Dịch vụ "ăn theo" ở bệnh viện 

YẾN TRINH 20/11/2015 01:11 GMT+7

TTCT - Tại các bệnh viện ở TP.HCM đang nở rộ những dịch vụ “ăn theo” giúp người bệnh và thân nhân đỡ vất vả trong thời gian lưu trú tại đây. Tuy nhiên, tiện ích cũng có nghĩa chi phí của người đến bệnh viện càng thêm chồng chất.

Ngoài tiền viện phí, thuốc thang... chi phí cho các dịch vụ ở bệnh viện làm tăng thêm gánh nặng cho người nhà bệnh nhân -Yến Trinh
Ngoài tiền viện phí, thuốc thang... chi phí cho các dịch vụ ở bệnh viện làm tăng thêm gánh nặng cho người nhà bệnh nhân -Yến Trinh

Mẹ cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, đến lúc cần báo tin cho người nhà ở Tiền Giang thì Nguyễn Thúy Vy phát hiện điện thoại hết sạch pin. Hỏi những người đi thăm nuôi, Vy mới biết tầng trệt bệnh viện có quầy nhận sạc điện thoại giá 5.000 đồng/lần.

Cần gì cũng có

Gương mặt bơ phờ, Vy đứng tựa vào quầy sạc điện thoại chờ đợi. Cạnh đó, nhiều người cũng đứng ngồi không yên, thỉnh thoảng ghé mắt nhìn vào chiếc bàn để la liệt điện thoại. Vy nói từ khi đưa mẹ vào đây cấp cứu, điện thoại từ dưới quê gọi lên liên tục. Nếu không có dịch vụ sạc pin, Vy chẳng biết liên lạc với người nhà bằng cách nào.

“Em tôi nằng nặc đòi sáng mai đón xe lên, nhưng trên đây mình tôi lo cho mẹ được rồi vì em tôi còn phải đi học. Đi gấp quá nên chẳng mang theo gì hết. Cũng may ở bệnh viện có sẵn các dịch vụ cần thiết nên đỡ phần nào” - Vy nói.

Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, quầy dịch vụ sạc pin luôn trong tình trạng “đắt như tôm tươi”. Ở đây nhận sạc pin điện thoại tháo rời bằng dụng cụ sạc đa năng. Với điện thoại không tháo pin được, khách phải đưa cục sạc của mình cho quầy dịch vụ.

Khách sẽ nhận được phiếu ghi mã số và giờ lấy với giá 4.000 đồng/lần sạc. Ông Châu Ca Văn có con bị sốt siêu vi điều trị ở đây đã bốn ngày nên khá rành dịch vụ này. Ông nói: “Tôi đi gấp không mang cục sạc, nên hôm bữa phải chạy ra mua cái điện thoại rẻ tiền xài đỡ”. Còn ở một số bệnh viện khác, khách tự ngồi canh điện thoại của mình và phải mua chai nước hoặc ly cà phê trong lúc chờ đợi.

Không chỉ sạc điện thoại, để “bám trụ” ở bệnh viện lo cho người thân cả tuần nay, bà Nguyễn Thị Năm phải sắm bình thủy (phích nước sôi), chiếu, nước suối, sữa... Tất cả có ở căngtin. Bình thủy giá 88.000 đồng/bình, thêm nước sôi đầy bình 5.000 đồng, chiếu 43.000 đồng/chiếc... Hết giờ thăm nuôi, bà Năm quay ra cầu thang ngồi phịch xuống chiếc chiếu trải sẵn. Để có được chỗ “vip” này, bà phải nhờ một đôi vợ chồng tốt bụng giữ giúp.

Bà kể: “Ngày đầu tôi phải ra cổng mua cháo, cơm hộp. Người bán nói nếu ở đây lâu, họ sẽ đem cơm đến tận cầu thang cho tôi. Nước sôi, sạc điện thoại thì có sẵn trong bệnh viện”. Còn ông Trần Văn Chiến nuôi con bị tai nạn giao thông cho biết theo yêu cầu của bác sĩ, ông phải túc trực 24/24 trước phòng săn sóc đặc biệt. Khi cần mua gì thì gọi điện cho căngtin hay mấy quầy hàng trước cổng bệnh viện là có người mang đến tận nơi.

Bệnh nhân khám bệnh tại phòng khám theo yêu cầu của Bệnh viện Q.2, TP.HCM-YẾN TRINH
Bệnh nhân khám bệnh tại phòng khám theo yêu cầu của Bệnh viện Q.2, TP.HCM-YẾN TRINH

Dịch vụ cho người giàu

Ngoài những dịch vụ thiết yếu hằng ngày theo kiểu “không dùng không được”, nhiều bệnh viện mở ra các dịch vụ nhắm vào đối tượng khá giả, người có tiền. Lo ngại tắm không đúng cách sẽ ảnh hưởng sức khỏe trẻ sơ sinh, nhiều người đã thuê điều dưỡng, hộ lý ở bệnh viện đến tận nhà để tắm và thay băng rốn cho bé.

Với mức phí khoảng 150.000 đồng/lần, các bà mẹ thường thuê tắm cho đến khi trẻ rụng cuống rốn. Sản phụ sẽ cho biết địa chỉ nhà, thỏa thuận với người tắm bé về thời gian, chuẩn bị dầu gội, khăn, hai chậu để gội đầu và tắm. Chị Nga (nhà ở Q.Gò Vấp) nói hai con 5 tuổi và 2 tuổi của chị đều thuê người tắm trong một tuần sau sinh.

“Thường thường sau một tuần người tắm mới lấy tiền. Tôi còn nhờ các cô hộ lý xỏ lỗ tai cho con gái mình” - chị Nga kể. Hiện nay đa số bệnh viện phụ sản đều có dịch vụ này, ngoài ra còn chăm sóc vết mổ cho sản phụ sau sinh tại nhà.

Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh) đang phát triển mảng dịch vụ khám, chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Bởi bệnh nhân đi lại khó khăn, sức khỏe suy kiệt, việc thăm khám tại nhà sẽ phần nào giảm bớt sự đau đớn và người nhà cũng đỡ tốn công sức đưa người bệnh đi viện. Ngoài việc thăm khám, đội ngũ y bác sĩ đến tận nhà còn có vai trò tư vấn tâm lý, động viên người bệnh.

Trong khi đó, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng mở dịch vụ giao thuốc tận nhà cho bệnh nhân điều trị ngoại trú không có bảo hiểm y tế. Thuốc được đựng bằng thùng chuyên dụng, chở trên xe máy đến tận nơi ở của bệnh nhân trên toàn thành phố với mức phí khoảng 30.000 đồng.

Nắm được nhu cầu làm đẹp trước và sau khi sinh, một số bệnh viện phụ sản cung cấp các gói dịch vụ đa dạng cho các sản phụ. Bệnh viện Phụ sản MêKông có hẳn một trung tâm thẩm mỹ với nhiều gói chăm sóc toàn thân gồm matxa bằng tinh dầu, chăm sóc da, dịch vụ làm móng tay, móng chân... có giá từ vài trăm ngàn đồng đến tiền triệu tùy gói dịch vụ.

Còn tại Bệnh viện Từ Dũ có các gói làm đẹp cho bà bầu “từ A đến Z” như matxa, chăm sóc da, giúp lấy lại vóc dáng sau sinh, matxa bé... với giá 5-6 triệu đồng trong một tuần. Tương tự, Bệnh viện An Sinh (Q.Phú Nhuận), Bệnh viện Hạnh Phúc (Q.Thủ Đức) có dịch vụ làm đẹp cho bà bầu chia thành các suất như gội đầu và thư giãn vai gáy, gội đầu và thư giãn giảm đau toàn thân, ủ bụng với thảo dược... Giá gội đầu là 100.000 đồng, thư giãn 220.000-380.000 đồng.

Nhiều khách hàng cho biết so với bên ngoài thì giá cả các dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe ở các bệnh viện là khá cao. Anh V., có vợ vừa sinh ở một bệnh viện phụ sản, cho biết: “Gia đình tôi cũng chẳng dư dả gì nhưng thấy vợ mới sinh da bụng nhăn nheo, sức khỏe kém đành phải “cắn răng” mua hai gói dịch vụ hết gần 10 triệu đồng”.

Còn chị Nga sử dụng gói dịch vụ làm đẹp sau sinh hơn 6 triệu đồng trong một tuần của Bệnh viện Từ Dũ gồm chăm sóc da, làm bụng săn chắc, matxa... Chị Nga cho rằng giá như thế là hơi cao nhưng phải chấp nhận vì chỉ ở bệnh viện mới có dịch vụ này.

Dịch vụ matxa, làm đẹp cho các bà bầu -Duyên Phan
Dịch vụ matxa, làm đẹp cho các bà bầu -Duyên Phan

Nặng gánh chi phí

Từ nhu cầu của người đến bệnh viện, các dịch vụ mở ra phần nào mang lại những tiện ích thiết thực. Tuy nhiên, tại các cơ sở y tế từ công đến tư, người bệnh và người đi thăm nuôi buộc phải chấp nhận sử dụng những dịch vụ đó vì không còn cách nào khác.

Dịch vụ sạc pin điện thoại đã giúp họ giữ liên lạc với người thân ở xa. Để vừa gọi được cho người nhà, vừa túc trực chăm sóc người thân đau yếu, họ chấp nhận chỉ sạc pin 10-15 phút rồi ngưng, sau đó sạc tiếp.

Anh Trí, chăm vợ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết mỗi ngày anh phải nhờ cậy đến dịch vụ sạc pin 5-7 lần, tính ra mất vài chục ngàn đồng. Nhiều người cần liên lạc với người thân liên tục nên phải đứng luôn ở quầy sạc pin, vài phút sạc một lần, mỗi lần lấy ra khỏi quầy là tính một lần sạc.

Cầm trên tay chiếc điện thoại “cùi bắp”, ông Nguyễn Khả nói đùa: “Tôi vô đây nuôi con hai chục ngày rồi, hầu như ngày nào cũng sạc. Điện thoại cũ mua có 200.000 đồng, ở thêm mấy bữa nữa chắc tiền sạc bằng tiền mua”. Nói thì nói vậy nhưng qua sông phải lụy đò. Cứ năm phút lại có 1-2 người đến sạc pin hoặc lấy điện thoại đã sạc xong. Trừ tiền thuê nhân viên giữ điện thoại, tiền điện, kinh doanh dịch vụ này là nguồn thu đáng kể cho các bệnh viện.

Dịch vụ sạc pin điện thoại tại các bệnh viện lúc nào cũng “đắt như tôm tươi” -Yến Trinh
Dịch vụ sạc pin điện thoại tại các bệnh viện lúc nào cũng “đắt như tôm tươi” -Yến Trinh

Người đi nuôi bệnh gặp khó khăn thì rỉ tai nhau nên mua đồ đạc, vật dụng bên ngoài để có thể “trả giá” chút đỉnh và được thoải mái lựa chọn. Cũng chiếc chiếu như nhau nhưng ông Trần Văn Chiến ra bên ngoài mua rẻ hơn 10.000 đồng.

Còn bà Nguyễn Thị Năm thường ra ngoài ăn cơm, mua đồ vì giá cả “mềm” hơn. Bà nói: “Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Chỉ có điều ra ngoài mua đồ thì mất thời gian, lỡ con mình bên trong cần uống nước hay đi vệ sinh mà mình không biết”.

Tương tự, một bình nước sôi 5.000-7.000 đồng lâu ngày sẽ thành một gánh nặng đối với người nghèo. Một gia đình nuôi người thân phải mua ít nhất 2-3 chiếc chiếu mới đủ nằm, chưa kể mùng mền để chống muỗi và đỡ lạnh.

Có người để tiết kiệm đành dùng chiếu của người khác bỏ lại. Và cả những dịch vụ làm đẹp, một tuần tốn 6-7 triệu đồng cho một nỗi niềm đẹp hơn sau sinh cũng là khá cao. Cộng thêm viện phí, tiền ăn, nước uống... những dịch vụ “ăn theo” tại các bệnh viện càng làm chồng chất thêm nỗi lo chi phí cho người bệnh và thân nhân.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận