Đi tìm một cơ chế đào tạo mới

TRỊNH VĨNH HÀ 05/05/2013 07:05 GMT+7

TTCT - “Ba chung”, “điểm sàn”, rồi “hai điểm sàn”... giúp ích được gì cho một cơ chế đào tạo đại học theo kiểu hình ống đang bỏ ngỏ kiểm soát chất lượng đầu ra?

Phóng to
Đông đảo thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 năm 2012 tại ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Năm 2002, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) theo phương án “ba chung” (chung đề thi, chung đợt thi, sử dụng chung kết quả). Nhưng phải tới năm 2004, Bộ GD-ĐT mới có quy định về “điểm sàn” là mức điểm tối thiểu để thí sinh được xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ.

Với hai năm “không có điểm sàn” cùng với việc ồ ạt mở nhiều trường ĐH mới và nâng cấp CĐ lên ĐH thời đó, điểm đậu ĐH tụt xuống mức kỷ lục khi không ít thí sinh chỉ đạt 9-10 điểm ba môn, kể cả điểm cộng ưu tiên, cũng bước qua được cổng trường ĐH. “Điểm sàn” là một “sáng kiến” trên nền thực trạng đầy bất ổn đó.

Cái “then cửa” tình thế

Suốt từ năm 2004 đến 2012 đã có nhiều lần điều chỉnh quy chế như quy định ba nguyện vọng xét tuyển, quy định thí sinh được phép đăng ký nguyện vọng 1 vào trường không tổ chức thi, rồi tới việc nới thêm cho phép thí sinh có nhiều nguyện vọng khác nhau... Bộ GD-ĐT cũng nỗ lực cải thiện hướng ra đề thi “bám sát chương trình - sách giáo khoa phổ thông, chủ yếu là lớp 12”.

So với thập niên trước đó, độ khó của đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ được hạ “tông” khá nhiều. Những câu hỏi nâng cao, ra ngoài kiến thức cơ bản hoặc câu hỏi đánh đố thí sinh trong đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ thưa dần và hết hẳn. Phổ điểm thi tuyển sinh ĐH-CĐ được nâng lên... Những cải tiến này cũng nhằm gỡ cho các trường và cả thí sinh bị mắc kẹt bởi điểm sàn.

Nhưng trong tám năm này, mặc dù điểm sàn ở cả bốn khối (năm 2012 có thêm khối A1) chỉ dao động từ 13-15 điểm nhưng năm nào cũng có hàng loạt trường khổ sở vì không tuyển đủ chỉ tiêu. Bên cạnh đó là một loạt trường khác làm ngơ quy định, làm ngơ điều kiện đảm bảo chất lượng để “vượt rào”.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH quốc gia TP.HCM, nếu những năm có “ba chung” nhưng chưa có điểm sàn, hầu hết các trường ĐH ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM đều tuyển vượt chỉ tiêu thì khi có điểm sàn, mặc dù công bố tuyển “từ sàn trở lên” vẫn có nhiều trường thuộc khối này vẫn bị hụt nguồn tuyển đáng kể. Có những năm có trường chỉ tuyển được 24-25% so với chỉ tiêu.

Năm 2012, sau tám năm duy trì khá ổn định điểm sàn với cùng một nguyên tắc tính toán thì vẫn có hàng loạt trường cả công lập và ngoài công lập ở những vùng miền khác nhau chỉ tuyển được 20-50% chỉ tiêu.

Với số sinh viên tuyển bằng 65% chỉ tiêu, ông Bùi Thiện Dụ - hiệu trưởng Trường dân lập Phương Đông, một trường ngoài công lập thuộc thế hệ đầu tiên - nhận xét: “Trường tôi tuyển được già nửa là còn may. Có trường thiếu khủng khiếp”. Một loạt trường ĐH năm 2012 không tuyển sinh được một sinh viên hệ chính quy nào, Trường L.T.V., một trường khu vực phía Bắc, năm 2013 phải cho nghỉ việc nhiều giáo viên vì không có người học.

Ông Ngô Kim Khôi, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), khi đề cập vấn đề “điểm sàn” đã cho TTCT xem những bộ số liệu dày cả tấc và cho biết: “Chúng tôi phải dựa vào dữ liệu điểm thi, chỉ tiêu và tính tới cả khả năng di chuyển giữa các vùng miền để đưa ra điểm sàn dự kiến được biểu quyết tại hội đồng gồm nhiều thành phần”.

Theo ông Khôi, “điểm sàn” đã được tính toán trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - người tham dự 100% các cuộc họp xét điểm sàn các năm qua, thì “giữa con số tính toán cơ học và thực tế có sự khác biệt”. Vì chưa chắc thí sinh ở vùng “thừa” đã di chuyển tới vùng “thiếu” và chưa chắc thí sinh đạt “sàn” đã chấp nhận học ở những trường chất lượng kém.

Áp lực “thiếu chỉ tiêu” khiến rất nhiều trường ĐH chỉ nghĩ tới “điểm sàn” như con ngáo ộp mà không tính tới những nguyên do khác, trong đó đáng kể là chất lượng bất ổn của đào tạo. “Điểm sàn” vốn chỉ là cái then cửa mang tính tình thế khi chất lượng giáo dục ĐH chưa kiểm soát nổi. Nhưng tình thế đó cứ lặp đi lặp lại gần một thập niên qua mà không có lối thoát khiến Bộ GD-ĐT không dám nghĩ tới việc rút cái then cài cửa này.

Đẽo cày giữa đường

Cuối năm 2012, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã họp về tình trạng bi đát trong tuyển sinh của các trường để kiến nghị bỏ điểm sàn, nhấn mạnh nguy cơ nhiều trường đóng cửa khi chỉ tuyển được 14% sinh viên. Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT phải có một cuộc họp với đại diện các trường ngoài công lập mà một trong những nội dung chính được bàn là tháo gỡ khó khăn về tuyển sinh cho các trường.

Sau đó, mặc dù Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Không thể bỏ điểm sàn cho tới khi có một phương thức tuyển sinh và cơ chế kiểm soát chất lượng khác” nhưng Bộ GD-ĐT lại trưng cầu ý kiến về thay đổi cách tính điểm sàn và bàn tới việc “nên hay không có hai mức điểm sàn”. Trong đó “điểm sàn” đầu tiên tuyển 90% chỉ tiêu, điểm sàn thứ hai áp dụng cho các trường còn thiếu chỉ tiêu...

“Sáng kiến” này sau khi công bố chẳng những bị công luận bàn luận tơi bời mà bất ngờ nhất là còn vấp phải phản ứng dữ dội từ chính các trường ĐH ngoài công lập. Đại diện một trường tại tỉnh Hưng Yên còn nặng lời cho rằng Bộ GD-ĐT “chơi xấu” các trường ngoài công lập khi xếp họ vào diện “công dân hạng hai”. Nhiều trường ngoài công lập vốn chỉ tuyển sinh phập phù dưới 50% chỉ tiêu cũng không hồ hởi với “điểm sàn 2”, vì cái họ cần là tự chủ tuyển sinh theo ý mình và không bị phân biệt đối xử.

Cần một cơ chế đào tạo khác

Như vậy, đã gần một thập niên bộ loay hoay với việc “gác cửa”, dù điều cần tới vai trò của cơ quan quản lý lại là đưa ra những quyết sách tác động tới các cơ sở giáo dục ĐH-CĐ nhằm thay đổi cơ chế đào tạo. Năm 2006, bộ quyết định đổi mới phương pháp giao chỉ tiêu bằng cách xác định chỉ tiêu của các trường căn cứ vào hai tiêu chí: diện tích đất/1 sinh viên ĐH và tỉ lệ sinh viên/1 giảng viên.

Sau bốn năm đổi mới, năm 2010, đợt rà soát và báo cáo về thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị của các trường ĐH-CĐ được công khai vẫn khiến dư luận choáng váng khi có tới trên 40% số trường tại Hà Nội và 30% số trường tại TP.HCM có diện tích dưới 5m2/1 sinh viên, tình trạng trên dưới 20 sinh viên/giảng viên quy đổi cũng phổ biến. Nhiều trường lập danh sách giảng viên khống để đối phó nhằm duy trì và nâng chỉ tiêu tuyển sinh. Có những trường, những ngành không có GS, PGS, TS đảm nhiệm việc giảng dạy.

Từ năm 2007-2012, năm nào bộ cũng xử lý hàng chục trường tuyển vượt chỉ tiêu. Năm 2012, Bộ GD-ĐT áp dụng việc “các trường tự xác định chỉ tiêu trên cơ sở các tiêu chí được quy định về diện tích đất và tỉ lệ sinh viên/giảng viên”. Cách thức này vẫn không khiến các trường tự chịu trách nhiệm được. Bằng chứng là có tới 20 trường bị phạt chủ yếu do lỗi tuyển vượt, trong đó có cả trường công và tư.

Tất cả những nỗ lực đó của Bộ GD-ĐT tựu trung vẫn nằm ở việc “gác” đầu vào. Mặc dù đã có quy định việc xác định và công khai chuẩn đầu ra của các trường ĐH-CĐ nhưng tới nay còn rất nhiều trường chưa công bố. Thực tế, việc công bố chuẩn đầu ra ở nhiều trường vẫn chỉ dừng lại ở việc báo cáo. Mấu chốt của bài toán chất lượng là hầu hết các trường ĐH-CĐ hiện nay vẫn tuân thủ mô hình đào tạo hình ống chứ không phải hình tháp.

Ông Bùi Văn Ga cho TTCT biết khi còn là hiệu trưởng ĐH Đà Nẵng, ông cũng đã thử nghiệm áp dụng “cơ chế đào thải” hoãn công nhận tốt nghiệp của khoảng 30% số sinh viên để siết chặt chất lượng đào tạo. Nhưng đã có rất nhiều áp lực khiến tỉ lệ này rút xuống 10% và khó duy trì lâu dài.

Tại Hà Nội, một số trường như ĐH Xây dựng, ĐH Giao thông vận tải bắt đầu đặt ra bài toán “đào tạo có đào thải” khi áp dụng học chế tín chỉ nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Thành, hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, cho biết: “Chúng tôi cũng hướng đến ý tưởng đào tạo “hình tháp” nhưng gặp nhiều khó khăn, áp lực từ xã hội, từ người học và từ chính đội ngũ cán bộ giảng viên. Bởi thói quen “vào là ra” ở ĐH ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người ở VN. Có khóa có tới 40% sinh viên phải lùi thời hạn tốt nghiệp nhưng nói chung vẫn rất ít sinh viên phải thôi học vì kết quả kém”.

Phần đông lãnh đạo các trường ĐH vẫn đang bảo vệ quan điểm “gác đầu vào” để nâng chất lượng. Một lãnh đạo của Trường ĐH sư phạm Hà Nội từng bày tỏ: “Đầu vào của trường tôi cao hơn hết các trường sư phạm khác nên yên tâm có chất lượng tốt”. Nhưng với xu thế quay lưng với sư phạm hiện nay, niềm tự hào của trường này cũng chỉ là việc “so bó đũa chọn cột cờ”, những tấm bằng tốt nghiệp từ đây có thể giúp dễ xin việc hơn chứ không khiến chất lượng đào tạo theo kịp yêu cầu mới.

Việc một số tỉnh “nói không” với bằng tốt nghiệp của một số trường đã ít nhiều có tác động tới nguồn tuyển của các trường này. Nhưng để thay đổi bất ổn về chất lượng của cả hệ thống ĐH-CĐ, sản phẩm của các trường vẫn cần được kiểm định. GS Bành Tiến Long, tác giả phương án thi “ba chung”, cũng cho rằng “ba chung” không thể duy trì mãi được mà cần giao tự chủ tuyển sinh cho các trường.

Nhưng để thực hiện việc này mà đảm bảo chất lượng đào tạo thì cần có những cơ sở kiểm định độc lập có uy tín thẩm định sản phẩm và thực hiện xếp loại các trường ĐH để buộc các trường phải cạnh tranh bằng chất lượng.

Những năm đầu tiên khi có điểm sàn, từng có trường ĐH thản nhiên tuyển những thí sinh dưới sàn vào lớp “dự bị ĐH” để dần dần hợp thức hóa, chỉ tới khi công luận lên tiếng thì bộ mới thổi còi. Liên tục trong tám năm qua, hàng chục trường có khả năng tuyển được thí sinh “trên sàn” đã nỗ lực tuyển vượt chỉ tiêu, có trường vượt tới gần 40% chỉ tiêu.

Còn năm 2012, khi Bộ GD-ĐT cho phép một số trường khó khăn tuyển sinh dưới sàn 1 điểm, lại tái diễn cảnh hàng loạt thí sinh 9-10 điểm cũng đậu ĐH. Tấm gương tày liếp đó chính là nỗi sợ của nhà quản lý khi nghĩ tới việc “tháo dỡ then cửa”.

Song trước áp lực từ nhiều phía, bộ lại tiến hành một hình thức trưng cầu ý kiến về “hai điểm sàn”, để rồi khi lại đối diện trước nhiều phản ứng, đại diện Bộ GD-ĐT một lần nữa biện luận: “phương án hai điểm sàn” đưa ra là để “tập hợp ý kiến đóng góp, không phải phương án do Bộ GD-ĐT quyết định”.

Không thể không đặt câu hỏi: nếu các trường ủng hộ nhiệt liệt “hai điểm sàn” thì sao? Ai đảm bảo lúc ấy chiếc “then cài cửa” không được nới ra lần nữa, đồng nghĩa với việc hạ chất lượng ĐH, vốn đã bất ổn?

___________

Ông Matthew Goldstein, hiệu trưởng hệ thống ĐH công New York (City University of New York - CUNY) từ năm 1999, vừa thông báo sẽ nghỉ hưu vào tháng 6 tới. Nhiệm kỳ của ông đã để lại một bài học không chỉ cho các trường ĐH và CĐ công mà còn cho tất cả các trường tiểu học và trung học tại Mỹ.

Phóng to
CUNY sẽ xây dựng trụ sở cho một trường mới của hệ thống ở khu phía tây Manhattan - một khu vực trung tâm - Ảnh: New York Times

Trước đây, các trường CUNY được đánh giá là những học viện hàn lâm xuất sắc. Với mức học phí thấp, các trường này là sự lựa chọn hợp lý nhất sau giai đoạn trung học đối với con em nhiều gia đình nghèo, thuộc tầng lớp lao động ở New York (Mỹ), trong đó có các gia đình nhập cư.

Danh sách các cựu sinh viên xuất sắc của CUNY từ đầu đến giữa thế kỷ 20 bao gồm những cái tên nổi bật như Felix Frankfurter, Jonas Salk (từng đoạt giải Nobel), Colin Powell, Frank McCourt, Andy Grove... - một danh sách hoàn toàn không kém cạnh bất kỳ trường ĐH nào, kể cả các trường Ivy League (nhóm tám trường ĐH hàng đầu nước Mỹ như Harvard, Yale, Princeton...).

Nhưng giai đoạn vàng son đó đột ngột chấm dứt sau năm 1970, khi các trường CUNY áp dụng chính sách “tuyển sinh mở”, cho phép mọi học sinh tốt nghiệp trung học được nhập học. Sự dễ dãi đó đã biến các trường CUNY trở thành những học viện chất lượng thấp. Sự xuống cấp kéo dài đến cuối thập niên 1990.

Hiệu trưởng CUNY Matthew Goldstein - Ảnh: cuny.edu

Năm 1999, thị trưởng New York khi đó là Rudy Giuliani đã bổ nhiệm một nhóm chuyên gia do cựu hiệu trưởng ĐH Yale Benno Schmidt đứng đầu để thực hiện một cuộc cải tổ toàn diện CUNY và Matthew Goldstein, cựu sinh viên Trường City College (thuộc CUNY), khi đó là hiệu trưởng ĐH Adelphi, được bổ nhiệm làm người lãnh đạo hệ thống này.

Ngay lập tức, ông áp dụng hàng loạt chính sách nghiêm ngặt: quy định tuyển sinh nghiêm ngặt (bao gồm điểm đánh giá năng khiếu học sinh SAT), buộc các trường phải đạt các tiêu chuẩn giáo dục hằng năm rõ ràng. Ông bổ nhiệm các hiệu trưởng mới tại 24 trường CUNY và tuyển dụng gần 2.000 giáo viên loại giỏi cho các trường này.

Kết quả là có thêm nhiều học sinh giỏi xin nhập học tại các trường CUNY, tỉ lệ tốt nghiệp trong vòng sáu năm học tăng từ 31% lên 50%. Nhiều sinh viên CUNY đã giành các học bổng danh giá như Rhodes, Truman và Marshall. Không dừng lại ở đó, Goldstein tiếp tục góp phần xây dựng một chương trình giảng dạy đồng bộ nhằm nâng chuẩn giáo dục của các trường CUNY tới tầm quốc gia. Chương trình giảng dạy này cũng giúp các sinh viên dễ dàng chuyển từ trường này sang trường khác thuộc hệ thống CUNY.

Nhiệm kỳ 14 năm của ông Goldstein cho thấy những gì mà một hệ thống giáo dục có thể đạt được khi các trường đề ra tiêu chuẩn cao với sinh viên, giáo viên và ban giám hiệu, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện các mục tiêu và quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đó. Các trường công ở Mỹ thường quá chú trọng thực hiện các mục tiêu ngắn hạn nhằm tìm kiếm thành công trước mắt mà bỏ quên những giá trị thực tiễn.

Chính sách “tuyển sinh mở” của CUNY là một ví dụ điển hình. Tình trạng xuống cấp ở các trường tiểu học và trung học tại Mỹ đang xảy ra và các nhà giáo dục Mỹ góp phần làm tình trạng này thêm trầm trọng khi cấp cho học sinh, sinh viên những tấm bằng vô giá trị.

Trên thực tế, việc quyết tâm theo đuổi các tiêu chuẩn cao là cực kỳ quan trọng. Những người phản đối ông Goldstein từng cho rằng tiêu chuẩn quá cao sẽ hủy hoại hệ thống CUNY. Nhưng chính những tiêu chuẩn mà ông Goldstein đề ra đã nâng tầm CUNY. Ông đã chứng minh rằng một cá nhân đơn lẻ cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Điều đó không hề dễ dàng với những tổ chức đầy tính chất chính trị như các trường công.

Quả thật ông đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo giáo dục của thành phố lớn nhất nước Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận