Di sản "bể nát" của ông Bush ở Iraq

HỮU NGHỊ 14/11/2015 02:11 GMT+7

TTCT - Nếu xem việc cựu thủ tướng Anh Tony Blair tự nhận đã sai lầm và từ sai lầm đó đã dẫn đến tình hình Iraq hiện nay là chính xác, thì cũng phải xem lại phần sai lầm của cựu tổng thống Mỹ George W. Bush cùng những hậu quả mà Tổng thống Barack Obama nay vẫn đang loay hoay tháo gỡ…

Ông George W. Bush đã tìm cách lật đổ ông Saddam Hussein, khơi mào những tai họa hiện nay ở Iraq và cả khu vực Trung Đông -huffingtonpost.com
Ông George W. Bush đã tìm cách lật đổ ông Saddam Hussein, khơi mào những tai họa hiện nay ở Iraq và cả khu vực Trung Đông -huffingtonpost.com

Hôm 22-10, một binh sĩ lực lượng đặc biệt Mỹ đã tử trận trong một cuộc đột kích giải cứu một nhóm 70 con tin bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng giam giữ tại Hawija (Iraq). Đây là binh sĩ Mỹ đầu tiên chết trận tại Iraq kể từ tháng 11-2011, sau khi quân đội Mỹ vào Iraq từ năm 2003 theo lệnh của tổng thống Bush và được rút ra khỏi Iraq theo lệnh của Tổng thống Obama.

Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cho biết sẽ còn có những cuộc đột kích như vậy tại Iraq và cả Syria nhắm vào lực lượng ISIS (Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria), theo NBC News 30-10-2015. Làm thế nào mà một người cách đây chục năm đã kịch liệt chống mọi ý định lâm chiến tại Iraq, nay lại để Bộ Quốc phòng lao trở lại Iraq và Syria? Chẳng qua tình hình Iraq hiện tại là di sản của cựu tổng thống Bush.

Tất cả bắt đầu hôm thứ ba 18-3-2003 với việc Tổng thống Bush lên truyền hình trình bày với dân chúng Mỹ: “Tin tình báo mà chính phủ này cùng các chính phủ khác thu thập được không để lại chút hồ nghi nào rằng chế độ Iraq tiếp tục làm chủ và che giấu một số vũ khí nguy hiểm nhất chưa từng được nghĩ ra...

Suốt bốn tháng rưỡi qua, Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta đã làm việc với Hội đồng Bảo an... Tuy nhiên, một số thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào buộc Iraq giải trừ vũ khí...

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã không xứng với trách nhiệm của mình, thế nên chúng ta sẽ vươn tới trách nhiệm của chúng ta”. Hai ngày sau, tức 20-3, cuộc chiến bắt đầu và kết thúc sau 19 ngày (tức ngày 9-4), với biểu tượng là tượng của Saddam Hussein bị một xe tăng M88 của Mỹ ủi đổ ở quảng trường Firdos giữa thủ đô Baghdad.

Người kịch liệt chống chiến tranh Iraq

Tại Mỹ, một chính khách nổi lên với lập trường phản đối ý định tấn công Iraq của chính quyền Bush là nghị sĩ Barack Obama. Hôm 2-10-2002, ông Obama đã đọc một bài diễn văn nảy lửa tại Chicago: “Đứng trước các bạn là một người không phản đối cuộc chiến trong mọi tình huống...

Tôi không phản đối mọi cuộc chiến... Và tôi biết rằng trong đám đông này hôm nay không thiếu những người yêu nước hay của lòng yêu nước... Những gì tôi phản đối là một cuộc chiến tranh ngu xuẩn... Một cuộc chiến tranh không dựa trên lý trí nhưng trên tham vọng...

Hãy để tôi nói rõ: tôi chẳng ảo tưởng gì về Saddam Hussein. Đó là một con người tàn bạo, tàn nhẫn. Một người tàn sát dân của mình để đảm bảo cường quyền của mình... Một kẻ xấu. Trên thế giới và dân chúng Iraq sẽ tốt đẹp hơn nếu không có ông ta...

Song tôi cũng biết rằng Saddam nào có là mối đe dọa tức khắc hay trực tiếp gì đối với Hoa Kỳ hay các láng giềng của ông ta, rằng kinh tế Iraq đang tan tác, rằng quân đội Iraq nay chỉ còn là một phần nhỏ sức mạnh vốn có của nó, và rằng... có thể ngăn chặn được Saddam đến khi ông ta rơi vào trong thùng rác của lịch sử, theo cách của tất cả nhà độc tài”.

Khi đọc “diễn văn Chicago” đó, có lẽ nghị sĩ Barack Obama sớm hình dung ra thảm kịch mà bảy năm sau, trong tư cách tổng thống Mỹ thứ 44, ông sẽ phải giải quyết hậu quả. Ông Obama cảnh báo: “Tôi biết rằng ngay cả khi một cuộc chiến tranh chống lại Iraq thành công cũng sẽ đòi hỏi một sự chiếm đóng kéo dài vô hạn, với phí tổn cùng những hậu quả không tài nào xác định được.

Tôi biết rằng một cuộc tấn công Iraq mà không có lý do rõ ràng, không có sự hỗ trợ quốc tế mạnh mẽ sẽ chỉ thổi bùng lửa cháy ở Trung Đông và khuyến khích những việc tồi tệ nhất chứ không phải những gì tốt nhất, làm rúng động thế giới Ả Rập và làm tăng cường cánh tay tuyển mộ của al-Qaeda. Tôi không phản đối tất cả cuộc chiến tranh. Tôi chỉ phản đối các cuộc chiến tranh ngu xuẩn”.

Ngày 18-3 năm sau, trong diễn văn tối hậu thư của mình, tổng thống George Bush vẽ ra một tương lai xán lạn cho dân chúng Iraq: “Chúng tôi sẽ giật sập bộ máy kinh hoàng và giúp các bạn xây dựng một Iraq mới thịnh vượng, tự do... Sẽ chẳng còn chiến tranh với láng giềng, chẳng còn nhà máy độc dược, chẳng còn hành quyết người phản đối, tra tấn hay cưỡng hiếp...”.

Ông Obama với dự báo “đen đủi” trước đó ở Chicago hay ông Bush với hứa hẹn “tươi sáng” của mình, ai đúng, ai sai? Thời gian và thực tế nội chiến cùng những vụ nổ bom hằng ngày ở Iraq, rồi nay có sự xuất hiện của ISIS chính là câu trả lời.

Nội chiến Iraq

Chiến thắng của ông Bush trước ông Saddam tháng 3-2003 đã không đem lại hòa bình, an ninh, trật tự như ông đã nghĩ trước khi tấn công Iraq. Không đầy bốn năm sau, hôm 10-1-2007, ông Bush lên truyền hình loan báo: “Nước Mỹ sẽ thay đổi sách lược nhằm giúp người Iraq tiến hành giảm bạo lực giáo phái và nhằm đem lại an ninh cho dân chúng Baghdad.

Thế cho nên tôi đã quyết đưa thêm hơn 20.000 binh sĩ Mỹ đến Iraq, mà phần lớn sẽ được triển khai ở Baghdad”. Ngay trong ngày 10-1-2007 đó, ABC News đưa tin toán tiền trạm của sư đoàn 82 không vận vừa đến Baghdad.

Nghị sĩ Obama, trong một bài diễn văn khác đọc ở thành phố Clinton (bang Iowa) hôm 12-9-2007, đã nhận xét chua chát như sau về cuộc chiến tranh Iraq của ông Bush: “George Bush đã lầm. Những kẻ tấn công chúng ta hôm 11-9 ở Afghanistan chứ không ở Iraq... Al-Qaeda ở Iraq đâu có hiện diện ở đó trước chiến tranh...

Tôi chống cuộc chiến này ngay từ đầu, tôi chống trong năm 2002, tôi chống trong năm 2003, tôi chống trong năm 2004, tôi chống trong năm 2005, tôi chống trong năm 2006”.

Việc lặp lại mệnh đề “tôi chống” những sáu lần liên tiếp như thế nhằm tách bạch ứng cử viên tổng thống tương lai Obama với “cục nợ Iraq” của ông Bush khi mà từ một Iraq “thống nhất” dưới trào Saddam, Iraq năm 2007 rơi hẳn vào cuộc nội chiến không dung thứ giữa phái Sunni và phái Shiite.

Ứng cử viên Obama than: “Binh sĩ chúng ta đã hoạt động xuất sắc, đã chiến đấu hơn bốn năm qua nhằm đem lại cho người Iraq cơ hội có một tương lai xán lạn hơn, song họ đã không thể - và cũng không nên - chịu trách nhiệm giải quyết các thương đau ngay giữa cuộc nội chiến Iraq. Người Iraq không chịu hòa giải với nhau.

Họ không vượt qua được những xung đột của bao thế kỷ đã qua giữa các giáo phái và đang rơi trở lại trong đó. Giải pháp cho Iraq là chính trị chứ không phải quân sự. Tôi muốn nói rõ: không có giải pháp quân sự ở Iraq, bây giờ và trước kia. Hãy bắt đầu rút quân Mỹ ra thôi. Ngay bây giờ, chứ không phải trong sáu tháng hay một năm”.

Làm sao người Iraq được giải phóng khỏi Saddam rồi lại quay qua bắn giết lẫn nhau? Một trong những nguyên nhân cơ bản là việc ông Bush đã sử dụng một Nouri Al-Maliki trong vai trò thủ tướng từ năm 2006 và mãi đến năm 2014 mới chịu rời chức vụ này dù thất cử trước đó.

Fawaz Gerges, giám đốc Trung tâm Trung Đông của Trường Kinh tế và chính trị London danh tiếng, mô tả ông Maliki trong quyển Obama and the Middle East: The End of America’s Moment? như là một kẻ chuyên kết bè phái tôn giáo và nắm chặt bộ máy an ninh, là biểu tượng của một Trung Đông nay bị biến đổi thành độc đoán hơn nữa và giáo phái này, giáo phái nọ hơn nữa. Ông Maliki và cuộc nội chiến giữa dòng Shiite và dòng Sunni chính là một di sản cuộc chiến Iraq của ông Bush.

Di sản không muốn để lại 

“Nếu nhìn lại Iraq trước kia, tôi không nói rằng Saddam là một người tốt... Nhưng Iraq lúc đó tốt hơn rất nhiều so với bây giờ. Ngay bây giờ, Iraq là một sân tập cho bọn khủng bố.

Thành thật mà nói, bây giờ chẳng còn Iraq và Libya. Tất cả đã tan nát. Bây giờ chẳng ai còn kiểm soát được gì. Không ai biết những gì đang xảy ra... Thế giới sẽ 100% tốt đẹp hơn với Saddam Hussein và với Gaddafi...” - chuẩn ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu tại Chicago trong chương trình “Tình trạng đất nước” của Đài CNN ngày 25-10-2015.

Tổng thống Obama, người kịch liệt phản đối chiến tranh Iraq, đã rút quân Mỹ khỏi đây năm 2011, nay dường như bị lôi vào một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc ở Iraq với việc một binh sĩ lực lượng đặc biệt Mỹ tử trận hôm 22-10.

Câu hỏi đặt ra là giải cứu các con tin không phải là người Mỹ có thật sự tối cần thiết để Mỹ xuất quân trở lại tại Iraq, hay đây là một nỗ lực trong một kế hoạch nhằm cân bằng sự sắp sửa can thiệp của không quân Nga tại Iraq?

Tuần rồi, tướng Joseph Dunford, chủ tịch tham mưu liên quân, đến Iraq cảnh cáo nếu Iraq mời Nga vào không kích, Mỹ sẽ không thể giúp Iraq được nữa. Thoạt tiên có tin Thủ tướng Iraq Abadi không nhờ Nga, song đến cuối tuần lại có tin sẽ mời! Ngược lại cũng có tin chính quyền Abadi không mời bộ binh Mỹ trở lại.

Sự xích lại gần nhau giữa Baghdad và Matxcơva đã xuất hiện ngay từ trào cựu thủ tướng Maliki, khi ông này ký kết với Nga vào tháng 10-2012 một hợp đồng trị giá 4,2 tỉ USD mua hệ thống phòng không Pantsir-S1 cùng trực thăng vũ trang Mi-28NE. Đây là vụ mua sắm vũ khí lớn nhất của Iraq bên ngoài Mỹ cùng các đồng minh phương Tây kể từ sau chiến tranh. Vụ mua sắm này là cú “bắt tay” đầu tiên giữa Iraq hậu Saddam và Nga. Với việc Chính phủ Iraq “mời” không quân Nga không kích giùm IS, đây lại hứa hẹn một khả năng “ôm cầm sang thuyền khác” trong bối cảnh Syria đang hầu như rơi hẳn vào tay Nga cũng với chiêu bài tiêu diệt IS.

Ông Obama không thể rời Nhà Trắng với một di sản là Iraq, vốn được ông Bush giải phóng, nay lại có đồng minh thân thiết nhất là Nga!■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận