Đi tìm thanh âm hoàn hảo

GEOFF EDGERS (The Washington Post) 27/10/2022 06:02 GMT+7

TTCT - Thế nào là âm thanh hoàn hảo? Liệu ta đã từng thật sự nghe được thanh âm ấy một lần trong đời?

Đi tìm thanh âm hoàn hảo - Ảnh 1.

Nghe trăm đĩa để tìm bản ghi hoàn hảo

Tom Port, 68 tuổi, cho rằng chỉ mình ông có khả năng đảm đương trọng trách xác định đâu là những chiếc đĩa than có âm thanh hay nhất thế giới. Port là một "kẻ hủy diệt" trong làng âm thanh - ông ta rất thích thú nói cho bạn biết những chiếc đĩa than của bạn chả đáng làm ông bận tai và dàn âm thanh bạn dùng nghe nhạc còn thê thảm hơn nữa.

Port tin rằng đĩa than cũng như bông tuyết - không bao giờ có hai cái giống hệt nhau. Có quá nhiều thứ ảnh hưởng việc dập đĩa, bao gồm nhiệt độ phòng, khoảnh khắc một mặt đĩa được dập và những yếu tố chưa biết khác. Bạn không thể tìm được chiếc đĩa có âm thanh hay nhất chỉ bằng cách đọc các nhãn dán bên ngoài tuyên bố rằng đĩa được dập với công nghệ audio tân tiến nhất. 

Cách duy nhất là dùng đôi tai. Vì thế mà Port và nhân viên của ông tại Hãng Better Records sẽ ngồi hàng giờ trong một căn phòng không có cửa sổ, cái tủ lạnh ở góc cũng bị rút phích cắm để tránh nhiễu điện, và cứ thế nghe các phiên bản khác nhau của cùng một album và so sánh từng cái một với nhau.

Ông nói về sự nghiệp kỳ lạ này: "Để tìm các bản ghi thật sự tốt của bài Sgt. Pepper hay Dark Side of the Moon, số đĩa tôi từng nghe đã vượt quá 100 rất nhiều, có lẽ gần đến 200. Tôi muốn thứ tốt nhất, và đó chính xác nên là động lực của bạn. Bạn có chiếc đĩa rất đặc biệt này. Cả bộ sưu tập của bạn chỉ có chừng năm chiếc đặc biệt như thế. Nhưng 5 cái đĩa đó "phê như thuốc". Chúng vượt hẳn bất cứ thứ gì bạn từng nghe và bạn không thể tin vào điều đó".

Tôi đã đến phòng thẩm nhạc của Tom Port để tận mục sở thị một "cuộc đấu loại" - cách ông gọi những buổi ngồi nghe những đĩa khác nhau của cùng một album để so sánh. Tôi mang theo ba bản khác nhau của album jazz Quiet Kenny năm 1959 của nghệ sĩ kèn trumpet Kenny Dorham; cả ba bản đều tự nhận là được ghi với công nghệ audio tối tân. Đây là cuộc thẩm định mù - Port không được cho biết tên hãng khi nhân viên của ông cho đĩa vào máy.

Đi tìm thanh âm hoàn hảo - Ảnh 2.

Tom Port. Ảnh: thebrokenrecord.net

Bản đầu tiên, từ Electric Recording (London, Anh), mỗi năm chỉ làm chừng 12 album dạng phát hành lại, sử dụng thiết bị sản xuất xưa được phục chế. Mỗi album chỉ dập có 300 đĩa, giá 376 USD, nhưng trên eBay bán tới 2.000 USD. Với đĩa này, Port rên lên: "Nghe tiếng bass đó kìa… Ai lại muốn nghe đĩa có âm thanh như thế chứ?".

Kế tiếp, bản của Hãng đĩa Analogue Productions (Kansas, Mỹ) do Chad Kassem sáng lập. Port từng nói Kassem "chưa làm được cái đĩa nào nghe hay" kể từ khi mở hãng năm 1991, còn Kassem gọi ông là "tên khốn thất bại". Port khen đĩa này hơn đĩa của Electric Recording, và sau khi được biết đấy là của Analogue Productions, ông rất ngạc nhiên và nói thêm: "Đó là đĩa có âm thanh hay nhất của Analogue Productions mà tôi từng nghe, vì nó không thấy gớm".

Đĩa cuối cùng là của Hãng Public Domain Recordings do Tom "Grover" Biery, một nhân viên kỳ cựu của Warner Bros, thành lập với phương châm làm đĩa giá rẻ hơn so với mặt bằng chung. Port nhận xét đĩa này xài được nhưng nhạt.

Port đặt ra khái niệm hot stamper - đĩa nghe hay hơn các phiên bản khác của cùng album. Không có đĩa nào trong ba đĩa trên đạt chuẩn này. Port sau đó đồng ý nghe thêm hai bài trên đĩa của Electric Recording, nhưng tình hình chẳng tốt hơn. Tôi đề nghị trợ lý của Port chỉnh lại tay cần của máy hát, nhưng ông la lên: "Chẳng có gì sửa được cái đĩa này đâu. Nó là đồ vứt đi và [tay chủ hãng] nên tự biết xấu hổ".

Nếu nghe đĩa than đủ nhiều, bạn sẽ hiểu vì sao Tom Port ăn nên làm ra. Đĩa than cũ với tình trạng tuyệt hảo có giá hàng trăm đô la Mỹ. Các đĩa mới dập thì chất lượng thất thường, và không có cách nào biết đĩa mình mua thế nào cho tới khi trả tiền, xé bao bì và đặt đĩa lên mâm.

Có cái gì đó hấp dẫn trong cách Port kiên quyết không chịu khen bất cứ thứ gì được dập trong thời hiện đại, hoặc thử dùng một nguồn âm thanh kỹ thuật số (ông thậm chí không nghe nhạc trong xe hơi vì hệ thống âm thanh không thể bằng phòng thẩm nhạc của mình).

Đi tìm thanh âm hoàn hảo - Ảnh 3.

Ảnh: Getty Images

Của nghe…

Neil Young từ lâu đã ám ảnh với việc theo đuổi những thanh âm tuyệt hảo. Trong nhiều năm liền, ông chỉ trích những nhà cung cấp audio độ phân giải thấp và cố gắng nâng cấp chất lượng những thứ chúng ta nghe trực tuyến hoặc tải về. Ông cũng sẽ dùng băng cassette cho các sản phẩm phát hành lại, bất cứ khi nào có thể.

Ông kể với tôi về lần đầu tiếp xúc với công nghệ số trong ngành thu âm. Đó là cuối thập niên 1980, Young đang ở phòng thu với nhóm Crazy Horse, cùng sản xuất album Ragged Glory. Young hào hứng với công nghệ mới lúc đó vốn cho phép cắt cúp các bản nhạc trên máy tính. Rồi ông nghe lại bản ghi sau lần thu đầu. Các file âm thanh điện tử là một thảm họa. "Nó làm đau tai tôi, giống như bị bắn bằng một khẩu súng máy bắn đá viên" - ông mô tả.

Thật ra, CD không phải là tội ác chống lại bản chất âm thanh. Sự thành công của sản phẩm này thật sự đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn. Đột nhiên, những nhà công nghệ, chứ không phải những kẻ cuồng nhạc, nắm quyền chủ động. Họ khai thác psychoacoustics (tâm lý thanh học) - lĩnh vực nghiên cứu cách con người cảm nhận âm thanh và thính học. Ý tưởng ở đây là đôi tai của chúng ta có thể che giấu những khiếm khuyết trong bản ghi âm. Những gì chúng ta nghe không chỉ là những gì được thể hiện, mà còn là cách chúng ta diễn giải nó.

Những người theo trường phái tâm lý thanh học biết rằng có thể lấy đĩa gốc và bỏ bớt nhiều thứ sao cho nó đủ vừa vào các thiết bị di động, tức nén thành file MP3. Sự hài lòng sẽ đến từ tính di động của trải nghiệm nghe, chứ không phải âm thanh.

Ta nghe thấy cái mình muốn nghe

Một thế kỷ trước, Thomas Edison đã tổ chức các "bài kiểm tra âm sắc" - những buổi nghe nhạc để chứng minh chất lượng của đĩa than Diamond Disc của ông. Việc nhầm giữa bản ghi âm với người thật đang hát có vẻ vô lý, nhưng nhiều tài liệu ghi lại rằng khán giả lúc đó đã không biệt được đâu là đâu khi ngồi nghe một người biểu diễn và một chiếc máy hát cùng được đặt trên một sân khấu tối mò.

Chúng ta đều biết chất lượng của cả đĩa lẫn máy phát lúc bấy giờ là thế nào, vậy làm sao người ta lại có thể bị đánh lừa? David Byrne, người viết về các cuộc kiểm tra trên trong quyển How Music Works, giải thích: "Tôi cho rằng điều này cho thấy chúng ta nghe và cảm nhận những gì chúng ta muốn cảm nhận. Người ta từng thấy UFO, và ở thời Victoria, thấy tiên giáng trần. Tôi không tranh luận UFO có thật không, nhưng có rất nhiều thứ trong lịch sử mà người ta nghe và thấy nhưng thật ra là hoàn toàn tưởng tượng. Và âm thanh cũng như thế".

… hay là cách nghe?

Jonathan Weiss, nhà sáng lập hãng sản xuất thiết bị giải trí tại gia Oswalds Mill Audio, có một máy hát trị giá 363.000 USD, dùng một số linh kiện có trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của quân đội Hoa Kỳ, với dàn loa cao hơn 2,1 mét. Weiss cho rằng "không có thứ gì gọi là âm thanh hoàn hảo".

Port và nhiều dân chơi âm thanh chế nhạo rằng cuộc truy tìm âm thanh hoàn hảo của tôi là vô vọng, rằng hệ thống của tôi sẽ chẳng bao giờ chơi được đủ hay vì tôi không sẵn sàng chừa chỗ đủ rộng cho các dàn loa phù hợp như của Weiss (Tom Cruise cũng sắm một bộ tương tự).

"Đôi khi niềm vui của âm nhạc bị lấn chiếm bởi niềm vui của xây dựng hệ thống âm thanh" - Tony Stott, trưởng bộ phận tiếp thị sản phẩm của Hãng Cambridge Audio, nói. Stott cũng thừa nhận rằng "nghe nhạc chất lượng cũng giống sở hữu một đội đua công thức I. Bạn sẽ tốn một triệu bảng để xe có thể chạy hết một vòng trong 2 phút, nhưng sẽ tốn 10 triệu bảng để chạy nhanh hơn thế chỉ 1 giây".

Tuy nhiên "cách nghe" ngon chưa đủ, "của nghe" cũng phải tốt. "Nạp rác vào thì sẽ phát ra rác. Không phải nói Spotify là đồ bỏ đi, họ có vị trí riêng của mình, cực kỳ tiện lợi và tuyệt vời để nghe nhạc khi đi xe hơi, nhưng khi bạn đã có file độ phân giải cao và đưa nó vào một bộ chuyển DAC (từ digital sang analog), sẽ có sự cải thiện rất lớn" - Stott giải thích.

Với tôi, sự cải thiện đó đến từ Qobuz - một dịch vụ nhạc số chất lượng cao của Pháp thành lập năm 2007 và đến nay lượng người dùng chỉ bằng một phần nhỏ của Spotify. Trong gần 1 năm qua, tôi đã trả 12,99 USD cho Qobuz mỗi tháng, trong khi vẫn giữ thuê bao Spotify. Chỉ cần mở cùng một bản nhạc, chẳng hạn Gimme Shelter của Rolling Stones, trên Qobuz và Spotify thì bạn sẽ nghe thấy sự khác biệt rõ ràng.

Đi tìm thanh âm hoàn hảo - Ảnh 5.

Đầu tư thế này thì sẽ nghe được thanh âm hoàn hảo? Ảnh: Oswalds Mill Audio

Âm thanh hoàn hảo đó chắc không có trên trần gian

Tôi hỏi Michael Fremer, cây bút tiên phong về giới audiophile: "Ông có nghĩ là có âm thanh hoàn hảo không". Và ông lắc đầu: "Có những đĩa hết sức tuyệt vời, nhưng chúng chỉ là đĩa hay thôi. Hoàn hảo ư? Tôi còn không biết nó có nghĩa là gì".

Tôi nhắc ông nhớ khi chúng tôi gặp nhau lần đầu, tại một bữa tiệc âm thanh ở New York do T Bone Burnett tổ chức để mọi người cùng nghe bản thâu âm lại của bài Blowin’ in the Wind của huyền thoại Bob Dylan mà ông ta đang đấu giá. Tôi tự hỏi liệu có phải trong phòng thu đó, chúng tôi có lẽ đã tìm thấy âm thanh hoàn hảo không.

Burnett đã nhanh chóng bác ý tưởng này, còn Fremer thì trở nên phấn khích khi nghe tôi kể lại. Ông lao vào chồng đĩa than và lôi ra một đĩa dập ở Nhật của album 1963 Newport Folk Festival. Trong này cũng có Dylan hát bài Blowin’ in the Wind, với phần bè của Joan Baez, nhóm Freedom Singers, Pete Seeger, Peter Paul và Mary.

"Hãy cứ ngồi đó và thư giãn. Nhắm mắt lại và để không gian bao trùm lấy cậu" - Fremer bảo tôi.

Hai chiếc micro đã ghi lại phần biểu diễn trực tiếp đó. Nhạc cụ duy nhất là chiếc guitar acoustic của Dylan. Chiếc đĩa này không được ghi âm bằng kỹ thuật half-speed hay dùng vinyl tinh khiết. Nó cũng không phải thuộc một bản phát hành lại có giới hạn được tung ra lúc nửa đêm. Đó là một chiếc đĩa bình thường về mọi mặt, trừ thứ phát ra từ loa. Ta có thể nhắm mắt lại, nghe tiếng Baez vang lên từ sau Dylan và có được thứ, dù hoàn hảo hay không hoàn hảo, mà ta sẽ muốn nghe đi nghe lại.■

TRÚC ANH (lược dịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận