có nhu cầu thượng tôn luật pháp ở khu vực. “Chúng tôi muốn thấy một khu vực hòa bình, không xung đột. Một khu vực mà chủ quyền của tất cả các quốc gia - dù lớn hay nhỏ - đều được bảo đảm, và là nơi mà luật pháp ngự trị để điều chỉnh hành vi giữa các quốc gia, chớ không phải sức mạnh”, ông Marles nói.

Về phần Trung Quốc, năm nay họ đã cử tới SLD một phái đoàn cấp cao gồm hơn 50 người do tướng Ngụy Phượng Hòa dẫn đầu. 

Trong đoàn có mặt nhiều nhân vật cấp cao như trung tướng Trương Chấn Trung, phó tổng tham mưu trưởng, ủy viên Quân ủy trung ương; trung tướng Hà Lôi, cựu phó giám đốc Học viện Khoa học quân sự; Thôi Thiên Khải, nguyên đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ 2013 - 2021... 

Tuy nhiên theo SCMP, dường như phái đoàn Trung Quốc muốn giữ thái độ kín đáo vào thời điểm căng thẳng gia tăng trong khu vực. Thành ra, ngoài bài phát biểu then chốt của ông Ngụy, không có đại biểu đương chức nào của quân đội nước này phát biểu chính thức hoặc tham gia các phiên họp toàn thể trong hai ngày diễn đàn như những năm trước.■

Nhà báo Singapore Sui Lee Wee đã đặt câu hỏi với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh về vấn đề thỏa thuận ở căn cứ Ream giữa Trung Quốc và Campuchia. 

Theo tướng Tea Banh, Campuchia cho tới giờ không có cảng biển sâu nào ngoại trừ ở Sihanoukville và hải quân nước này chưa có quân cảng, nên giờ nhờ xây một cảng nước sâu lớn, công xưởng sửa chữa tàu nước khác có thể ghé, thậm chí nhận tài trợ, là chủ quyền biển của Campuchia.

Một tiếng nói khác cũng rất đáng chú ý ở SLD là của Indonesia. Bộ trưởng Quốc phòng nước này Prabowo Subianto phát biểu: 

“Với Indonesia, lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi tôn trọng tất cả các đại cường quốc, và tất cả các cường quốc cần có không gian của mình, quyền của họ cần được tôn trọng. Song, chúng tôi hậu thuẫn một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, do lẽ chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bất kỳ trật tự nào chỉ dựa vào sức mạnh”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận